VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin nổi bật

Đại dịch COVID-19 ‘bóc mẽ’ bất cập toàn cầu hóa

29/05/2020 - 412 Lượt xem

(Chinhphu.vn) - Đại dịch COVID-19 đã và đang “bóc mẽ” những bất cập của toàn cầu hóa và làm thay đổi cấu trúc của nền kinh tế thế giới.
 
Ảnh minh họa

 

Những phân tích dưới đây sẽ làm sáng tỏ phần nào cho nhận định trên.

Phần 1: Toàn cầu hóa - xu thế tất yếu của quá trình phát triển

Toàn cầu hóa không phải là một hiện tượng mới. Nhiều người cho rằng, quá trình toàn cầu hóa gắn kết với sự xuất hiện của máy bay phản lực và Internet nhưng thực ra không hẳn là vậy. Nguồn gốc của hiện tượng này đã được ghi nhận từ nhiều thế kỷ trước và toàn cầu hóa đương đại đang diễn ra mạnh mẽ trong hơn hai thập kỷ qua (mà người ta hay dùng thuật ngữ “siêu toàn cầu hóa”) chỉ là sự kế thừa và phát triển.

Cách đây gần 1.000 năm, khi Thành Cát Tư Hãn thống nhất cả một vùng đất rộng lớn từ Á sang Âu, ông ta đã cho thực thi chính sách một thị trường thông thương với hệ thống thuế quan và đồng tiền chung thống nhất. Do nhiều nguyên nhân (trong đó có việc thất bại khi xâm lược Việt Nam), ước muốn chủ quan của cá nhân cũng dần bộc lộ những bất cập và dần tan thành mây khói. Tuy nhiên, vương triều ấy cũng đã đặt nền móng cho xu thế toàn cầu hóa đúng nghĩa trong tương lai.

Dựa trên những dấu mốc trong lịch sử của nhân loại, các nhà nghiên cứu đã xác định được các thời kỳ có liên quan đến quá trình này.

Cụ thể, từ thế kỷ thứ IV-VII: Toàn cầu hóa về tôn giáo (sự lan tỏa và truyền bá Kitô giáo, Hồi giáo…).

Từ nửa sau của thế kỷ thứ XV: Thời kỳ chinh phạt thuộc địa của các quốc gia châu Âu.

Từ nửa sau thế kỷ XVIII-đầu thế kỷ XIX là thời kỳ của các cuộc chiến tranh giành giật sự ảnh hưởng giữa các quốc gia châu Âu.

Từ giữa thế kỷ XIX đến năm 1918 là thời kỳ hoàng kim của chủ nghĩa đế quốc tại châu Âu.

Từ sau Chiến tranh Thế giới lần hai là thời kỳ đánh dấu sự ra đời của một loạt tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc (UN), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), GATT (tiền thân của Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)…

Từ sau những năm 1990 (Chiến tranh lạnh kết thúc) là thời kỳ của quá trình siêu toàn cầu hóa với quy mô rộng khắp.

Theo giáo sư về chính sách toàn cầu Richard Langhorn, toàn cầu hóa là giai đoạn cuối cùng của quá trình tích luỹ lâu dài những tiến bộ về khoa học và công nghệ, đã mang đến cho mọi người cơ hội thực hiện các công việc của mình trên khắp hành tinh mà không bị ràng buộc bởi quốc tịch, bởi quyền lực quốc gia, bởi không gian và thời gian.

Nhắc lại lịch sử để thấy rằng quá trình toàn cầu hóa như là xu thế tất yếu trong sự phát triển của nhân loại.

Câu hỏi đặt ra là tại sao nhiều tổ chức quốc tế từ với quy mô toàn cầu hay thậm chí EU (ở khu vực châu Âu, ra đời đúng vào thời kỳ của quá trình siêu toàn cầu hóa) lại gần như không thể hiện được vai trò và sức mạnh của mình trong cuộc chiến chống đại dịch đang hoành hành trên khắp hành tinh?

Sự thiếu hụt cả vật lực và quyền lực của các tổ chức quốc tế

Trong vòng hơn 100 năm qua, thế giới chưa từng phải hứng chịu một trận dịch bệnh nào như đại dịch COVID-19. Khác hẳn các cuộc chiến tranh - nơi mà các bên tham chiến thường chia thành hai phía thì trong cuộc chiến chống virus Corona, cả nhân loại đều “đứng chung một chiến hào” để cùng tìm cách tiêu diệt kẻ thù giấu mặt.

Dù cùng chung một chiến tuyến nhưng có nơi, có lúc vì quyền lợi quốc gia mà sự hợp tác và trợ giúp đã không được chú trọng và tăng cường. Vai trò của các tổ chức quốc tế cũng không thật sự được thể hiện. Theo chuyên gia về Phương Đông học Aleksei Maslov: “Trong bối cảnh đại dịch, người ta đều hiểu ra rằng một cộng đồng quốc tế dường như không tồn tại. Những tổ chức như EU, BRICS, Hiệp ước Thượng Hải (SCO) và thậm chí là Tổ chức hợp tác kinh tế Á-Âu (EAEU) mặc dù rất được chú trọng, nuôi dưỡng và duy trì nhưng dường như cũng vắng bóng”.

Những tổ chức như chuyên gia A.Maslov đã liệt kê đều là những tổ chức quốc tế ra đời trong thời kỳ siêu toàn cầu hóa mà dường như cũng “vắng bóng” trong cuộc chiến chống đại dịch thì các tổ chức khác không thể hiện được vai trò như kỳ vọng cũng là điều dễ hiểu, bởi các tổ chức này đều được thành lập vào thời kỳ sau khi các cuộc chiến tranh thế giới (chủ yếu là Chiến tranh Thế giới lần thứ hai) vừa mới kết thúc. Những khó khăn của thời hậu chiến, những bất đồng giữa các quốc gia (cả từ hai phía chiến tuyến lẫn ngay từ trong nội bộ khối đồng minh với nhau) cần phải có những thỏa thuận, phân chia trách nhiệm và quyền lực để tránh xung đột hoặc khủng hoảng… có thể xảy ra. Chính vì thế, cả tôn chỉ, mục đích và chức năng, nhiệm vụ… của các tổ chức này đều dự liệu cho những bất ổn mang tính cục bộ, một phía. Nếu ở khu vực nào, quốc gia nào đó phát sinh khủng hoảng, thiếu thốn, dịch bệnh… thì các quốc gia, các khu vực “có điều kiện” sẽ cùng nhau hợp lực trợ giúp.

Xét về bối cảnh ra đời của các tổ chức quốc tế mang tính toàn cầu là thời kỳ mà cuộc Chiến tranh lạnh đã bắt đầu manh nha hoặc đã chính thức ngự trị, thế giới phân cực. Hơn 20 năm qua, kể từ sau khi Liên Xô tan rã, Chiến tranh lạnh kết thúc, thế giới bắt đầu trở nên đơn cực bởi vị thế số một của Mỹ. Kinh tế thị trường có cơ hội len lỏi vào khắp “hang cùng, ngõ hẻm” trên toàn cầu, đánh dấu bởi sự ra đời của WTO năm 1995. Đây cũng chính là thời kỳ của quá trình siêu toàn cầu hóa.

Để tạo nên đối trọng với “người khổng lồ”, nhiều tổ chức quốc tế đã được thành lập và dựa trên nguyên tắc tự nguyện, đồng thuận là chủ yếu và có lẽ chính vì thế mà khi đối diện với thảm họa toàn cầu thực sự như đại dịch COVID-19 thì các tổ chức này đều không phát huy được vai trò như kỳ vọng.

Đại dịch đã đặt các quốc gia trước lựa chọn: Tập trung cứu người hay là vẫn duy trì các hoạt động kinh tế? Bài học của Việt Nam và nhiều nước khác đã cho thấy tổn thất thấp nhất về con người trước đại dịch mới là cái được lớn nhất trong cuộc chiến vì như người Việt Nam vẫn thường nói: “Còn người là còn của”!

Vì phải tập trung cứu chữa và ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh mà nhiều quốc gia, kể cả các nước phát triển giàu có, mới giật mình, hụt hẫng khi đối diện với sự thiếu hụt đủ thứ từ chiếc khẩu trang, đôi găng tay đến những thiết bị y tế… Sự thiếu hụt đã buộc các quốc gia phải vì mình mà quên đi các cam kết quốc tế và vai trò của các tổ chức lại càng trở nên mờ nhạt là bởi vậy. Tác giả Andrew Browne, Tổng biên tập của Diễn đàn kinh tế mới thuộc Bloomberg đã viết: “Trong cuộc chiến chống đại dịch, liên kết toàn cầu đã nhường chỗ cho lợi ích của mỗi quốc gia. Sau khi đại dịch qua đi, thật khó hình dung được khi nào thì các nước mới có thể cùng chung tay để triển khai các dự án với quy mô toàn cầu. Nếu như Mỹ và Trung Quốc có thể xích lại được gần với nhau thì bây giờ chính là thời điểm thích hợp nhất”.

Tuy nhiên, nhận định của Stephen M.Walt, giáo sư về quan hệ quốc tế thuộc trường Đại học Harvard khi trả lời Foreign Policy lại chỉ ra đúng “căn bệnh” chưa có lời giải về vấn đề này: “Đại dịch sẽ chỉ càng làm gia tăng quyền lực quốc gia và chủ nghĩa dân tộc… Các đợt dịch bệnh trước đây đã không làm giảm sự cạnh tranh giữa các siêu cường quốc và không mở ra kỷ nguyên cho hợp tác toàn cầu. Đại dịch COVID-19 cũng vẫn sẽ như vậy”.

Đại dịch chưa qua đi nhưng những tranh cãi, nghi kỵ về đại dịch giữa hai cường quốc Mỹ - Trung đã bắt đầu nảy sinh. Ngay cả những hoạt động trên Biển Đông của Bắc Kinh trong khi cả thế giới đang cần sự đồng lòng cũng cho thấy phần nào những khó khăn, hiểm nguy hiện hữu và tiềm ẩn.

Khủng hoảng thiếu hụt mang tính toàn cầu đã cho thấy đây chính là hậu quả, là mặt trái của quá trình toàn cầu hóa! 

(Phần 2 Toàn cầu hóa và mặt trái của tấm huy chương)

 

Theo Baochinhphu.vn