VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin%20n%E1%BB%95i%20b%E1%BA%ADt

Rà soát, sắp xếp lại các quỹ tài chính ngoài ngân sách

19/08/2019 - 378 Lượt xem

Các quỹ TCNNS góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách

Chiều 13/8, phát biểu tại phiên giám sát chuyên đề của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước (NSNN) giai đoạn 2013 - 2018, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết hiện cả nước có 48 quỹ TCNNS, trong đó 28 quỹ ở trung ương và 20 quỹ ở địa phương, phần lớn được thành lập trước khi Luật NSNN 2015 có hiệu lực thi hành (năm 2017). Việc thành lập các quỹ cơ bản đúng quy định pháp luật, phần lớn hình thành từ các luật, một số từ văn bản dưới luật như Quyết định của Thủ tướng hoặc thấp hơn. Luật NSNN năm 2002 chưa có khái niệm QTCNNS nhưng Luật NSNN năm 2015 đã bổ sung khái niệm này.

Nhìn chung, các quỹ đã góp phần tích cực trong việc huy động, phân bổ nguồn lực xã hội để thực hiện các hoạt động thuộc chức năng của nhà nước. Việc tồn tại các quỹ tài chính nhà nước bên cạnh NSNN là khách quan, cần thiết, phù hợp thông lệ quốc tế, góp phần giảm bớt gánh nặng cho ngân sách, xử lý bất cập trong điều hành ngân sách, góp phần đa dạng các hoạt động tài chính nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc hoạt động của các quỹ còn nhiều tồn tại như Đoàn giám sát đã đánh giá.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, mặc dù các quỹ TCNNS do các bộ, cơ quan trung ương, địa phương thành lập và quản lý, nhưng với tư cách cơ quan quản lý chung về tài chính, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ ban hành các văn bản pháp luật và ban hành theo thẩm quyền để quản lý chặt chẽ các quỹ này. Cụ thể, Luật NSNN 2015, Chỉ thị 22 năm 2015 của Thủ tướng đã quy định về điều kiện thành lập, yêu cầu công khai minh bach, yêu cầu tổng hợp về trung ương để báo cáo Quốc hội hàng năm cùng với báo cáo dự toán NSNN hàng năm. 

"Trong quá trình tham gia với các bộ ngành, Bộ Tài chính luôn đóng vai "ông ác" khi gần như luật nào cũng có quỹ, kể cả ở Luật Phòng chống tác hại rượu bia, chúng tôi cũng không đồng tình về việc có quỹ", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chia sẻ. 

Sẽ không cần Quỹ Bình ổn nếu giá xăng, dầu thả nổi 

Tiếp thu các ý kiến được nêu tại phiên họp của UBTVQH, Bộ trưởng cũng cho biết về định hướng thời gian tới, Chính phủ nhất trí với kiến nghị của Đoàn giám sát về mục tiêu, nguyên tắc, các vấn đề cụ thể. Về cơ bản, các định hướng này cũng là định hướng trong báo cáo của Chính phủ và đã được thảo luận kỹ.

Liên quan đến đề xuất rà soát, bãi bỏ một số quỹ, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết Bộ Tài chính đã hai lần báo cáo Thủ tướng bãi bỏ Qũy Bảo trì đường bộ. Thủ tướng đã đồng ý và giao Bộ Giao thông vận tải sửa Nghị định và Quyết định của Thủ tướng về thành lập quỹ. Thực tế, mặc dù có trong luật nhưng quỹ này năm qua không còn tồn tại vì đã đưa vào ngân sách. 

Về Quỹ Bình ổn xăng dầu, Bộ Tài chính cũng đã có một số lần trình Thủ tướng nghiên cứu sửa đổi Nghị định 83, trong đó có nội dung về quỹ này. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công thương chủ trì đánh giá tổng kết Nghị định 83, trong đó có quỹ này, để sửa đổi thời gian tới. Quan điểm chung, Bộ Tài chính cho rằng nếu bỏ cả thời hạn điều chỉnh giá (15 ngày) hiện nay, để giá xăng dầu biến động hàng ngày thì khi đó sẽ không cần quỹ. 

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết, hiện xăng dầu sản xuất trong nước đã đáp ứng gần 80% nhu cầu, còn 20% là nhập khẩu, nhất là nguyên liệu sản xuất phần lớn nhập khẩu. Do đó, ảnh hưởng của giá xăng dầu thế giới với giá trong nước vẫn rất lớn, trong khi ngân sách giảm thu đáng kể từ xăng dầu. "Chúng ta trong điều hành chung, một tay này phải kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, tay kia chúng ta muốn thả ra thị trường, nhưng những cú sốc của thị trường cũng dễ ảnh hưởng đến kiểm soát lạm phát", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhận định. 

Đánh giá chung về các kiến nghị của Đoàn giám sát, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đồng tình với việc UBTVQH ban hành Nghị quyết, đưa ra nguyên tắc để Chính phủ có lộ trình rà soát, xử lý. "Mặc dù những nội dung Đoàn giám sát nêu về bỏ quỹ này, quỹ kia, cơ bản chúng tôi thống nhất, nhưng để đảm bảo ổn định, có bước đi phù hợp thì cần có Nghị quyết chung để giao Chính phủ rà roát", Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ. 
 

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết UBTVQH đồng tình với một số kiến nghị của đoàn giám sát. Theo đó, ban hành nghị quyết giám sát để tăng cường quản lý các quỹ tài chính ngoài ngân sách, cũng như đề xuất một số hướng để hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý các quỹ. 

Đồng thời, trong nghị quyết giao cho Chính phủ trên cơ sở báo cáo giám sát tiến hành rà soát lại tất cả các quỹ, đánh giá tác động, hiệu quả của từng quỹ đi đến trình Quốc hội rà soát, cơ cấu lại, sáp nhập, sắp xếp lại các quỹ thuộc thẩm quyền Quốc hội. Tiếp tục rà soát và cơ cấu lại các quỹ thuộc thẩm quyền của Chính phủ, của bộ, ngành, địa phương. "Cương quyết loại bỏ các quỹ không hoạt động. Hiện nay có một số quỹ có tên nhưng không hoạt động, hoặc các quỹ hoạt động nhưng kém hiệu quả và không cần thiết thì nên loại bỏ", Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. 

Tuy nhiên, UBTVQH cũng không chỉ ra loại bỏ quỹ nào, mà việc đó giao cho Chính phủ trên cơ sở đánh giá lộ trình, báo cáo các cấp có thẩm quyền để xử lý. Đồng thời, giao Chính phủ nghiên cứu để xây dựng một luật nếu cần thiết để thống nhất quản lý các quỹ. 

Nguồn: Thời báo Tài chính Việt Nam

http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2019-08-14/ra-soat-sap-xep-lai-cac-quy-tai-chinh-ngoai-ngan-sach-75084.aspx