VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin nổi bật

Cần cơ chế cụ thể để chống chuyển giá từ khâu đầu tư

27/11/2019 - 392 Lượt xem

Trong khi đó, các hoạt động về chống chuyển giá lâu nay mới tập trung ở khâu sản xuất, kinh doanh, còn ở khâu đầu tư ban đầu vẫn bị bỏ ngỏ và thiếu các chế tài, quy định để kiểm soát. 

Bổ sung quy định về giám định giá trị vốn đầu tư

Để góp phần khắc phục tình trạng này, tại dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) được trình Quốc hội vừa qua, cơ quan soạn thảo đã bổ sung quy định về giám định vốn đầu tư trong trường hợp cần thiết để xác định căn cứ tính thuế, góp phần hạn chế tình trạng chuyển giá, trốn thuế. Theo đó, tại khoản 2, điều 45 quy định: “Trong trường hợp cần thiết để đảm bảo thực hiện quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ hoặc để xác định căn cứ tính thuế, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền yêu cầu thực hiện giám định độc lập giá trị vốn đầu tư, chất lượng và giá trị của máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ”. 

Đồng tình với sự cần thiết phải tăng cường các biện pháp để chống chuyển giá, đặc biệt ở khâu đầu tư, vốn là một lỗ hổng lâu nay, song một số đại biểu Quốc hội cũng cho rằng quy định như dự thảo còn chưa chặt chẽ, hiệu quả. Theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn), quy định như dự thảo Luật chỉ là giám định “trong trường hợp cần thiết”, như vậy là chưa rõ ràng, dễ tạo những khe hở, chính sách dễ bị lợi dụng. “Cần có tiêu chí cụ thể phù hợp quy định về giá trị tài sản để yêu cầu cần giám định độc lập, sau khi ghi nhận phần giải ngân vốn đầu tư và đưa thiết bị máy móc, dây chuyền công nghệ vào sử dụng”, đại biểu đề nghị. 

Tuy nhiên, như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư từng cho biết, việc giám định giá trị vốn đầu tư, chất lượng và giá trị của máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ không hề dễ dàng. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc hoàn thiện quy định của pháp luật để yêu cầu thẩm định giá trị máy móc, thiết bị, công nghệ nhập khẩu trước khi phê duyệt dự án cần được cân nhắc tính khả thi bởi tại thời điểm đề xuất dự án, nhà đầu tư mới chỉ dự tính các chi phí đầu tư mà chưa tổ chức mua sắm, lắp đặt máy móc, thiết bị, công nghệ. Trong quá trình thực hiện dự án, chi phí này có thể khác với dự tính ban đầu do biến động của thị trường hoặc do phải thay đổi chủng loại, công suất, nguồn gốc để đáp ứng yêu cầu hoạt động. Thực tế cho thấy, các cơ quan quản lý khó có đủ điều kiện và nguồn lực để thẩm định giá trị máy móc, thiết bị, dây chuyển công nghệ của tất cả các dự án có vốn FDI.

Nhìn nhận việc giám sát ở khâu đầu tư là khó, đại biểu Hoàng Quang Hàm - Ủy viên thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách cho rằng có hai vấn đề khó nhất. Một là chúng ta đang muốn thu hút đầu tư nên muốn nới lỏng các rào cản, giảm bớt các thủ tục. Hai là những máy móc, thiết bị mà DN FDI mang vào thường là những công nghệ mà Việt Nam chưa có, nên việc so sánh, đối chiếu mặt bằng giá là rất phức tạp. Tuy nhiên, khó không có nghĩa là không làm, dù khó vẫn phải tính toán để thực hiện, vì đó là nghĩa vụ của DN khi kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam, đảm bảo sự bình đẳng giữa các DN. 

Hoàn thiện cơ sở pháp lý, xây dựng cơ sở dữ liệu 

Theo đại biểu Đỗ Văn Sinh - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế, chuyển giá là câu chuyện giá đầu vào - đầu ra của cả một quá trình từ khâu đầu tư đến sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa của DN. Để kiểm soát được cả quá trình này, cần sự phối hợp, liên kết chặt chẽ của tất cả các bộ, ngành liên quan thông qua việc xây dựng được công cụ quản lý mà yếu tố quan trọng đầu tiên là hệ thống cơ sở dữ liệu. “Để phân tích sâu các hoạt động kinh tế nhằm biết được DN có các giao dịch liên kết hay không phải có cơ sở dữ liệu. Phải xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu về giá trị sản phẩm liên quan đến hoạt động đầu tư, thiết bị công nghệ trên thị trường để xác định được giá trị giao dịch thực tế. Muốn vậy phải có đủ cơ sở pháp lý”, đại biểu Đỗ Văn Sinh nói. 

Trước mắt, đại biểu Đỗ Văn Sinh cho rằng, ngay trong quá trình Quốc hội xem xét, thảo luận các dự án Luật quan trọng cho các hoạt động kinh tế và DN như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) tại kỳ họp thứ 8 thì phải tính đến vấn đề này. Đối với Luật Đầu tư (sửa đổi) phải rà soát lại các điều kiện và chính sách ưu đãi thu hút FDI trên cơ sở chỉ ưu tiên lĩnh vực nào DN trong nước chưa làm được hoặc khó làm, trong khi nhà đầu tư nước ngoài có công nghệ cực kỳ tiên tiến và phải yêu cầu chuyển giao công nghệ. Đồng thời, dựa trên những kinh nghiệm, thực tế đã diễn ra, chúng ta nên có những điều kiện ràng buộc, kiểm soát kèm theo các chính sách ưu đãi đầu tư, để tránh bị lợi dụng, vừa gây thất thu cho ngân sách, vừa làm giảm hiệu quả của các chính sách về thu hút đầu tư nước ngoài. 

Ngoài ra, đại biểu lưu ý, Việt Nam đã tham gia rất nhiều hiệp định thương mại quốc tế nên cần đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ thông tin với các nước về các tập đoàn xuyên quốc gia trên toàn cầu, để từ đó nâng cao hiệu quả của công tác chống chuyển giá. “Nếu khắc phục được việc này, chúng ta không chỉ tăng được nguồn thu cho ngân sách, mà điều quan trọng là tạo sân chơi bình đẳng cho các DN trong và ngoài nước”, đại biểu Đỗ Văn Sinh nhấn mạnh.

Hành vi chuyển giá trong khâu đầu tư để lại nhiều hệ quả xấu khi làm tăng vốn góp ảo, làm méo mó hình ảnh của nền kinh tế, làm sai lệch mọi tài liệu thống kê dẫn tới thiếu chính xác trong việc hoạch định chính sách, chiến lược phát triển… Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Tài chính và Phát triển của IMF, ước tính tổng số vốn FDI ảo trên toàn cầu lên tới 15.000 tỷ USD, tương đương GDP của hai nền kinh tế lớn là Đức và Trung Quốc cộng lại. Trong gần 10 năm qua, số vốn FDI ảo đã tăng từ 30% lên gần 40% tổng số FDI toàn cầu.

Nguồn: Thời báo Tài chính

http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2019-11-25/can-co-che-cu-the-de-chong-chuyen-gia-tu-khau-dau-tu-79400.aspx