VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin nổi bật

EVIPA: Lợi thế người đi trước và động lực mới cho Việt Nam

12/06/2020 - 435 Lượt xem

(Chinhphu.vn) – Việc thực thi Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) sẽ  đem lại một cơ sở tốt cho việc mở rộng các cơ hội đầu tư và thương mại giữa hai bên; đồng thời cũng sẽ là một động lực cho Việt Nam tiếp tục cải cách, hoàn thiện thể chế thu hút đầu tư.
 
EVFTA sẽ mang lại những tác động tích cực ngay lập tức cho các doanh nghiệp ở cả Việt Nam và châu Âu.

 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc thực hiện cam kết theo Hiệp định EVIPA vừa được phê chuẩn tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, sẽ là động lực thúc đẩy Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, bình đẳng, an toàn, minh bạch và thân thiện hơn đối với nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế.

Cùng với những cam kết về mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư theo Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA), việc thực thi Hiệp định EVIPA sẽ tạo môi trường thuận lợi để Việt Nam đẩy mạnh thu hút đầu tư trong một số lĩnh vực mà EU có tiềm năng và thế mạnh do mức độ tự do hóa đầu tư của EU vào Việt Nam sẽ được tăng thêm, đặc biệt là trong một số ngành dịch vụ chuyên môn, dịch vụ tài chính, dịch vụ viễn thông, dịch vụ vận tải, dịch vụ phân phối, công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Bên cạnh đó, đầu tư từ EU trong các lĩnh vực này có thể hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế trong nước. Thông qua liên kết sản xuất với doanh nghiệp có vốn đầu tư của EU, doanh nghiệp trong nước sẽ có cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của EU và toàn cầu, được chuyển giao công nghệ, kỹ năng, qua đó sẽ nhận được tác động lan tỏa về công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, góp phần tăng sức cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các quy định của Hiệp định EVIPA được xây dựng chi tiết, có tiêu chí rõ ràng, ghi nhận quyền ban hành và thực hiện chính sách của mỗi bên. Điều đó sẽ góp phần bảo đảm để các quy định của Hiệp định EVIPA được hiểu và áp dụng một cách nhất quán, giúp hạn chế tối đa khả năng tranh chấp xảy ra.

Mặt khác, việc thiết lập cơ chế giải quyết tranh chấp thường trực theo Hiệp định EVIPA để giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư của một bên được đánh giá là bước tiến mới so với cơ chế trọng tài giải quyết tranh chấp theo từng vụ việc mà Việt Nam đã áp dụng theo 66 Hiệp định song phương về khuyến khích và bảo hộ đầu tư đã ký kết trong gần 30 năm qua.

Với những điểm tiến bộ nêu trên, Hiệp định EVIPA tạo cơ sở pháp lý bảo đảm để Việt Nam thực thi các cam kết theo Hiệp định này và pháp luật của mình một cách công bằng, minh bạch, nhất quán và có hiệu quả.

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, thể chế, chính sách, cơ chế quản lý của Việt Nam vẫn còn một số mặt hạn chế; hệ thống kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế nói chung và nhu cầu các nhà đầu tư EU nói riêng.

Việc thực hiện cơ chế giải quyết tranh chấp theo Hiệp định EVIPA cũng đặt ra những thách thức lớn hơn trong việc xây dựng và thực thi pháp luật, phòng ngừa và giải quyết có hiệu quả tranh chấp, vướng mắc với nhà đầu tư.

Những thách thức nêu trên đòi hỏi Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp phải thực hiện những giải pháp đồng bộ, toàn diện để có thể phát huy tối đa những lợi ích từ Hiệp định EVIPA và EVFTA.

Theo đó, những giải pháp cụ thể là tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế để thực thi Hiệp định theo hướng minh bạch hóa điều kiện gia nhập thị trường cho người dân, doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thông qua việc cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh nói chung và điều kiện tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài nói riêng.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và tính sẵn sàng đối với việc tận dụng các cơ hội từ Hiệp định. Theo đó, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; cải thiện hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sản phẩm, môi trường, tài nguyên phù hợp với tiêu chuẩn của khu vực và thế giới để thu hút các dự án đầu tư chất lượng cao, hỗ trợ cho sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam và bảo vệ người tiêu dùng…

Lợi thế của người đi trước từ 7-10 năm

Trong khi đó, theo ông Giorgio Aliberti (Đại sứ Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam), Việt Nam có thể hưởng lợi một cách đầy đủ về cả thương mại và đầu tư khi EVFTA và EVIPA có hiệu lực.

Sự mở rộng thương mại và tăng trưởng đầu tư có những mối tương tác phức tạp. Cho tới nay, trong ASEAN, Việt Nam là nước xuất khẩu hàng hóa lớn nhất sang EU, gần gấp đôi so với nước xuất khẩu lớn thứ hai là Singapore. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ mua một lượng hàng hóa bằng 1/3 từ EU, dẫn đến thâm hụt thương mại lớn. Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), EU là nhà đầu tư lớn nhất trong ASEAN, trên Nhật Bản và Trung Quốc. Tuy nhiên, EU chỉ là đối tác FDI lớn thứ năm của Việt Nam.

Khi đi vào hiệu lực, EVFTA sẽ mang lại những tác động tích cực ngay lập tức cho các doanh nghiệp ở cả Việt Nam và châu Âu. Xuất khẩu của Việt Nam sang EU dự kiến sẽ tăng 15 tỷ euro, trong khi xuất khẩu của EU dự kiến chỉ tăng bằng một nửa con số này. Tuy nhiên, những con số không thể hiện được hết nhiều lợi ích mang tính động sẽ mang lại cho các nền kinh tế và xã hội của cả hai phía.

Theo phân tích của ông Giorgio Aliberti, FDI thường theo sau quan hệ thương mại mạnh mẽ. Ở chiều ngược lại, nhiều vốn FDI hơn có khả năng làm gia tăng tiềm năng thương mại giữa các đối tác. Do đó, để thúc đẩy mối quan tâm của EU trong đầu tư vào Việt Nam, Việt Nam cần tạo thuận lợi cho trao đổi thương mại ô tô, dược phẩm, máy móc, thiết bị điện tử.

Nếu có sự gia tăng hoạt động thương mại của EU vào Việt Nam, thì EVFTA có khả năng sẽ kích hoạt một làn sóng FDI mới từ EU vào Việt Nam. Đầu tư từ EU có chất lượng hàng đầu. Các công ty châu Âu mang các kỹ năng cao, kinh nghiệm tốt nhất về tổ chức và công nghệ hàng đầu thế giới đến Việt Nam. FDI của châu Âu đi kèm với các tiêu chuẩn cao về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc bảo vệ và đào tạo công nhân và nhân viên, cũng như việc tôn trọng và bảo vệ môi trường.

“Cả hai hiệp định trên đều mang đến cho Việt Nam cơ hội trở thành một trung tâm sản xuất của khu vực. So với các nền kinh tế tương đồng trong khu vực, Việt Nam có lợi thế của người đi trước, đó là có từ 7 - 10 năm vàng với đặc quyền tiếp cận thị trường EU. Chỉ có Singapore, nước đã ký kết và phê chuẩn FTA trước Việt Nam, ở vào vị trí thuận lợi tương tự”, ông Giorgio Aliberti nhận định.

Đại sứ cho rằng, việc thu hút và giữ chân nhiều hơn nữa FDI của EU yêu cầu phải có sự cải cách và tinh giản các quy tắc và thủ tục. Thúc đẩy số hóa và khả năng truy cập từ bên ngoài Việt Nam khi bắt đầu và thực hiện các thủ tục này có thể giúp thu hút nhiều hơn các doanh nghiệp nhỏ và vừa toàn cầu - một nguồn vốn lớn và gần như chưa được khai thác.

“Việc tinh giản các quy định áp dụng đối với các lĩnh vực kinh doanh có tiềm năng rất lớn trong việc kích hoạt những lợi ích động này. Trong nhiều nghiên cứu nội bộ tại EU, chính các quy định đúng đắn, dựa trên các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và thu hút các doanh nghiệp quốc tế, qua đó mang lại lợi ích cao hơn nhiều so với lợi ích trước mắt từ việc giảm thuế”, Đại sứ Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam nêu ý kiến.

 

Theo Baochinhphu.vn