VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Nhóm tin

Các ngân hàng kỳ vọng được nới room, vốn đắt hơn nhưng triển vọng lợi nhuận vẫn tốt

30/06/2022 - 161 Lượt xem

 

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) vừa có báo cáo phân tích về ngành ngân hàng. VCBS kỳ vọng NHNN sẽ nới room đầu quý III/2022 và vẫn nhận định khả quan về lợi nhuận ngân hàng năm nay.
 

 

 

NHNN sẽ cấp bổ sung room tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn đầu quý III/2022

Theo VCBS, tín dụng toàn hệ thống ghi nhận mức tăng trưởng 8,04% tính tới thời điểm cuối tháng 5/2022, cao hơn đáng kể so với mức tăng trưởng 4,67% cùng kỳ 2021 nhờ nhu cầu vốn tăng cao sau dịch bệnh. VCBS kỳ vọng, tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt 14 – 16% năm 2022, nhờ được hỗ trợ bởi nền kinh tế hồi phục sau dịch bện và gói hỗ trợ lãi suất 2% tương ứng với dư nợ khoảng 2 triệu tỷ đồng phân bổ trong 2022 và 2023.

Tín dụng bán lẻ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của tín dụng hệ thống ngân hàng Việt Nam. Tỷ trọng tín dụng bán lẻ các ngân hàng niêm yết đã tăng từ mức 31% năm 2015 lên mức 45% tổng dư nợ tại thời điểm cuối quý 1/2022, trong đó các sản phẩm cho vay mua nhà, mua ô tô, tài chính tiêu dùng đều ghi nhận mức tăng tích cực.

Về room tăng trưởng tín dụng, VCBS cho biết, nhiều ngân hàng đã chạm hạn mức tín dụng ban đầu ngay từ cuối quý 1 và đang chờ được NHNN nới room. VCBS kỳ vọng các ngân hàng này sẽ được cấp bổ sung room tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn đầu quý 3/2022. 

Nhóm phân tích VCBS đánh giá, các ngân hàng có hệ số CAR cao và mô hình quản trị rủi ro tốt như MB, Vietcombank, Techcombank, VPBank, ACB, TPBank, MSB... sẽ được cấp hạn mức tín dụng cao hơn trung bình ngành trong dài hạn. Ngoài ra, trong thời gian tới, các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém (MB và Vietcombank) sẽ có lợi thế về tăng trưởng tín dụng so với các ngân hàng khác.

Theo nhận định của VCBS, các tiêu chí xét duyệt tín dụng của NHNN có thể kể đến như mức độ dồi dào vốn chủ sở hữu (hệ số CAR), năng lực quản trị rủi ro (thể hiện qua việc tuân thủ các chuẩn mực Basel II, Basel III, IFRS 9,…), mức độ hỗ trợ NHNN thực hiện nhiệm vụ chính trị xã hội (miễn giảm lãi suất và phí, cơ cấu lại các TCTD,…).

Do đó, nhóm phân tích VCBS đánh giá, các ngân hàng có hệ số CAR cao và mô hình quản trị rủi ro tốt như MB, Vietcombank, Techcombank, VPBank, ACB, TPBank, MSB... sẽ được cấp hạn mức tín dụng cao hơn trung bình ngành trong dài hạn. Ngoài ra, trong thời gian tới, các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém (MB và Vietcombank) sẽ có lợi thế về tăng trưởng tín dụng so với các ngân hàng khác.

Ở chiều ngược lại, các ngân hàng trong diện cảnh báo có tỷ trọng cho vay các lĩnh vực rủi ro như đầu cơ bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp… có thể bị hạn chế room tăng trưởng tín dụng ở mức vừa phải hơn để bảo đảm hạn chế rủi ro hệ thống.

Theo VCBS, các ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản cao trong danh mục tín dụng bao gồm TCB, EIB, MSB, SHB, OCB.

Giá vốn tăng, NIM thu hẹp song lợi nhuận ngân hàng vẫn khả quan

Theo đánh giá của VCBS, diễn biến lãi suất đang tác động đáng kể đến lợi nhuận ngân hàng, cụ thể là lãi suất huy động đang nhích lên, thanh khoản bớt dồi dào trong khi việc tăng lãi suất luôn có độ trễ.   

Biên độ lãi thuần (NIM) của ngân hàng đã đạt đỉnh năm 2021 và đang có biểu hiện giảm do lãi suất cho vay tăng chậm hơn lãi suất huy động. Tuy nhiên, một số nhóm ngân hàng vẫn có thể duy trì được mức NIM cao, bao gồm nhóm ngân hàng tư nhân có tập khách hàng cá nhân tăng nhanh tiếp tục nâng cao tỷ lệ CASA và cải thiện được chi phí vốn và nhóm ngân hàng thương mại nhà nước.

Ngoài ra, thu nhập ngoài lãi gia tăng tỷ trọng chiếm trung bình 27% trong cơ cấu thu nhập của các ngân hàng với đóng góp chủ yếu từ thu nhập dịch vụ cũng giúp các ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận tích cực.  

Mặc dù nợ xấu năm nay có thể gia tăng khi Thông tư 14 hết hiệu lực vào cuối tháng 6/2022 song các chuyên gia phân tích VCBS cho rằng, áp lực dự phòng được giảm thiểu khi các ngân hàng đã tăng cường bộ đệm dự phòng đối với các khoản nợ tái cơ cấu lên cao hơn mức quy định 30% trong bối cảnh nguồn thu nhập dồi dào.

Với tình hình này, VCBS duy trì dự báo tích cực đối với LNTT toàn ngành ngân hàng trong năm 2022. Tuy nhiên, mức độ tích cực sẽ giảm dần trong nửa cuối năm 2022 và năm 2023, đặc biêt trong năm 2023 sẽ có sự phân hóa rõ rệt về triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng.

Trên thị trường chứng khoán, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã có hai phiên hồi phục tích cực đầu tuần này. VCBS đánh giá triển vọng đầu tư cổ phiếu ngành ngân hàng đang ở mức phù hợp thị trường, với mức định giá xấp xỉ mức trung bình 5 năm.

Các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt và tốc độ tăng trưởng vượt trội so với ngành sẽ vẫn nằm trong nhóm có thể xem xét đầu tư trong dài hạn, bao gồm: MBB, VPB, BID, VCB, TCB, ACB, MSB, STB – theo quan điểm của chuyên gia phân tích VCBS.

 

Theo baodautu.vn