VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Chính sách tài khóa - Chính sách tiền tệ

Thêm loạt ngân hàng được nới room tín dụng; nhiều ngân hàng toát mồ hôi đòi nợ

29/11/2021 - 125 Lượt xem

 

Nhiều ngân hàng được nới room tín dụng, NHNN cân nhắc lùi thời điểm siết tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, cổ phiếu vua quay lại… là tâm điểm ngân hàng tuần qua.
 
Nhiều ngân hàng được nới mạnh room tín dụng năm 2021
Nhiều ngân hàng được nới mạnh room tín dụng năm 2021

 

Hàng loạt ngân hàng được nới mạnh room tín dụng lên 15-23,4%

Trong báo cáo triển vọng ngành ngân hàng năm 2021 được Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) công bố tuần qua, BSC cho hay Ngân hàng Nhà nước vừa nới room cho 11 ngân hàng.

Trong đó, 4 ngân hàng được nâng hạn mức tín dụng lên trên 20%, bao gồm: TPBank (23,4%), Techcombank (22,1%), MSB (22%) và MB (21%). VIB và VPBank đứng ở nhóm tiếp theo với hạn mức tín dụng lần lượt 19,1% và 17,1%.

Trong nhóm ngân hàng TMCP nhà nước, Vietcombank được nới room tín dụng mạnh nhất lên 15%. Trong khi đó, hai ngân hàng quốc doanh là BIDV và VietinBank được nới ít nhất, lần lượt lên mức 12% và 12,5%. Tính chung, hạn mức tín dụng trong năm 2021 của các ngân hàng đã được nới lên 13,8%.

Theo đánh giá của BSC, điều này giúp các ngân hàng có thêm dư địa tăng trưởng trong thời gian tới, trong điều kiện nhiều nhà băng đã chạm trần tín dụng trong 9 tháng đầu năm. Dự kiến, tín dụng toàn hệ thống năm 2021 tăng 13%.

Mặc dù việc giảm lãi suất sẽ tạm thời giảm kỳ vọng tăng trưởng thu nhập lãi thuần quý IV/2021 của các ngân hàng, song với mức tăng trưởng tín dụng cao hơn sẽ giúp các ngân hàng có mức nền tín dụng cao, chuẩn bị cho tăng trưởng trong năm 2022. BSC cho rằng NIM trong năm 2022 sẽ tăng 0.35 điểm phần trăm so với năm 2021 do ba yếu tố.  BSC dự đoán, năm nay, lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng sẽ tăng 24,2%, NIM 3,84%, tín dụng tăng 13%.

Sang năm 2022, tín dụng tăng 14%, lợi nhuận trước thuế tăng 22,8%, NIM cải thiện lên 4,12%.  Hiện nay, ngành ngân hàng đang được định giá ở mức 1.7x giá trị sổ sách tính đến hết ngày 19/11/2021, giảm khoảng 15% so với đỉnh toàn ngành do ảnh hưởng bởi dịch bệnh khiến nhà đầu tư lo ngại về sự sụt giảm lợi nhuận so với kỳ vọng đầu năm.   BSC cho rằng, sức khỏe tài chính của các ngân hàng hiện nay xứng đáng có mức định giá cao hơn so với thời điểm hiện tại. 

Nhiều nhà băng tăng lãi suất huy động để hút vốn nhàn rỗi

Mặc dù vẫn giữ được nhịp tăng trưởng, nhưng trước sức hấp dẫn của các kênh đầu tư khác (chứng khoán tăng cao, bất động sản, vàng còn triển vọng...), trong khi lãi suất tiết kiệm thấp, nên huy động vốn của các tổ chức tín dụng đang chậm lại.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 8/2021, tiền gửi của dân cư vào ngân hàng đạt hơn 5,293 triệu tỷ đồng, giảm 1.000 tỷ đồng so với cuối tháng 7/2021. Từ tháng 3/2021 đến nay, tiền gửi của dân cư tăng trưởng rất thấp, không có tháng nào tăng trên 0,5%, thậm chí có những tháng tăng trưởng âm.

Cầu tín dụng sẽ tăng trong những tháng cuối năm, làm tăng áp lực về nguồn vốn. Do đó, nhiều nhà băng bắt đầu tăng lãi suất huy động tiền gửi để thu hút vốn nhàn rỗi trong dân.

Theo ông Trịnh Bằng Vũ, Giám đốc Khối Bán lẻ Ngân hàng Shinhan Việt Nam, khả năng mặt bằng lãi suất trong tháng còn lại của năm 2021 sẽ khó điều chỉnh giảm. Lý do là, để giảm lãi suất cho vay, cần giảm lãi suất huy động, nhưng trong bối cảnh hiện nay, ngân hàng khó giảm thêm lãi suất tiết kiệm, do ảnh hưởng đến nguồn tiền gửi vốn đã giảm nhiều sau đại dịch. Trong khi đó, cầu tín dụng sẽ tăng những tháng cuối năm, làm tăng áp lực về nguồn vốn.

Còn theo ông Lê Hải, Tổng giám đốc ABBank, xu hướng mặt bằng lãi suất từ nay đến quý I/2021 sẽ duy trì mức hiện nay hoặc biến động nhẹ, bởi thông thường, nhu cầu vốn của khách hàng trong mùa cao điểm cuối năm tăng. Thêm vào đó, thị trường đã “sôi động” trở lại sau một thời gian dài đình trệ do dịch Covid-19, nên nhiều doanh nghiệp cũng bắt đầu hoạt động lại. Do đó, nhiều khả năng, lãi suất trong thời gian cuối năm 2021 và đầu năm sau cũng sẽ có biến động nhẹ.

Ngân hàng Nhà nước cân nhắc lùi tiếp lộ trình siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn

Phát biểu tại Hội thảo “Xử lý nợ xấu trong đại dịch Covid-19 và hoàn thiện chính sách pháp luật về xử lý nợ xấu theo hướng Luật hóa Nghị quyết 42/2017/QH14” sáng 24/11, ông Lê Trung Kiên, Phó cục trưởng Cục Giám sát an toàn hệ thống các Tổ chức tín dụng (Cục IV) thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho hay, dịch bệnh Covid 19 đang tác động rất lớn đến nền kinh tế. Trong 9 tháng đầu năm nay, trung bình mỗi tháng có 10 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường, ảnh hưởng lớn tới chất lượng tín dụng ngân hàng.

Thời gian qua, mặc dù ngành ngân hàng triển khai nhiều giải pháp miễn giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước song nợ xấu vẫn có nguy cơ tăng lên rất cao. Nếu như tỷ lệ nợ xấu đến cuối năm 2019 chỉ còn 1,63% thì đến cuối tháng 9/2021 đã tăng trở lại 1,9%, trở lại mức tương đương năm 2017, cho thấy tác động của đại dịch tới nợ xấu ngân hàng là rất ghê gớm.

Thời gian qua, để đảm bảo an toàn hệ thống mà vẫn cung ứng vốn tốt cho nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, NHNN đã chỉ đạo hệ thống ngân hàng duy trì mức độ tăng trưởng tín dụng hợp lý, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, bên cạnh các giải pháp như cơ cấu nợ, giảm phí, cho vay tái cấp vốn một số đối tượng, thúc đẩy hệ thống ngân hàng chuyển đổi số… thì  Ngân hàng Nhà nước cũng đang nghiên cứu, xem xét việc lùi tỷ lệ áp dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.

Trước đó, tháng 8/2020, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 08/2020, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 22/2019. Theo đó, lộ trình áp dụng tỷ lệ “tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn” theo Thông tư 22 được lùi lại một năm. Cụ thể, từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 đến hết ngày 30 tháng 9 năm 2021, tỷ lệ này được áp dụng 40%. Từ ngày 01 tháng 10 năm 2021 đến hết ngày 30 tháng 9 năm 2022 giảm còn 37%. Từ ngày 01 tháng 10 năm 2022 đến hết ngày 30 tháng 9 năm 2023 giảm còn 34% và từ ngày 01 tháng 10 năm 2023 là 30%. 

Với tình hình hiện nay, nhiều khả năng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục lùi thời điểm áp dụng Thông tư trên 1 năm nữa để các tổ chức tín dụng có thêm nguồn lực hỗ trợ khách hàng.  

Vướng mắc vòng quanh, ngân hàng toát mồ hôi đòi nợ

 Dịch Covid-19 khiến nợ xấu ngân hàng dềnh lên, nợ xấu nội bảng đang quay về mốc 5 năm trước. Ông Lê Trung Kiên, Phó cục trưởng Cục Giám sát an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (Cục IV) thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho hay, nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng tính đến ngày 30/9/2021 đã quay trở lại mức 1,9%, như năm 2017 - thời điểm đầu giai đoạn tái cơ cấu ngân hàng 5 năm qua.

 

Covid -19 đã tác động ghê gớm đến chất lượng tín dụng
Covid -19 đã tác động ghê gớm đến chất lượng tín dụng

 

“Covid-19 tác động ghê gớm đến chất lượng tín dụng của các ngân hàng”, ông Kiên khẳng định.

Trong khi nợ xấu tăng nhanh, thì ngân hàng lại đứng trước muôn vàn thách thức, cả mới lẫn cũ. Dịch bệnh xảy ra, nhiều khách hàng lấy cớ từ chối tiếp xúc, nghe điện thoại, không phối hợp xử lý nợ. Bên cạnh đó, các dịch vụ liên quan đến xử lý nợ như định giá, đấu giá, sang tên đất đai, thi hành án… cũng tạm dừng ở nhiều địa phương trong giai đoạn giãn cách, khiến ngân hàng bế tắc thu hồi nợ.

 Việc luật hóa Nghị quyết số 42/2017/QH14 là rất cần thiết để hoàn thiện hành lang pháp lý, giúp các tổ chức tín dụng, với sự hỗ trợ của các cơ quan, ban, ngành liên quan, xử lý nợ xấu hiệu quả, thực chất, bền vững; giúp nhà đầu tư trong và ngoài nước an tâm mua, bán các khoản nợ xấu/tài sản bảo đảm; nâng cao ý thức trả nợ của các khách hàng; cải thiện “cách nhìn” của xã hội, người dân đối với hoạt động xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Rất nhiều ngân hàng cũng than phiền, mặc dù khi xử lý nợ xấu, khách hàng đã thỏa thuận bàn giao tài sản đảm bảo, song quá trình bàn giao, khách hàng lại trốn tránh, khiến ngân hàng không thể thực hiện.

Thêm vào đó, mặc dù Nghị quyết 42/2017/QH14 đã cho phép Tòa án xử lý theo trình tự rút gọn, song ngoại trừ trường hợp tại SCB, thì chưa ngân hàng nào được Tòa xử lý theo trình tự rút gọn.

 Để đẩy nhanh hoạt động xử lý nợ xấu, ngày 15/10, Sàn giao dịch nợ Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chính thức đi vào hoạt động. Ông Nguyễn Quang Hòa, Phó giám đốc Sàn giao dịch nợ VAMC cho biết, sau hơn một tháng hoạt động, đến ngày 19/11/2021, sàn này đã ký hợp đồng đề nghị môi giới bán khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu với tổng dư nợ 7.458 tỷ đồng. Sàn đã có 35 đơn vị được cấp tài khoản thành viên.

Tuy nhiên, theo đại diện Vietcombank, bán nợ trên sàn, ngân hàng cũng còn bối rối vì vướng mắc nhiều quy định pháp lý.  Để sàn giao dịch nợ trở thành kênh xử lý nợ xấu hữu hiệu, các ngân hàng thương mại cho rằng, Chính phủ cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu, đặc biệt là phải sớm luật hóa Nghị quyết 42/2017/QH14.

Giảm lãi suất các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định 1990/QĐ-TTg ngày 26/11/2021 về việc giảm lãi suất cho vay các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Theo đó, giảm 10% so với lãi suất cho vay các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội do Thủ tướng Chính phủ quy định về lãi suất.

Ngân hàng Chính sách xã hội tăng cường các biện pháp cân đối chi phí hoạt động để thực hiện việc giảm lãi suất cho vay trong phạm vi kế hoạch vốn cấp bù chênh lệch lãi suất và chi phí quản lý được giao năm 2021.

Thời gian thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với các chương trình tín dụng chính sách nêu trên áp dụng đối với các khoản vay còn dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 31/12/2021. Sau ngày 31/12/2021, lãi suất cho vay của các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện theo quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ.

Quyết định 1990/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 31/12/2021.

Ngân hàng cam kết giảm lãi suất: Chỗ hy sinh 5.000 tỷ, nơi chỉ giảm vài chục tỷ đồng

Trong 2,5 tháng thực hiện cam kết giảm lãi suất, các ngân hàng TMCP đã giảm tổng số tiền lãi 15.559 tỷ đồng, trong đó riêng big 4 ngân hàng quốc doanh giảm 12.663 tỷ đồng.

Hồi tháng 7/2021, 16 ngân hàng thương mại đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay áp dụng từ 15/7/2021 đến hết năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính 20.613 tỷ đồng. Riêng 04 NHTM Nhà nước tiếp tục cam kết dành riêng gói hỗ trợ 4.000 tỷ đồng để giảm lãi suất, giảm 100% các loại phí dịch vụ ngân hàng trong thời gian giãn cách cho khách hàng tại các địa phương đang thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo thống kê của NHNN, tính từ 15/7 đến 31/10/2021, tổng số tiền lãi giảm của 16 ngân hàng là khoảng 15.559 tỷ đồng (tăng 3.323 tỷ đồng so với 30/9/2021 tương ứng tăng 27,16%), đạt 75,48% so với cam kết.

Trong đó, khối ngân hàng thương mại nhà nước giảm lớn nhất với 12.663 tỷ đồng, chiếm 81,4% số lãi giảm toàn hệ thống.

Giảm nhiều nhất là Agribank với tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 4.996 tỷ đồng với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là gần 1,3 triệu tỷ đồng cho gần 3,2 triệu khách hàng.

Đứng thứ hai là Vietcombank với tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 3.055 tỷ đồng, tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là trên 1,14 triệu tỷ đồng cho 236.403 khách hàng.

 Thứ ba là BIDV với tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 2.739 tỷ đồng; tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là trên 1,21 triệu tỷ đồng cho 407.603 khách hàng.

Thứ tư là VietinBank với tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 1.873 tỷ đồng; tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là gần 1,71 triệu tỷ đồng cho 685.573 khách hàng.

Ở khối ngân hàng TMCP tư nhân, ngân hàng chấp nhận giảm tiền lãi hỗ trợ khách hàng nhiều nhất là MB với tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 610 tỷ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 118.653 tỷ đồng cho 104.282 khách hàng.

Trong danh sách 16 ngân hàng cam kết giảm lãi suất, có những ngân hàng chỉ giảm lãi vài chục tỷ đồng.

Giá vàng điên loạn, nhà đầu tư chịu nhiều rủi ro

Tuần qua, thông tin ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được Tổng thống Mỹ Joe Biden đề cử tái bổ nhiệm cho nhiệm kỳ tới đã tác động tiêu cực lên giá vàng.   

Trước đó, dữ liệu lạm phát của Mỹ cho thấy, mức tăng hàng năm đã lên tới 6,2% - mức tăng lớn nhất trong 31 năm qua. Điều này đã thúc đẩy nhiều nhà đầu tư tìm đến hầm trú ẩn vàng và đẩy giá kim loại quý này tăng mạnh, từ 1.780 USD/ounce lên 1.870 USD/ounce. Tuy nhiên, giá vàng đã rớt từ mức giá này tuần trước 1.790 USD/ounce vào giữa tuần qua sau khi Tổng Thốn Mỹ đề cử tái bổ nhiệm ông Jerome Powell làm Chủ tịch Fed.

 

f
Vàng có khả năng tiếp tục tăng song nhà đầu tư chịu nhiều rủi ro

 

Trong bài phát biểu mới đây, Chủ tịch Fed còn cho biết, cơ quan này sẽ tập trung vào việc chống lạm phát. Vì vậy, mặc dù áp lực lạm phát vẫn hỗ trợ giá vàng, nhưng vàng đã không thể chống chọi với những tác động lớn vì lợi suất trái phiếu tăng. Việc đề cử ông Powell cho nhiệm kỳ mới đã củng cố kỳ vọng của thị trường về việc tăng lãi suất vào năm 2022, khi Fed kết thúc chương trình thu hẹp tài sản của mình.

Thị trường kỳ vọng vào tốc độ giảm tài sản của các ngân hàng trung ương và việc tăng lãi suất đã thúc đẩy thị trường tiền tệ gần đây. Nhóm phân tích tài chính của Ngân hàng Eximbank cũng cho rằng, việc đề cử đối với Powell cho nhiệm kỳ thứ hai sẽ khiến thị trường thoải mái đánh giá việc Fed tăng lãi suất từ tháng 7/2022. Ít nhất ba quan chức Fed hiện đã thảo luận công khai về việc tăng tốc độ giảm tài sản.

Theo nhận định của ông Huỳnh Trung Khánh, chuyên gia cấp cao lĩnh vực vàng, sau khi ngưỡng cản 1.800 USD/ounce bị xuyên thủng, áp lực cắt lỗ của nhà đầu tư trên thế giới sẽ tác động tiêu cực lên giá vàng. Ông Khánh dự báo, mặt hàng vàng còn “sóng” lớn từ nay đến cuối năm khi lạm phát tại Mỹ cao, áp lực dịch Covid-19 tăng trở lại và nhu cầu vàng vật chất tăng. Theo ông Khánh, vàng sẽ lấy lại mốc 1.900 USD/ounce cuối năm nay và thậm chí có thể vượt mức này.

Tuy nhiên, người mua vào thười gian qua đã lỗ nặng khi giá vàng chạm ngưỡng 62 triệu đồng/lượng tuần trước đã giảm còn 59 triệu đồng/lượng tuần này (mất 3 triệu đồng/lượng chỉ sau 1 tuần). 

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch SJC Phú Thọ cho rằng, chính sự không liên thông giữa vàng quốc tế và vàng trong nước cũng như sự độc quyền của thương hiệu vàng SJC khiến cung vàng ở thị trường nội địa bị hạn chế, làm cho nhà đầu tư không mấy mặn mà với việc rót vốn vào vàng, vì thực tế, mua vàng ở giá thấp và bán ra ở mức cao cũng vẫn dễ bị lỗ, do biên độ mua - bán được nhà kinh doanh nới rộng. Vì thế, theo ông Hải, không ít nhà đầu tư đã chuyển hướng từ vàng sang cách kênh đầu tư khác, trong đó có chứng khoán, khi giá cổ phiếu đồng loạt tăng gần đây.

Cổ phiếu ngân hàng phục hồi, thêm ngân hàng chia cổ tức khủng

* Cổ phiếu ngân hàng hồi phục

Trong tuần giao dịch qua (22-26/11), nhóm cổ phiếu ngân hàng diễn biến tích cực khi ghi nhận 26/27 mã tăng giá. Đặc biệt, trong phiên giao dịch ngày 24/11,  có 8 mã cổ phiếu ngân hàng tăng trần.  Sự đi lên của cổ phiếu ngân hàng đã giúp VNindex vượt đỉnh lịch sử 1.500 điểm ngày 25/11.

Sở dĩ giá cổ phiếu "vua" bật tăng trong những phiên gần đây nhờ các thông tin tác động tích cực từ kết quả kinh doanh quý III/2021 và dự báo lợi nhuận quý IV cũng không quá xám màu và việc bán, chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư trong, ngoài nước, thông tin phát hành cổ phiếu khủng…       

* Mỏng vốn, BIDV muốn chia cổ tức 25,77% bằng cổ phiếu để tăng vốn   

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã: BID) vừa công bố tờ trình xin ý kiến cổ đông về phương án tăng vốn điều lệ năm 2021 thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức.

Theo đó, BIDV dự kiến phát hành tối đa hơn 1 tỷ cổ phiếu, tương đương với tỷ lệ 25,77%, để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại luỹ kế đến năm 2019 và lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ và chi trả cổ tức tiền mặt năm 2020.

Thời gian phát hành dự kiến là trong năm nay hoặc năm sau, HĐQT được ủy quyền thời điểm chốt danh sách sau khi nhận được sự chấp thuận của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trước đó, ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 của BIDV hồi tháng 3/2021 đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ năm 2021 là 20,5%, bao gồm chia cổ tức năm 2019 và năm 2020 là 12,2%, phát hành thêm 8,5% (chào bán ra công chúng hoặc riêng lẻ). 

Theo phương án mới, nếu hoàn tất phát hành, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng lên hơn 50.585 tỷ đồng. Hiện vốn điều lệ của ngân hàng là hơn 40.220 tỷ đồng, đứng thứ ba toàn ngành sau VietinBank (48.058 tỷ đồng) và VPBank (44.455 tỷ đồng).

* Người nhà "bầu Thụy" thoái hết vốn tại LienVietPostBank

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) cho biết, em trai ông Nguyễn Đức Thụy, Phó chủ tịch HĐQT LienVietPostBank (Mã: LPB) là ông Nguyễn Xuân Thuỷ vừa đăng ký bán toàn bộ hơn 1,8 triệu cổ phiếu LPB. Giao dịch sẽ được thực hiện theo phương thức khớp lệnh và thoả thuận trong thời gian 1/12 - 15/12.

Cùng ngày, em dâu ông Thụy, bà Tống Thị Kiều Hoa cũng đăng ký bán ra 28.336 cổ phiếu LPB. Các giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 1/12 - 15/12 theo phương thức khớp lệnh và thoả thuận.

Kết phiên giao dịch ngày 26/11, giá cổ phiếu LPB giảm 2,25% xuống còn 23.900 đồng/cổ phiếu. Ước tính với giá trị này, ông Thuỷ và bà Hoa có thể thu về lần lượt 43 tỷ đồng và 677 triệu đồng từ giao dịch trên.

Trước đó, ông Nguyễn Văn Thuyết, em trai ông Thụy cũng đăng ký bán toàn bộ 330.300 cổ phiếu LPB sở hữu với mục đích cơ cấu danh mục đầu tư. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 19/11 tới 18/12, theo phương thức khớp lệnh và thảo thuận.

Cũng liên quan tới giao dịch cổ phiếu này, từ ngày 4/11, CTCP Thaiholdings (Mã: THD) bắt đầu thực hiện bán toàn bộ 22,4 triệu cổ phiếu LPB với mục đích cơ cấu danh mục đầu tư. Thời gian thực hiện giao dịch sẽ kết thúc vào 3/12 tới.

Hiện ông Thụy vẫn là cổ đông lớn của Thaiholdings khi nắm giữ gần 86 triệu cổ phiếu của công ty, tương đương 24,55% vốn điều lệ. Trong khi đó, tại LienVietPostBank, ông đang sở hữu hơn 34 triệu cổ phiếu, tương đương 2,85% vốn ngân hàng.

* Chủ tịch Ngân hàng Hàng Hải mua xong 10 triệu cổ phiếu MSB

Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM vừa thông báo về giao dịch của người nội bộ Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (mã chứng khoán, sàn HOSE: MSB).

Theo đó, ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT của MSB đã mua xong 10 triệu cổ phiếu, thực hiện giao dịch từ ngày 25/10-24/11/2021 theo phương thức khớp lệnh. Sau giao dịch, ông Tuấn sở hữu hơn 12,2 triệu cổ phiếu MSB, tương đương 0,8% vốn cổ phần của ngân hàng MSB.

Sau khi lập đỉnh 28.200 đồng/cổ phiếu ngày 24/11, sang phiên 25/11, cổ phiếu MSB giảm nhẹ 1,4% xuống mức 27.800 đồng/cổ phiếu. Ước tính theo mức giá này, số cổ phiếu mà chủ tịch MSB sở hữu có giá trị khoảng 340 tỷ đồng.

 

Theo baodautu.vn