VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Kinh nghiệm cải cách và phát triển kinh tế - xã hội của các nước

APEC với bộ ba giải pháp cho phục hồi kinh tế

15/11/2021 - 124 Lượt xem

 

Các nhà lãnh đạo APEC nhất trí sẽ giải quyết vấn đề phục hồi kinh tế trong khu vực bằng cách thúc đẩy chuỗi cung ứng, giải quyết vấn đề lao động, và tiếp tục ứng phó đại dịch Covid-19.
 
Hội nghị các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 28 do New Zealand chủ trì diễn ra theo hình thức trực tuyến. Nguồn ảnh: Apec2021nz.org
Hội nghị các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 28 do New Zealand chủ trì diễn ra theo hình thức trực tuyến. Nguồn ảnh: apec2021nz.org

 

Trong một tuyên bố chung sau Hội nghị các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 28, các nhà lãnh đạo APEC cũng cam kết phối hợp cùng nhau giải quyết các thách thức về khí hậu và môi trường.

"Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Covid-19 chưa chấm dứt, chúng tôi quyết tâm sử dụng tất cả các công cụ kinh tế vĩ mô sẵn có để giải quyết những hậu quả bất lợi của Covid-19 và duy trì sự phục hồi kinh tế, đồng thời duy trì tính bền vững tài khóa trong dài hạn", các nhà lãnh đạo APEC nhấn mạnh trong tuyên bố chung hôm 12/11.

"Chúng tôi sẽ tăng cường nỗ lực để đảm bảo hàng hóa tiếp tục lưu thông ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn", tuyên bố chung của APEC nêu rõ.

Hội nghị các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 28 diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại và địa chính trị khu vực gia tăng, đặc biệt là giữa Trung Quốc và Mỹ, và trong lúc thế giới đang gồng mình giải quyết những thách thức của đại dịch Covid-19 và khủng hoảng khí hậu.

Phát biểu trước các nhà lãnh đạo APEC, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh cam kết tăng cường mối quan hệ của Mỹ với các nền kinh tế APEC "nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư công bằng và cởi mở, tăng cường sức cạnh tranh của Mỹ và đảm bảo một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở".

Ông Biden cho biết cuộc khủng hoảng khí hậu là một cơ hội lớn để tạo ra nhiều việc làm và các quốc gia phải phối hợp cùng nhau để hướng tới một tương lai bền vững, theo tuyên bố của Nhà Trắng.

"Tổng thống Biden đã thảo luận cách thức giải phóng sức mạnh kinh tế của khu vực và tăng cường sự tham gia kinh tế của Mỹ trên khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", Nhà Trắng cho biết.

Còn truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lưu ý tại hội nghị APEC rằng hợp tác kinh tế và công nghệ là vấn đề quan trọng đối với khu vực và cần được đầu tư hơn nữa.

Ông Tập Cận Bình cũng cho biết Trung Quốc sẽ "kiên định" mở rộng cửa với thế giới bên ngoài và chia sẻ các cơ hội phát triển của Trung Quốc với thế giới và các nước châu Á - Thái Bình Dương, theo đài truyền hình Trung Quốc CCTV.

Hội nghị các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 28 diễn ra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến được mong đợi giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến tổ chức vào tối 15/11 (theo giờ Mỹ). Các quan chức Mỹ cho biết họ tin rằng việc trao đổi trực tiếp với ông Tập Cận Bình là cách tốt nhất để ngăn mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đi vào vòng xoáy xung đột.

Theo đài CNBC, Trung Quốc đã lưu ý Hội nghị APEC lần này với lời cảnh báo của ông Tập Cận Bình trong một đoạn video quay sẵn hôm 11/11 rằng khu vực châu Á - Thái Bình Dương không nên quay trở lại những căng thẳng của thời kỳ Chiến tranh lạnh.

Bình luận này được cho rằng ám chỉ đến những nỗ lực của Mỹ và các đồng minh trong khu vực nhằm giảm bớt sức ảnh hưởng ngày càng tăng về mặt kinh tế và quân sự của Trung Quốc.

Phát biểu trước thềm cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, một quan chức Trung Quốc cho biết Bắc Kinh cũng muốn tránh đối đầu và tập trung vào "cạnh tranh tích cực", đồng thời thúc đẩy hợp tác trong các vấn đề như khủng hoảng khí hậu và chấm dứt đại dịch Covid-19.

 

Theo baodautu.vn