VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin%20n%E1%BB%95i%20b%E1%BA%ADt

Nhiều nhà đầu tư quốc tế muốn rót vốn vào thị trường Việt Nam

30/10/2019 - 332 Lượt xem

Tuy nhiên, cùng với sự quyết tâm của Chính phủ, cơ quan quản lý, TTCK Việt Nam vẫn được nhiều nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) “cho điểm cộng” về tính hấp dẫn và tiềm năng tăng trưởng trong trung và dài hạn.

TTCK có nhiều yếu tố tích cực trong 3 - 4 năm tới

Theo ông Vương Tuấn Dương - Phó Giám đốc Điều hành VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF - quỹ lớn nhất của VinaCapital), định giá của TTCK Việt Nam vẫn đang rẻ so với khu vực các nước ASEAN và một số thị trường mới nổi khác. Dù chỉ số P/E của VN-Index tăng trong 2 năm gần đây, nhưng hiện tại vẫn thấp hơn 12% so với bình quân các nước khu vực. Tính tới cuối tháng 8/2019, mức P/E của Việt Nam là 16,7 lần, thì một số nước trong khu vực như Indonesia là 20,2 lần, Malaysia là 19,5 lần, Philippines là 17,9 lần, Thailand là 18,6 lần.

 
 
Doanh nghiệp Việt Nam muốn thu hút vốn đầu tư nước ngoài thì cần tập trung vào một số việc. Thứ nhất, cần phải có kiểm toán theo chuẩn mực quốc tế, bởi nhiều công ty gia đình lớn thì chưa được kiểm toán quốc tế và sổ sách cũng chưa rõ ràng. Thứ hai, mặc dù là công ty gia đình nhưng cần có đội ngũ quản lý giỏi từ ngoài vào, để nhà đầu nước ngoài thấy được hướng phát triển độc lập của công ty. Thứ ba, các doanh nghiệp cần có chiến lược phát triển rõ ràng, bởi nhiều doanh nghiệp Việt Nam có sự phát triển, nhưng chưa thể hiện được hay giải thích được cho nhà đầu tư chiến lược phát triển như thế nào. Tôi cho rằng, nếu doanh nghiệp Việt Nam giải quyết được 3 vấn đề nêu trên thì NĐTNN họ rất quan tâm và đầu tư vào.
don
Ông Don Lam - đồng sáng lập,
kiêm Tổng Giám đốc Vinacapital
 

Cũng theo ông Vương Tuấn Dương, một điểm mạnh của Việt Nam là tiền Đồng rất ổn định từ đầu năm tới nay. Đây là yếu tố rất quan trọng để thu hút dòng tiền đầu tư từ nước ngoài. 

Ngoài ra, theo lãnh đạo của VinaCapital, TTCK Việt Nam vẫn có nhiều yếu tố tích cực trong trung hạn từ 3 đến 4 năm tới như việc Chính phủ đang khuyến khích thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, hoặc khả năng TTCK Việt Nam được MSCI và FTSE nâng hạng,....

Riêng về vấn đề chiến tranh thương mại, ông Dương cho rằng, đây là yếu tố bao gồm cả cơ hội lẫn thách thức. Theo đó, chiến tranh thương mại leo thang sẽ làm cho dòng tiền đầu tư trở nên thận trọng và dè dặt hơn; song cũng tạo ra cơ hội giúp họ tiếp cận dòng vốn rẻ hơn, doanh nghiệp cũng có cơ hội giảm chi phí vốn. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng tác động này, tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư đều cho rằng, Việt Nam là nước được hưởng lợi lớn hơn.

Ông Don Lam - đồng sáng lập, kiêm Tổng Giám đốc Vinacapital nhấn mạnh rằng, nhiều nhà đầu tư quốc tế mong muốn rót thêm vốn vào thị trường Việt Nam, trong đó, chiếm số đông là các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản. Điều này cho thấy, làn sóng đầu tư từ châu Á đang đổ dồn vào Việt Nam trong bối cảnh địa chính trị, thương chiến Mỹ - Trung leo thang.

Tổng Giám đốc VinaCapital cho biết thêm, các nhà đầu tư ngoại quan tâm tới các ngành có tiềm năng phát triển về thị trường nội địa. GPD Việt Nam tăng rất tốt, nên NĐTNN rất quan tâm tới các mảng liên quan tới hàng tiêu dùng. Một số lĩnh vực khác mà các nhà đầu tư cũng quan tâm đó là công nghệ thông tin và du lịch. “Sở dĩ các nhà đầu tư quan tâm về mảng du lịch là vì Việt Nam sở hữu rất nhiều vị trí đẹp và có nhiều hãng hàng không sắp tham gia thị trường. Sự phát triển của ngành hàng không sẽ làm cho du lịch phát triển và thu hút khách nước ngoài. Do vậy, NĐTNN đang có xu hướng rót tiền vào các khu khách sạn, resort và tôi nghĩ rằng điều này sẽ rất phát triển trong một vài năm tới” – ông Don Lam nói và lý giải.

Ông Don Lam cũng chia sẻ thêm: “Hiện tại, Vinacapital đang thấy cơ hội đầu tư tập trung nhiều vào mảng starup hoặc công nghệ. Từ đầu năm vừa qua, Vinacapital đã bắt đầu đầu tư vào các ngành này và cũng đã tiếp xúc, xem xét hơn 200 công ty, trong đó đã trực tiếp đầu tư vào 10 công ty. Những công ty mà VinaCapital đã đầu tư đều cho hiệu quả rất tốt”.

Sẽ có nhiều chính sách mở cửa hơn nữa để thu hút vốn ngoại

Mặc dù còn khá non trẻ, nhưng những kết quả đạt được của TTCK Việt Nam trong thời gian qua là không thể phủ nhận, đặc biệt là các yếu tố nền tảng của thị trường ngày càng được củng cố theo hướng bền vững. TTCK Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài. Giá trị danh mục cuối tháng 9/2019 của NĐTNN trên TTCK Việt Nam tăng thêm 4,3 tỷ USD, tăng 13% so với cuối năm 2018 đã minh chứng cho sự quan tâm ngày càng cao của NĐTNN đến thị trường Việt Nam.

pe

Ông Trần Văn Dũng – Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, với phương châm hướng tới một thị trường phát triển ổn định, bền vững và hiệu quả, cơ quan quản lý đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp cả trong ngắn hạn và dài hạn, để tiếp sức cho TTCK phát triển theo chiều hướng lành mạnh, đi vào chiều sâu.

Theo đó, ưu tiên số một vẫn là Luật Chứng khoán sửa đổi (hiện tại đang được Quốc hội xem xét thông qua) và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán được quy định theo hướng đơn giản hóa về điều kiện và hồ sơ phát hành gắn với tăng cường nghĩa vụ công bố thông tin của tổ chức phát hành; rút ngắn quy trình chấp thuận niêm yết, phát hành, giao dịch cổ phiếu, trái phiếu để thúc đẩy các doanh nghiệp huy động vốn và các nhà đầu tư tham gia vào thị trường vốn.

Bên cạnh đó, UBCKNN đã thực hiện nhiều giải pháp để đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện chính sách về giao dịch cũng như tiếp cận thị trường cho NĐTNN; đồng thời đề xuất với các cơ quan liên quan trong giải quyết các vướng mắc cho NĐTNN. Dự kiến, trong quá trình xây dựng nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán sửa đổi, UBCKNN sẽ nghiên cứu trình Bộ Tài chính trình Chính phủ chính sách mở cửa cho NĐTNN, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Cùng với đó, sẽ tiếp tục khơi thông dòng vốn trong nước và nước ngoài thông qua các giải pháp chính sách về nâng hạng TTCK Việt Nam từ hạng thị trường cận biên lên hạng thị trường mới nổi trên bảng xếp hạng MSCI và FTSE Rusell; xây dựng chính sách hướng dẫn các doanh nghiệp FDI lên niêm yết và huy động vốn trên thị trường chứng khoán, đơn giản các thủ tục thu hút các nhà đầu tư có tổ chức lớn tham gia thị trường; thu hút các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. 

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước gắn với việc niêm yết và đăng ký giao dịch; áp dụng phương thức dựng sổ trong thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước; tăng cường kiểm tra, giám sát về tính minh bạch các thông tin trong báo cáo tài chính của các công ty đại chúng về vấn đề sử dụng vốn, công bố thông tin và quản trị công ty. 

Ngoài ra, cơ quan quản lý sẽ triển khai đề án phát triển trái phiếu doanh nghiệp; hoàn thiện phương án tổ chức thị trường trái phiếu doanh nghiệp và công tác chuẩn bị để có thể đưa thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp vào hoạt động trong năm 2020; đồng thời, khuyến khích các công ty đưa trái phiếu lên niêm yết.

Nguồn: Thời báo Tài chính

http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/chung-khoan/2019-10-24/nhieu-nha-dau-tu-quoc-te-muon-rot-von-vao-thi-truong-viet-nam-78095.aspx