VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin%20n%E1%BB%95i%20b%E1%BA%ADt

Việt Nam: Thị trường tiềm năng cho các hãng công nghệ

14/05/2019 - 571 Lượt xem

Mới đây, Cobo - nền tảng ví điện tử Trung Quốc thông báo kế hoạch mở rộng đầu tư vào thị trường Đông Nam Á, trong đó Việt Nam cùng với Indonesia là hai cái tên đầu tiên. Để phục vụ cho chiến lược này, Cobo đã huy động thành công 13 triệu USD từ các nhà đầu tư tài chính. Đây có thể là đối thủ của hàng loạt các thương hiệu thanh toán online đang hiện diện trên thị trường như Momo, Zalo Pay, VTC Pay hay Payoo.

Không đứng ngoài cuộc đua, gã khổng lồ công nghệ Google mới đây gây ấn tượng với giới trẻ Việt bằng công cụ hỗ trợ giọng nói Google Assistant. Có thể giao tiếp được bằng tiếng Việt, Google Assitant đóng vai trò như một thư ký đặc biệt, hỗ trợ người dùng trong nhiều tác vụ thường ngày.

Trước đó, người Việt muốn sử dụng Google Assistant buộc phải ra lệnh bằng tiếng Anh (hoặc một ngôn ngữ nước ngoài khác). Rào cản ngôn ngữ khiến cho Google Assistant không được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam, nhưng giờ điểm nghẽn này đã được khắc phục và tạo thêm cơ hội cho Google mở rộng kinh doanh tại thị trường gần 100 triệu dân.

Tham gia làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, hướng đến phục vụ tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng còn đến từ động thái của các tập đoàn lớn trong nước. Thương hiệu bất động sản hàng đầu Vingroup bất ngờ công bố chiến lược phát triển mới với định hướng trở thành một tập đoàn Công nghệ - Công nghiệp - Dịch vụ. Hàng loạt các sản phẩm đầu tiên trong chiến lược phát triển mới này đã và đang chuẩn bị được ra “lò” như điện thoại thông minh, ôtô... Vingroup còn lấn sân vào các công nghệ dẫn đầu như Big Data, AI, hay thành lập trung tâm nghiên cứu tại Hàn Quốc để nhanh chóng hấp thụ tinh hoa công nghệ hàng đầu thế giới.

Động thái đầu tư mạnh mẽ của các DN trong và ngoài nước phản ánh phần nào tiềm năng của thị trường công nghệ Việt Nam cũng như mang đến cơ hội nâng tầm giá trị DN. Thực tế là trên sàn chứng khoán, đã bắt đầu xuất hiện bóng dáng cổ phiếu của các thương hiệu công nghệ với giá trị được định giá đến cả tỷ USD.

Đơn cử như trường hợp của Công ty cổ phần Dịch vụ trực tuyến FPT (FOC) – đơn vị sở hữu báo điện tử Vnexpress - đang ghi nhận giá trị vốn hóa thị trường ở mức 86 triệu USD. Tập đoàn truyền thông Yeah 1 sau cú sốc chấm dứt hợp tác với Youtube vừa qua vẫn ghi nhận mức vốn hóa lên tới 138 triệu USD. Mặc dù chưa niêm yết chính thức, nhưng một số thông tin định giá của giới phân tích cho thấy tập đoàn công nghệ VNG (đơn vị sở hữu Zalo, cổ đông chiến lược của nền tảng thương mại điện tử Tiki...) đang có giá trị lên đến 1 tỷ USD.

Theo nhận định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nền kinh tế dựa vào tài nguyên, nhân công giá rẻ không còn là lợi thế cho Việt Nam, mà yếu tố đổi mới sáng tạo sẽ là yếu tố sống còn của DN, là động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.

“Sau 30 năm lắp ráp, gia công, nay đã đến lúc Việt Nam có đủ điều kiện để chuyển sang sáng tạo làm ra các sản phẩm công nghệ Việt. Việt Nam cần xây dựng và tuyên bố dứt khoát chiến lược để phát triển DN công nghệ”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Nhìn sang nước láng giềng Trung Quốc, có thể thấy tiềm năng to lớn mà Việt Nam đang đi nếu được quan tâm đầu tư và định hướng rõ ràng. Từ một công xưởng nổi tiếng của thế giới, ngày nay Trung Quốc đã khá thành công trong việc lấn sân vào phân khúc công nghệ cao, đồng thời tạo ra nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu với giá trị hàng tỷ USD có tầm ảnh hưởng ngày một lớn trên toàn cầu.

Ví như: Tập đoàn Alibaba với giá trị vốn hóa thị trường 477 tỷ USD, Tencent trị giá 385 tỷ USD hay Baidu có giá trị lên tới 61 tỷ USD. Một thống kê mới đây của hãng CNN cho thấy Trung Quốc đang sở hữu gần 1/3 trong tổng số 326 startup tỷ USD trên thế giới.

Nguồn: Thời báo Ngân hàng

http://thoibaonganhang.vn/viet-nam-thi-truong-tiem-nang-cho-cac-hang-cong-nghe-87735.html