VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin%20n%E1%BB%95i%20b%E1%BA%ADt

Phát huy nội lực để tăng trưởng bền vững

31/10/2019 - 354 Lượt xem

Song để phát triển kinh tế bền vững, tự chủ, nhiều đại biểu đề nghị cần làm rõ động lực, chất lượng của tăng trưởng để phát huy cho các năm sau, đồng thời cần đánh giá thực trạng và tác động của khoa học, công nghệ đối với tăng trưởng kinh tế để có giải pháp đột phá...

Khi trụ cột… không bền vững

Nhất trí với kết quả đạt được, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) và nhiều đại biểu khác cho biết, 2019 là năm đầu tiên động lực tăng trưởng chính đã đến từ khu vực chế biến, chế tạo. Tỷ trọng xuất khẩu và đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân trong nước cũng tăng lên… Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng cao nhất ASEAN và nằm trong nhóm các nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất ở châu Á. Đó là những thành quả rất quan trọng và không dễ dàng.

Nhưng nhìn về tầm nhìn năm 2020 và những năm tiếp theo, chúng ta chưa thể yên tâm. Mục tiêu duy trì nhịp độ tăng trưởng 6,8% là rất gian nan khi kinh tế và thương mại thế giới đang giảm tốc và theo dự báo có khả năng tiến tới ngưỡng suy thoái toàn cầu; trong khi ở trong nước, với nền kinh tế có độ mở cao, lại phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài.

Đi vào phân tích các trụ cột tăng trưởng, ông Lộc cho biết, nhìn kỹ vào ngành chế biến chế tạo - khu vực đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm - cho thấy, đằng sau mức tăng sản lượng ấn tượng 11,37%, thì chỉ số hàng tồn kho của ngành này tại thời điểm 30/9 cũng đạt mức kỷ lục là 17,2%, cao hơn nhiều so với mức 13,8% cùng kỳ năm 2018 và 8,8% của năm 2017. Vậy, sự tăng trưởng của ngành này có bền vững không khi các DN đưa chỉ số hàng tồn kho về mức bình thường?

Nói về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, rất nhiều chuyên gia dự báo Việt Nam sẽ hưởng lợi, sẽ trở thành công xưởng mới của nền kinh tế toàn cầu. Nhưng thực tế lại không cho thấy điều đó mà ngược lại, 9 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu của nước ta chỉ tăng 8,2% so với cùng kỳ 2018, chỉ còn bằng phân nửa tốc độ tăng của cùng kỳ năm ngoái là 15,4% và bằng khoảng 1/3 của mức tăng trên 20% của những năm trước nữa. Cơ cấu xuất khẩu theo thị trường cũng có những chuyển dịch bất lợi. Xuất khẩu sang nhóm 5 thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, bao gồm EU, Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản đều giảm tốc.

Duy nhất, xuất khẩu sang Mỹ tăng đột biến nhưng lại chứa đựng rất nhiều rủi ro và gian lận thương mại, về thâm nhập thương mại. Việt Nam trở thành một trong sáu quốc gia có thâm hụt thương mại lớn nhất với Hoa Kỳ. Trong khi hầu hết các quốc gia này đều bị Hoa Kỳ trừng phạt thì ai có thể bảo đảm rằng chúng ta là ngoại lệ.

Bức tranh về đầu tư nước ngoài cũng không sáng sủa hơn khi 9 tháng đầu năm, đầu tư nước ngoài có dấu hiệu nhích lên nhưng lại giảm tốc ở 2 đầu nguồn trọng điểm đóng vai trò dẫn dắt là Nhật Bản và Hàn Quốc, trong khi đó lại tăng đột biến từ các nguồn liên quan tới Trung Quốc (bao gồm cả Trung Quốc, Đài Loan và Hongkong). Vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển theo hướng này cũng phát đi một tín hiệu thiếu bền vững, thiếu cân bằng về FDI và chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới chất lượng tăng trưởng dài hạn của nước ta.

“Những chỉ báo trên cho thấy để duy trì được nhịp độ tăng trưởng 6,8%, đồng thời cải thiện được chất lượng tăng trưởng trong năm tới là rất gian nan. Và động lực chính để bảo đảm cho sự tăng trưởng là nâng cao sức cạnh tranh của cộng đồng DN”, ông Lộc phát biểu.

Đánh giá cao những thành tựu đã đạt được, song đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cũng cho rằng, tăng trưởng GDP của chúng ta đạt được đang dựa trên các nguồn chủ yếu: những ngành nghề lao động giá rẻ mà phần lớn trong khối FDI, xuất khẩu tài nguyên và xuất khẩu nông sản. Ba nguồn này được coi là quan trọng nhưng lại đang đứng trước thách thức là năng suất lao động thấp.

Năm 2018, năng suất lao động chỉ bằng 7,3% của Singapore, bằng 19% của Malaysia, 37% của Thái Lan và 55,9% của Philippines. Chất lượng nguồn nhân lực theo đánh giá của WB mới đạt 3,79 điểm theo thang điểm 10, xếp thứ 11 trong số 12 nước châu Á tham gia xếp hạng. Bởi vậy, vấn đề hết sức quan trọng là phải nâng cao năng suất lao động bằng việc có một nguồn nhân lực chất lượng tốt hơn, có kỹ năng tốt hơn, làm những ngành nghề đòi hỏi tay nghề cao hơn. Muốn vậy, không chỉ nâng cao công nghệ đào tạo nhân lực mà còn đổi mới sáng tạo, khát vọng vươn lên, như thế sự phát triển mới thực sự bền vững.

Cần củng cố và phát huy nội lực

Đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) đưa ra con số lạc quan trong 9 tháng đầu năm, vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước đã đạt 624,6 nghìn tỷ đồng, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2018, cao nhất trong các khu vực kinh tế. Sự chuyển dịch về cơ cấu này thể hiện kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng đóng góp trên 40% GDP tạo ra 1,2 triệu việc làm mỗi năm.

Tuy nhiên khu vực tư nhân vẫn phát triển dưới tiềm năng, chưa bứt phá được trụ cột mới của nền kinh tế. Vì vậy Chính phủ cần phải có sự đột phá về cơ chế, chính sách nhằm xóa bỏ rào cản phát triển DN tư nhân. Đây là điều kiện tiên quyết để người dân an tâm, hồ hởi, bỏ tiền ra làm ăn, gia tăng hiệu quả cho nền kinh tế.

“Cần phải đặt DN tư nhân là động lực lớn, lan tỏa, lôi kéo các thành phần kinh tế khác, nhất là hộ sản xuất kinh doanh nhỏ, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, hình thành trục liên kết theo chuỗi, hỗ trợ tính thị trường đối với những người dẫn dắt thị trường đó, tạo ra sân chơi cạnh tranh thì mới có hiệu quả…”, ông So đề nghị

Cũng liên quan đến nội dung này, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho biết, mặc dù đã đóng góp tới 40% GDP, nhưng khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam đang mang trong lòng một nghịch lý lớn: chỉ có trên 700 nghìn DN thuộc khu vực DN tư nhân nhưng đóng góp chỉ vẻn vẹn 10% cho GDP, còn lại hơn 30% GDP là thuộc về trên 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, trong đó có 2 triệu hộ kinh doanh có đăng ký.

Theo ông Lộc, không có một nền kinh tế thị trường nào có khu vực bán chính thức và phi chính thức lớn đến như vậy. Về bản chất thì hộ kinh doanh cá thể chính là một loại hình DN nhỏ và siêu nhỏ nhưng do chưa được định danh rõ ràng về mặt pháp lý, nên với bên ngoài, hộ kinh doanh bị hạn chế về quyền kinh doanh…

Chúng ta không thể xóa bỏ hộ kinh doanh, không thể ép buộc hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN, mà chỉ có thể khoác tấm áo pháp lý mớicho hộ kinh doanh: đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật DN với những quy định pháp lý tối giản nhưng minh bạch, bảo đảm sự bình đẳng của hộ kinh doanh với các loại hình DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa, để góp phần thúc đẩy sự phát triển có hiệu quả của hộ kinh doanh trong nền kinh tế.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) thì cho rằng, kinh tế phát triển nhanh, ổn định nhưng Việt Nam vẫn là quốc gia có thu nhập trung bình thấp, chưa  thể "hóa rồng hóa hổ". Giải pháp của Chính phủ đưa ra là đầy đủ và toàn diện, nhưng với nội lực, bối cảnh như vậy cần có mũi nhọn đột phá trọng tâm để thoát khỏi nguy cơ tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

“Có ba vấn đề cốt lõi cần dành nguồn lực thực hiện bằng được để tăng trưởng theo chiều sâu. Đó là trình độ lao động; phát triển ứng dụng khoa học, công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo. Chỉ có nâng cao trình độ lao động và đẩy mạnh ứng dụng khoa học mới có thể tăng trưởng theo chiều sâu. Nhưng để làm được cần đổi mới mạnh mẽ, gắn giáo dục đào tạo với yêu cầu của thực tiễn và nhu cầu của DN. Có giải pháp thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ, chỉ có đổi mới sáng tạo mới tạo ra giá trị gia tăng đột phá và có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Muốn vậy cần phải có kênh nguồn vốn chính sách cho khởi nghiệp sáng tạo và phải chấp nhận rủi ro”, ông Hàm cho hay.

Nguồn: Thời báo Ngân hàng

http://thoibaonganhang.vn/phat-huy-noi-luc-de-tang-truong-ben-vung-94075.html