VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin nổi bật

Giải bài toán thiếu than, thiếu điện năm 2019

25/12/2018 - 572 Lượt xem

Nguy cơ thiếu điện vì thiếu than

Theo đó, ông Lê Văn Lực, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, giai đoạn 2016-2020 chỉ 58% nhiệt điện than đáp ứng tiến độ trong quy hoạch. Đến năm 2019- 2020 tỷ lệ dự phòng không còn nữa thì nguy cơ thiếu điện sẽ xuất hiện. Khi đó, nếu các nguồn phát điện dẫn tới sự cố, hoặc nghỉ bảo dưỡng thì sẽ thiếu điện.

Hiện Việt Nam có khoảng 45.000MW nguồn điện, trong khi đó, đến năm 2025 nhu cầu sẽ là gấp đôi hiện nay, năm 2030 nhu cầu là khoảng 130.000MW. Tại Việt Nam, nguồn điện chính gồm thủy điện và nhiệt điện, trong khi đó nguồn thủy điện chỉ có thể đáp ứng được hơn 30% nhu cầu và cơ bản đã khai thác hết.

Do vậy, nhu cầu nhiệt điện, mà chủ yếu là nhiệt điện chạy than là rất lớn để đáp ứng nhu cầu cho nền kinh tế. Trong ngắn hạn và trung hạn, chưa có nguồn điện nào có thể thay thế hiệu quả cho nhiệt điện than, do đó phải phát triển nhiệt điện, nhưng với các công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.

Trước đó Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng có báo cáo của Bộ Công Thương và Chính phủ tiết lộ nguy cơ thiếu điện trong năm 2019.

Theo số liệu của EVN, dự kiến tổng sản lượng điện của hệ thống năm 2019 là 232,5 tỷ kWh, trong đó, các nhà máy nhiệt điện than là 116,23 tỷ kWh (chiếm 50%), cao hơn năm 2018 khoảng 26 tỷ kWh, tương đương với 13 triệu tấn than. Trong khi đó, nguy cơ thiếu than đang đè nặng.

Ông Lê Văn Lực cho rằng, trong giai đoạn 2020-2030 và những năm tiếp theo, để đảm bảo cung cấp điện ổn định, phù hợp cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội đất nước cần phải phát triển các dự án nguồn điện gồm nhiệt điện than, nhiệt điện khí, năng lượng tái tạo, nhập khẩu điện với tỷ lệ thích hợp, đảm bảo các mục tiêu chủ yếu như đã đề ra trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

Phát huy mọi nguồn lực trong nước và hỗ trợ từ quốc tế để phát triển Hệ thống điện, đảm bảo cấp đủ điện cho phát triển kinh tế, xã hội đất nước.

"Cùng với phát triển năng lượng tái tạo, nhiệt điện khí thì nhiệt điện than vẫn là giải pháp cơ bản đảm bảo cung cấp điện với chi phí hợp lý, phù hợp với kinh tế đất nước và thu nhập của người dân. Muốn vậy, các dự án nguồn điện trong quy hoạch đã được phê duyệt đảm bảo tiến độ, có cơ chế để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đảm bảo cung cấp đủ than, khí để vận hành phát điện, bổ sung quy hoạch và thực hiện các dự án điện gió, điện mặt trời đồng bộ với hệ thống lưới điện, tăng cường nhập khẩu điện từ nước ngoài", ông Lực cho hay.

Ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, trong giai đoạn 2016-2030, dự báo tốc độ tăng trưởng GDP với kịch bản cơ sở bình quân 7,0%, tương ứng với tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm toàn quốc ở phương án cơ sở giai đoạn 2016-2020, 2021-2025 và 2026 -2030 là 10,6%, 8,5% và 7,5%.

Trong đó, theo ông Hưng, về thuỷ điện vừa và lớn cơ bản đã khai thác hết nên từ sau năm 2020 sẽ tiếp tục phát triển và khai thác thuỷ điện nhỏ, ít tác động tới môi trường.

Từ năm 2015 -2016, Việt Nam đã phải nhập khẩu than cho sản xuất điện.

Riêng về nguồn khí, hiện tổng công xuất nhiệt điện khí (dùng khí đốt trong nước) đưa vào cân đối dài hạn chỉ dừng ở mức trên 12.000 MW với sản lượng điện khoảng 63 tỷ kWh/năm. Nguồn năng lượng tái tạo đạt khoảng 27.000 MW với tỷ trọng khoảng 21% vào năm 2030.

Theo ông Hưng, hiện tại và trong giai đoạn phát triển tới năm 2030, tầm nhìn năm 2035, nhiệt điện than sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đến năm 2030, cả nước sẽ có hơn 70 nhà máy nhiệt điện than. Dự kiến giai đoạn 2018 - 2022, tổng công suất các nguồn điện đưa vào vận hành là 34.864 MW, trong đó nhiệt điện than là 26.000 MW. Tuy nhiên, thực tế tới nay mới chỉ có 7 dự án nhiệt điện than đã được khởi công và đang triển khai xây dựng với tổng công suất 7.860 MW, còn thiếu 18.000 MW theo yêu cầu.

Ứng phó với nguy cơ thiếu than

Ông Đinh Quang Trung, Phó trưởng Ban Kinh doanh Than, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam cho biết, việc thiếu nguồn than cho các nhà máy điện là một thực tế. Việc phụ thuộc vào nguồn năng lượng nước ngoài là thách thức lớn đối với an ninh năng lượng quốc gia. Hiện nay, trữ lượng và tài nguyên 48,9 tỷ tấn gồm 2,26 tỷ tấn trữ lượng tập trung chủ yếu khu vực Đông Bắc (bể than Quảng Ninh).

Ông Trung cho biết để ứng phó với việc thiếu than trong các nhà máy điện thực tế, hiện nay có 2 nguồn than chính trong đó TKV chiếm tới 85 đến 87%. Hiện nay, sản lượng sản xuất 41 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu lên tới 55 triệu tấn/năm. Nhu cầu sử dụng than của Việt Nam ngày càng gia tăng. Năm 2016 mới chỉ hơn 30 triệu tấn/năm nhưng tới năm 2030 lên tới hơn 120 triệu tấn.

Bởi vậy, quan điểm phát triển của EVN là khai thác, chế biến, sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm nguồn tài nguyên than của đất nước, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, ưu tiên đáp ứng nhu cầu trong nước. Bảo đảm việc xuất nhập khẩu hợp lý theo hướng giảm dần xuất khẩu và chỉ xuất khẩu các chủng loại than trong nước chưa có nhu cầu sử dụng.

Theo ông Trung, Việt Nam phải đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, đầu tư ra nước ngoài để đáp ứng đủ than cho nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của đất nước; Thực hiện kinh doanh than theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, hài hoà với thị trường than thế giới.

Về thực trạng cung cấp than, nhu cầu sử dụng điện tăng cao và đột biến, hơn 20% so với 2017. Đối với các hợp đồng điện bảo đảm cung cấp trên 90%, nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh cung cấp đủ 100% nhưng vẫn thiếu, nhà máy điện vẫn có nhu cầu thêm. Hiện nay TKV đang huy động hết tồn kho để phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước. Năm 2018, tồn kho giảm đáng kể và gần như không có nguồn cho 2019.

Nguồn: VnEconomy