VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Kinh nghiệm cải cách và phát triển kinh tế - xã hội của các nước

Lào tập trung chính sách thu hút đầu tư để thúc đẩy kinh tế

06/11/2020 - 136 Lượt xem

 

Nhiều vấn đề về phát triển kinh tế, xã hội đã được các đại biểu Quốc hội Lào thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa VIII.

Tại Kỳ họp lần thứ 10, Quốc hội khóa VIII của Lào, Chính phủ Lào công bố chính sách thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, tạo môi trường thuận lợi trong việc tiến hành kinh doanh. Thời gian tới, Chính phủ Lào quy định bốn chính sách và 12 điểm tập trung để triển khai chính sách ba mở trở thành hiện thực và hiệu quả thực chất.

Theo đánh giá của Chính phủ Lào, từ thực tiễn việc huy động nguồn vốn trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia của Lào từng giai đoạn cho thấy, nguồn vốn đầu tư của tư nhân trong và ngoài nước chiếm phần lớn trong tỷ trọng đầu tư tại Lào.

Trong giai đoạn 2016-2020, đầu tư nước ngoài FDI vào Lào chiếm 50,7%, đầu tư từ hệ thống tài chính - tiền tệ chiếm 21,7%, từ nguồn vốn viện trợ phát triển ODA chiếm 17,5% và đầu tư từ ngân sách Nhà nước chiếm 10,1% trong tổng nguồn đầu tư của Lào là 169.744,6 tỷ kíp Lào, tương đương 26.9% GDP, đạt 97,9% so với kế hoạch đã được Quốc hội Lào thông qua là 173.329 tỷ kíp Lào. Hiện nay, nguồn vốn đầu tư tư nhân cả trong và ngoài nước vẫn đóng vai trò quan trọng giúp thúc đẩy nền kinh tế Lào tiếp tục tăng trưởng bền vững theo hướng tăng trưởng xanh.

Để thực hiện chính sách ba mở đi vào hiệu quả thực chất, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng bền vững, thời gian tới Chính phủ Lào sẽ tập trung vào một số vấn đề sau:

Về mặt chính sách, Lào sẽ tiến hành rà soát, điều chỉnh hệ thống các văn bản pháp lý ban hành trước đây không còn phù hợp, không còn là yếu tố thu hút và khuyến khích đầu tư; thực hiện các chính sách tạo thuận lợi cho đầu tư theo đúng quy định của pháp luật, xây dựng, điều chỉnh cơ chế khuyến khích đầu tư nước ngoài, tạo môi trường thị trường (thị trường hàng hóa, thị trường vốn, thị trường lao động, thị trường công nghệ, thị trường chứng khoán...) ổn định, minh bạch, dự báo được, kịp thời và nhanh nhạy; phát triển lao động Lào có tay nghề, kỷ luật và kỹ năng làm việc cao hơn, cũng như tạo điều kiện để người lao động Lào chuyển từ lĩnh vực giá trị thặng dư thấp sang lĩnh vực giá trị thặng dư cao hơn một cách có hệ thống.

Thực hiện chế độ quản lý đầu tư nước ngoài bình đẳng với các nhà đầu tư trong nước, cạnh tranh và hợp tác bình đẳng theo quy định pháp luật của Lào (ngoại trừ các dự án thuộc danh mục kiểm soát đặc biệt của Chính phủ).

Huy động mở rộng đầu tư của các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước tham gia vào các dự án ưu tiên của Chính phủ trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm lần thứ IX (2021-2025) gồm sáu mục tiêu lớn, 24 kế hoạch ưu tiên và 184 dự án ưu tiên mà Chính phủ không có nguồn vốn, đặc biệt có thể tổ chức theo hình thức thuê/chuyển quyền sử dụng, hình thức đối tác công tư PPP, mô hình doanh nghiệp đại chúng và hình thức đầu tư biến tài sản thành nguồn vốn theo bẩy thế mạnh đã xác định trong Dự thảo báo cáo chính trị và Dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ IX của Lào.

Về mục tiêu, theo quy định trong Luật khuyến khích đầu tư của Lào (sửa đổi năm 2016), đặc điểm của các dự án ưu tiên sẽ là đầu tàu kéo nền kinh tế Lào phát triển. Do đó, việc đầu tư phải có chất lượng, đầu tư sản xuất hàng hóa tiêu dùng cần thiết để giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu và có thể tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân như các dự án về nông nghiệp sạch; các dự án công nghiệp chế biến thực phẩm, công nghiệp sản xuất đồ tiêu dùng; dự án phát triển du lịch thiên nhiên, văn hóa và lịch sử thân thiện với môi trường, bền vững; dự án nghiên cứu xây dựng các bệnh viện hiện đại và sản xuất thuốc; dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, dịch vụ vận tải hàng hóa trung chuyển và kết nối giữa các nước.

Ngoài ra, Chính phủ Lào quan tâm thu hút đầu tư vào các đặc khu kinh tế, các khu công nghiệp, các dự án vừa và nhỏ sử dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, cần thiết, phù hợp với điều kiện thực tế của Lào; khuyến khích đầu tư theo hình thức BOT và PPP.

Chính phủ Lào cũng thông báo các công việc cần tập trung trong thời gian tới, các ngành liên quan phối hợp điều chỉnh các quy định và cơ chế phối hợp trong tiến hành kinh doanh tại Lào, tạo môi trường thuận lợi để xây dựng và tiến hành kinh doanh một cách minh bạch và nhanh chóng. Tập trung triển khai thực hiện theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ thông qua việc điều chỉnh dịch vụ cấp giấy phép đầu tư và cấp giấy phép kinh doanh trên cả nước bảo đảm nhanh chóng, minh bạch và thống nhất để khuyến khích, quản lý đầu tư, tạo sự thuận lợi và chủ động cho các doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước. Lấy lĩnh vực kế hoạch và đầu tư làm trung tâm để phối hợp, điều phối các đầu mối dịch vụ đầu tư một cửa của các lĩnh vực khác có liên quan.

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa VIII nước CHDCND Lào dự kiến bế mạc ngày 17-11.

 

Theo báo nhandan.com.vn