VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Ph%C3%A1t%20tri%E1%BB%83n%20b%E1%BB%81n%20v%E1%BB%AFng

Thúc đầu tư công để tạo việc làm

04/08/2020 - 164 Lượt xem

 

TTO - Nhiều nơi đã tăng mạnh được giải ngân vốn đầu tư công. Câu chuyện của những nơi làm tốt và đặc biệt, nơi xin trả lại vốn đầu tư công cũng chia sẻ với Tuổi Trẻ lý do.

 

Thúc đầu tư công để tạo việc làm - Ảnh 1.

 
 
 

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông - Ảnh: NAM TRẦN

 

Sốt ruột vì tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công đến hết 6 tháng đạt mức quá thấp, 2 tuần qua, Chính phủ phải tổ chức nhiều đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc bởi giải ngân tốt vốn đầu tư công góp phần thúc đẩy tăng trưởng, giảm nguy cơ suy thoái trong bối cảnh khó khăn vì Covid-19.

Tín hiệu khả quan

Số liệu mới nhất vừa được Tổng cục Thống kê công bố, tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước 7 tháng năm 2020 đã vọt lên, đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tính chung 7 tháng đầu năm nay đạt 203.000 tỉ đồng, bằng 42,7% kế hoạch năm và tăng 27,2% so với cùng kỳ năm trước.

So với các bộ ngành, tình hình giải ngân vốn đầu tư công tại các địa phương trong 7 tháng qua khả quan hơn. Đứng đầu là Hà Nội, giải ngân đạt mức cao nhất với 22.063 tỉ đồng, bằng 48,6% kế hoạch năm và tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. 

Tiếp theo là TP.HCM, số vốn đã giải ngân đạt 17.128 tỉ đồng, bằng 35,8% kế hoạch và tăng 73,2%; Quảng Ninh 8.465 tỉ đồng, bằng 60,9% và tăng 64,6%...

Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ (Bộ Kế hoạch và đầu tư) Trần Duy Đông cho biết để đảm bảo tỉ lệ giải ngân đạt 100% số vốn được giao của năm nay, bộ đề nghị các địa phương chủ động hoàn thiện các thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giao bổ sung kế hoạch 2016 - 2020 và kế hoạch 2020, triển khai các giải pháp để tăng cường giải ngân trong 6 tháng cuối năm.

"Chúng tôi đề nghị các địa phương chủ động rà soát kỹ các khó khăn vướng mắc của các dự án chưa giải ngân hoặc tỉ lệ giải ngân thấp, nhất là các dự án ODA, để chủ động điều chỉnh nội bộ trong địa phương hoặc đề xuất điều chuyển vốn sang các địa phương khác để Bộ Kế hoạch và đầu tư tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền ngay trong tháng 8 này" - ông Đông nói.

 

Thúc đầu tư công để tạo việc làm - Ảnh 2.

Năm 2019, việc xin trả vốn đầu tư công chỉ có lác đác một vài đơn vị. Tuy nhiên, khi giải ngân trở thành một nhiệm vụ trọng tâm cực kỳ quan trọng thì việc trả dự toán mới nhiều hơn.

Ông Hoàng Hải

 

Vì sao xin trả lại?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hoàng Hải - phó cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính - cho hay qua theo dõi của Bộ Tài chính cho thấy tỉ lệ giải ngân của vốn ODA, vốn vay ưu đãi tính đến nay chỉ đạt hơn 15% dự toán năm nay.

Có một số bộ ngành đang có đề xuất xin trả lại vốn đầu tư công. Đơn cử như vốn ODA vay ưu đãi, theo ông Hoàng Hải, có một số như Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Viện hàn lâm Khoa học công nghệ VN... đều đang đề nghị được trả lại vốn đầu tư công để điều chuyển vốn cho các dự án có khả năng hấp thụ vốn tốt hơn.

"Năm 2019, việc xin trả vốn đầu tư công chỉ có lác đác một vài đơn vị. Tuy nhiên, khi giải ngân trở thành một nhiệm vụ trọng tâm cực kỳ quan trọng thì việc trả dự toán mới nhiều hơn. Đây là việc không ai muốn nhưng nên triển khai còn hơn là để vốn đó mà không thực hiện" - ông Hải nói.

Là đơn vị không sử dụng được hết vốn đầu tư công, lãnh đạo Vụ Kế hoạch - tài chính (Bộ Tài nguyên và môi trường) cho biết 330 tỉ đồng là số vốn mà Bộ Tài nguyên và môi trường xin được trả lại. Đây là vốn vay ODA được giao giải ngân trong năm 2020.

 

Thúc đầu tư công để tạo việc làm - Ảnh 4.

 

Về lý do xin được trả lại vốn, đại diện Bộ Tài nguyên và môi trường giải thích nhiều dự án bị chậm triển khai. Sau rà soát các dự án đầu tư công đã phân bổ vốn, xét thấy có 330 tỉ đồng chưa sử dụng, chưa thể giải ngân trong năm 2020 nên bộ đã báo cáo Chính phủ bố trí khoản tiền này cho dự án của các bộ ngành, địa phương khác có khả năng giải ngân, có nhu cầu cấp thiết về nguồn vốn hơn thì sử dụng trước.

Ông Trần Duy Đông giải thích: theo quy định mới của Luật đầu tư, các bộ, ngành, địa phương tự rà soát vốn đầu tư công trong nội bộ, ngành, địa phương mình và có quyền điều chuyển trong nội bộ. Trong trường hợp không điều chuyển trong nội bộ được thì mới báo cáo Bộ Kế hoạch và đầu tư để bộ trình Chính phủ có phương án điều chuyển sang bộ, ngành, địa phương khác.

Mất phí nếu giải ngân chậm

Việc giải ngân dự án vốn ODA vay ưu đãi nước ngoài ì ạch dẫn đến việc phải đàm phán lại với nhà tài trợ để gia hạn khoản vay, thậm chí hủy hiệp định vay vốn dẫn đến thiệt hại gì cho VN?

Theo ông Hoàng Hải, tùy theo tính chất của nhà tài trợ và tùy theo tính chất của khoản vay khi đàm phán, có một số khoản vay, Chính phủ phải trả phí cam kết. Thời gian thực hiện càng kéo dài thì phí cam kết phải trả càng lớn. Thời gian chính là chi phí cơ hội. Nếu chúng ta không xử lý rốt ráo, kịp thời thì sẽ ảnh hưởng chung đến kế hoạch giải ngân.

Nhiều bộ ngành giải ngân tăng gần 100%

Theo Tổng cục Thống kê, số vốn đầu tư công được Bộ Giao thông vận tải giải ngân đã đạt 8.340 tỉ đồng, tăng 91,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, Bộ Giáo dục và đào tạo đạt 959 tỉ đồng, tăng 84,4%... Bên cạnh đó, Bộ Y tế đạt 2.313 tỉ đồng, tăng 36,1%; Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn 1.761 tỉ đồng, tăng 34,1%; Bộ Tài nguyên và môi trường 432 tỉ đồng, tăng 4,6%...

Một số địa phương cũng có mức giải ngân tăng là Bình Dương 5.468 tỉ đồng, tăng 9,8%; Thanh Hóa 5.467 tỉ đồng, tăng 29,2%; Hải Phòng 4.279 tỉ đồng, tăng 3,7%...

 

Theo tuoitre.vn