VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Hội nhập kinh tế quốc tế

Thiết kế “van” an toàn bảo vệ sản xuất trong nước

29/10/2020 - 285 Lượt xem

 

(BĐT) - Cho đến nay đã có khoảng 200 cuộc điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) nhằm vào hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam với kim ngạch bị ảnh hưởng lên tới 12 tỷ USD.
 
Với 13 hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực, Việt Nam đã và đang mở cửa mạnh thị trường nội địa cho hàng hóa từ 51 nước đối tác FTA. Ảnh: Lê Tiên

Với 13 hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực, Việt Nam đã và đang mở cửa mạnh thị trường nội địa cho hàng hóa từ 51 nước đối tác FTA. Ảnh: Lê Tiên

Trong đó, phần lớn là hàng xuất khẩu chủ lực và hàng hóa thâm dụng lao động, dẫn đến giảm kim ngạch xuất khẩu, doanh nghiệp (DN) phải đóng cửa, cắt giảm lao động. Trong khi đó, PVTM được xem là công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các ngành sản xuất nội địa nhưng chưa được nhiều DN, hiệp hội quan tâm.

Tăng nguy cơ đối mặt với các vụ kiện

Với 13 Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) có hiệu lực, mà gần đây nhất là FTA với EU (EVFTA), Việt Nam đã và đang mở cửa mạnh thị trường nội địa cho hàng hóa từ 51 nước đối tác FTA. Điều này giúp thị trường Việt Nam sôi động và cạnh tranh hơn. Tuy vậy, tại Hội thảo PVTM: “Công cụ bảo vệ lợi ích ngành sản xuất nội địa trong bối cảnh hội nhập” tổ chức ngày 27/10, bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục PVTM thuộc Bộ Công Thương cho biết, cùng với việc thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan theo FTA, sức ép cạnh tranh và các biện pháp phi thuế quan cũng gia tăng, trong đó nổi bật là biện pháp PVTM. Việc cắt giảm thuế quan theo FTA dẫn đến nhiều hàng hóa nước ngoài gia tăng lượng nhập khẩu vào Việt Nam, trong đó, một số hàng hóa có dấu hiệu bán phá giá, được trợ cấp đã khiến các DN trong nước phải thu hẹp sản xuất, người lao động giảm thu nhập và thậm chí mất việc làm.

Đồng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, quá trình hội nhập cũng dẫn đến hiện tượng nhập khẩu ồ ạt gây cạnh tranh không lành mạnh giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước, có khả năng gây thiệt hại đáng kể và đe dọa tới lợi ích lâu dài của một số ngành sản xuất trong nước.

Theo số liệu của Cục PVTM, đến nay, Việt Nam đã bị điều tra gần 200 vụ việc PVTM với hàng hóa xuất khẩu, trong đó chống bán phá giá là 107 vụ việc, chống trợ cấp 21 vụ việc, tự vệ 38 vụ việc, chống lẩn tránh 23 vụ việc. “Khi bị áp dụng điều tra PVTM không chỉ làm kim ngạch xuất khẩu ngành hàng đó giảm, thậm chí mất thị trường đó và mất các thị trường khác. Đơn cử, Hoa Kỳ áp dụng điều tra chống bán phá giá đối với túi nhựa của Việt Nam, nhiều DN sản xuất túi nhựa xuất khẩu của ta đã bị đóng cửa, buộc phải sa thải công nhân…”, bà Giang cảnh báo.

Công cụ hữu hiệu

PVTM đang ngày càng trở nên phổ biến với 3 biện pháp chủ yếu là: chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ. Đây là các biện pháp hợp pháp được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép nhằm đảm bảo sự cạnh tranh công bằng đối với hàng sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu của các quốc gia thành viên. Theo đó, để bảo vệ lợi ích của các ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh hội nhập, Việt Nam đã nội luật hóa các quy định này của WTO khi xây dựng pháp luật PVTM. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành các quy định như nghị định, thông tư hướng dẫn chi tiết các ngành sản xuất về PVTM.

“Trước đây, PVTM chỉ tồn tại trong pháp luật, song 5 năm gần đây đã đi vào cuộc sống”, bà Giang cho biết. Theo bà Giang, việc thực hiện các biện pháp PVTM không những làm tăng thu ngân sách mà quan trọng hơn là bảo vệ lợi ích của các ngành sản xuất trong nước, giúp nhiều DN sản xuất vượt qua khó khăn, giảm nguy cơ hàng hóa Việt Nam bị điều tra lẩn tránh biện pháp PVTM thời gian qua. Tuy vậy, lãnh đạo Cục PVTM không khỏi lo ngại, bởi đến nay chưa có nhiều DN, hiệp hội biết về các chính sách, pháp luật PVTM hay có kỹ năng sử dụng hiệu quả công cụ này cũng như thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý trước các vụ việc.

“Vì vậy, chúng ta cần phải thay đổi, đổi mới để áp dụng biện pháp PVTM trong bối cảnh mới nhằm bảo vệ sản xuất trong nước”, bà Giang khuyến nghị.

Theo hướng này, cùng với việc tích cực thực thi các chính sách về PVTM đã được ban hành, hiện Bộ Công Thương đang chủ trì xây dựng Dự thảo Đề án Nâng cao năng lực về PVTM trong bối cảnh tham gia các FTA thế hệ mới trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm nghiên cứu, rà soát và hoàn thiện chính sách, quy định pháp luật trong nước về PVTM. Bộ Công Thương cũng xây dựng thông tư hướng dẫn việc thực hiện Hiệp định EVFTA về PVTM để thực hiện hiệu quả Hiệp định.

Bên lề sự kiện, đại diện Bộ Công Thương khuyến nghị các ngành sản xuất trong nước cần theo dõi sát thị trường, số liệu xuất nhập khẩu cũng như giá bán của các mặt hàng nhập khẩu trên thị trường Việt Nam, đồng thời tìm hiểu giá bán của hàng hóa trên thị trường nhập khẩu khác để bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Trường hợp DN gặp khó khăn trong việc thu thập số liệu giá bán của hàng hóa đó trên các thị trường khác, hoàn toàn có thể phối hợp với Bộ Công Thương để được hỗ trợ. Trên cơ sở dữ liệu thu thập được, các DN, Hiệp hội cùng thống nhất xây dựng một bộ hồ sơ gửi cho Bộ Công Thương để tiến hành điều tra.

 
Theo baodauthau.vn