VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin nổi bật

Chính phủ chọn việc khó (25/8)

25/08/2016 - 311 Lượt xem

Tất nhiên, khi lập Tổ công tác với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành, cũng có nghĩa, Chính phủ vẫn chưa thực sự an tâm với tốc độ chuyển động của từng thành phần trong bộ máy, nhưng động thái này cho thấy, Chính phủ đã nhận việc khó về mình.

Phải nhắc lại lời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác cải cách hành chính giai đoạn 2011-2015 và triển khai kế hoạch cải cách hành chính 2016-2020 vừa kết thúc vào tuần trước. Đó là: “Chính phủ nói riêng và cả bộ máy hành chính nhà nước nói chung, cần phải quyết tâm xây dựng một Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân.   

Công việc này không dễ dàng, vì bản chất là thay đổi căn bản phương pháp quản lý, lề lối, tác phong và ý thức của từng cá nhân trong bộ máy công quyền”.

Chính vì công việc không dễ dàng, nên thời gian qua, khá nhiều lần một số bộ, ngành đã đặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vào thế bí.

Đó là cách một số bộ, ngành đồng loạt trình Chính phủ các dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh ngay trước hiệu lực thi hành của các văn bản này, buộc Chính phủ phải gấp rút hoàn tất cả thủ tục để ký ban hành, chấp nhận có đôi chỗ chưa thực sự hoàn thiện…

Đó là tình trạng chỉ có khoảng 18 bộ, ngành, địa phương ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệpđến năm 2020 đúng hạn định.

Hay như việc cho đến tận thời điểm này, yêu cầu của Nghị quyết 19-2016/NQ-CP về việc thiết lập hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý kiến nghị và kết quả giải quyết thủ tục hành chính để người dân và doanh nghiệp đánh giá, phản ánh về chính sách, thủ tục hành chính và việc thực thi của các bộ, công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính từ tháng 4/2016 vẫn chưa được thực hiện…

Những cung cách làm việc này không xứng tầm yêu cầu của giai đoạn cải cách, đổi mới kinh tế, không xứng tầm với Chính phủ hành động vì dân mà Thủ tướng đã cam kết.

Trong Dự thảo Đề án Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến rộng rãi, chính việc chưa thay đổi, điều chỉnh quan hệ nội bộ trong bộ máy nhà nước theo hướng gia tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình là thách thức cơ bản đối với tiến trình đổi mới kinh tế của Việt Nam giai đoạn vừa qua cũng như tới đây. Hệ quả tất yếu không chỉ là sự chậm trễ, mà còn là sự thiếu hiệu quả, thậm chi sai lệch trong quản lý nhà nước, ảnh hưởng tới công tác điều phối chung của cả nền kinh tế.

Điều đáng nói là, khi hệ thống hành chính công chưa theo nguyên tắc của hệ thống chức nghiệp thực tài, công chức, viên chức được trả lương thấp, thiếu nhân sự có chuyên môn cao, việc tuyển dụng và thăng thưởng vẫn còn dựa trên quan hệ khép kính, nội bộ hoặc thâm niên, thay vì một cơ chế mở, cạnh tranh dựa trên năng lực, thì đạo đức công chức, các hiện tượng tham nhũng trong kinh tế chưa thể xử lý toàn diện, căn bản… Nhưng đúng như Thủ tướng đã chỉ rõ, không dễ để thay đổi căn bản phương pháp quản lý, lề lối, tác phong và ý thức của từng cá nhân trong bộ máy công quyền. Chính vì vậy, rất cần có chế tài và thực thi chế tài nghiêm túc để hình thành bộ máy hành chính thực sự làm việc vì dân, vì sự phát triển của nền kinh tế.

Nguồn: Đầu tư