VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin%20n%E1%BB%95i%20b%E1%BA%ADt

Tăng trưởng năm 2020 có thể giảm còn 5,96%

13/02/2020 - 261 Lượt xem

Không thay đổi mục tiêu, bình tĩnh ứng phó

Theo báo cáo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) phục vụ phiên họp, trong trường hợp khống chế được dịch trong quý I/2020 thì tăng trưởng của Việt Nam dự báo là 6,25%. Trường hợp dịch được khống chế trong quý II/2020 thì tăng trưởng của cả nước dự báo là 5,96%, giảm 0,84 điểm % so với mục tiêu tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ là 6,8%. Mức dự báo này thấp hơn dự báo do Bộ KHĐT đưa ra đầu tuần trước trong kịch bản thấp nhất là 6,09%.

Trước tình hình diễn biễn và ảnh hưởng của dịch, hiện các quốc gia trong khu vực có cùng phản ứng là ưu tiên cao nhất cho ngăn chặn và dập dịch sớm nhất có thể, đồng thời triển khai các biện pháp giảm thiểu tác động của dịch, chuẩn bị cho giai đoạn "hậu dịch" cả về y tế, kinh tế, xã hội và đối ngoại. 

Tại Việt Nam, phản ứng của Chính phủ Việt Nam trước dịch thời gian qua được quốc tế đánh giá là rất kịp thời, nhanh, quyết liệt và hiệu quả. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra là không thay đổi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, trong bối cảnh chịu thêm các ảnh hưởng từ hạn hán, xâm nhập mặn, dịch khác trên gia súc và gia cầm, trên cơ sở đánh giá của các doanh nghiệp (DN) nếu tình hình nguồn cung nguyên liệu đầu vào và thị trường xuất khẩu không sớm được cải thiện thì khả năng cầm cự chỉ hết tháng 2/2020, Bộ KHĐT đã đề xuất phương châm, định hướng thực hiện và kiến nghị các nhóm giải pháp cụ thể cần quyết liệt làm ngay trong thời gian tới. 

Theo đó, phương châm thực hiện là: "Không thay đổi mục tiêu, bình tĩnh, không chủ quan, chủ động sớm dự liệu giải pháp". 

Trong bối cảnh khó khăn của dịch, cần ưu tiên triển khai đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch đã đề ra. Kết hợp nhuần nhuyễn 3 nhiệm vụ: tổ chức chống dịch; thông tin, tuyên truyền và tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm mọi hành vi lợi dụng tình hình dịch để trục lợi; ổn định tâm lý, củng cố niềm tin, tạo đồng thuận xã hội trong việc chung tay tham gia phòng, chống dịch. 

Đề xuất gói tín dụng hỗ trợ khắc phục ảnh hưởng dịch bệnh 

Về một số giải pháp cụ thể để hỗ trợ, ổn định đời sống nhân dân, tháo gỡ khó khăn để duy trì sản xuất, kinh doanh trong thời gian dịch Covid-19 đang diễn ra, Bộ KHĐT đề xuất Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu ngay một số gói chính sách tín dụng hỗ trợ cho các DN nhỏ và vừa, hợp tác xã, nông dân chịu ảnh hưởng của dịch. Cụ thể như: hỗ trợ thanh khoản, duy trì cho vay, miễn giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ, nới lỏng các điều khoản trả nợ, đẩy nhanh quá trình và thời gian xem xét các đơn xin vay và giải ngân các khoản vay, miễn lãi quá hạn các khoản vay...; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 2 năm 2020.

Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 2/2020 về: đánh giá tình hình thu, chi ngân sách nhà nước do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và kiến nghị các giải pháp bảo đảm cân đối thu chi trong năm 2020. Nghiên cứu các giải pháp, chính sách thuế hỗ trợ DN nhỏ và vừa; DN logistics, DN bán lẻ, DN sản xuất, chế biến hàng nông lâm thủy sản, dịch vụ, du lịch, như: gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân, miễn tiền phạt chậm nộp thuế khi doanh nghiệp đã nộp đủ thuế, miễn, giảm thuế xuất nhập khẩu hàng hóa trực tiếp phục vụ công tác chống dịch, khấu trừ thuế…

Đồng thời miễn, giảm tiền thuê đất của Nhà nước cho DN và người dân chịu ảnh hưởng của dịch trong thời gian diễn ra dịch, kéo dài thời gian, giãn tiến độ nộp tiền thuê đất sau khi dịch được kiểm soát; giảm giá thuê đất, mặt bằng cho các DN logistics, DN bán lẻ để kịp thời hỗ trợ các dịch vụ hậu cần, lưu thông, kho lạnh, bảo quản hàng hóa, tiêu thụ nông lâm thủy sản, thúc đẩy và tăng cầu nội địa trong thời gian chịu ảnh hưởng của dịch.

Các Bộ Công thương, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các đơn vị liên quan được đề xuất nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 2 năm 2020 về các giải pháp cụ thể để tiếp tục bảo đảm thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu; giải pháp về thủ tục, quy trình, giấy phép thông quan bảo đảm an toàn cho các lao động phục vụ công tác vận tải tại các cửa khẩu tiếp giáp với Trung Quốc.

Cùng với đó là các giải pháp cắt giảm chi phí đầu vào cho DN thông qua việc hỗ trợ giảm mức phí điện, nước cho các DN đang phải tạm ngừng sản xuất kinh doanh do dịch.

Kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm khắc các hành vi lạm dụng chính sách kiểm soát dịch để gây khó dễ cho DN trong hoạt động thông quan hàng hóa để loại bỏ chi phí không chính thức của DN; các giải pháp tăng cường truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông sản để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và các nước khác.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát ngay tình hình sử dụng lao động của các DN, nhất là DN đang thiếu hụt nhân công do lao động Trung Quốc chưa quay trở lại làm việc, đề xuất các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động tạm thời, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 2. 

Ngoài ra, Chính phủ giao các bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Công thương và Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu các giải pháp thúc đẩy mạnh DN phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ trong thương mại điện tử, giao vận, chuyển phát, thanh toán điện tử trên môi trường số.

Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan, một số tỉnh biên giới tiếp tục đẩy mạnh công tác đối thoại với các đối tác, kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa nông sản do tác động của việc áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19.

Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương hoàn tất thủ tục đầu tư các dự án, phân bổ và giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2020 cho từng dự án làm cơ sở đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư.

Các bộ, ngành và địa phương nghiên cứu, tạo điều kiện cụ thể về chính sách để các công trình lớn đã được hoàn thành trong năm 2019 được phát huy tối đa công suất thiết kế, tạo thêm động lực tăng trưởng cho năm 2020./.

Nguồn: Thời báo Tài chính Việt Nam

http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/thoi-su/2020-02-12/tang-truong-nam-2020-co-the-giam-con-596-82442.aspx