VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Quyết định vào cuộc chơi lớn, Việt Nam cơ hội thu thêm chục tỷ USD

22/05/2020 - 383 Lượt xem

 

Việt Nam sẽ gặt hái đầy đủ lợi ích từ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) nếu hoàn thiện được khung pháp lý và nâng cao năng lực thực thi.

 

Cơ hội lớn

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa có báo cáo ước tính rằng chỉ riêng việc tận dụng các ưu đãi thuế quan thực thi theo Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có thể giúp GDP Việt Nam tăng 2,4% và xuất khẩu tăng 12% vào năm 2030, tương đương tăng thêm khoảng 31 tỷ USD.

EVFTA cũng đồng thời giúp 100.000-800.000 người Việt thoát nghèo vào năm 2030. Những lợi ích này là cần thiết để duy trì thành quả kinh tế tích cực trong lúc quốc gia ứng phó với đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, theo WB, lợi ích còn lớn hơn nhiều nếu Việt Nam thực hiện nghị trình cải cách kinh tế và thể chế toàn diện nhằm tuân thủ với những điều khoản không liên quan đến thuế quan trong các hiệp định này.

Theo đó, ước tính những cải cách này sẽ tạo ra "cú hích năng suất", giúp GDP tăng thêm 6,8% so với kịch bản cơ sở vào năm 2030. Báo cáo chỉ ra rằng Việt Nam cần nâng cao năng lực thực thi ba vấn đề chính: các quy tắc xuất xứ, các biện pháp vệ sinh dịch tễ cho cây trồng và vật nuôi và cơ chế xử lý tranh chấp giữa nhà nước - nhà đầu tư.

 

Quyết định vào cuộc chơi lớn, Việt Nam cơ hội thu thêm chục tỷ USD
Việt Nam và EU có cơ hội lớn để phát triển hợp tác kinh tế.

 

Trước đó, theo một nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) dự kiến sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 4,6% vào năm 2025. Xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030.

Còn theo Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS), dự kiến, EVFTA sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 2,18-3,25% trong giai đoạn 2019-2023.

Ở chiều ngược lại, Ủy ban châu Âu ước tính GDP của EU sẽ tăng thêm 29,5 tỷ USD và xuất khẩu sang Việt Nam tăng 29% vào năm 2035.

Hiệp định EVFTA đã được Nghị viện châu Âu (EP) bỏ phiếu thông qua hôm 12/2/2020 sau khi được 2 bên ký vào ngày 30/6/2019 tại Hà Nội. EVFTA dự kiến được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn trong tháng 5 này, tại kì họp thứ 9 QH khóa 14 khai mạc sáng 20/5. Dự kiến hiệp định có hiệu lực ngay từ tháng 7/2020.

Đây là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Theo đó, EU sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực đối với hàng hóa của Việt Nam thuộc 85,6% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Trong vòng 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ 99,2% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU.

 

Quyết định vào cuộc chơi lớn, Việt Nam cơ hội thu thêm chục tỷ USD
Khả năng khoảng tháng 7, EVFTA sẽ có hiệu lực.

 

Chia sẻ trên Europa, ông Phil Hogan, cao ủy EU phụ trách thương mại cho rằng, EVFTA mang đến cơ hội khổng lồ cho cả Việt Nam và EU, là một chiến thắng cho người tiêu dùng, người lao động, nông dân và các doanh nghiệp.

Nếu chính sách hợp lý, nhiều ngành nghề hưởng lợi

Một báo cáo mới đây của Chứng khoán Phú Hưng, một số nhóm hàng được dự báo tăng nhập khẩu nhiều nhất từ EU là nông, lâm, thủy sản,... EU là một trong những thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam với giá trị xuất khẩu khoảng 1,25 tỷ USD.

EU cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của ngành dệt may (sau Mỹ), chiếm 11,3% kim ngạch xuất khẩu dệt may. Giá trị xuất khẩu dệt may vào EU tăng trưởng liên tục 6,1%/năm trong giai đoạn 2015-2019. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam vào EU đạt 4,3 tỷ USD (tăng 10%) trong năm 2019.

Theo PHS, để đẩy mạnh xuất khẩu hàng dệt may vào EU, theo EVFTA, quy tắc xuất xứ quy định vải sử dụng và việc cắt may phải được thực hiện tại Việt Nam hoặc EU. Ngoài ra, EU cũng chấp nhận linh hoạt với quy tắc này như cộng gộp xuất xứ từ Hàn Quốc hay những nước mà Việt Nam và EU có FTA (như Nhật Bản và một số nước ASEAN).

Với lĩnh vực nông lâm thủy sản, các quy định còn chặt chẽ hơn. EVFTA yêu cầu rất khắt khe về đảm bảo quy tắc xuất xứ, tuân thủ những quy định về sở hữu trí tuệ, lao động và môi trường... Do vậy, Việt Nam cần truyền thông để các DN nhận thức đầy đủ và tuân thủ các quy định này.

Với ngành ngân hàng, quy định cho phép các tổ chức tín dụng thuộc EU được sở hữu 49% cổ phần tại 2 ngân hàng Việt trong vòng 5 năm tới sẽ tạo động lực để gia tăng thu hút dòng vốn từ EU vào lĩnh vực này.

 

Quyết định vào cuộc chơi lớn, Việt Nam cơ hội thu thêm chục tỷ USD
Lộ trình cam kết giảm thuế theo EVFTA.

 

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng, nếu hành động kiên quyết nhằm thu hẹp khoảng cách về năng lực triển khai và tính tương thích pháp lý, Việt Nam có thể tận dụng tối đa hiệp định thương mại này, với những lợi ích trực tiếp ước tính ở mức lớn chưa từng có trong lịch sử.

Theo ông Ousmane, đại dịch Covid-19 là nút khởi động lại và EVFTA là nút tăng tốc, thì đây là thời điểm hoàn hảo để Việt Nam theo đuổi những cải cách trong nước sâu rộng hơn.

Việc cải cách hoạt động sản xuất kinh doanh ở nhiều lĩnh vực là cần thiết để hội nhập tốt hơn. Theo WB, yêu cầu về quy tắc xuất xứ tại Hiệp định EVFTA là một trong những thách thức chính mà Việt Nam phải vượt qua. Ngay cả khi sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam, các nhà nhập khẩu EU chưa chắc đã công nhận nguồn gốc đó vì sản phẩm của Việt Nam nói chung còn phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu.

Trong các ngành chế tạo chế biến xuất khẩu chủ chốt, phần lớn đầu vào vẫn nhập khẩu từ các quốc gia khác (chẳng hạn 62% trong lĩnh vực điện tử và 53% trong lĩnh vực ô tô). Do vậy, Việt Nam cần nỗ lực cải thiện liên kết giữa các đơn vị cung ứng trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài là những công ty đầu đàn trong các chuỗi giá trị lớn trên toàn cầu. 

Đồng thời, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm chặt chẽ của châu Âu đòi hỏi Việt Nam phải cải thiện các biện pháp vệ sinh dịch tễ một cách minh bạch và nhất quán hơn. Theo một ước tính của WB, chi phí tuân thủ đầy đủ các biện pháp phi thuế quan hiện hành ở Việt Nam có mức thuế suất tương đương là 16,6% (cao hơn so với mức bình quân của khu vực là 5,4%).

Với việc EVFTA được phê chuẩn, Việt Nam sẽ là điểm đến của nhiều nhà đầu tư từ châu Âu và toàn thế giới. Khi dòng vốn FDI tăng lên, số lượng đơn thư khiếu nại thương mại cũng sẽ tăng theo. Báo cáo khuyến nghị đẩy nhanh việc hình thành Cơ chế xử lý khiếu nại đầu tư một cách hệ thống để xử lý tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư.

WB cũng khuyến nghị để tối đa hóa lợi ích của EVFTA, các chính sách hỗ trợ khôi phục kinh tế sau Covid-19 cần ưu tiên các ngành hàng chủ chốt chiếm phần lớn kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường châu Âu.

 

Theo vietnamnet.vn