VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin%20n%E1%BB%95i%20b%E1%BA%ADt

Đau đầu với bài toán tìm nguồn nguyên liệu

26/02/2020 - 275 Lượt xem

Ghi nhận chung cho thấy, với khả năng xoay sở linh hoạt, lượng nguyên liệu hiện có sẽ giúp duy trì sản xuất đến cuối quý I. Tuy nhiên tình hình sẽ vô cùng khó khăn nếu không kịp thời tìm được nguồn cung lâu dài. 

Dệt may là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nhất do nguồn cung nguyên liệu đứt gãy

Có thể cầm cự tốt trong quý I

Là ngành sử dụng tới khoảng 60% nguyên vật liệu nhập khẩu, song theo ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), đến thời điểm hiện tại, tác động của dịch Covid-19 đối với các DN lớn trong ngành chưa thực sự rõ ràng.

Bởi nguyên liệu để thực hiện các đơn hàng quý I cơ bản đảm bảo. Còn đối với nguyên liệu để sản xuất trong các quý tiếp theo, DN đang phải bổ sung thêm nguồn nhập khẩu từ các thị trường khác như Thái Lan, Indonesia… dù giá cao hơn khoảng 10-15%. 

Ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vita Jeans cho biết, hiện nay DN này đang dự trữ nguyên liệu 45-60 ngày, như vậy hoạt động sản xuất trong tháng 2, tháng 3 tương đối ổn. Nếu từ quý II các nhà máy sản xuất và cung cấp nguyên liệu trở lại bình thường thì hoạt động của các DN dệt may Việt Nam sẽ ổn định trở lại. Như vậy, nhìn chung cả năm mặc dù khởi đầu khó khăn nhưng triển vọng phát triển vẫn tương đối ổn định. 

Một số DN sản xuất đồ nội thất thì dựa vào nguồn nguyên liệu dự trữ từ trước đó nên vẫn có thể giao hàng đúng tiến độ. Bước đi tiếp theo trong bối cảnh thị trường còn ảm đạm là chuyển hướng sản xuất sản phẩm để hạn chế phụ thuộc nguyên liệu từ Trung Quốc. Chẳng hạn thay vì sản xuất sofa da công nghiệp thì chuyển sang sofa vải với nguồn vải có sẵn trong nước. 

Ông Thân Đức Việt – Tổng giám đốc Công ty May 10 cho biết, lượng nguyên phụ liệu mà DN này đã nhập khẩu từ trước Tết Nguyên đán có thể cầm cự sản xuất đến khoảng cuối tháng 3, sau đó phải chờ tin từ các đối tác Trung Quốc xem đến thời điểm nào mới có thể giao hàng tiếp được. 

Không thuận lợi như các DN lớn, với những DN nhỏ chưa tự chủ được đơn hàng, phụ thuộc nhiều vào các DN lớn thì nguyên phụ liệu chỉ có thể đáp ứng được hết tháng 2. Đến tháng 3, có thể nhiều DN sẽ phải đóng cửa.

Nối nguồn cung mới không dễ

Không chỉ DN trong nước, nhiều DN nước ngoài cũng đang rơi vào cảnh lao đao vì thiếu nguồn nguyên liệu. Phòng Thương mại Mỹ tại Hà Nội (Amcham) vừa công bố kết quả khảo sát thành viên về tác động của Covid-19. Theo đó, thách thức lớn nhất của DN là đảm bảo nguồn cung hàng hóa, nguyên liệu thay thế và quản lý hàng tồn kho.

Ông Adam Sitkoff - Giám đốc điều hành Amcham cho biết, do sự bùng phát của Covid-19, các DN Hoa Kỳ gặp nhiều khó khăn trong tìm nguồn nguyên liệu cung ứng, từ đó làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Chính điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động toàn cầu của 1/3 DN Mỹ tham gia khảo sát.

Cụ thể, hơn 50% DN Mỹ cho rằng đang khó tìm nguồn nguyên liệu, hàng hóa trong lĩnh vực sản xuất và 35% nhà đầu tư Mỹ cho biết, gián đoạn chuỗi cung ứng đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN trên toàn cầu. Ngoài ra, một số DN không hoạt động hết công suất nhà máy và hy vọng điều này sẽ được cải thiện trong 2 tuần.

Đánh giá về tác động của dịch Covid-19 đến doanh thu năm nay, hầu hết các DN đều cho rằng còn quá sớm để ước tính thiệt hại, nhưng 70% DN cho biết dịch sẽ làm giảm 10% doanh thu hoặc có thể ít hơn. Đáng chú ý, 1/4 thành viên của Amcham cho rằng, Covid-19 làm giảm tăng trưởng GDP của Việt Nam, có thể là 1,5% và 1/4 thành viên khác kỳ vọng con số này sẽ ít hơn hoặc không ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Phòng Thương mại và công nghiệp Đức cũng vừa công bố khảo sát tương tự. Kết quả cho thấy gần 76% DN Đức đang bị ảnh hưởng trực tiếp từ Covid-19. Trong khi đó, mới có gần 55% DN đã có chuẩn bị và biện pháp ứng phó.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương đánh giá, mặc dù các DN vẫn còn một lượng nguyên liệu tồn kho nhất định từ trước tết, song lượng tồn kho này cũng chỉ đủ đảm bảo trong một khoảng thời gian ngắn. Theo thông tin từ các DN, đến khoảng tháng 3 thì lượng tồn kho này sẽ hết.

Ngay khi Covid-19 bùng phát, Bộ Công thương đã nắm bắt và có lường trước các vấn đề về đứt gãy nguồn cung đối với những mặt hàng có nguồn nguyên liệu đến từ Trung Quốc, đặc biệt là các ngành dệt may, da giày. Do đó, Bộ đã có chỉ đạo toàn bộ hệ thống thương vụ cùng vào cuộc tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế.

Ông Hải cho biết thêm, vừa qua Bộ Công thương đã thực hiện các chuyến đi khảo sát thị trường Ấn Độ, là thị trường có nguồn nguyên liệu tương đối phong phú. Bước đầu cơ quan này cũng xác định những thị trường như Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan có nguồn nguyên liệu khả thi để các DN Việt Nam sử dụng. Tuy nhiên, để có thể khớp được vào với dây chuyền sản xuất hiện tại thì DN cũng cần phải có thời gian để tiếp cận, trao đổi cũng như đàm phán. 

 Hiện nay, các ngành hàng sử dụng nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc rất nhiều, với ưu điểm là đáp ứng được đồng thời các tiêu chuẩn về chất lượng, kỹ thuật, giá cả, giao hàng… mà không phải nguồn cung nào cũng có thể đảm bảo được. Do đó, để các nguồn nguyên liệu thay thế có thể thực sự đi được vào sản xuất thì đòi hỏi phải có thời gian để tiến hành các công việc và thủ tục cần thiết. 

Bộ Công thương nhấn mạnh, thực tế là việc tìm các thị trường có nguồn cung nguyên liệu không khó, nhưng để tiếp cận, đàm phán và chuyển đổi đưa vào sản xuất thì cần có thời gian và sự hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý bằng các biện pháp như miễn, giảm thuế… bởi nhìn chung các nguồn cung nguyên liệu mới đều khó có giá thành cạnh tranh như các nguồn hiện nay. Do đó, DN rất cần các biện pháp đặc thù để hỗ trợ vượt qua giai đoạn khó khăn đặc thù hiện nay.

Nguồn: Thời báo Ngân hàng

https://thoibaonganhang.vn/dau-dau-voi-bai-toan-tim-nguon-nguyen-lieu-98324.html