VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Hội nhập kinh tế quốc tế

Dệt may không chê đơn hàng giá trị thấp

02/12/2020 - 297 Lượt xem

 

Do tác động của Covid-19, ngành dệt may Việt Nam dự kiến sụt giảm 5 tỷ USD giá trị xuất khẩu so với năm 2019. Để gỡ gạc, các doanh nghiệp dệt may không chê đơn hàng giá trị thấp.
 
Các doanh nghiệp dệt may đã chủ động để thích ứng trong hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Đức Thanh
Các doanh nghiệp dệt may đã chủ động để thích ứng trong hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Đức Thanh

 

Linh hoạt ứng biến trong tình thế khó khăn

Duy trì mức tăng trưởng xuất khẩu 2 con số liên tục trong hơn chục năm trở lại đây, thậm chí năm cao điểm 2018 đạt kỷ lục 17%, nhưng kịch bản tăng trưởng năm 2020 của ngành dệt may không thể giữ được do tác động từ đại dịch Covid-19.

11 tháng của năm 2020, xuất khẩu dệt may, xơ sợi, vải, nguyên phụ liệu đã chứng kiến mức giảm mạnh, với kim ngạch  31 tỷ USD, sụt giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dự báo khả năng về đích của ngành dệt may trong năm 2020, tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐTV Vinatex cho biết, do các chuỗi cung ứng đứt gãy, cầu hàng hóa sụt giảm, xuất khẩu toàn ngành dệt may năm nay dự kiến chỉ đạt 33,5 - 34 tỷ USD, giảm khoảng 14-15% so với năm 2019.

“Mức 34 tỷ USD đã cao hơn dự báo vào tháng 4/2020 là chỉ đạt 30 - 31 tỷ USD, do các doanh nghiệp đã chủ động ứng biến, xoay chuyển tình thế để có được kết quả kinh doanh khả quan nhất”, ông Trường nói.

Dù xuất khẩu sụt giảm, nhưng điểm tích cực được các doanh nghiệp đề cập là so với nhiều quốc gia xuất khẩu lớn như Ấn Độ, Bangladesh, mức giảm của Việt Nam thấp hơn nhiều, đặc biệt trong bối cảnh tổng cầu dệt may thế giới giảm 25%.

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 - CTCP cho hay, đối mặt với thị trường thu hẹp, đơn hàng bị tạm ngưng và sụt giảm, doanh nghiệp đã nghĩ cách xoay xỏa để ứng biến với tình hình mới. Ngay đợt dịch đầu tiên, May 10 đã tập trung may khẩu trang y tế, chớp thời cơ chốt được những đơn hàng xuất khẩu. Một đối tác lớn từ EU đã đặt mua 400 triệu khẩu trang y tế với giá trị 52 triệu USD (hơn 1.000 tỷ đồng). Đơn hàng này tương đương với khoảng 30% doanh thu của May 10 trong năm nay.

Ngoài ra, nhiều khách hàng Mỹ, Hàn Quốc, Đức đặt hàng May 10 những đơn hàng khẩu trang, bộ đồ phòng chống dịch, giúp doanh nghiệp không những không phải cắt giảm lao động, mà còn tuyển thêm.

“Nghị quyết 20/NQ-CP của Chính phủ về việc áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19 đã giúp doanh nghiệp xoay chuyển tình thế, từ việc có thể giảm mạnh doanh số thì năm nay, May 10 tăng trưởng 3%”, ông Việt chia sẻ.

Linh hoạt, ứng biến trong tình thế khó khăn, Tổng công ty May Hòa Thọ - CTCP cũng nhanh tay chốt các đơn hàng để dây chuyền may được hoạt động liên tục, người lao động có việc làm. Theo ông Nguyễn Đức Trị, Chủ tịch HĐQT May Hòa Thọ, đơn hàng may mặc cao cấp sụt giảm, Công ty đã tiếp nhận cả các đơn hàng có giá trị gia tăng thấp, tập trung phát triển nhanh các đơn hàng mới phục vụ chống dịch, nên ảnh hưởng tiêu cực đã giảm đi đáng kể.

Nhiều doanh nghiệp cũng cho biết, trong hoàn cảnh này họ không “kén cá chọn canh”, chấp nhận cả những đơn hàng nhỏ, đơn hàng ngắn hạn, chủ yếu để có việc làm cho người lao động và “năng nhặt chặt bị”, góp phần tăng xuất khẩu.

Kịch bản nào cho năm 2021

Khảo sát của Liên đoàn các nhà sản xuất thiết bị và hàng hóa dệt may về nhu cầu tiêu dùng hàng dệt may năm 2021 cho thấy, phải từ quý III/2021, mức tiêu thụ hàng dệt may toàn cầu mới có khả năng hồi phục.

Như vậy, năm 2021 sẽ tiếp tục là năm đặc biệt khó khăn của ngành dệt may khi thị trường còn biến động phức tạp, cầu xuống thấp.

Đại diện Vinatex cho hay, hiện rất khó dự báo tình hình thị trường cho năm tới, nhưng bình diện chung là khó khăn vẫn bao trùm bởi làn sóng dịch bệnh mùa cuối năm tại Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu rất nghiêm trọng.

Năm 2021 sẽ tiếp tục là năm đặc biệt khó khăn của ngành dệt may khi thị trường còn biến động phức tạp, cầu xuống thấp và khó dự báo, bởi vậy nửa đầu năm 2021 vẫn phải chú trọng vào các đơn hàng giá thấp.

Cú hích từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dù đã đi vào thực thi, nhưng cơ hội gia tăng xuất khẩu sang khu vực EU trong năm tới cũng khó thành hiện thực. Do đó, các doanh nghiệp cho rằng, nửa đầu năm 2021 vẫn phải chú trọng vào các đơn hàng giá thấp. “Khi nhu cầu chưa tăng lên, việc làm mới chưa ổn định thì xu thế sử dụng hàng hóa cơ bản, giá thấp sẽ tiếp tục lên ngôi”, ông Lê Tiến Trường nhận định.

Điều dễ nhận thấy sau chặng đường vừa qua là kinh nghiệm và năng lực ứng biến của các doanh nghiệp đã tốt hơn giai đoạn đầu năm 2020. Nếu như hồi đầu năm, ngành dệt may không có năng lực sản xuất hàng hóa vật tư bảo vệ con người, nên khi bị sụt thị trường quần áo thông thường, doanh nghiệp liền gặp khó khăn, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, các doanh nghiệp đã có năng lực, có thị trường, có sản phẩm về hàng hóa y tế và vẫn duy trì được  năng lực trong mảng quần áo.

Dù vậy, với vai trò là một ngành xuất khẩu lớn, xấp xỉ 40 tỷ USD trong năm 2019, nên giải pháp để hạn chế sụt giảm đơn hàng, gia tăng kim ngạch đóng góp cho xuất khẩu vẫn đè nặng vai ngành dệt may. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, năm 2021, doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội xuất khẩu trang thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE), thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp.

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp dệt may phải đầu tư phát triển các dự án nguyên phụ liệu, tăng tỷ lệ giá trị gia tăng, chủ động hơn nữa trong chuỗi cung ứng, tận dụng tốt các FTA như EVFTA, CPTPP và tới đây là RCEP.

 

Theo baodautu.vn