VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Nhóm tin

Nhiều bộ, ngành chưa hoàn thành nhiệm vụ tại Đề án cơ cấu lại ngân hàng

22/05/2023 - 119 Lượt xem

 

Báo cáo kết quả kiểm toán năm 2022 vừa được Kiểm toán Nhà nước gửi tới các vị đại biểu Quốc hội.
 
.
Theo kết quả kiểm toán, nhiều  tổ chức tín dụng xác định tỷ lệ nợ xấu không đúng hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.

 

Ngân hàng Nhà nước chưa thực hiện thanh tra chuyên đề; một số bộ, ngành chưa hoàn thành một số nhiệm vụ được giao tại Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020. Tăng trưởng tín dụng đối với hầu hết các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro đều cao hơn mức tăng trưởng chung.

Những thông tin đáng chú ý trên được nêu tại báo cáo kết quả kiểm toán năm 2022 vừa được Kiểm toán Nhà nước gửi tới Quốc hội.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro trong  kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro

Kiểm toán Nhà nước cho biết, năm 2022 đã kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2021 của Ngân hàng Nhà nước và 5 tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.

Kết quả cho thấy, năm 2021, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, góp phần kiểm soát lạm phát ở mức 1,84% , ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối. Các ngân hàng được kiểm toán đảm bảo các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động, kinh doanh có lãi, tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 3%.

Song, báo cáo kiểm toán chỉ rõ, với mức tăng tưởng tín dụng chung của nền kinh tế là 13,61%, tăng trưởng tín dụng đối với hầu hết các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro đều cao hơn mức tăng trưởng chung.

Lĩnh vực bất động sản 15,37%, chứng khoán 23,85%, trái phiếu doanh nghiệp 17,65%.

Tỷ lệ dư nợ tín dụng nền kinh tế so với GDP ở mức cao (năm 2020 là 114,3%; năm 2021 là 113,2%). Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ này của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong việc kiểm soát dòng tiền tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro, cơ quan kiểm toán lưu ý.

Kết quả kiểm toán còn cho thấy chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể việc điều hành, kiểm soát chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng chung và chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng; một số tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng vượt mức tối đa cho phép của Ngân hàng Nhà nước. Như, Ngân hàng TMCP Bản Việt (được giao 13,48%, thực hiện 15,67%).

Cạnh đó là một số ngân hàng phân loại nợ chưa phù hợp, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng chưa chính xác, còn sai sót về trình tự, thủ tục cho vay.

Ngân hàng Chính sách còn nhiều trường hợp cho vay vượt hạn mức, cho vay đối tượng không phù hợp với tiêu chí của chương trình ... dẫn đến xác định số tiền cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý từ ngân sách nhà nước tăng thêm 0,97 tỷ đồng. Có 478 khách hàng còn dư nợ chương trình cho vay nhà ở xã hội nhưng chưa gửi đủ tiền tiết kiệm hàng tháng tại hệ thống ngân hàng chính sách theo quy định.

Chưa hoàn thành khuôn khổ pháp lý về hoạt động mua, bán nợ 

Về kiểm toán Chuyên đề việc thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, Kiểm toán Nhà nước nêu nhiều khó khăn trong tổ chức thực hiện ảnh hưởng đến mục tiêu, kết quả Đề án.

Cụ thể là việc phê duyệt, ban hành Đề án, phương án cơ cấu lại còn chậm, một số tổ chức tín dụng chưa có giải pháp, lộ trình cụ thể  để thực hiện một số mục tiêu đề ra tại phương án cơ cấu lại.

Đáng chú ý là, Ngân hàng Nhà nước chưa thực hiện thanh tra chuyên đề việc thực hiện phương án cơ cấu lại đối với các tổ chức tín dụng; một số bộ, ngành chưa hoàn thành một số nhiệm vụ được giao tại Đề án.

Cơ quan kiểm toán chỉ rõ, Bộ Tư pháp chưa làm rõ các khó khăn, vướng mắc phát sinh và đề ra các giải pháp để đẩy nhanh công tác thi hành án tồn đọng có liên quan; công tác đôn đốc thi hành các bản án có hiệu lực pháp luật vẫn còn chậm...

Bộ Công an, đến thời điểm báo cáo, mới chỉ có 9/63 đơn vị công an địa phương (chiếm tỷ lệ 14%) phối hợp với tổ chức tín dụng để tổ chức 205 vụ thu giữ tài sản đảm bảo.

Bộ Tài chính chưa bố trí đủ nguồn để tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đến năm 2020; chưa hoàn thành khuôn khổ pháp lý về hoạt động mua, bán nợ của các doanh nghiệp và xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chứng khoán hóa các khoản nợ; chưa xây dựng cơ chế tài chính đối với các tổ chức tín dụng yếu kém.

Bộ này cũng chưa xử lý dứt điểm các vướng mắc về nghĩa vụ thuế phát sinh từ việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14. Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa hoàn thành việc sửa đổi quy định tại Luật Đất đai để tháo gỡ khó khăn vướng mắc về nhận thế chấp là quyền sử dụng đất của các tổ chức không phải là các tổ chức tín dụng, việc phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tập trung ưu tiên nguồn lực xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia.

Nhiều tổ chức tín dụng xác định tỷ lệ nợ xấu không đúng hướng dẫn của NHNN  nếu tính toán, xác định lại, một số tổ chức tín dụng không đạt được mục tiêu về kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.

Kết thúc giai đoạn thực hiện Đề án, còn một số mục tiêu, giải pháp chưa hoàn thành. Đó là, chưa đưa được tỷ lệ nợ xấu về mức an toàn, bền vững theo mục tiêu của Đề án là phấn đấu đạt dưới 3% (đến 31/12/2020, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống 3,81%, nếu tính cả nợ cơ cấu theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, thì tỷ lệ nợ xấu 7,43%); chưa đẩy mạnh hoạt động xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường...; Chưa hoàn thành việc xử lý cơ bản các tổ chức tín dụng yếu kém.

Ngoài ra, công tác thanh tra, giám sát chưa đảm bảo trên cơ sở tập trung theo trọng yếu, rủi ro; tỷ trọng thu nhập từ dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập đã tăng, nhưng chưa đáng kể, không đạt mục tiêu; mạng lưới các tổ chức tín dụng phân bố chưa đồng đều, chưa bám sát theo mục tiêu định hướng của Chính phủ; kết quả thoái vốn không đạt kế hoạch; hành lang pháp lý hỗ trợ hoạt động quỹ tín dụng nhân dân và tài chính vi mô chưa hoàn thiện và đầy đủ…, báo cáo kiểm toán chỉ rõ.

 

Nguồn baodautu.vn