VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin nổi bật

Dự thảo Luật Quản lý ngoại thương: Chưa đảm bảo tính minh bạch

02/12/2016 - 374 Lượt xem

 Dự thảo Luật Quản lý ngoại thương nhằm quy định thống nhất hoạt động quản lý nhà nước về ngoại thương, tránh sự chồng chéo, cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo minh bạch. Tuy nhiên, vẫn có những quy định được đưa ra trong dự luật được đánh giá là chưa rõ ràng, thiếu minh bạch, dễ gây thiệt hại cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Dự thảo luật này vừa được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10 vừa rồi và dự kiến được thông qua tại kỳ họp thứ tư (tháng 9-2017).

Tác động lớn đến doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dự thảo Luật Quản lý ngoại thương quy định về biện pháp quản lý nhà nước đối với nhiều hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế (từ quy định hàng hóa cấm, hạn chế, tạm dừng xuất nhập khẩu, đến gia công, giấy chứng nhận xuất xứ, chống bán phá giá, kiểm dịch... - PV), nên sẽ có tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của thương nhân nói riêng và môi trường kinh doanh, đầu tư nói chung của Việt Nam.

Do đó, VCCI cho rằng, các quy định của luật này cần đảm bảo ít nhất các nguyên tắc, là chỉ cấm, hạn chế hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong các trường hợp hạn hữu vì các mục tiêu lợi ích công cộng, an ninh quốc gia, quốc phòng. Ngoài các trường hợp này, hoạt động ngoại thương cần được tự do hóa tối đa để giải phóng các nguồn lực, hiện thực hóa các lợi ích từ mở cửa.

Ngoài ra, với mục tiêu lợi ích cộng đồng mà phải cấm, hạn chế hoặc yêu cầu có điều kiện đối với hoạt động kinh doanh, thì phải công khai, minh bạch, đặc biệt liên quan đến thủ tục hành chính, để thương nhân có thể nhận diện được chính sách và hạn chế tình trạng phân biệt đối xử giữa các thương nhân, đảm bảo tâm lý ổn định khi đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Theo VCCI, về cơ bản, các quy định trong dự thảo luật đã đáp ứng được các nguyên tắc này, nhưng vẫn còn một số quy định chưa phù hợp cần được cân nhắc, điều chỉnh để hoàn thiện.

Một số quy định chưa đảm bảo minh bạch

Các điều kiện áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại quy định trong dự thảo luật này chỉ bao gồm các điều kiện “cứng” theo quy định bắt buộc của WTO, chưa có điều kiện “mềm” mà theo VCCI là rất quan trọng với Việt Nam, đó là điều kiện về “lợi ích kinh tế - xã hội”.

VCCI đã gửi Bộ Công Thương một số ý kiến góp ý dự thảo luật này, dựa trên ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội. Tính đến nay, bên cạnh một số quy định đã được chỉnh sửa trong bản dự thảo cuối cùng trình lên Quốc hội, vẫn có không ít quy định được đánh giá là thiếu minh bạch nhưng không được chỉnh sửa.

Chẳng hạn, về thủ tục chấp nhận doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ, theo quy định tại khoản 2 điều 34 trong dự thảo, “Bộ Công Thương cấp văn bản chấp thuận cho thương nhân tham gia tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa”.

Theo VCCI, trên thực tế, thủ tục tự chứng nhận xuất xứ là thủ tục rất mới, chưa định hình rõ ràng cả về thủ tục lẫn các yêu cầu liên quan. Hiện Việt Nam mới chỉ áp dụng thí điểm cơ chế tự chứng nhận xuất xứ trong ASEAN cho một số trường hợp, các cam kết quốc tế như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định giữa Liên hiệp châu Âu và Việt Nam (EVFTA) chưa tới lộ trình thực hiện.

Trong bối cảnh này, việc quy định cứng về thủ tục “chấp thuận thương nhân” và về cơ quan chứng nhận (Bộ Công Thương) tại dự thảo có lẽ là chưa thích hợp. Bởi vì, nếu khi thực hiện cam kết, tự chứng nhận là quyền của thương nhân thì số lượng thương nhân có thể sẽ là rất lớn, khi đó việc xin tự chứng nhận xuất xứ tập trung tại Bộ Công Thương có thể sẽ rất phức tạp, mất thời gian... và cũng chưa thật cần thiết vì Việt Nam chưa phải thực hiện ngay.

Vì vậy, VCCI đề nghị điều chỉnh quy định này theo hướng Chính phủ quy định chi tiết về cấp có thẩm quyền quản lý đối với các thủ tục tự chứng nhận, và khi nào Chính phủ có văn bản về tự chứng nhận xuất xứ thì sẽ quy định cụ thể về thủ tục, các điều kiện cũng như cơ quan có thẩm quyền tương ứng.

Hay, về loại hàng hóa là đối tượng áp dụng của từng biện pháp hành chính, theo VCCI, xét về bản chất, các biện pháp hành chính (quy định trong chương 2 của dự thảo luật) là hình thức can thiệp trực tiếp vào dòng lưu thông bình thường của hàng hóa xuất nhập khẩu, là rào cản đối với hoạt động tự do kinh doanh của thương nhân.

Do đó, các biện pháp này cần xuất phát từ các mục tiêu công cộng rõ ràng, và cần cân nhắc kỹ lưỡng (cả trong việc xác định loại hàng hóa là đối tượng áp dụng các biện pháp hành chính cũng như loại biện pháp hành chính sẽ áp dụng) để bảo đảm rằng biện pháp được áp dụng tương ứng và không vượt quá mức cần thiết để kiểm soát rủi ro từ loại hàng hóa liên quan.

Dự thảo luật hiện đã có quy định tương đối rõ ràng về các biện pháp cấm/tạm ngừng xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, đối với các loại biện pháp hành chính khác thì quy định của dự thảo luật chưa rõ ràng.

Ví dụ, dự thảo luật chưa có quy định về đặc điểm của các loại hàng hóa thuộc đối tượng của các biện pháp “chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu” (điều 26, 27), “nhập khẩu, xuất khẩu theo giấy phép, điều kiện” (điều 28-31), “áp dụng Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS)” (khoản 2, điều 37).

Việc thiếu rõ ràng này khiến cho thương nhận không nhận diện được các biện pháp quản lý sẽ được áp dụng đối với loại hàng hóa mà mình dự định/đang kinh doanh và tạo ra nguy cơ các cơ quan nhà nước được trao quyền xây dựng danh mục hàng hóa sẽ xác định không chính xác loại hàng hóa. Điều này sẽ tác động rất lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, VCCI đề nghị ban soạn thảo dự luật này xác định tính đặc thù của các loại hàng hóa bị áp dụng các biện pháp quản lý hành chính trên.

Các yêu cầu cần có về phòng vệ thương mại

Liên quan đến các quy định về phòng vệ thương mại (như biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ - PV), VCCI cho rằng quy định tại luật này là quy định khung cơ bản về phòng vệ thương mại, thay thế, hoàn thiện, nâng cao giá trị pháp lý của các quy định hiện hành tại ba pháp lệnh về từng biện pháp phòng vệ thương mại đã được ban hành và có hiệu lực từ hơn 10 năm nay, và trở thành căn cứ pháp lý cao nhất về vấn đề này trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Do đó, dự thảo luật phải bảo đảm ít nhất một số yêu cầu. Đó là, dự luật phải quy định đầy đủ các vấn đề cốt lõi nhất về phòng vệ thương mại, làm cơ sở, căn cứ cho tất cả các hoạt động trong điều tra, áp dụng các biện pháp này, cũng như phải tuân thủ các yêu cầu bắt buộc của WTO.

Bên cạnh đó, quy định phải bao hàm nguyên tắc xử lý các vấn đề/hiện tượng riêng của Việt Nam đã xuất hiện qua thực tiễn thực thi ba pháp lệnh (ví dụ về năng lực khởi kiện của các doanh nghiệp Việt Nam, khả năng bảo vệ lợi ích của các bên liên quan, các nguy cơ bóp méo thương mại trong một thị trường cạnh tranh chưa hoàn hảo...).

Tuy nhiên, theo VCCI, kết quả rà soát cho thấy dự thảo luật vẫn còn nhiều quy định chưa bảo đảm các yêu cầu trên, trong đó có nhiều định nghĩa, thủ tục, thời gian... cần được quy định rõ ràng, cụ thể hơn.

Ngoài ra, các điều kiện áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại quy định trong dự thảo luật này chỉ bao gồm các điều kiện “cứng” theo quy định bắt buộc của WTO, chưa có điều kiện “mềm” mà theo VCCI là rất quan trọng với Việt Nam, đó là điều kiện về “lợi ích kinh tế - xã hội”.

Trên thực tế, đây là “điều kiện” quan trọng, trong bối cảnh cạnh tranh ở Việt Nam chưa hoàn hảo, mỗi động thái về thuế trong các vụ điều tra phòng vệ thương mại đều có thể gây bất ổn cho thị trường (như đã thấy trong vụ việc tự vệ đối với thép dài, khi biện pháp tự vệ tạm thời thậm chí chưa có hiệu lực thì đã xảy ra hiện tượng đầu cơ, găm hàng, tăng giá trên thị trường).

Các doanh nghiệp sử dụng công cụ phòng vệ thương mại ở Việt Nam cho đến nay đều là các doanh nghiệp (nhóm doanh nghiệp) có vị trí thống lĩnh thị trường, nên việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại theo yêu cầu của các doanh nghiệp này có thể gây ra thiệt hại, ảnh hưởng bất lợi tới nhiều nhóm khác trong thị trường.

Vì vậy, VCCI đề nghị bổ sung điều kiện “mềm” vào dự thảo luật, chẳng hạn: “Biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp/tự vệ quy định tại luật này có thể không được áp dụng, nếu việc áp dụng các biện pháp đó dẫn đến một trong các hậu quả như gây thiệt hại đến kinh tế - xã hội trong nước, gây thiệt hại đến lợi ích của đa số các nhà tiêu thụ hàng hóa, gây ra các hậu quả khác do Chính phủ xác định”.

Nguồn: TBKTSG