VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin nổi bật

Đảm bảo hệ thống ngân hàng an toàn, hiệu quả

30/10/2019 - 267 Lượt xem

Đó cũng là nhận định chung của các diễn giả tham gia Hội thảo phổ biến kết quả nghiên cứu của Đề tài KH & CN “Tăng cường sự phối hợp giữa CSTT và chính sách an toàn hoạt động ngân hàng tại Việt Nam” vừa diễn ra ngày 24/10/2019 tại Hà Nội.

Sự phối hợp giữa CSTT và an toàn hoạt động là rất quan trọng

Phát biểu tại buổi hội thảo, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược NHNN Nguyễn Thị Hiền cho rằng, cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã khiến các nhà hoạch định chính sách cả trong nước và tổ chức quốc tế phải đánh giá nhìn nhận lại chính sách an toàn vĩ mô, vai trò CSTT, chính sách an toàn hoạt động với trọng trách cảnh báo, ngăn ngừa rủi ro, đảm bảo an toàn lành mạnh hoạt động hệ thống ngân hàng. Việc phối hợp giữa cơ quan chịu trách nhiệm thực thi CSTT với cơ quan phụ trách giám sát an toàn tài chính là vô cùng quan trọng.

Theo đó, không chỉ lấp khoảng trống giữa CSTT, tài khóa, giám sát tốt hệ thống tài chính ngân hàng mà còn giúp cơ quan quản lý chủ động hơn trong việc thực thi các chính sách vĩ mô. “Mục tiêu cuối cùng của sự phối hợp chính sách này nhằm giúp tăng trưởng bền vững đi cùng với một hệ thống tài chính ngân hàng ổn định lành mạnh và hiệu quả. Nhất là ở Việt Nam trong giai đoạn tái cơ cấu, xử lý nợ xấu đang diễn ra hết sức mạnh mẽ thì sự phối hợp này lại càng cần thiết”, bà Hiền cho biết.

Phân tích cụ thể hơn, TS. Nguyễn Phi Lân - Cục trưởng Cục Giám sát an toàn hệ thống các TCTD (Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng) đã thay mặt nhóm đề tài chỉ ra 5 lý do cần thiết của sự phối hợp giữa CSTT và chính sách an toàn hoạt động ngân hàng.

Thứ nhất, do quá trình thực thi CSTT luôn có những tác động lên sự ổn định của hệ thống ngân hàng.

Thứ hai, nhiệm vụ giám sát tài chính nói chung và ngân hàng nói riêng thường được giao cho nhiều cơ quan phụ trách khác nhau, trong khi tính tương tác giữa các khu vực trong hệ thống tài chính lại rất chặt chẽ.

Thứ ba, các công cụ giám sát ngân hàng thường được chia sẻ hoặc thậm chí được sử dụng chung giữa các cơ quan thực thi CSTT và giám sát tài chính.

Thứ tư, một số cơ quan thực thi CSTT trên thế giới có chức năng giám sát an toàn vĩ mô, trong khi giám sát an toàn vĩ mô và giám sát an toàn vi mô lại có sự giao thoa lẫn nhau, nên sự phối hợp sẽ giúp tăng tính hiệu quả của các mô thức giám sát.

Thứ năm, giữa các mục tiêu của CSTT và mục tiêu ổn định và an toàn ngân hàng không phải lúc nào cũng tương thích, thậm chí trong nhiều trường hợp lại có sự xung đột. Chính vì vậy, một sự phối hợp hiệu quả sẽ giúp tìm thấy điểm cân bằng giữa các mục tiêu chính sách.

Chia sẻ thêm về công tác phối hợp giữa hai chính sách, ông Nguyễn Phi Lân cho biết, thời gian qua chính sách an toàn hoạt động ngân hàng đã hỗ trợ CSTT để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giữ vững các cân đối lớn của nền kinh tế thông qua các công  cụ chính sách an toàn hoạt động ngân hàng  như tăng hệ số CAR; quy định chặt cấu phần vốn tự có; giới hạn góp vốn, mua cổ phần, cấp tín dụng; tăng RW ngành có rủi ro cao; tăng cường khả năng thanh khoản, chi trả…

Về phía CSTT, đã phối hợp với chính sách an toàn hoạt động ngân hàng trong bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng thông qua thực thi chính sách lãi suất; kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng; chính sách tỷ giá và quản lý ngoại tệ hỗ trợ kiểm soát lạm phát và đảm bảo thanh khoản ngoại tệ cho TCTD.

Tìm cơ chế phối hợp hiệu quả

Tuy đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng nhóm nghiên cứu đề tài nhận thấy vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định trong công tác phối hợp giữa hai chính sách. Chẳng hạn, về vai trò, nhiệm vụ của các đơn vị trong cơ chế phối hợp triển khai CSTT và chính sách an toàn còn chưa rõ nét. Về cơ chế chia sẻ thông tin, phối hợp đột xuất thiếu tính kịp thời. Hay như tính dự báo và xác định chính xác các kênh truyền dẫn còn hạn chế. Về cơ chế hội đồng, phản biện và cơ chế xử lý những vấn đề xung đột về mục tiêu giữa CSTT và chính sách an toàn hiệu quả chưa cao.

Dưới góc độ NHTM,  Phó Tổng giám đốc SCB Hoàng Minh Hoàn nhận thấy, điều hành chính sách của NHNN ngày càng tiệm cận những thông lệ quốc tế tốt nhất, đánh giá toàn diện các hoạt động ngân hàng, sự phối hợp giữa CSTT với an toàn hoạt động ngân hàng nhịp nhàng hơn. Tuy nhiên, trên thực tế diễn ra vẫn còn độ vênh trong quá trình triển khai chính sách.

Chẳng hạn, theo quy định tại Nghị định 53 của Chính phủ về thành lập tổ chức hoạt động của VAMC cho phép các ngân hàng bán nợ cho VAMC được phép vay tái cấp vốn từ NHNN. Nhưng vào thời điểm thanh khoản hệ thống ngân hàng đang tốt, cung tiền dư thừa, trên cơ sở điều hành cung tiền,Vụ Chính tiền tệ thực hiện hút tiền về thông qua phát hành tín phiếu, giả sử SCB đề xuất vay tái cấp vốn khả năng được vay là không nhiều.

Dù về chủ trương vay tái cấp vốn để tăng nguồn vốn với chi phí hợp lý cho ngân hàng là hoàn toàn phù hợp và được phép, nhưng nếu cho ngân hàng vay tái cấp vốn đồng nghĩa với việc bơm tiền ra lại không phù hợp mục tiêu điều hành của CSTT vào thời điểm đó.

Vì vậy, cơ quan này cũng rất thận trọng đối với đề xuất vay tái cấp vốn của ngân hàng. Trong khi đối với ngân hàng đang tái cấu trúc như SCB lại đang rất cần những nguồn vốn như vậy.

Cho rằng, sự phối hợp giữa CSTT và chính sách an toàn với mục tiêu lớn hướng tới là đảm bảo an toàn hệ thống và mục tiêu cuối cùng bảo đảm người tiêu dùng, người gửi tiền, đại diện Techcombank mong muốn phối hợp giữa TCTD với NHNN chặt chẽ hơn để giúp TCTD hiểu rõ hơn CSTT, an toàn hoạt động trong từng thời kỳ để thực hiện tuân thủ cho đúng, không hiểu nhầm hiểu sai chính sách.

Đồng tình với quan điểm trên, TS. Nguyễn Phi Lân cho rằng, cơ chế trao đổi thông tin giữa các đơn vị liên quan ở đây là Vụ CSTT với cơ quan giám sát an toàn hoạt động ngân hàng phải thường xuyên, nhuần nhuyễn, kịp thời đảm bảo hiệu quả phối hợp chính sách cao hơn. Nhằm khắc phục những hạn chế về trao đổi thông tin, cơ quan thanh tra giám sát đang xây dựng kho dữ liệu chung giám sát từ xa trong đó yêu cầu một số vụ chức năng như Vụ tín dụng, CIC… thường xuyên cập nhật số liệu, thông tin.

Căn cứ trên cơ sở thông tin thu thập, Cơ quan thanh tra giám sát ban hành thông tư chính sách cho phù hợp… Bên cạnh đó, Cơ quan này sẽ chủ động công bố kết quả xếp hạng hàng năm của các ngân hàng làm cơ sở phục vụ điều hành CSTT của NHNN…

Mục tiêu cuối cùng của sự phối hợp chính sách này nhằm giúp tăng trưởng bền vững đi cùng với một hệ thống tài chính ngân hàng ổn định lành mạnh và hiệu quả. Nhất là ở Việt Nam trong giai đoạn tái cơ cấu, xử lý nợ xấu đang diễn ra hết sức mạnh mẽ thì sự phối hợp này lại càng cần thiết

Nguồn: Thời báo Ngân hàng

http://thoibaonganhang.vn/dam-bao-he-thong-ngan-hang-an-toan-hieu-qua-93845.html