VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin nổi bật

Thúc đẩy phát triển bền vững thị trường trong nước

06/08/2019 - 706 Lượt xem

Chủ trương đúng, kết quả to lớn

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai theo chủ trương của Bộ Chính trị, là một trong những giải pháp quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển bền vững thị trường trong nước qua việc phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam… Sau 10 năm triển khai, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đạt được các kết quả quan trọng.

Theo đó, cuộc vận động đã làm thay đổi một cách cơ bản nhận thức của người tiêu dùng đối với hàng Việt và thay đổi tư duy sản xuất của các DN trong nước. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại và mạng lưới bán lẻ hàng Việt Nam ngày càng phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội và quá trình hội nhập, mở cửa nền kinh tế, từng bước tạo kênh phân phối thông suốt theo hướng văn minh hiện đại, bắt đầu áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường.... phục vụ tốt cho nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân.

Tỷ lệ hàng Việt Nam tại các siêu thị đều duy trì ở mức cao, hầu hết là trên 80%

Không chỉ vậy, nó còn hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN Việt Nam và hàng Việt Nam: hàng triệu DN, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh đã được tiếp cận các nội dung như kiến thức về quản lý, kỹ năng bán hàng, tham gia các hoạt động kết nối cung - cầu, xây dựng và phát triển thương hiệu hàng Việt Nam. Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN và hàng hóa Việt Nam.

Hiện tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước duy trì ở mức cao, hầu hết trên 80%: cụ thể như Saigon Co.opmart (90-93%), Satra (90-95%), Vissan (95%), Lotte (82%), AEON (80%)... Điều này là minh chứng rõ nét cho việc hàng hóa Việt Nam đang dần chiếm lĩnh được thị trường nội địa trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay.

Kết quả nêu trên đã góp phần tích cực vào sự phát triển của thị trường trong nước, từ đó đóng góp vào sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế khi hoạt động thương mại tại thị trường trong nước hàng năm tạo ra giá trị khoảng 14-15% GDP, doanh thu bán lẻ và dịch vụ không ngừng tăng và cao hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng chung của cả nền kinh tế…

Phối hợp để triển khai tốt hơn

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Thực tế cho thấy, phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong những năm qua không chỉ góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao uy tín của DN Việt Nam mà còn có ý nghĩa tích cực trong việc thực hiện các giải pháp để giữ vững ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm đời sống của nhân dân, duy trì phát triển kinh tế, ổn định xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đất nước đang đi vào giai đoạn phát triển mới trong bối cảnh thế giới và khu vực đang có nhiều thay đổi; những cơ hội mới to lớn hiện đang xuất hiện cùng với những thách thức cũng ngày càng gay gắt, khốc liệt khi Việt Nam ký kết và tham gia hàng loạt các hiệp định FTA thế hệ mới.

Vì vậy, để Cuộc vận động ngày càng đi vào chiều sâu, đáp ứng yêu cầu hội nhập, Bộ Công thương sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ được phân công theo kế hoạch hàng năm của Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Trong đó tập trung vào các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau. Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, phổ biến sâu rộng để người tiêu dùng nhận thức đúng khả năng sản xuất kinh doanh của DN Việt Nam, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam, nâng cao vị thế của hàng Việt Nam với chủ đề “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”.

Thứ hai, tạo nền tảng và môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh để huy động mọi thành phần kinh tế tham gia đóng góp vào tăng trưởng kinh tế thông qua hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý minh bạch; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong cuộc cách mạng 4.0 để nâng cao chất lượng hàng Việt Nam, trong đó thiết lập được các DN phân phối trong nước đủ mạnh, có khả năng chiếm lĩnh thị trường...

Thứ ba, triển khai thực hiện các giải pháp để phát triển mạnh thị trường trong nước, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh cho các sản phẩm Việt Nam, xây dựng thương hiệu Việt trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới.

Bộ sẽ “tiếp tục hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thương mại trong nước đến năm 2025, tầm nhìn 2035 với những giải pháp đột phá để phát triển thị trường trong nước; tiếp tục thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động, nhằm hỗ trợ cho hàng Việt Nam chiếm lĩnh vững chắc tại các kênh phân phối trong nước và quốc tế”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Thứ tư, tăng cường công tác quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, phòng vệ thương mại, củng cố lực lượng quản lý thị trường để ngăn chặn việc sản xuất hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng nhằm bảo vệ quyền lợi của DN và người tiêu dùng.

Theo kết quả điều tra dư luận xã hội của Viện Dư luận Xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, có 88% người tiêu dùng cho biết họ quan tâm đến Cuộc vận động. Trong đó, “Rất quan tâm” là 53% và “Quan tâm có mức độ” là 35%; số người “ít quan tâm” hoặc “không biết có Cuộc vận động này” chiếm tỷ lệ thấp 12%. So với kết quả điều tra các năm 2010 thì tỷ lệ “rất quan tâm” đến Cuộc vận động ở thời điểm năm 2019 tăng 5% (từ 48% lên 53%); Tuy nhiên, so với kết quả năm 2014, tỷ lệ “rất quan tâm” của người dân đối với Cuộc vận động lại giảm 8% (năm 2014 là 61%).

67% người được hỏi cho rằng, kể từ khi có Cuộc vận động, bản thân họ đã “Tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; 52% cho rằng “Khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen nên mua hàng Việt Nam”; 36% cho rằng “Trước đây có thói quen thường mua hàng có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài nay đã dừng mua (hoặc mua ít hơn), thay vào đó là mua hàng Việt Nam”.

Nguồn: Thời báo Ngân hàng

http://thoibaonganhang.vn/thuc-day-phat-trien-ben-vung-thi-truong-trong-nuoc-90707.html