VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin%20n%E1%BB%95i%20b%E1%BA%ADt

Không chỉ đầu tư trực tiếp nhiều, dòng vốn từ NĐT Hàn Quốc vào Việt Nam thông qua M&A cũng đang tăng như vũ bão

27/02/2020 - 405 Lượt xem

Vốn đầu tư đăng kí từ Hàn Quốc đổ vào Việt Nam tăng mạnh trong những năm gần đây bao gồm cả thông qua hình thức đầu tư trực tiếp và mua cổ phần các doanh nghiệp nội.
 
Không chỉ đầu tư trực tiếp nhiều, dòng vốn từ NĐT Hàn Quốc vào Việt Nam thông qua M&A cũng đang tăng như vũ bão - Ảnh 1.

Năm ngoái, LG chuyển nhà máy sản xuất điện thoại di động từ Hàn Quốc sang Việt Nam do chi phí rẻ

Gần 68 tỉ USD vốn Hàn đầu tư vào Việt Nam

Theo số liệu từ Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), dòng vốn từ Hàn Quốc đổ vào Việt Nam trong những năm qua tăng mạnh về lượng đăng kí, biến quốc gia này trở thành nhà đầu tư lớn nhất vào thị trường Việt Nam. 

Tính đến hết năm 2019, vốn đăng kí lũy kế từ Hàn Quốc đã đạt con số 67,7 tỉ USD, xếp trên Nhật Bản 59,3 tỉ USD, Singapore 49,8 tỉ USD, Đài Loan 32,3 tỉ USD và Hong Kong 23,4 tỉ USD. 

Ngoài qui mô vốn, Hàn Quốc cũng là quốc gia dẫn đầu về số dự án thực hiện với gần 8.500, gấp đôi so với Nhật Bản xếp thứ hai. 

Trong các dự án đầu tư trực tiếp của Hàn Quốc, đáng chú ý phải kể đến là các dự án thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Ví như Tập đoàn Samsung đang sở hữu 4 nhà máy tại Việt Nam đạt doanh thu gần 66 tỉ USD trong năm 2018, tương đương gần 28% GDP. Các nhà máy này được cho là sản xuất tới một nửa số lượng điện thoại của Samsung bán trên toàn cầu. 

Samsung hiện cũng đang lên kế hoạch thiết lập một trung tâm R&D về điện thoại, thiết bị điện tử, công nghệ tại Hà Nội, nơi có thể tuyển dụng tới 3.000 kĩ sư và trở thành một trong những trung tâm nghiên cứu lớn nhất của công ty Hàn Quốc. 

Ngoài Samsung, LG cũng là nhà sản xuất thiết bị điện tử đầu tư lâu năm tại Việt Nam. Năm ngoái, LG tiến hành dịch chuyển nhà máy sản xuất điện thoại từ Hàn Quốc sang Việt Nam nhằm cắt giảm chi phí. 

Những cái tên từ xứ sở kim chi đáng chú ý khác gồm có Tae Kwang Vina Industrial chuyên sản xuất giày thể thao, khuôn đúc giày cho Nike; Doosan Vina sản xuất thiết bị công nghiệp nặng; hay Tập đoàn Lotte đầu tư đa ngành từ bất động sản, bán lẻ cho đến rạp chiếu phim... đều góp mặt trong danh sách những công ty lớn nhất Việt Nam.

 - Ảnh 1.

Nguồn: Cục đầu tư nước ngoài, BM

M&A đang được ưa chuộng

Không chỉ đầu tư trực tiếp, những thương vụ đầu tư thông qua hình thức mua bán sáp nhập (M&A) cũng ngày càng được các nhà đầu tư Hàn Quốc ưa chuộng. 

Thống kê cho thấy cả số lượt mua cổ phần và giá trị các thương vụ đều tăng phi mã trong nhiều năm trở lại đây.

Năm ngoái, giá trị góp vốn, mua cổ phần từ Hàn Quốc đạt gần 2,7 tỉ USD, ngang ngửa Singapore và chỉ chịu thua Hong Kong do thương vụ đầu tư gần 5 tỉ USD từ ThaiBev vào Sabeco. 

Góp mặt trong số đó, SK Group chi tới 1 tỉ USD để đổi lại 6,15% cổ phần Tập đoàn Vingroup - doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam. Năm 2018, cũng chính SK Group rót tới 470 triệu USD vào Tập đoàn Masan - doanh nghiệp sản xuất thực phẩm tiêu dùng số một trong nước, cho 9,5% cổ phần. 

Trong lĩnh lực ngân hàng, tháng 10/2019, KEB Hana Bank đưa ra con số 20.300 tỉ đồng (880 triệu USD) cho 15% cổ phần Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), một trong tứ trụ ngành ngân hàng. 

Ngoài ra, Samsung SDS thuộc Tập đoàn Samsung đầu tư 850 tỉ đồng vào CTCP Tập đoàn Công nghệ CMC, qua đó trở thành cổ đông lớn nhất tại công ty này sở hữu 25% vốn điều lệ. Trước đó một vài năm, CJ hoàn tất thâu tóm Cầu Tre, một công ty chuyên sản xuất chả giò tại TP HCM để bước chân vào lĩnh vực chế biến thực phẩm. 

Sân chơi trên thị trường chứng khoán Việt cũng đang có dấu hiệu được phân chia lại với sự xuất hiện của các công ty Hàn Quốc. Một thập nhiên trở lại đây, 4 công ty chứng khoán hàng đầu quốc gia này lần lượt góp mặt tại thị trường Việt Nam thông qua hoạt động mua bán sáp nhập, bao gồm Mirae Asset, NH Securities and Investment, KB Securities và Korea Investment and Securities. 

Đặc điểm chung của các công ty chứng khoán Hàn là được sự hậu thuẫn mạnh mẽ về mặt tài chính từ tập đoàn mẹ, triển khai chiến lược giá rẻ về phí giao dịch và cho vay kí quĩ để chiếm thị phần.

 - Ảnh 2.

Nguồn: Cục đầu tư nước ngoài, BM

Theo chia sẻ của Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Hàn Quốc, Eun-Young Jung với báo chí, các thương vụ M&A của giới đầu tư Hàn trước tiên là nhằm thăm dò thị trường, để thông hiểu cách vận hành địa phương trước khi mở rộng.

Bên cạnh công nghiệp - điện tử, CEO HSBC Hàn Quốc tiết lộ thêm rằng các công ty Hàn Quốc sẽ còn quan tâm đầu tư ở nhiều lĩnh vực khác như nông nghiệp, thực phẩm, cơ sở hạ tầng và năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo trong xu hướng Việt Nam đang định hướng xây dựng những thành phố thông minh và sử dụng nguồn năng lượng thân thiện với môi trường.

Sau sự đổ bộ của các tập đoàn lớn của Hàn Quốc, làn sóng tiếp theo cũng được kì vọng sẽ đến từ các nhà cung ứng bao gồm cả từ quốc tế và nội địa, từ đó hiệu ứng tác động của làn sóng Hàn Quốc sẽ được tăng lên nhiều lần. 

Năm ngoái, Việt Nam nhập khẩu gần 47 tỉ USD giá trị hàng hóa từ Hàn Quốc, xếp thứ hai trong các quốc gia sau Trung Quốc với 75,5 tỉ USD. Ba mặt hàng nhập khẩu chủ yếu gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử 16,8 tỉ USD; máy móc phụ tùng 6,2 tỉ USD; và điện thoại, linh kiện 5,9 tỉ USD.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam xuất sang Hàn Quốc 19,7 tỉ USD giá trị hàng hóa, chủ yếu gồm điện thoại, linh kiện 5,1 tỉ USD; hàng dệt may 3,4 tỉ USD; và máy tính, linh kiện 2,9 tỉ USD.

 

Nguồn: Vietnambiz.vn