VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin nổi bật

Phát triển doanh nghiệp xã hội: Hụt hơi từ chính sách

29/08/2019 - 382 Lượt xem

Việt Nam là một trong số không nhiều quốc gia có ghi nhận pháp lý cho doanh nghiệp xã hội (DNXH) trong Luật Doanh nghiệp năm 2014, cùng với đó đã có một số chính sách khuyến khích phát triển khu vực này. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có chính sách cụ thể nào để phát triển riêng cho khu vực này được đưa vào thực hiện. Đây là vấn đề được các chuyên gia, nhà quản lý đặt ra với nhiều trăn trở, tại hội nghị “Doanh nghiệp xã hội và Phát triển bền vững” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức ngày 28/8.

Doanh nghiệp xã hội hỗ trợ giải quyết hiệu quả hơn các vấn đề an sinh xã hội

Để không ai bị bỏ lại phía sau

Khái niệm DNXH là một loại hình DN mới xuất hiện ở Việt Nam và đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm trở lại đây. Hiện nay, nước ta có khoảng 200 tổ chức được xem là có đầy đủ các đặc điểm của DNXH. Bên cạnh đó, có hàng chục ngàn tổ chức và DN có những đặc điểm của DNXH. Các DNXH đang hoạt động khá hiệu quả, bước đầu góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường như đào tạo kỹ năng nghề cho con em gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật... tạo cho họ việc làm ổn định, có thu nhập tương đối cao trong điều kiện chung của xã hội.

Tuy nhiên, các DNXH hiện cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, như thiếu vốn và yếu kém trong khả năng tiếp cận các nguồn tài chính; yếu về năng lực quản lý điều hành; thiếu hụt những dịch vụ hỗ trợ và nâng cao năng lực phù hợp cho DNXH; truyền thông và phát triển thương hiệu cho các DNXH gặp nhiều khó khăn do nhận thức của cộng đồng về loại hình DN này còn hạn chế...

“Thật thú vị khi chú ý xem có bao nhiêu DN tự công nhận là coi tác động xã hội là nhiệm vụ ưu tiên của mình nhưng chưa được đăng ký là DNXH theo pháp luật”, bà Catherine Phương - Trợ lý Giám đốc quốc gia UNDP Việt Nam chia sẻ và cho biết 40% DN tạo tác động xã hội đăng ký thành lập DNXH từ năm 2015 và bùng nổ vào năm 2016 tăng 14%. Đến nay có 72% chỉ có DN tạo tác động xã hội đăng ký là DNXH.

Các DN tạo tác động xã hội chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. 3 mục tiêu phát triển bền vững hàng đầu mà các DN tạo tác động xã hội có thể đóng góp nhiều nhất là công việc tốt và tăng trưởng kinh tế; sức khỏe tốt; không còn đói nghèo. 2 lĩnh vực kinh doanh chính là: nông nghiệp, ngư nghiệp, thực phẩm (32%); giáo dục - đào tạo (30%).

Hầu hết các DNXH có quy mô nhân lực nhỏ, 70% DN có dưới 20 nhân viên. Tuy nhiên, khu vực này gồm nhiều tầng lớp xã hội, với 74% công nhân đến từ nhóm người thiệt thòi trong xã hội và 90% là người dân địa phương. Những DNXH cũng đa dạng hơn trong ban lãnh đạo, thể hiện trong việc có nhiều người và phụ nữ từ các nhóm yếu thế trong xã hội tham gia vào quá trình thành lập và hoạt động của DN. Trong đó có 41% lãnh đạo DNXH là phụ nữ; 1% đến từ cộng đồng những người đồng tính luyến ái… Tỷ lệ nhà khởi nghiệp xã hội là phụ nữ cao hơn nhiều con số 25% trong lĩnh vực thương mại tại Việt Nam và trung bình 10% trên toàn thế giới.

Luật khơi ra rồi… để đó

“Chúng ta có thể nói rằng bằng cách hỗ trợ các DNXH, hoặc thúc đẩy khởi nghiệp xã hội trong khu vực tư nhân, chúng ta cũng có thể hỗ trợ đạt được mục tiêu phát triển bền vững số 10 là giảm bất bình đẳng và một phần của ý tưởng “không ai bị bỏ lại đằng sau”, bà nhấn mạnh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hệ thống pháp lý hiện nay chưa đủ thúc đẩy.

Luật DN 2014 quy định 3 điều kiện DNXH cần đáp ứng: đăng ký là DN theo Luật DN; có mục tiêu xã hội, môi trường rõ ràng; cam kết tái đầu tư ít nhất 51% lợi nhuận phục vụ mục tiêu xã hội, môi trường đã đăng ký. Nghị định 96/2015/NĐ-CP cũng đã đưa ra một số chính sách khuyến khích phát triển khu vực này. Cụ thể là nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thành lập DNXH có mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng; DNXH được hưởng các ưu đãi và hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật; DNXH được tiếp nhận viện trợ Chính phủ nước ngoài để thực hiện các mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên theo quan sát, hiện chưa có chính sách cụ thể nào để phát triển riêng cho khu vực DNXH được đưa vào thực hiện.

Đại diện nhiều DNXH cũng cho rằng vẫn còn những khó khăn về thể chế, chính sách cho khu vực này. Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, bà Tẩn Thị Su, Giám đốc Sapa OChau cho biết, khi được thôi thúc thành lập DNXH về du lịch, bà thấy lẻ loi vì không biết ban ngành nào của chính quyền sẽ giúp mình làm các thủ tục. “Tôi đọc các văn bản luật và không hiểu. Khi tìm đến các nhà đầu tư, các tổ chức phi Chính phủ cũng khó khăn. Đôi khi tôi phải bỏ qua một số tổ chức vì tôi không biết phải viết báo cáo thế nào”, bà bộc bạch.

Trước thực tế từ chính DN mình, bà đề nghị tới đây cần có chính sách ưu tiên cho người bản địa khởi nghiệp, phải có chính sách ổn định về sở hữu đất đai cho người bản địa để họ yên tâm phát triển.

Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) chia sẻ, DNXH có xuất phát điểm thuận lợi là tràn đầy khát vọng, tư tin, dám hy sinh nhưng khó khăn thì cũng vô vàn. Vì họ chọn cách kinh doanh khó, chọn đối tác là những người yếu thế hoặc có năng lực thuộc nhóm hạn chế trong xã hội. Vì vậy nhóm này rất cần nhận được sự hỗ trợ từ luật pháp, chính sách. Theo ông Hiếu, mặc dù khi đó Ban soạn thảo đã cố gắng thiết kế nhiều chính sách để thúc đẩy DNXH như: miễn thuế thu nhập DN đối với lợi nhuận giữ lại của DN hay những khoản tài trợ cho DNXH được tính vào chi phí DN… Tuy nhiên rất tiếc khi đó ban soạn thảo không thuyết phục được các nhà làm chính sách.

Ông cũng tiếc nuối bởi ban soạn thảo Luật DN không thể bao quát hết các chính sách như thuế, tài chính, thanh tra, kiểm tra… “Tôi vẫn cho rằng chúng ta đã có nền tảng pháp lý là Luật DN nhưng các chính sách theo sau phải có và vai trò các bộ, ngành liên quan là không thể phủ nhận được”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Nguồn: Thời báo Ngân hàng

http://thoibaonganhang.vn/phat-trien-doanh-nghiep-xa-hoi-hut-hoi-tu-chinh-sach-91556.html