VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tổng hợp

Giới phân tích: Nhìn từ Fed, tăng lãi suất để chống lạm phát là quyết sách sai lầm

07/07/2022 - 213 Lượt xem

 

Từ việc Fed mạnh tay tăng lãi suất nhằm hạ nhiệt lạm phát, giới phân tích cho rằng, đó không phải là giải pháp đúng đắn, bởi nguồn gốc của vấn đề chủ yếu do các cú sốc cung ứng.
 
Bên trong một cửa hàng tạp hóa tại thành phố Monterey Park, bang California. Ảnh: AFP
Bên trong một cửa hàng tạp hóa tại thành phố Monterey Park, bang California. Ảnh: AFP

 

Các công ty sản xuất và nhà cung ứng toàn cầu đã không thể sản xuất và cung cấp hàng hóa cho người tiêu dùng một cách hiệu quả trong thời gian dài do đại dịch Covid-19. Thêm vào đó, kể từ tháng 2/2022, các lệnh trừng phạt mà phương Tây nhằm vào Nga cũng đã khiến nguồn cung, chủ yếu là hàng hóa bị gián đoạn.

"Rất khó quản trị nguồn cung, chúng tôi đang tìm hiểu tình hình tổng thể các ngành, các doanh nghiệp, họ đang gặp những thách thức rất khác nhau để khôi phục trở lại", ông Paul Gambles, Đối tác quản lý tại Công ty tư vấn MBMG phát biểu trên đài CNBC.

"Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) là một trong những cơ quan tiên phong tăng lãi suất khi cho rằng chính sách tiền tệ không thể gây ra bất kỳ ảnh hưởng nào đến cú sốc nguồn cung. Sau đó họ quyết và tăng lãi suất", ông Gambles đánh giá. 

Các quốc gia trên thế giới cũng tập trung vào "hạ nhiệt" nhu cầu như một công cụ kiềm chế lạm phát. Việc tăng lãi suất nhằm mục đích kéo giảm nhu cầu để hài hòa với nguồn cung đang bị hạn chế.

Tháng trước, Fed đã tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lên ngưỡng 1,5 - 1,75%, mức tăng cao nhất kể từ năm 1994. Chưa dừng ở đó, Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, cho biết cơ quan này có thể tiến hành một đợt tăng lãi suất nữa trong tháng này.

Hôm qua 5/7, Ngân hàng Trung ương Australia ra quyết định tăng lãi suất trong tháng thứ ba liên tiếp trong nỗ lực kiềm chế lạm phát, nhưng rủi ro đi kèm là suy thoái kinh tế.

Cụ thể, sau cuộc họp chính sách tháng 7, Ngân hàng Trung ương Australia đã nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản lên 1,35%, đánh dấu mức tăng tổng cộng 125 điểm cơ bản tăng kể từ tháng 5/2022 và đây là chuỗi động thái tăng lãi suất nhanh nhất kể từ năm 1994.

Tương tự, các nền kinh tế khác ở châu Á - Thái Bình Dương như Philippines, Singapore và Malaysia đều đã kích hoạt lộ trình tăng lãi suất.

Lý giải về động thái tăng lãi suất trong một thông báo mới đây, Fed cho biết họ quyết định tăng lãi suất vì "hoạt động kinh tế tổng thể" dường như đã tăng trưởng trong quý I/2022, còn lạm phát gia tăng phản ánh "sự mất cân bằng cung - cầu do đại dịch, giá năng lượng tăng cao hơn và áp lực giá cả lớn hơn”.

Theo ông Paul Gambles, Đối tác quản lý tại Công ty tư vấn MBMG, nhu cầu hiện vẫn thấp hơn so với trước đại dịch. "Nếu xét đến tình hình việc làm ở Mỹ, nếu không có Covid-19, và nếu không áp dụng phong tỏa chống dịch, chúng ta vẫn còn thiếu khoảng 10 triệu việc làm. Vì vậy, trên thực tế, có khá nhiều tiềm năng trên thị trường lao động…", ông Gambles nhận xét.

"Và, một lần nữa, tôi không nghĩ đó là vấn đề chính sách tiền tệ. Tôi không nghĩ rằng chính sách tiền tệ sẽ tạo ra nhiều sự khác biệt cho vấn đề đó", ông Gambles nhấn mạnh.

Chuyên gia này cho rằng, do những cú sốc nguồn cung, các ngân hàng trung ương sẽ khó có thể duy trì khả năng kiềm chế lạm phát một cách lâu dài. Mỹ, thay vào đó, nên cân nhắc tăng cường chính sách tài khóa để chống đỡ lạm phát.

"Ngân sách liên bang của Mỹ cho năm tài khóa 2022 là 3.000 tỷ USD, thấp hơn năm 2021. Do đó, chúng ta đã ghi nhận một khoản thiếu hụt cho nền kinh tế Mỹ. Và bạn biết đấy, có lẽ rất ít chính sách tiền tệ có thể làm được điều đó (chống đỡ lạm phát - BTV)", ông Gambles lập luận. Cho nên, việc điều chỉnh chính sách tiền tệ là "giải pháp sai lầm cho vấn đề lạm phát".

Nhiều chuyên gia kinh tế khác như ông Stephen King - cố vấn kinh tế cấp cao của HSBC - cũng đã đưa ra các phân tích cho rằng lạm phát không đơn giản chỉ là cú sốc cung cầu. Chuyên gia này cho rằng, việc phong tỏa chống dịch, biến động chuỗi cung ứng, chiến sự Nga - Ukraine, các gói kích thích tài khóa mà các chính phủ bơm vào nền kinh tế, cộng với chính sách tiền tệ nới lỏng, đã cộng hưởng làm gia tăng lạm phát.

"Về mặt kinh tế, cuộc khủng hoảng Covid-19 chủ yếu được xem là một thách thức đối với phía cầu. Các ngân hàng trung ương đã ứng phó bằng cách áp dụng mức lãi suất rất thấp và tiếp tục nới lỏng định lượng, ngay cả khi các chính phủ đưa ra các gói kích thích tài khóa quy mô lớn", ông King nhận định.

"Trên thực tế, Covid-19 chỉ gây ra tác dụng phụ liên quan đến nhu cầu và phong tỏa ở các nền kinh tế phát triển", ông King nói.

Vì nguồn cung không thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu, nên giá cả tăng lên là điều khó tránh. Thế nhưng, tăng lãi suất vốn được xem là liều thuốc giải thông dụng để đối phó lạm phát, nhưng trong tình hình hiện nay, nó rất dễ gây ra suy thoái.

Việc tăng lãi suất khiến cho chi phí mở rộng quy mô kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp tăng lên. Do đó, nó có thể dẫn đến cắt giảm đầu tư, sau cùng làm tổn hại đến thị trường việc làm.

 

Theo baodautu.vn