VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tái cấu trúc nền kinh tế

Việt Nam cần khoảng 30 tỷ USD để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh

12/04/2022 - 302 Lượt xem

 

(ĐTCK) Vấn đề đặt ra là làm sao huy động và hội tụ được các nguồn lực, thúc đẩy được những nỗ lực, sáng kiến và hành động cho chiến lược tăng trưởng xanh.

Chia sẻ về chiến lược phát triển của thành phố tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2022 (Vietnam Connect Forum) với chủ đề "Hội tụ nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững" vừa tổ chức tại TP HCM, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, năm 2022, TP.HCM tiếp tục đẩy mạnh đầu tư nền tảng hạ tầng số để phục vụ chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu, kết nối dữ liệu để phục vụ cộng đồng doanh nghiệp và phục vụ việc quản trị Thành phố. Giải pháp này sẽ giúp minh bạch các cơ chế, chính sách, tạo niềm tin vững chắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động lâu dài tại Thành phố.

“Từ ngày 15 - .16/4 tới đây, TP.HCM tổ chức Diễn đàn Kinh tế (HEF) lần thứ 3 với chủ đề “Kinh tế số - Động lực tăng trưởng và phát triển của TP.HCM trong tương lai” để làm rõ hơn chủ đề này. Ngoài ra, hoạt động xúc tiến đầu tư của TP.HCM trong thời gian tới chính là việc chuẩn bị hệ sinh thái để đón làn sóng FDI xanh, để nhà đầu tư có thể cùng phát triển bền vững ở TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung” , ông Hoan chia sẻ thêm.

Đối với tỉnh Đồng Nai, Phó Chủ tịch tỉnh Đồng Nai bà Nguyễn Thị Hoàng khẳng định, Nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ 10 và 11 đều đặt ra mục tiêu là tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Chính vì vậy, 31 khu công nghiệp đi vào hoạt động sẽ bắt buộc phải xử lý nước thải tập trung. Một số doanh nghiệp gần đây đã theo xu hướng đổi mới công nghệ, sử dụng ít lao động hơn, và đối với công đoạn có ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động thì doanh nghiệp bắt đầu chuyển sang dùng robot.

Trong thời gian tới, Đồng Nai cũng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung vào quy hoạch là 6.500 ha đất cho phát triển khu công nghiệp. Dự kiến, Đồng Nai sẽ hình thành thêm 8 khu công nghiệp nữa. Đối với khu công nghiệp mới, tỉnh Đồng Nai ưu tiên phát triển khu công nghiệp sinh thái và trong các khu công nghiệp này cũng dành quỹ đất để bố trí nhà ở xã hội cho người lao động…

Với chủ đề "Hội tụ nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững", Diễn đàn Vietnam Connect năm 2022 (lần thứ 2) tập trung tăng cường kết nối giữa các địa phương với doanh nghiệp trong nước và ngoài nước, các tổ chức quốc tế thông qua cơ chế đối thoại cởi mở về cơ hội huy động nguồn lực cũng như kinh nghiệm trong và ngoài nước trong thúc đẩy tăng trưởng xanh và bền vững; từ đó tìm ra những giải pháp phù hợp để hút các nguồn lực xanh, vốn đầu tư xanh vào các ngành kinh tế, các địa phương và các khu vực doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia tại hội thảo, các địa phương đã thể hiện rất rõ về sứ mệnh và tầm nhìn phải đảm bảo tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Tuy nhiên, thực tiễn cũng chỉ ra rằng, các điều kiện cần và đủ để thực thi chuyển đổi xanh, như đổi mới công nghệ, quy hoạch, phát triển hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và những chi phí tài chính khác cũng không dễ dàng đáp ứng, nhất là trong bối cảnh khó khăn và còn nhiều thách thức như hiện nay.

Vấn đề đặt ra là làm sao huy động và hội tụ được các nguồn lực, thúc đẩy được những nỗ lực, sáng kiến và hành động không ngừng của các bên liên quan, tạo ra nguồn sức mạnh cộng hưởng với phương châm “một hành động nhỏ, nhiều thay đổi lớn”.

Theo tính toán sơ bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới, để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam đến năm 2030 dự kiến cần khoảng 30 tỷ USD, trong đó, ngân sách nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa khoảng 30% nguồn lực và cần tới 70% từ các nguồn lực khác, trong đó chủ yếu được xác định là khu vực tư nhân.

Theo ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam, hành trình xanh hóa nền kinh tế đã được nói đến từ 13 năm rồi. Bây giờ cần làm sao thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm, đặc biệt là việc biến rác thải năng lượng. Mặc dù đạt nhiều kết quả, nhưng chúng ta còn nhiều việc phải làm. Dù Việt Nam không phải nước gây ô nhiễm nhất nhưng không thể không hành động ngay. Cần tận dụng kinh nghiệm của các nước đi trước.

Ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên Hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, khối doanh nghiệp FDI, những tập đoàn đa quốc gia luôn có khả năng dẫn dắt các xu hướng chuyển đổi xanh. Khi các nguồn lực trong nước còn hạn chế, khả năng đầu tư chuyển đổi số, chuyển đổi xanh của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, dù đang nỗ lực nhưng vẫn còn thấp, do đó, sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế và sự tiên phong của các doanh nghiệp FDI trong xu thế chuyển đổi xanh sẽ góp phần quan trọng, giúp các địa phương và Việt Nam đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi xanh, bắt nhịp với thế giới, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.


Theo báo tinnhanhchungkhoan.vn