VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Số liệu thống kê

Xuất nhập khẩu với châu Á tăng trưởng mạnh, đạt gần 200 tỷ USD

22/06/2022 - 97 Lượt xem

 

Chưa qua nửa đầu chặng đường năm 2022, nhưng hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam với khu vực châu Á đã ghi nhận mốc xấp xỉ 200 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ.

 

Xuất nhập khẩu với châu Á 5 tháng đầu năm 2022 xấp xỉ 200 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ.

Xuất nhập khẩu với thị trường châu Á 5 tháng đầu năm 2022 xấp xỉ 200 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ.

 

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, dù chưa qua nửa đầu chặng đường năm 2022, nhưng hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam 5 tháng 2022 với khu vực châu Á đã ghi nhận mốc xấp xỉ 200 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang châu Á đạt 71,37 tỷ USD, tâng 13,6%, nhập khẩu đạt 127,27 tỷ USD, tăng 17,6%.

Nhập siêu từ châu Á sau 5 tháng đầu năm đạt 55,9 tỷ USD.

Với mức thực hiện này, khu vực châu Á tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất (64,9%) trong tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước.

Trong khu vực này, xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN đạt 14,42 tỷ USD, tăng 24,9%, xuất sang Trung Quốc đạt 21,98 tỷ USD, tăng 8,3%, sang Hàn Quốc đạt 10,22 tỷ USD, tăng 16,8%, Nhật Bản 9,35 tỷ USD, tăng 12,7%.

Nhập khẩu hàng hóa từ châu Á nhằm đảm bảo đủ nguyên phụ liệu và máy móc cho sản xuất cũng tăng tốc trong 5 tháng. Theo đó, trị giá nhập khẩu từ ASEAN đạt  20,29 tỷ USD, tăng 14,3%, nhập từ Trung Quốc đạt 49,61 tỷ USD, tăng 13,1%, Hàn Quốc 27,78 tỷ USD, tăng 12,2%, Nhật Bản 9,86 tỷ USD, tăng 9,66%.

Việt Nam vẫn duy trì cán cân thương mại ở mức nhập siêu từ khu vực châu Á do nhu cầu sử dụng máy móc, thiết bị và các loại linh kiện, nguyên liệu để phục vụ sản xuất hàng tiêu dùng trong nước và đặc biệt là xuất khẩu.

Đơn cử, với riêng nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, 5 tháng 2022, nước ta đã nhập khẩu nhóm hàng này từ thị trường Hàn Quốc là 10,53 tỷ USD, tăng mạnh 44%; từ Trung Quốc là 10,36 tỷ USD, tăng 29,2%; từ Đài Loan với 4,98 tỷ USD, tăng 35,5%; từ Nhật Bản với 2,89 tỷ USD, tăng 39,8%… so với cùng kỳ năm 2021.

Các nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác hay nhóm nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may, da, giày (bao gồm: bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày) nhập từ thị trường châu Á cũng tăng cao theo tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của các ngành này. Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng máy móc thiết bị cho Việt Nam trong 5 tháng/2022 với trị giá là 9, 56 tỷ USD, tiếp theo là các thị trường Hàn Quốc với 2,87 tỷ USD, Nhật Bản với 1,72 tỷ USD...

Ngoài châu Á, trao đổi thương mại 2 chiều với các khu vực thị trường còn lại đều đạt tốc độ tăng khá. Theo đó, trị giá xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với châu Mỹ: 64,78 tỷ USD, tăng 18,4%; châu Âu: 32,39 tỷ USD, tăng 9,8%; châu Đại Dương: 7,03 tỷ USD, tăng 29,9% và châu Phi: 3,3 tỷ USD, tăng nhẹ 0,4% so với 5 tháng/2021.

 

Theo baodautu.vn