VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa

Sẽ đẩy nhanh hoàn thiện dự án Luật Phát triển công nghiệp

14/02/2023 - 101 Lượt xem

 

Dự án Luật Phát triển công nghiệp với nội dung cốt lõi là các cơ chế, chính sách để phát triển các ngành công nghiệp hiện đại, công nghiệp ưu tiên, tạo hành lang pháp lý đồng bộ.
 
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên

 

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, những năm qua, các địa phương trong Vùng đồng bằng sông Hồng đã khai thác khá hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của cả nước, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng nhanh, chiếm tỷ trọng ngày càng cao. Cơ cấu kinh tế của Vùng có sự chuyển dịch tích cực, trụ cột là khu vực công nghiệp và thương mại dịch vụ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất công nghiệp phát triển chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của Vùng, vẫn phát triển theo chiều rộng, gia công, lắp ráp, thâm dụng lao động, đất đai, tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao trong công nghiệp chế biến còn ở mức thấp, phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp FDI, phân bố không gian phát triển công nghiệp chưa phù hợp và còn thiếu tính kết nối, chưa hình thành được các cụm liên kết ngành.

Để khắc phục các vấn đề trên, đồng thời từng bước tham gia sâu vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, cần đẩy mạnh việc hoàn thiện, trình phê duyệt quy hoạch vùng và quy hoạch địa phương, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ với các quy hoạch ngành, quốc gia làm cơ sở triển khai hiệu quả các chiến lược phát triển ngành, chiến lược địa phương, đồng thời tổ chức không gian phát triển hợp lý, đảm bảo cân bằng, bền vững, kết nối hiệu quả với các vành đai kinh tế, hạ tầng giao thông để khơi thông các điểm nghẽn hạ tầng, thúc đẩy liên kết vùng, phát huy đối đa lợi thế của vùng.

Đồng thời, tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung một số cơ chế chính sách của địa phương, đảm bảo đủ mạnh, khả thi, phù hợp các quy định của Nhà nước về đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp trên địa bàn, thí điểm một số cơ chế, mô hình mới có tính đột phá phù hợp với các cam kết quốc tế, thúc đẩy công nghiệp phát triển mạnh mẽ, hiện đại, có khả năng cạnh tranh, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực, đa dạng hóa các hình thức đầu tư để thu hút đầu tư hạ tầng, khu công nghiệp, khu kinh tế, hệ thống logistics, phát triển các vành đai công nghiệp, tập trung thu hút các dự án quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao…

Về không gian phát triển công nghiệp, các địa phương Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên tập trung phát triển các ngành công nghiệp hiện đại, có lợi thế cạnh tranh như công nghiệp điện tử, công nghệ số, phần mềm, trí tuệ nhân tạo, sản xuất ô tô, công nghiệp hỗ trợ… và ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mới, công nghệ cao, có tính chất “dẫn đường” như: Sản xuất chíp, bán dẫn, rô bốt, công nghiệp năng lượng tái tạo, vật liệu mới.

Đối với vùng Nam đồng bằng sông Hồng như Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, tập trung xây dựng chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến nông sản, dệt may, da giày và các ngành công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, phát triển các khu kinh tế ven biển theo hướng kinh tế xanh, khu du lịch dich vụ ven biển, đồng thời chú trọng quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi, đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu chính ngạch.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề xuất, cần tập trung thúc đẩy ở mức cao chương trình đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, doanh nghiệp số để Vùng thực sự đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt phát triển công nghiệp quốc gia. Tập phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm rút ngắn thời gian và tiết giảm thực chất chi phí cho doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và lợi thế thu hút đầu tư của các địa phương trong Vùng đồng bằng sông Hồng. 

Bộ trưởng Bộ Công thương khẳng đinh, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực công nghiệp và thương mại, thời gian tới Bộ Công thương sẽ tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp theo định hướng tại Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đặc biệt, đẩy nhanh hoàn thiện dự án Luật Phát triển công nghiệp với nội dung cốt lõi là các cơ chế, chính sách để phát triển các ngành công nghiệp hiện đại, công nghiệp ưu tiên, tạo hành lang pháp lý đồng bộ để các địa phương, các vùng kinh tế tổ chức thực hiện. Đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách còn bất cập, chồng chéo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải phóng các nguồn lực xã hội cho phát triển công nghiệp, thương mại.

 

Nguồn baodautu.vn