VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin nổi bật

Chưa điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2020

16/06/2020 - 375 Lượt xem

 

(TBTCO) - Phát biểu tại Quốc hội chiều 15/6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trước những thách thức và diễn biến khó lường của dịch Covid-19, quán triệt ý kiến kết luận của Bộ Chính trị, Chính phủ đã trình Quốc hội trước mắt chưa điều chỉnh các chỉ tiêu KTXH năm 2020.
 
KHĐT
 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

 

Chủ động điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công giữa các bộ, ngành, địa phương

Trình bày về định hướng, chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ năm 2020, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ sẽ chủ động điều hành các chính sách để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, an sinh xã hội, sinh kế, việc làm, đời sống, nhất là đối với người lao động, đối tượng chính sách, người nghèo, người yếu thế.

Chủ động điều hành và điều chỉnh các chỉ tiêu về ngân sách nhà nước (NSNN) phù hợp với tình hình thực tiễn; chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn (KHĐTCTH) và vốn hàng năm theo ngân sách trung ương (NSTW) năm 2020 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong tổng mức vốn NSTW năm 2020 đã được Quốc hội quyết định; phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội (KTXH) năm 2020.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp, yêu cầu quan trọng nhất đặt ra hiện nay là cần duy trì, củng cố nền tảng ổn định vĩ mô, bảo đảm an toàn, an ninh trên tất cả các khía cạnh của nền kinh tế. 

Theo đó, cần phải kết hợp hài hòa giữa các giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Đó là tập trung hỗ trợ ngay cho khu vực doanh nghiệp (DN) tư nhân trong nước vượt qua được khó khăn hiện nay, giảm thiểu việc phá sản các DN hoặc bị nước ngoài thâu tóm với giá rẻ; nâng cao năng lực cạnh tranh và đủ sức tham gia được chuỗi giá trị, tận dụng cơ hội sau khi hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, chiếm lĩnh thị trường trong nước và khẩn trương rà soát, điều chỉnh, cơ cấu lại nền kinh tế và có tính đến những yếu tố mới trong bối cảnh mới. 

Theo số liệu điều tra cho thấy, các DN vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là về dòng tiền. Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành và triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nhưng mức độ tiếp cận các giải pháp hỗ trợ của các DN còn rất khác nhau. Một số chính sách chưa đi vào cuộc sống còn khó tiếp cận, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận xét. 

Tại kỳ họp thứ 9 này, Chính phủ tiếp tục trình Quốc hội xem xét thông qua các giải pháp thuộc thẩm quyền của Quốc hội, theo đó sẽ có nhiều giải pháp mạnh hơn hướng tới hỗ trợ cho các DN. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, việc cần làm hiện nay của các cấp, các ngành là cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn các giải pháp đã đề ra; đồng thời tổ chức theo dõi, đánh giá hiệu quả từng giải pháp để từ đó đề xuất điều chỉnh; cần thiết cải cách hành chính mạnh mẽ, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay trong hoạt động của các DN. 

Kế hoạch đón làn sóng đầu tư mới 

Một vấn đề quan trọng nữa là việc tận dụng cơ hội trong thu hút đầu tư. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt để đón làn sóng hợp tác đầu tư nước ngoài mới. Hiện nay Việt Nam đang trở thành một điểm đến an toàn cho đầu tư, thương mại và du lịch. 

Tuy nhiên, như một số đại biểu đã đề cập, để đón nhận được làn sóng đầu tư mới này nhất là thu hút được các tập đoàn lớn, các nhà đầu tư lớn có rất nhiều việc cần phải làm, nhất là việc cải cách mạnh mẽ thực chất hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh; đặc biệt là đơn giản hóa thủ tục hành chính, chuẩn bị tốt các điều kiện như về hạ tầng, đất đai, lao động, năng lượng, quy hoạch… "Chính sách phải ổn định nhất quán, các quyết định phải nhanh chóng, kịp thời" - ông Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Chúng ta cần lựa chọn những dự án phù hợp với định hướng chỉ đạo của Bộ Chính trị. Đồng thời, cần xem các nhà đầu tư cần gì để trao đổi, hợp tác, mang lại những lợi ích cho cả 2 phía. Trong bối cảnh các nước khác cũng đang cạnh tranh gay gắt, quyết liệt để thu hút dòng đầu tư này thì Việt Nam cần phải có các chính sách ưu đãi kịp thời, mang tính cạnh tranh hơn để đảm bảo thu hút được đầu tư có chọn lọc như chúng ta mong muốn.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải xây dựng một bộ tiêu chí để tránh thu hút các DN FDI bằng mọi giá, nhất là những dự án công nghệ thấp, ảnh hưởng đến môi trường, sử dụng nhiều lao động, tài nguyên, nhiều năng lượng,…

Còn thủ tục, quy định làm chậm giải ngân đầu tư công

Về đầu tư công nhiều đại biểu đã bày tỏ sự đồng tình về các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công có vai trò quan trọng, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong điều kiện hiện nay. Kết quả giải ngân đầu tư công của 5 tháng đầu năm cho thấy có xu hướng tích cực và cao hơn so với cả cùng kỳ. 

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đánh giá vẫn còn nhiều quy định về thủ tục chưa thực sự hỗ trợ được giải ngân vốn đầu tư công như về đấu thầu, xây dựng, đất đai, môi trường… làm mất nhiều thời gian trước khi triển khai thực hiện dự án.

Trong thời gian tới cần phải tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định này tạo điều kiện thuận lợi hơn để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và sử dụng hiệu quả nguồn vốn; sớm hoàn thành các dự án, nhất là các dự án hạ tầng quan trọng của đất nước phục vụ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng.

Mặt khác đầu tư công cũng cần phải có những kế hoạch và phải đi trước một bước so với thực tiễn của công tác thu chi NSNN để chuẩn bị tốt KHĐTCTH giai đoạn 2021 - 2025. 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm ban hành nguyên tắc tiêu chí định mức phân bổ vốn đầu tư cho nguồn vốn NSNN giai đoạn 2021 - 2025 để có căn cứ xây dựng KHĐTCTH. Đây là yếu tố rất quan trọng, bởi lẽ nguyên tắc tiêu chí định mức phân bổ nguồn vốn NSNN giai đoạn 2016 - 2020 trước đây không còn phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công và không thể áp dụng được cho giai đoạn 2021 - 2025.

"Chúng ta đã làm được điều kỳ diệu về kiểm soát đại dịch Covid-19 với sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị chắc chắn Việt Nam chúng ta sẽ tiếp tục làm được một điều kỳ diệu nữa, đó là nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu. 

 

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn