VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Covid-19 có thể gây trì hoãn các dòng vốn đầu tư

26/02/2020 - 228 Lượt xem

Trước mắt, nhiều doanh nghiệp (DN) FDI đang gặp khó khăn vì thiếu nguyên liệu, nhân lực. Tiếp theo đó là việc giảm đầu tư của toàn nền kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn, đặc biệt là đầu tư của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài  (FDI) và khu vực ngoài nhà nước.

FDI khó khăn do thiếu nguyên liệu, nhân lực từ Trung Quốc

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong lĩnh vực FDI, đối tượng bị ảnh hưởng là người Trung Quốc làm việc trong các dự án FDI tại Việt Nam và các doanh nghiệp (DN) có hoạt động xuất nhập khẩu nguyên liệu và sản phẩm với Trung Quốc (bao gồm các DN có vốn đầu tư của Trung Quốc và các nước khác). Do ảnh hưởng của dịch bệnh, các hoạt động tìm hiểu cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư tiềm năng của Trung Quốc nói riêng và các nước khác nói chung cũng có nhiều khả năng bị trì hoãn, bao gồm các hoạt động tìm hiểu cơ hội đầu tư, các hội thảo, các diễn đàn DN, diễn đàn xúc tiến đầu tư... Nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt đối với các mặt hàng không thiết yếu sẽ giảm mạnh, làm cho sản xuất bị đình trệ, hàng tồn kho lớn. Các nhà đầu tư mới sẽ do dự chưa đưa ra các quyết định đầu tư ở thời điểm này. Đối với các dự án đã đầu tư, các nhà đầu tư có khả năng sẽ hoãn lại việc tăng vốn. 

Trước mắt, khó khăn trong việc nhập khẩu đầu vào sản xuất cho rất nhiều dự án FDI từ Trung Quốc do tình trạng đóng cửa thông quan hàng hóa làm ảnh hưởng tiếp tới tiến độ, công tác chuẩn bị cũng như triển khai các dự án ở Việt Nam. Theo một số DN, như công ty LG, nếu dịch Covid-19 không được ngăn trong vòng 2 tuần tới, sẽ không có nguyên liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh. Hàng trăm container nhập khẩu nguyên liệu đang bị ách tắc tại cửa khẩu Lạng Sơn, nếu không được thông quan có thể giảm tới 50% doanh số của Samsung trong năm 2020. Apple dự kiến tăng xuất khẩu ở Việt Nam 30% trong năm 2020, tuy nhiên sản lượng của Apple lại phụ thuộc vào các công ty gia công (OEM) như Samsung, Foxconn, LG… Do đó, sản lượng của các công ty này giảm cũng sẽ ảnh hưởng đến sản lượng xuất khẩu của Apple tại Việt Nam.

Với Formosa, việc không thể nhập khẩu nguyên liệu thép từ Trung Quốc cũng sẽ ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất kinh doanh của DN. Hiện có hàng nghìn người Trung Quốc làm việc cho Dự án Formosa chưa đươc phép vào Việt Nam. Nguồn nhân công cho nhiều dự án FDI của Trung Quốc tại Việt Nam cũng bị giảm do rất nhiều cán bộ, kĩ sư, chuyên gia của Trung Quốc không vào được Việt Nam khi có các hạn chế đi lại từ các lệnh cấm bay. 

Trong nguy hy vọng có cơ 

Đánh giá về vấn đề này TS Cấn Văn Lực cho rằng tác động đến lĩnh vực đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cần nhìn nhận ở hai khía cạnh. Thứ nhất, đối với các dự án đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam, Trung Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 tại Việt Nam với 2.875 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 16,3 tỷ USD, chiếm 4,4% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam. Trong 17 ngành Trung Quốc có đầu tư ở Việt Nam, nhiều nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm khoảng 54% tổng số dự án; trong đó ngành dệt may chiếm tỷ trọng lớn nhất 54%, sản xuất điện - khí nước - điều hòa 26%). Về địa bàn đầu tư, FDI của Trung Quốc có mặt tại hầu hết các tỉnh, thành Việt Nam nhưng chủ yếu tập trung tại 22/28 tỉnh ven biển, các thành phố đông dân, có sức thu hút lao động mạnh, có cơ sở hạ tầng tốt, thuận lợi cho xuất, nhập khẩu hàng hóa cũng như đi lại giữa 2 nước. 

Ở khía cạnh thứ hai, chuyên gia này cho rằng dịch Covid-19 cũng có thể mang lại cơ hội để Việt Nam đón nhận thêm các dự án FDI mới, bởi quan ngại dịch bệnh sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư xem xét dịch chuyển dòng vốn, dự án FDI từ Trung Quốc và lãnh thổ liên quan (Hồng Kông, Macau…), vốn dĩ đã dịch chuyển thời gian qua cũng như bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Mặc dù Việt Nam bị đánh giá là một trong những nước dễ bị tổn thương, chịu nhiều rủi ro lây lan dịch bệnh Covid-19, nhưng quốc tế đánh giá cao sự chủ động và quyết liệt của Việt Nam trong phòng, chống bệnh này và Chính phủ tiếp tục quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, tác động tích cực này sẽ chủ yếu xảy ra trong trung hạn. Tính chung lại, thu hút FDI năm 2020 vẫn có thể tăng (khoảng 5%), thấp hơn 2,2 điểm % so với năm 2019.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong số 50 địa phương có thông tin về người lao động Trung Quốc làm việc tại Việt Nam, đã có 5.492 người lao động từ Trung Quốc quay trở lại Việt Nam vào thời gian bùng phát dịch, một số ít những người này đã quay trở lại làm việc còn đa số đang được cách ly theo quy định. Vẫn còn hơn 11 nghìn người lao động Trung Quốc sẽ quay trở lại Việt Nam từ vùng có dịch để làm việc theo hợp đồng trong thời gian tới.

Để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường, các lao động Việt Nam tại các DN có lao động người Trung Quốc đang phải làm tăng ca để “gánh” thêm công việc của lao động Trung Quốc chưa quay trở lại làm việc.

Nguồn: Thời báo Tài chính

http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2020-02-14/covid-19-co-the-gay-tri-hoan-cac-dong-von-dau-tu-82550.aspx