VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Cải cách hành chính

"Big 4" ngân hàng sẽ được sắp xếp thế nào trong giai đoạn 2022-2025?

02/12/2022 - 264 Lượt xem

 

Phương án cổ phần hóa, tỷ lệ cổ phần nắm giữ của Nhà nước đối với 4 ngân hàng thương mại lớn được quy định trong Quyết định 1479/QĐ-TTg vừa được Phó thủ tướng ký ban hành.
 

Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Quyết định 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025 theo các hình thức: duy trì công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; cổ phần hóa, sắp xếp lại (bao gồm hình thức sáp nhập, giải thể); chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn nhà nước (thoái vốn) giai đoạn 2022 - 2025.

Theo đó, duy trì 195 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên giai đoạn 2022 - 2025 (danh mục doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ giai đoạn 2022 - 2025).

Thực hiện cổ phần hóa 19 doanh nghiệp, sắp xếp lại 5 doanh nghiệp; thực hiện thoái vốn 141 doanh nghiệp giai đoạn 2022-2025; giữ nguyên phần vốn nhà nước tại 126 doanh nghiệp.

21 doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện sắp xếp theo phương án riêng giai đoạn 2022 - 2025.

Trong đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) nằm trong danh sách thực hiện cổ phần, tỷ lệ vốn Nhà nước dự kiến nắm giữ sau cổ phần hóa là trên 65%.

Đối với Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank), Nhà nước tiếp tục duy trì tỷ lệ cổ phần nắm giữ là 64,46%.

Đối với 2 ngân hàng là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Chính phủ sẽ thực hiện theo Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” nêu tại Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/06/2022 của Thủ tướng Chính phủ và “Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến 2025, định hướng đến 2030" nêu tại Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/08/2018 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó nêu rõ kế hoạch sắp xếp và tỷ lệ vốn dự kiến Nhà nước nắm giữ tại 02 ngân hàng.

Tính đến thời điểm hiện tại, Nhà nước đang nắm giữ 80,9% vốn tại BIDV và 74,8% vốn tại Vietcombank.

Theo Quyết định 1479/QĐ-TTg, các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc: Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương và các doanh nghiệp chưa được quy định tại Quyết định này (không thuộc diện chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước) thực hiện sắp xếp theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn trước ngày 29/11/2022 thì thực hiện như sau:

Đối với các doanh nghiệp chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt Phương án cổ phần hóa, thoái vốn, cơ quan đại diện chủ sở hữu chủ động điều chỉnh lại tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ khi xây dựng Phương án theo Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025 ban hành kèm theo Quyết định này và báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để theo dõi, tổng hợp.

Đối với các doanh nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt Phương án cổ phần hóa, thoái vốn thì thực hiện theo Phương án đã được phê duyệt và tiếp tục xây dựng phương án để thực hiện thoái vốn theo tỷ lệ quy định tại Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025 ban hành kèm theo Quyết định này.

 

Theo baodautu.vn