VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin nổi bật

Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng đang tăng tốc

26/02/2020 - 279 Lượt xem

Gián đoạn chuỗi cung ứng

Do hoạt động kinh doanh và vận chuyển bị hạn chế ở nhiều thành phố của Trung Quốc, các công ty không thể thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng đang xin cấp giấy chứng nhận rủi ro bất khả kháng do Hội đồng Thúc đẩy thương mại quốc tế của Trung Quốc cấp.

Các công ty sẽ xuất trình giấy chứng nhận đó cho các đối tác trong hợp đồng của họ nếu có thể (bởi nó còn tùy thuộc vào các điều khoản trong hợp đồng) để tránh việc bị phạt do vi phạm các điều khoản đã thỏa thuận trong hợp đồng với lý do rủi ro nằm ngoài sự kiểm soát của họ.

Chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn vì Covid-19

Kể từ khi công bố tính khả dụng của các giấy chứng nhận này vào cuối tháng 1, chỉ hai tuần sau Hội đồng đã cấp 1.615 chứng nhận, Tân Hoa Xã dẫn số liệu từ Hội đồng cho biết. Theo Tân Hoa Xã, những giấy chứng nhận này bao gồm tổng giá trị hợp đồng lên tới 109,9 tỷ nhân dân tệ (15,8 tỷ USD) hàng hóa có thể bị hủy bỏ hoặc việc thực hiện có thể bị hoãn lại.

Hầu hết các đơn xin cấp giấy chứng nhận rủi ro bất khả kháng là của các nhà xuất khẩu Trung Quốc, song cũng có một vài đơn là từ các nhà nhập khẩu, Reuters trích dẫn một nguồn tin xin được giấu tên cho biết.

Nhu cầu xin cấp chứng nhận này – theo Tân Hoa Xã trải dài trên 30 lĩnh vực – đã nhấn mạnh tác động của việc đóng cửa các nhà máy kéo dài đối với chuỗi cung ứng, thương mại và vận chuyển quốc tế tại Trung Quốc.

Dun và Bradstreet ước tính rằng có khoảng 22 triệu doanh nghiệp, tương đương 90% số doanh nghiệp đang hoạt động ở Trung Quốc, nằm trong khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Điều đó sẽ tác động đến ít nhất 56.000 công ty trên toàn thế giới với các nhà cung cấp trực tiếp hoặc ở tầng thứ nhất và thứ hai.

Ông Stanley Szeto - Chủ tịch điều hành tại Lever Style, một nhà sản xuất quần áo cho biết, không chỉ sản xuất hàng hóa mà còn cả nguyên liệu thô cũng bị ảnh hưởng, chẳng hạn như những sản phẩm được sử dụng trong may mặc. Trung Quốc là nhà sản xuất bông lớn nhất thế giới.

Bên cạnh việc không thể vận chuyển, các công ty cũng không thể nhận được những gì họ đã đặt hàng trước đây như các thương nhân về đồng và khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Chẳng hạn, “nhu cầu LNG đã sụt giảm rất mạnh kể từ tháng 1”, công ty tư vấn hàng hóa Wood Wood Mackenzie cho biết trong một báo cáo gần đây.

Tăng tốc thay đổi

Khi hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ do sự đóng cửa của các thành phố và nhà máy kéo dài, sự thay đổi chuỗi cung ứng, vốn đã bắt đầu từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc, đang tăng tốc.

“Suy cho cùng, các nhà bán lẻ và các nhà sản xuất vẫn muốn sản phẩm của mình cho dù hiện họ vẫn đang phải sử dụng hàng tồn kho” Jeremy Nixon - CEO của Ocean Network Express, một công ty vận chuyển container cho biết. Tuy nhiên tại một số nơi như Bắc Mỹ, hàng tồn kho hiện tại khá thấp, vì vậy họ cần phải bổ sung.

Nixon cho biết, việc đóng cửa để kiểm soát dịch trên toàn thành phố đã dẫn đến tình trạng thiếu lao động và điều đó ảnh hưởng đến lĩnh vực logistics như vận tải, đặc biệt đối với hàng đông lạnh.

Chẳng hạn hiện nhiều tàu chở container gà đông lạnh từ Mỹ đến Trung Quốc đang được chuyển đến các cảng ở Hồng Kông, Hàn Quốc, Đài Loan… vì các cảng tại Trung Quốc đã hết chỗ để chứa các container lạnh do chúng cần phải có điện, Reuters đưa tin.

Bởi vậy, các nhà bán lẻ cũng như các nhà sản xuất đã bắt đầu xem xét lại chuỗi cung ứng của họ khi họ sắp hết hàng tồn kho, Nixon nói. Theo đó, họ đang quan tâm nhiều hơn đến việc các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á để bù đắp cho sự thiếu hụt từ Trung Quốc.

Sự thay đổi chiến lược đó đã bắt nguồn từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cộng thêm việc tăng lương ở quốc gia này. Nay sự bùng phát của Covid-19 tại Trung Quốc đang khiến tiến trình này được đẩy nhanh hơn.

Theo báo cáo của Qima, một công ty kiểm tra chuỗi cung ứng có trụ sở tại Hồng Kông, người mua ở Mỹ đã bắt đầu chuyển hướng nguồn cung hàng ra khỏi Trung Quốc, với nhu cầu năm 2019 giảm 14% so với năm 2018. Phần lớn sự dịch chuyển này là hướng sang Đông Nam Á và Đài Loan nơi mà nhu cầu từ các thương hiệu của Mỹ đã tăng 9,7% trong năm 2019 so với năm 2018; và Nam Á nơi nhu cầu tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguồn: Thời báo Ngân hàng

https://thoibaonganhang.vn/su-dich-chuyen-chuoi-cung-ung-dang-tang-toc-98234.html