VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin nổi bật

Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư: Cân bằng lợi ích các bên

15/11/2019 - 371 Lượt xem

Ban hành luật để tránh tình trạng “vay mượn” quy định của các luật khác

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc ban hành Luật PPP quy định chi tiết cho hoạt động PPP hiện nay mới chỉ dừng ở cấp Nghị định, chịu sự điều chỉnh của nhiều Luật (ngân sách Nhà nước, đầu tư, đầu tư công, bảo vệ môi trường, doanh nghiệp, đất đai, xây dựng, đấu thầu...). Do đó, việc ban hành một đạo luật riêng để điều chỉnh hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư nhằm tránh tình trạng “vay mượn” quy định của các pháp luật khác trong quá trình áp dụng là cần thiết với mục tiêu hình thành khung pháp lý ổn định, bền vững.

luat dau tu theo hinh thuc doi tac cong tu can bang loi ich cac ben
Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tại Nghị quyết số 613/2018/UBTVQH14 ngày 13/12/2018 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sử dụng tên gọi cho luật này là “Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư”. Tuy nhiên, Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 13/6/2019 sử dụng thuật ngữ “đầu tư theo phương thức đối tác công tư”. Do đó, để thống nhất thuật ngữ, đồng thời phản ánh được bản chất cơ chế đầu tư PPP, trong Tờ trình lần này, Chính phủ đề nghị sửa tên Luật thành “Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư”.

Dự thảo Luật PPP được bố cục thành 11 chương với 102 điều, trên cơ sở kế thừa Nghị định số 63/2018/NĐ-CP về PPP; đồng thời bổ sung một số chính sách mới. Trong đó, đã làm rõ sự khác biệt giữa “xã hội hóa” và PPP. Cụ thể, trong khi “xã hội hóa” chỉ là chủ trương và chính sách khuyến khích, chưa có trình tự thực hiện cụ thể thì “PPP” được định hình là phương thức đầu tư với trình tự, thủ tục bài bản và cơ chế chính sách đầy đủ.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết thêm, do tính chất hợp đồng PPP là dài hạn, chi phí chuẩn bị đầu tư một dự án PPP khá cao và để thu hút được các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài thì cần dự án có quy mô đủ lớn, do đó, dự án Luật đưa ra quy định về quy mô dự án tối thiểu nhằm thu hút các nhà đầu tư có năng lực tài chính thực sự, định hướng đầu tư các dự án PPP có quy mô vốn đủ lớn đối với các lĩnh vực hạ tầng trọng tâm, hạn chế các dự án quy mô nhỏ, dẫn đến đầu tư dàn trải, phân tán nguồn lực.

Với quan điểm này, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, cho ý kiến theo 02 phương án: Phương án 1: quy định về quy mô tối thiểu của dự án PPP ngay tại dự thảo Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết quy mô chi tiết cho từng lĩnh vực (như dự thảo hiện nay). Và Phương án 2: Không quy định quy mô tối thiểu của dự án PPP tại dự thảo Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết về quy mô tối thiểu cho từng lĩnh vực phù hợp với từng thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung để đảm bảo tính khả thi của luật

Thảo luận tại tổ đại biểu Quốc hội về dự án Luật PPP, hầu hết các ý kiến của địa biểu nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật PPP nhằm góp phần hoàn thiện, thống nhất hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động đầu tư mang tính đặc thù, phản ảnh bản chất của mối quan hệ đối tác công – tư. Đồng thời khắc phục những khó khăn, bất cập đang tồn tại hiện nay, bảo đảm khung pháp lý ổn định, nâng cao hiệu quả thực hiện, tính khả thi của các dự án PPP dài hạn.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội – tinh thần chung của luật là Nhà nước là một đối tác bình đẳng trong hợp đồng kinh tế với doanh nghiệp. “Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và doanh nghiệp ngồi cùng một thuyền” – Ông Kiên nói.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông Nguyễn Văn Thể cho biết, giao thông là lĩnh vực thu hút rất nhiều dự án đầu tư theo hình thức công – tư, tuy nhiên chủ yếu là thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư trong nước, vì vậy, dự án Luật đưa ra những quy định mới nhằm thu hút đầu tư nước ngoài là cần thiết.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thanh Quang (Đoàn Đà Nẵng), việc ghi rõ từng khoản, mục, lĩnh vực đầu tư trong dự án Luật là quá cụ thể, có thể gây ra vướng khi triển khai trong thực tế.

“Đầu tư theo phương thức PPP chỉ quy định với nhà máy điện, hệ thống truyền tải điện, vậy còn dịch vụ cung cấp điện, chiếu sáng công cộng có được đầu tư theo phương thức này không?” – Đại biểu Quang nêu cầu hỏi và chỉ ra thêm bất hợp lý, rằng dự án Luật quy định đầu tư theo phương thức PPP, như: y tế, giáo dục, đào tạo, dạy nghề,… song lại thiếu lĩnh vực văn hóa, thể thao.

Đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng và xác định một cách có chọn lọc về các lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP, bảo đảm tính công khai, minh bạch, hiệu quả của phương thức đầu tư PPP và thống nhất, đồng bộ với quy định tại các luật liên quan, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho các bên trong lựa chọn phương thức đầu tư phù hợp.

Cũng nêu hạn chế, đại biểu Mùa A Vàng (Đoàn Điện Biên) chỉ rõ, dự thảo Luật chưa quy định rõ vai trò quyết định Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong khi Luật Đầu Tư công đã có quy định vai trò của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

“Tại sao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có vai trò tham mưu quan trọng nhưng không được tham gia?” – Đại biểu Vàng nêu câu hỏi và nói thêm, trong khi các vấn đề như giải phóng mặt bằng và các vấn đề phức tạp khác khi triển khai các dự án đều xin ý kiến của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Cho ý kiến vào quy định về vốn bố trí đầu tư công trong dự án PPP, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị) cho rằng, nên quy định mức trần vốn tham gia của các bên (Nhà nước và các tổ chức, cá nhân) để tránh tình trạng sự tham gia của khu vực tư vào dự án quá ít, nhưng lại giao cho doanh nghiệp vận hành.

Nguồn: báo Công thương

https://congthuong.vn/luat-dau-tu-theo-hinh-thuc-doi-tac-cong-tu-can-bang-loi-ich-cac-ben-128084.html