VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Hội nhập kinh tế quốc tế

RCEP - “Trái ngọt” sau hành trình gian nan

18/02/2021 - 149 Lượt xem

 

(BĐT) - Vào ngày Chủ nhật giữa tháng 11/2020, trong lúc đại dịch Covid-19 đang làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và xu hướng bảo hộ mậu dịch đang cản trở quá trình hội nhập kinh tế, 15 nước đã cùng ngồi lại ký kết một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới - Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
 
Cùng với các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, RCEP tạo ra khuôn khổ để đơn giản hóa thủ tục hải quan và thiết lập quy tắc xuất xứ, tạo thuận lợi cho thương mại. Ảnh: Nguyễn Trí

Cùng với các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, RCEP tạo ra khuôn khổ để đơn giản hóa thủ tục hải quan và thiết lập quy tắc xuất xứ, tạo thuận lợi cho thương mại. Ảnh: Nguyễn Trí

Cùng với các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, RCEP tạo ra khuôn khổ để đơn giản hóa thủ tục hải quan và thiết lập quy tắc xuất xứ, tạo thuận lợi cho thương mại. Ảnh: Nguyễn Trí


Chặng đường 8 năm đàm phán hiệp định “siêu khu vực” này được đánh giá là hành trình gian nan với “trái ngọt” là mở ra cơ hội phát triển rất lớn cho các thành viên Hiệp định, trong đó có Việt Nam.

Hiệp định “siêu khu vực”

Ngày 15/11/2020 đã trở thành bước ngoặt lịch sử của hành trình đàm phán 8 năm để tiến tới ký Hiệp định RCEP. Lễ ký kết diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan tại Việt Nam, đánh dấu thành tựu cao nhất của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020.

Sự kiện này, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh - người được Chính phủ ủy quyền ký kết Hiệp định - là một dấu mốc quan trọng của hành trình dài đầy khó khăn để đến ngày thu hoạch “trái ngọt”, mở ra một giai đoạn hợp tác kinh tế thương mại mới đầy hứa hẹn.

Gọi việc ký kết RCEP là “trái ngọt” bởi theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Hiệp định với 15 thành viên (gồm 10 nước thành viên ASEAN và 5 quốc gia mà ASEAN đã ký kết hiệp định thương mại tự do là Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand) được thực thi sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. Hiệp định mở ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, một thị trường lớn với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, tổng GDP là 26,2 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu.

Nhiều người thắc mắc tại sao ASEAN đã có các FTA độc lập với các nước đối tác nhưng vẫn đàm phán ký kết RCEP? Đó là do những lợi thế khác biệt của RCEP và đây là lần đầu tiên các nước đối tác tham gia chung vào một FTA với ASEAN. Người đứng đầu ngành công thương cho biết, các cam kết của Việt Nam trong RCEP rất linh hoạt và thêm một số lĩnh vực mới chưa được cam kết trong các FTA của ASEAN trước kia như: thương mại điện tử, chính sách cạnh tranh, mua sắm của chính phủ.

Chương Mua sắm của chính phủ trong RCEP có mức độ cam kết thấp hơn nhiều so với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), chỉ gồm các nghĩa vụ tăng cường tính minh bạch, hợp tác, trao đổi thông tin giữa các bên về chính sách mua sắm công và không bao gồm cam kết mở cửa thị trường.

Tính ưu việt của RCEP nằm ở việc tiêu chuẩn hóa các quy tắc liên quan đến việc duy trì cạnh tranh thương mại. Cùng với các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, RCEP tạo ra khuôn khổ để đơn giản hóa thủ tục hải quan và thiết lập quy tắc xuất xứ, tạo thuận lợi cho thương mại và là mắt xích quan trọng để các doanh nghiệp (DN) tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Các yếu tố ưu việt của RCEP sẽ là cơ hội cho DN Việt mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài.

RCEP sẽ giúp thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài cho DN Việt Nam, nhất là trước tình hình thế giới đầy biến động gây ra những xáo trộn về chuỗi cung ứng. Hơn nữa, việc thực thi RCEP sẽ tạo một khuôn khổ ràng buộc pháp lý trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, giải quyết tranh chấp..., từ đó góp phần tạo môi trường thương mại công bằng.

Gian nan hành trình “gieo hạt”

Nhìn lại hành trình dài 8 năm cho đến ngày ký kết Hiệp định, ông Trần Tuấn Anh chia sẻ: “Đây là một hành trình gian nan”. Bởi quá trình đàm phán tiến tới ký kết Hiệp định đã gặp không ít trở ngại liên quan đến xu hướng bảo hộ; bối cảnh địa chính trị trong khu vực cũng có nhiều thay đổi; đại dịch Covid-19 kéo dài…

Nhiều dữ liệu về RCEP cho thấy, ý tưởng về Hiệp định đã được giới thiệu lần đầu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 19 được tổ chức vào tháng 11/2011 tại Bali (Indonesia). Đến tháng 11/2012, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21 ở Campuchia, các lãnh đạo cấp cao đã thông qua khung khổ ASEAN về RCEP và tuyên bố khởi động đàm phán RCEP.

Thời điểm ấy có 16 quốc gia cùng thỏa thuận sẽ ký kết RCEP, trong đó có 10 quốc gia ASEAN và 6 quốc gia khác là: Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và Ấn Độ, để hiện thực hóa ý tưởng về khu vực mậu dịch tự do rộng lớn hơn có sự tham gia của ASEAN và các nước Đông Á manh nha nhiều năm trước đó. Từ tháng 5/2013 đến tháng 9/2019, các nước tham gia đàm phán RCEP đã tiến hành 28 vòng đàm phán, chưa kể một loạt cuộc họp nhóm, trao đổi các cấp từ cấp chuyên viên đến cấp bộ trưởng.

Tháng 11/2019, khi các nước thành viên đã cơ bản hoàn tất đàm phán thì Ấn Độ bất ngờ tuyên bố chưa thể tham gia Hiệp định. Đưa tin về sự kiện này, một tờ báo đã viết: “Trong một khoảnh khắc, toàn bộ Hiệp định dường như có nguy cơ bị phá sản”. Song với nhiều nỗ lực, các thành viên còn lại vẫn mong muốn tiếp tục đàm phán và tích cực trao đổi với phía Ấn Độ về khả năng quay trở lại Hiệp định.

Trở ngại này chưa qua, khó khăn khác lại ập tới. Năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát đã khiến khả năng tiếp xúc bên lề các vòng đàm phán bị hạn chế và buộc các thành viên RCEP phải tiến hành họp trực tuyến. Vì thế, ngày 15/11/2020, RCEP chính thức được ký kết thông qua hình thức này với sự tham gia của 15 thành viên.

Đánh giá về hành trình của RCEP ngay sau khi Hiệp định được ký kết, ông Mohamed Azmin Ali, Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại quốc tế Malaysia đã gọi đó là “8 năm đàm phán bằng máu, mồ hôi và nước mắt”.

Phần nào thấu hiểu được nỗi vất vả của những thành viên trong Đoàn đàm phán Chính phủ để ký kết RCEP, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: “Là người có cơ hội được tháp tùng Thủ tướng Chính phủ tham gia các cuộc làm việc với các quốc gia để đạt được thỏa thuận ký kết RCEP, tôi hiểu rất rõ sự vất vả của đoàn đàm phán Chính phủ. Họ đã có các hoạt động ngoại giao con thoi rất tích cực, sát sàn sạt các chỉ đạo để RCEP được ký kết, mở ra một không gian thị trường lớn cho DN Việt Nam”.

Sự kiện ngày 15/11/2020 đã khép lại chặng đường đàm phán gian nan để mở ra một chặng đường mới. Về chặng đường phía trước khi Hiệp định đi vào thực thi, đây sẽ tiếp tục là hành trình đầy thách thức mà các DN Việt Nam cần nỗ lực vượt qua nhằm tối đa hóa cơ hội, hái được những “trái ngọt” mang về làm giàu cho chính DN mình cũng như làm giàu cho đất nước.

 

Theo baodauthau.vn