VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Kinh nghiệm cải cách và phát triển kinh tế - xã hội của các nước

Nga sẽ "chuyển đổi cơ cấu quy mô lớn" đối với nền kinh tế

21/03/2022 - 90 Lượt xem

 

Nga quyết định duy trì chính sách tiền tệ ổn định và giữ lãi suất cơ bản ở mức 20%, nhưng cảnh báo về những bất ổn lớn khi nền kinh tế này "chuyển đổi cơ cấu quy mô lớn".
 
Trụ sở ngân hàng Trung ương Nga tại Moscow. Ảnh: AFP
Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nga tại Moscow. Ảnh: AFP

 

Vào cuối tháng 2, vài ngày sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng gấp đôi lãi suất cơ bản từ 9,5% lên 20% trong một nỗ lực cứu đồng tiền rúp bị rớt giá và giảm thiểu tác động của các lệnh trừng phạt cứng rắn mà phương Tây áp lên nền kinh tế Nga.

Trong một tuyên bố hôm 18/3, Ngân hàng Trung ương Nga cho biết việc đẩy lãi suất cơ bản lên cao đã "giúp duy trì sự ổn định tài chính". Cơ quan này cảnh báo: "Nền kinh tế Nga đang bước vào giai đoạn chuyển đổi cơ cấu quy mô lớn, dẫn đến một thời kỳ lạm phát gia tăng cao tạm thời và không tránh khỏi, chủ yếu liên quan đến việc điều chỉnh giá tương đối của nhiều loại hàng hóa và dịch vụ".

"Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nga được thiết lập để giúp nền kinh tế này dần thích ứng với các điều kiện mới và đưa lạm phát trở lại mức 4% vào năm 2024".

Đồng rúp đã rớt giá kỷ lục so với đồng đô la Mỹ sau một loạt các lệnh trừng phạt và ngón đòn mới mà Mỹ và các đồng minh châu Âu áp đặt lên Nga. Sau quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 20% của Ngân hàng Trung ương Nga, đồng tiền này vẫn chỉ giao dịch ở hơn 104 rúp đổi 1 USD.

Đầu tuần này, Nga đã cố gắng ngăn chặn một vụ vỡ nợ lịch sử sau khi thanh toán một số khoản lãi trái phiếu mà Moscow đã phát hành bằng đồng đô la Mỹ, theo Reuters. Bộ Tài chính Nga hôm 18/3 cho biết họ đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình trong việc thanh toán đầy đủ lãi cuống phiếu (lãi coupon) đối với trái phiếu eurobond được phát hành bằng đồng đô la Mỹ.

Lượng lớn dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Trung ương Nga đã bị phương Tây đưa vào diện trừng phạt, khiến Nga gần như không thể tiếp cận được nguồn dự trữ này, đồng thời cản trở việc giải quyết vấn đề thiếu hụt tài sản trong nước.

Mặc dù quyết định ổn định chính sách tiền tệ và giữ lãi suất cơ bản ở mức 20% của Ngân hàng Trung ương Nga đã được dự báo từ trước, nhưng nó đã phần nào hé mở về cách nhìn của cơ quan này về triển vọng kinh tế Nga.

Ông William Jackson, chuyên gia kinh tế trưởng về các thị trường mới nổi tại Công ty nghiên cứu kinh tế vĩ mô Capital Economics, cho rằng có ba điểm mấu chốt từ động thái lần này của Ngân hàng Trung ương Nga. Đầu tiên là họ dường như cho rằng việc đẩy lãi suất cơ bản tăng vọt vào tháng trước đã đủ sức để ổn định hệ thống tài chính và ngăn chặn sự tháo chạy khỏi các ngân hàng Nga.

"Thứ hai, Ngân hàng Trung ương Nga xác định các lệnh trừng phạt và sự thay đổi của chính phủ Nga theo hướng chuyên quyền và biệt lập là điều đã tồn tại trong thời gian dài", ông Jackson cho biết.

"Và thứ ba, bất chấp điều đó, các nhà hoạch định chính sách tại Ngân hàng Trung ương Nga đang cố gắng duy trì quan điểm chính thống về kinh tế vĩ mô. Trọng tâm lớn của tuyên bố lần này là vấn đề cân bằng các rủi ro lạm phát và duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt để ngăn chặn lượt tác động thứ hai từ đợt tăng lạm phát đột biến như hiện nay". Điều này cũng cho thấy, các nhà hoạch định chính sách Nga đang hướng đến nới lỏng các biện pháp kiểm soát vốn, trở lại chính sách thả nổi đồng rúp và sau cùng là đưa trọng tâm của chính sách tiền tệ quay lại vấn đề kiểm soát lạm phát.

 

Theo baodautu.vn