VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin nổi bật

“Make in Vietnam”: Sứ mệnh lịch sử của doanh nghiệp công nghệ

14/05/2019 - 539 Lượt xem

Giải quyết bài toán Việt Nam

Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với VnExpress đã diễn ra ngày 9/5/2019 với slogan “Make in Vietnam”, cũng chính là chiến lược để tạo ra sự thay đổi. Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, “Make in Vietnam” là cách gọi sáng tạo, muốn nói sự sáng tạo, thiết kế và sản xuất đều được thực hiện tại Việt Nam. Và đây là trách nhiệm của Việt Nam như một quốc gia toàn cầu và công dân toàn cầu.

Theo ông Hùng, việc đổi mới sáng tạo không thể không nói đến những start-up. “Những khởi nghiệp công nghệ này đang tạo ra sự thay đổi trong nền kinh tế, rồi nhanh chóng vươn mình trở thành những tập đoàn công nghệ toàn cầu. Việt Nam rất cần những DN như vậy. Những khởi nghiệp công nghệ nhỏ sẽ trở thành người khổng lồ”, ông khẳng định.

Là diễn giả đầu tiên phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, có 17 chương trình thành phố đang ứng dụng công nghệ trong các lĩnh vực lớn. Theo đó, có khoảng hơn 3.530 DN CNTT đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội tạo ra doanh thu 244.266 tỷ đồng năm 2018. Đây là một kết quả chứng minh Hà Nội đang thu hút nhiều DN công nghệ lớn, phục vụ phát triển thành phố thông minh.

Ông Nguyễn Đức Chung cũng cho biết, Hà Nội đang xây dựng cơ sở dữ liệu, khuyến khích các DN đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng này nhằm tạo ra hệ sinh thái công nghệ.

Dưới góc độ DN, ông Phạm Hải Văn - Giám đốc miền Bắc Công ty Haravan chỉ ra rằng, riêng việc đưa các mảng kinh doanh lên môi trường trực tuyến đã giúp cho DN có những thay đổi tích cực. Đơn cử trường hợp các đối tác của công ty này như Vinamilk với mảng kinh doanh online mang lại doanh thu 10% cho đơn vị này, hay giúp Biti’s tiết kiệm 50% chi phí. Như vậy, hệ thống online sẽ giải quyết được bài toán làm việc của hơn 100 cửa hàng một cách nhanh chóng, hiệu quả, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí, nguồn nhân lực.

Hoặc như MISA, công ty này đã chuyển đổi hoá đơn giấy sang điện tử, tiết kiệm 10.000 tỷ đồng, đồng thời triển khai ứng dụng meInvoice - giải pháp hoá đơn điện tử đầu tiên ứng dụng thành công blockchain đảm bảo minh bạch. Đây cũng là hệ thống cho phép tích hợp với hệ thống thanh toán của ngân hàng, hệ thống bán hàng/tài chính kế toán khác. Ông Lữ Thành Long - Chủ tịch Công ty MISA cho rằng, DN Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực giải quyết các bài toán lớn cho đặc thù Việt Nam.

Hành động kịp thời hơn

Diễn đàn có ba phiên thảo luận đề cập tới việc DN công nghệ giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, các chính sách và giải pháp phát triển DN công nghệ tại Việt Nam, các giải pháp kết nối các DN công nghệ. Diễn đàn đã ghi nhận nhiều ý tưởng, chia sẻ thực tiễn nhằm tìm ra những định hướng, giải pháp phù hợp nhất cho việc phát triển DN công nghệ tại Việt Nam. 

Bày tỏ sự ấn tượng và đánh giá cao chủ đề của Diễn đàn về “khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng gợi mở một số vấn đề.

Thứ nhất, công nghệ là nhân tố chính cho tăng trưởng, thoát bẫy thu nhập trung bình, đưa Việt Nam thành nước phát triển. Theo Thủ tướng, “muốn thoát bẫy thu nhập trung bình cần làm chủ công nghệ, quản lý, có năng lực phát minh, sáng chế ra những công nghệ mới, sản xuất hàng hoá chất lượng cao, tiến lên trình độ đi đầu trong thiết kế, sản xuất sản phẩm chất lượng cao”.

Thứ hai, DN công nghệ là hạt nhân để thực hiện khát vọng một dân tộc “hoá rồng” năm 2045. Với xu thế sôi động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và nền kinh tế số, các DN công nghệ Việt Nam có vai trò bản lề trong việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thứ ba, cuộc cách mạng công nghiệp lần 4 là cơ hội vàng cho những ý tưởng, sáng tạo mới thay đổi thị trường kinh doanh. Việt Nam cần nhận thức được những thách thức trong thời đại số, dù đi sau vẫn có thể thành công nếu nắm được cơ hội, có chiến lược đúng đắn, hành động cụ thể, kịp thời, triển khai quyết liệt, hiệu quả. Cùng với đó Việt Nam cần vượt qua rào cản và thách thức bằng bản lĩnh và trí tuệ Việt. DN công nghệ Việt Nam cần thực hành khẩu hiệu hành động “sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ và chủ động trong sản xuất”.

“Cơ hội đến và không bao giờ trở lại, cái chúng ta cần làm và cần làm ngay là hành động, hành động và hành động kịp thời hơn nữa”, Thủ tướng lưu ý và đề nghị DN cần nhận thức đúng về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; các DN lớn của Việt Nam cần đặt sứ mệnh DN gắn liền với sứ mệnh quốc gia.

Để “Make in Vietnam” thành công, theo Thủ tướng then chốt nhất vẫn là hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó coi trọng đổi mới sáng tạo và khát vọng phát triển từng cấp, từng ngành, từng DN. Theo đó, Chính phủ sẽ sớm ban hành trong năm 2019 Chiến lược chuyển đổi số quốc gia nhằm hướng tới một nền kinh tế - xã hội số để tạo thị trường cho các DN công nghệ.

Thủ tướng cũng đồng ý chủ trương thí điểm xây dựng khu công nghệ, khu đổi mới sáng tạo có nội hàm là nơi thử nghiệm những cơ chế vượt trội dành cho DN công nghệ.

Theo đó, sẽ có văn bản giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu đổi mới giáo dục dạy ICT và ngoại ngữ bắt buộc từ cấp tiểu học để nâng cao năng lực tiếp cận và kỹ năng CNTT. Đồng thời cho thí điểm triển khai các mô hình kinh tế mới, mô hình kinh doanh mới trên nền tảng số tại một số địa phương, một số ngành, nghiên cứu tổng kết để áp dụng trên toàn quốc.

Nguồn: Thời báo Ngân hàng

http://thoibaonganhang.vn/make-in-vietnam-su-menh-lich-su-cua-doanh-nghiep-cong-nghe-87674.html