VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin%20n%E1%BB%95i%20b%E1%BA%ADt

Phát triển logistics thành ngành kinh tế mũi nhọn

27/11/2019 - 409 Lượt xem

Sáng ngày 23/11/2019, diễn đàn Logistics Việt Nam 2019 đã khai mạc tại TP. Đà Nẵng do Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chủ trì.

Diễn đàn thu hút gần 1.000 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB), các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế. 

Tại diễn đàn, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết: Theo báo cáo của WB về Chỉ số hoạt động logistics (LPI) công bố ngày 24/7/2018, hiện Việt Nam đứng thứ 39/160 nước tham gia nghiên cứu, tăng 25 bậc so với năm 2016 và vươn lên đứng thứ 3 trong các nước ASEAN. Việt Nam cũng là nước có xếp hạng ở tốp đầu trong các thị trường mới nổi. Đây là kết quả tốt nhất mà Việt Nam có được kể từ khi WB thực hiện việc xếp hạng Chỉ số hoạt động logistics trong thập niên vừa qua.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại diễn đàn

Trong thời gian qua, ngành logistics Việt Nam có mức tăng trưởng cao 13-15%. Số lượng các doanh nghiệp vận tải và logistics hiện nay là khoảng 3.000 doanh nghiệp, bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không... Sự phát triển của ngành vận tải và logistics đồng thời sẽ tạo điều kiện để Việt Nam nhanh chóng trở thành một trung tâm sản xuất mới trong khu vực, có năng suất lao động cao và năng lực cạnh tranh tốt.

Trên thực tế, Việt Nam hiện đang có nhiều lợi thế để phát triển ngành vận tải và logistics. Trong đó, có việc trao đổi thương mại toàn cầu gia tăng cùng với việc hội nhập kinh tế quốc tế sâu và rộng;  ký kết thành công các Hiệp định tự do thương mại, tiêu biểu trong thời gian gần đây là Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); Bên cạnh đó, Việt Nam có vị trí địa lý thích hợp để xây dựng các trung tâm trung chuyển của khu vực Đông Nam Á với cơ sở hạ tầng (kho bãi, đường cao tốc, cảng biển, cảng hàng không...) được cải thiện.

Tuy nhiên, trên thực tế ngành logistics Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu như chi phí logistics còn cao; thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp dịch vụ với nhau và với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu; quy mô và tiềm lực về tài chính của các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn yếu, tổ chức mạng lưới toàn cầu, hệ thống thông tin còn rất hạn chế. Nguồn nhân lực làm dịch vụ logistics chưa qua đào tạo bài bản và còn thiếu...

Toàn cảnh Diễn đàn Logistics Việt Nam 2019

Theo bà Đặng Minh Phương, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc MP Logistics, hiện chi phí vận tải đang chiếm tỷ trọng khá cao. Trong đó, có sự ảnh hưởng do cơ sở hạ tầng còn những hạn chế, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh. Đặc biệt, chúng ta chưa tận dụng được lợi thế của logistics đường thủy, nếu tận dụng được sẽ giảm được chi phí vận tải, cũng như giảm áp lực của ngành đường bộ. Ngoài ra, chúng ta vẫn chưa tận dụng được những lợi thế vận chuyển giá rẻ của ngành đường sắt, chưa kết nối được với đường bộ, đường thủy. Vấn đề kết nối giữa các trung tâm logistics trong nước cũng còn những hạn chế.

Bởi vậy, theo nhiều chuyên gia trong thời gian tới, cần có những biện pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dịch vụ logistics, để logistics thực sự trở thành ngành mũi nhọn, hỗ trợ hiệu quả cho các ngành kinh tế khác, trước hết là hỗ trợ nâng cao giá trị nông sản Việt Nam.

Theo ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, Việt Nam muốn nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dịch vụ logistics thì cần có những giải pháp đồng bộ trong việc đẩy mạnh phát triển cơ ở hạ tầng, phương tiện giao thông, nâng cao chất lượng môi trường quản lý hành chính công...

Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển dịch vụ Logistics

Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, để ngành logistics Việt Nam phát triển bền vững, bên cạnh việc tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng lành mạnh cho hoạt động logistics, cần chú trọng triển khai mang tính thực chất, giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành cần xác định logistics trong thời gian tới sẽ là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát triển nhanh, bền vững.

Cũng trong khuôn khổ diễn đàn, Bộ Công Thương đã công bố chính thức Báo cáo Logistics Việt Nam 2019 và trao tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong phát triển logistics Việt Nam trong thời gian qua.

Nguồn: Thời báo Ngân hàng

http://thoibaonganhang.vn/phat-trien-logistics-thanh-nganh-kinh-te-mui-nhon-95112.html