VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa

Ngành nông nghiệp cần thêm nhiều nhà máy chế biến quy mô lớn

16/10/2020 - 384 Lượt xem

 

Để xuất khẩu vượt mốc 40 tỷ USD trong những năm tới, ngành nông nghiệp cần các doanh nghiệp vào cuộc, đầu tư mở rộng năng lực sản xuất với nhiều sản phẩm có đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
 
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, để để gia tăng kim ngạch xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, để để gia tăng kim ngạch xuất khẩu, cần DN bỏ vốn đầu tư mở rộng năng lực sản xuất với những sản phẩm chất lượng, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường. 

 

Đây là khẳng định của ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) tại lễ công bố sự kiện "Tuần hàng “Made in Vietnam - Tinh hoa Việt Nam” do Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam phối hợp cùng Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, và UBND TP. Hà Nội tổ chức vào sáng 15/10.

Ông Toản cho biết, sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp nước ta chưa bao giờ hết khó, khó từ khâu tổ chức sản xuất hàng hóa đủ tiêu quy chuẩn cho tới thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm. Đến nay, không chỉ sản xuất phục vụ nhu cầu trong nước, xuất khẩu còn là chủ đạo của ngành nông nghiệp. Hết năm 2019, nông lâm sản Việt đã xuất khẩu sang 185 thị trường trên thế giới, kim ngạch xuất khẩu trên 40 tỷ USD.

9 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 30,5 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019. Giá trị xuất siêu đạt khoảng 7,2 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Xác định thị trường còn nhiều khó khăn vì sự thay đổi của thế giới, đặc biệt là đại dịch covid-19 làm thay đổi hành vi tiêu dùng và phương thức vận hành thị trường nông sản, do đó, để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD là vô cùng khó khăn.

Nhưng, nhiệm vụ của ngành nông nghiệp không chỉ hoàn thành mục tiêu trước mắt với 40 tỷ USD mà phải tính toán đầu tư ra sao để những năm tới, tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu của khu vực nông nghiệp tăng trưởng tốt.

Theo ông Toản, để gia tăng kim ngạch xuất khẩu, cần các doanh nghiệp vào cuộc, đầu tư mở rộng năng lực sản xuất với hệ thống vùng trồng đủ lớn, nhà máy chế biến quy mô lớn, hiện đại để sản xuất những sản phẩm có đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, đầu tư công nghệ bảo quản..., đáp ứng đòi hỏi của các thị trường khó tính nhất.

Ngành nông nghiệp hiện đang phát triển theo chuỗi sản xuất khép kín, hình thành các tổ hợp, nhà máy hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu. Ngay cuối tháng 9 vừa qua, Tập đoàn TH tổ chức lễ khánh thành nhà máy chế biến nước hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ, Mộc Châu. 

Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ được Tập đoàn TH đầu tư giai đoạn 1 trên diện tích gần 5 ha, số vốn 1.200 tỷ đồng, sử dụng công nghệ trích ly hoàn toàn tự động và công nghệ chế biến áp suất cao HPP của Italia. Công nghệ này giúp rau quả được chế biến bằng áp suất cao trong thời gian ngắn mà không dùng nhiệt, giúp lưu giữ được nhiều nhất màu sắc, hương vị thơm ngon và giá trị dinh dưỡng của nguyên liệu tươi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trong giai đoạn 1, nhà máy đạt công suất chế biến 300 tấn rau quả/ngày, quy mô lớn nhất vùng Tây Bắc và nằm trong nhóm dẫn đầu các nhà máy chế biến quả tại Việt Nam.

Trước đó, Nhà máy dừa Vina T&T Kim Thanh (Bến Tre) đã được Tập đoàn Vina T&T đưa vào hoạt động, giúp DN này  tăng hơn gấp đôi sản lượng xuất khẩu. Nhà máy giúp quả dừa tươi bảo quản được 80 ngày, tăng 20 ngày so với trước đây nên ngoài thị trường truyền thống là Mỹ, đã có thêm thị trường Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp còn hàng chục nhà máy chế biến rau quả, chế biến thủy sản xuất khẩu đang trong quá trình đầu tư bởi các doanh nghiệp.

 

Theo baodautu.vn