VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin%20n%E1%BB%95i%20b%E1%BA%ADt

Kinh tế 2020: Kế hoạch thông qua, băn khoăn ở lại

15/11/2019 - 354 Lượt xem

Tăng trưởng GDP 6,8%; nhập siêu dưới 3%: Sao lại thế?

Thảo luận trên Nghị trường trước khi Nghị quyết này được thông qua, có đại biểu nêu vấn đề: Với việc nền kinh tế liên tục có được tăng trưởng cao hơn mục tiêu trong những năm qua (năm 2018 là 7,8%; năm 2019 nhiều khả năng vượt 6,8%) thì tại sao Quốc hội lại giao chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 2020 thấp hơn năm 2018.

“Có phải vì giờ chúng ta đã dự báo sát đúng, đầy đủ các điều kiện để phát triển kinh tế đất nước, nhất là các lý do thuộc về nội tại, hay do chưa có quyết tâm cao hơn để nỗ lực lớn hơn trong phát triển kinh tế và vì thế chỉ giao chỉ tiêu vừa phải để có điều kiện dễ hoàn thành?”, vị đại biểu trên nêu câu hỏi.

Hay một số đại biểu khác cũng nêu vấn đề tại sao trong khi liên tục 4 năm qua xuất siêu, nhưng lại xây dựng chỉ tiêu cho năm 2020 là nhập siêu ở mức dưới 3% kim ngạch xuất khẩu và cho rằng điều này là không sát với thực tế.

Ở chiều ngược lại, nhiều đại biểu cho rằng với bối cảnh bên ngoài quá nhiều biến động khó lường khiến tình hình xuất khẩu đã bắt đầu khó khăn và dự báo sẽ tiếp tục rất khó khăn trong năm tới, cộng với đó là những yếu kém nội tại thì mục tiêu tăng trưởng 6,8% năm 2020 là rất thách thức. “Mục tiêu duy trì tăng trưởng 6,8% của 2020 sẽ rất gian nan”, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), nhận định.

Ông Vũ Tiến Lộc đã dẫn ra một số dẫn chứng để lý giải cho quan ngại này. Theo đó, ngành chế biến chế tạo – khu vực đóng góp trực tiếp quan trọng cho xuất khẩu và có vai trò dẫn dắt tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm nay đang có chỉ số hàng tồn kho tại thời điểm 30/9 lên tới mức kỷ lục là 17,2%, cao hơn nhiều so với mức 13,8% cùng kỳ năm ngoái và 8,8% của năm 2017. Vậy tăng trưởng của ngành này có bền vững không khi các DN đưa chỉ số hàng tồn kho về mức bình thường?

Trong khi đó khi nhìn đến tác động của CTTM Mỹ - Trung và triển vọng xuất khẩu, dù nhiều chuyên gia dự báo Việt Nam sẽ hưởng lợi và có thể trở thành công xưởng mới của kinh tế thế giới nhưng thực tế lại không chứng minh như vậy. 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu chỉ tăng 8,3% so với cùng kỳ 2018, tức chỉ còn bằng phân nửa tốc độ tăng của cùng kỳ năm ngoái, và khoảng 1/3 tốc độ tăng trên 20% của những năm trước đó.

Cùng với đó, cơ cấu xuất khẩu cũng có những chuyển dịch bất lợi. Trong nhóm 5 thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, xuất khẩu vào các thị trường EU, Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản đều giảm tốc, duy nhất sang thị trường Mỹ tăng đột biến nhưng lại chứa đựng rất nhiều rủi ro về gian lận và cảnh báo từ phía Mỹ về thâm hụt thương mại… Do đó, rất nhiều ý kiến cũng nêu bật mối quan ngại đối với xuất khẩu năm 2020 và mục tiêu đặt ra là không dễ dàng để đạt được.

Quyết liệt đẩy tiến độ giải ngân đầu tư công

Rất nhiều đại biểu Quốc hội trong thảo luận đã nêu về tình trạng giải ngân đầu tư công chậm, coi đây là một trong những “điểm tối” trong một bức tranh kinh tế nhưng năm qua, gây ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội và lo ngại tình trạng này sẽ tiếp tục tái diễn trong năm 2020 cũng như những năm sau đó nếu không quyết liệt được khắc phục.

Thừa nhận thực tế này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nguyên nhân một phần do một số quy định của một số văn bản pháp luật về đầu tư công còn phức tạp, chồng chéo nhưng về cơ bản những vấn đề đã được giải quyết, xử lý ở Luật Đầu tư công (sửa đổi) sẽ có hiệu lực kể từ 1/1/2020.

Tuy nhiên, phần nguyên nhân chủ yếu vẫn nằm ở khâu tổ chức thực hiện. Để giải quyết vấn đề này, vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 94 với các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để đẩy nhanh tiến độ về phân bổ và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2019. Thông tin các bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân chậm cũng đã được công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Luật Đầu tư công sửa đổi sắp có hiệu lực cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp của Nghị quyết 94, và việc giám sát của Quốc hội sẽ giúp cho vấn đề giải ngân vốn đầu tư công có những bước cải thiện đáng kể từ năm tới.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 8/11 vừa qua cũng khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp tục đôn đốc giải quyết vấn đề này, đồng thời yêu cầu sự chủ động vào cuộc mạnh mẽ của tất cả các cấp chính quyền, các bộ trưởng và chủ tịch uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố.

Thủ tướng yêu cầu phải bám sát kế hoạch và tiến độ giải ngân của từng dự án thuộc thẩm quyền quản lý, khẩn trương đôn đốc tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm trực tiếp về kết quả thực hiện giải ngân và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của ngành mình, địa phương mình.

“Không để tiếp diễn tình trạng bê trễ, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; không được để tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công làm phát sinh thêm chi phí giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực, hạn chế tiềm năng phát triển đất nước; đồng thời không được để thất thoát, tham nhũng tiêu cực, lãng phí trong đầu tư công mà phải đảm bảo hiệu quả cao nhất, chất lượng tốt nhất”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV vừa biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 với 12 chỉ tiêu chủ yếu gồm: GDP tăng khoảng 6,8%; Lạm phát bình quân dưới 4%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP; Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%;

Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 25%; Số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 28 giường bệnh; Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,7%; Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 90%; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%.

Nguồn: Thời báo Ngân hàng

http://thoibaonganhang.vn/kinh-te-2020-ke-hoach-thong-qua-ban-khoan-o-lai-94619.html