Tuy nhiên, mô hình kinh doanh mới này cũng tạo ra nhiều thách thức lớn, chứa đựng rủi ro và cũng như nảy sinh các vấn đề giữa doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và doanh nghiệp kinh doanh truyền thống cần được quản lý.

Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TW.

Xin chào Ông Phan Đức Hiếu!

 

PV: Thưa Ông, từ thực tiễn nghiên cứu, Ông đánh giá như thế nào về hoạt động kinh tế chia sẻ ở Việt Nam?

Ở Việt Nam, kinh tế chia sẻ chưa phát triển mạnh như ở nhiều nước nhưng cũng có tiềm năng lớn để phát triển. Thực tế hiện nay, một số loại hình kinh tế chia sẻ đã xuất hiện, trong đó nổi lên ba loại hình dịch vụ kinh tế chia sẻ về dịch vụ vận tải trực tuyến, dịch vụ chia sẻ phòng và cho vay ngang hàng (P2P lending). Ngoài ra, nhiều dịch vụ khác cũng đã được hình thành trên thực tế như trong dịch vụ du lịch, chia sẻ chỗ làm việc, gửi xe, chia sẻ nhân lực… Nhìn chung, các hoạt động kinh tế chia sẻ thường tập trung ở các thành phố, đô thị của Việt Nam.

Thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam - ảnh 1

PV: Vậy, khung pháp lý điều chỉnh mô hình kinh tế chia sẻ hiện nay như thế nào, thưa Ông?

Khung pháp lý về hoạt động kinh doanh hiện nay vẫn thuần túy là các quy định kinh doanh truyền thống, mà chưa có các quy định hay điều chỉnh các hoạt động kinh doanh chia sẻ. Hiện nay, Việt Nam chưa có Luật hay Nghị định nào thể chế được xu hướng phát triển mới này. Chúng ta mới chỉ có một vài quy định thử nghiệm theo cơ chế sandbox. Thậm chí, ngay cả những yêu cầu rà soát, bãi bỏ những cái cũ đang gây khó, cản trở hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong mô hình này còn chưa làm được tốt.

Thực tế, các cơ quan quản lý Việt Nam đang lúng túng trong việc quản lý hoạt động kinh doanh theo loại hình mới này bởi vì các hoạt động này hoạt động đan xen và giao thoa với các hoạt động kinh doanh truyền thống; giữa chức năng quản lý của nhiều Bộ/ngành với nhau.

PV: Với đặc tính của công nghệ tiềm ẩn nhiều rủi ro, việc áp dụng cơ chế thử nghiệm cho mô hình kinh tế chia sẻ cũng không thể tránh khỏi những rủi ro về mặt quản lý Nhà nước. Vậy, theo Ông, vấn đề đặt ra ở đây là gì?

Thứ nhất, từ phía Chính phủ, trước hết, chúng ta cũng phải thấm nhuần nguyên tắc quyền tự do kinh doanh, người dân được làm những gì mà pháp luật không cấm. Cuộc chơi phải công bằng mới thúc đẩy được sự sáng tạo.

Thứ hai, chúng ta phải thay đổi tư duy, tiếp cận các mô hình kinh tế mới này một cách tích cực, cho nó cơ hội để triển khai. Khi cho nó cơ hội triển khai, chúng ta cần quan tâm đến việc liệu nó có rủi ro gì cho xã hội không? Nếu có, thì vai trò chính của pháp luật chính là hạn chế rủi ro đó để tạo lập một khung pháp lý điều chỉnh, cho dù là sandbox hay là một hệ thống pháp luật mới.

Thứ ba, bản thân cơ quan Nhà nước cũng phải thay đổi rất nhiều, trong đó, không thể thiếu việc chủ động tiếp cận thông tin, tìm kiếm những mô hình kinh doanh mới, thậm chí những mô hình kinh doanh chưa xuất hiện ở Việt Nam.

Tại thời điểm hiện nay, tôi vẫn nhấn mạnh, điều quan trọng là tốc độ phản ứng chính sách. Thời gian để ra được sandbox cũng rất quan trọng. Nếu chúng ta làm chậm, điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta vừa tạo khoảng trống pháp lý, vừa tạo rủi ro cho xã hội và làm mất đi cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

PV: Vậy, liệu chúng ta có thể học hỏi  được gì từ kinh nghiệm quốc tế trong việc hoàn thiện khung pháp lý cho mô hình kinh tế chia sẻ, thưa Ông?

Kinh nghiệm một số nước, để giải quyết vấn đề này, họ không dùng cơ chế tham mưu cũ, tức là phân theo ngành.

Ví dụ, ở Vương quốc Ả Rập Xê Út , hiện nay họ thành lập một Bộ mới có tên là “Không gì là không thể”, Bộ này sẽ phụ trách thử nghiệm các sandbox. Ở đây, họ đòi hỏi một tư duy rất mới, một năng lực mới.

Xin cảm ơn Ông!

Thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam - ảnh 2
 
  

Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO (ALO Media) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Chương trình được phát sóng vào 09h00’ Thứ Bảy, phát lại vào 14h00’ Chủ nhật hàng tuần trên Kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam.

Chương trình được cập nhật tại Website: http://kinhdoanhvaphapluat.com/

Kính mời bạn đọc theo dõi!