VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

C%C3%A1ch%20m%E1%BA%A1ng%20c%C3%B4ng%20nghi%E1%BB%87p%204.0

Thúc đẩy ứng dụng công nghệ số để quản lý hạ tầng kinh tế xã hội

18/11/2021 - 276 Lượt xem

 

(Chinhphu.vn) – Chiều 16/11, Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo Phát triển hạ tầng số và thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, nền tảng số trong xây dựng và quản lý hạ tầng kinh tế, xã hội trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

 

Ông Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương: Nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ngày càng lớn và đa dạng, ngoài nguồn lực của Nhà nước, đã và đang mở rộng sự tham gia của toàn xã hội. Ảnh:VGP
Hội thảo trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế lần thứ ba về Công nghiệp 4.0 – Industry 4.0 Summit 2021 tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.

Ông Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0).

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia CMCN 4.0, Chính phủ ban hành Nghị quyết 50/NQ-CP về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" với tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới..

Việc xây dựng chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số được triển khai quyết liệt, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực.

Thực tế, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội ở nước ta những năm qua có những phát triển mới, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ đất nước. Nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ngày càng lớn và đa dạng, ngoài nguồn lực của Nhà nước, đã và đang mở rộng sự tham gia của toàn xã hội… Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng ở nước ta vẫn còn không ít những tồn tại thể hiện ở một số điểm như: Hệ thống hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin còn chậm về tốc độ, chưa đáp ứng được các yêu cầu phát triển Internet vạn vật, thành phố thông minh, phương tiện tự động, sản xuất thông minh…

Chuyển đổi số sẽ tạo ra dòng chảy dữ liệu liên tục, càng chuyển đổi số sẽ càng tạo ra nhiều dữ liệu, càng tạo ra nhiều tài nguyên - Ảnh: VGP
Quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động do hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số còn nhiều hạn chế, do nguyên nhân khách quan và chủ quan. Công tác quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng ở Việt Nam còn nhiều bất cập, chất lượng quy hoạch còn thấp, thiếu tính đồng bộ, kết nối và tầm nhìn dài hạn, thường xuyên phải điều chỉnh.

Ông Đỗ Ngọc An cho rằng, những yếu kém về kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội trong những năm qua là một trong những cản trở lớn đối với sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Điều này đòi hỏi phải tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc CMCN 4.0 đem lại nhằm thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước; nhất là phát triển hạ tầng số và thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, nền tảng số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo vệ môi trường sinh thái…

Các chuyên gia, nhà quản lý có kinh nghiệm trong và ngoài nước đã trao đổi, làm rõ các vấn đề về phát triển hạ tầng số và thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, nền tảng số trong xây dựng và quản lý hạ tầng kinh tế, xã hội nhằm nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long nhấn mạnh, chuyển đổi số chính là giải pháp thông minh hóa hoạt động sản xuất, là giải pháp chủ yếu để hiện đại hóa đất nước. 

Việt Nam đang đứng thứ 56 trên thế giới về hạ tầng số, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 Việt Nam đứng trong top 30 nước dẫn đầu thế giới về hạ tầng số. Chuyển đổi số đã trở thành xu thế toàn cầu, mở ra nhiều cơ hội phát triển chưa từng có cho mỗi quốc gia, cho mỗi nền kinh tế, cho mỗi tổ chức và cho từng cá nhân. Dữ liệu là tài nguyên và dữ liệu số chính là tài nguyên không giới hạn về số lượng.  

Chuyển đổi số sẽ tạo ra dòng chảy dữ liệu liên tục, càng chuyển đổi số sẽ càng tạo ra nhiều dữ liệu, càng tạo ra nhiều tài nguyên.

“Trong nền kinh tế số, dữ liệu là một loại hàng hóa. Muốn nền kinh tế phát triển thì hàng hóa dữ liệu phải được lưu thông mạnh mẽ, do đó, phát triển hạ tầng kết nối vô cùng quan trọng”, ông Phạm Đức Long nói.

Chuyên gia Shige Sakaki, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) quan tâm đến chuyển đổi hạ tầng số trong ngành giao thông gắn với vấn đề môi trường.

Chuyên gia WB cho hay, ở Việt Nam, ngành giao thông vận tải chiếm khoảng 20% ​​(33,2 triệu tấn) tổng lượng phát thải CO2 ở Việt Nam vào năm 2014 và ước tính sẽ tăng lên 89,1 triệu tấn vào năm 2030.

Ông Shige Sakaki dẫn một nghiên cứu của WB cho thấy, việc giảm mức tăng từ kịch bản thông thường xuống 20% ​​vào năm 2030 đòi hỏi một bộ quy định và đầu tư đầy tham vọng. Nếu Việt Nam đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, ngành giao thông vận tải sẽ phải trải qua một sự thay đổi rất mạnh mẽ.

“Di chuyển thông minh chắc chắn phải là một trong những yêu cầu quan trọng để định hướng cho quá trình thay đổi”, chuyên gia WB nhận định

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel (Tập đoàn Viettel) cho biết, hạ tầng số là một trong các nhiệm vụ, giải pháp tạo nền móng cho chuyển đổi số. Tuy nhiên, hạ tầng số Việt Nam vẫn còn chưa tối ưu, không tái tận dụng tài nguyên; duy trì nguồn lực vận hành lớn. Tỉ lệ đơn vị có trung tâm dữ liệu dự phòng còn chưa cao; triển khai các giải pháp an toàn thông tin (ATTT) chưa đồng bộ, nhất là tại các địa phương…

Ông Phạm Anh Đức kiến nghị giải pháp phát triển hạ tầng số bằng cách đẩy mạnh áp dụng mô hình điện toán đám mây; ưu tiên sử dụng các giải pháp hạ tầng số được các đơn vị trong nước phát triển. Để phát triển hạ tầng phục vụ các Hệ thống quan trọng, cần giao cho các doanh nghiệp nhà nước lớn có uy tín, kinh nghiệm, nguồn nhân lực thực hiện.

Theo lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, trên cơ sở các ý kiến trao đổi, Tổ Biên tập Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tiếp thu, tổng hợp đầy đủ các ý kiến để xây dựng Đề án trình Ban Chấp hành Trung ương vào năm 2022.

 

Theo baochinhphu.vn