VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Kinh tế xanh

Điện mặt trời vẫn đang "vướng" cơ chế

24/06/2020 - 306 Lượt xem

 

(TBKTSG Online) - Trước tình trạng giá điện ngày một tăng, nhiều doanh nghiệp và hộ gia đình đã lắp đặt điện mặt trời áp mái, giờ đây khi tiền điện tăng cao giải pháp này cho thấy hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên việc lắp điện mặt trời hiện vẫn đang còn một số vướng mắc về... cơ chế.

 

Điện mặt trời được lắp trên mái nhà của một doanh nghiệp - Ảnh: Minh Lê

 

Khi bước vào mùa nắng nóng, từ tháng 5-2020 tỷ lệ tiêu thụ điện tăng cao đột biến, kéo theo tiền điện cũng tăng cao. Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, tình hình tiêu thụ điện trên toàn quốc vào giữa tháng 5 đã lên mức cao nhất từ đầu năm 2020 đến nay với sản lượng 750,4 triệu kWh, công suất đỉnh 35.300 MW.

Thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, trong tháng 5-2020, có hơn 215.000 khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 4. Từ đầu tháng 6 đến nay, người dân ở nhiều tỉnh thành phản ánh tiền điện tăng cao bất thường.

Trao đổi với TBKTSG Online, ông Lê Ngọc Ánh Minh, Chủ tịch Pacific Group cho biết, doanh nghiệp đã lắp điện mặt trời áp mái cho nhà máy ở Bình Dương từ năm trước. Từ khi lắp điện mặt trời trung bình mỗi ngày tạo ra được 4,7 kWh. Tuy nhiên, do nhà máy sản xuất sử dụng nhiều điện nên lượng điện sản xuất ra từ pin năng lượng mặt trời không đủ dùng mà vẫn phải dùng điện lưới.

Dù không tính toán được con số cụ thể nhưng hệ thống điện mặt trời vẫn giúp doanh nghiệp giảm được một phần tiền điện vì theo khung giá điện hiện nay thì điện sản xuất kinh doanh có mức giá khá cao.

Hôm 22-6, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về các cơ chế phát triển nguồn và lưới điện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, mọi thành phần kinh tế có thể tham gia sản xuất điện, kể cả lưới truyền tải.

Tuy nhiên, theo phản ánh của ông Minh cho biết, doanh nghiệp muốn lắp thêm điện mặt trời trên mái nhà xưởng nhưng vướng quy định, công ty chỉ được lắp điện mặt trời công suất dưới 1 MW. Nếu lắp với công suất lớn hơn thì phải trình xin Bộ Công Thương. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất sử dụng nhiều điện năng mà sở hữu mái nhà lớn.

Ông kiến nghị Nhà nước nên xem xét và giao cho điện lực địa phương cấp phép điện mặt trời áp mái thay vì phải đi xin phép Bộ Công thương. Việc doanh nghiệp lắp đặt nhiều điện mặt trời sẽ làm giảm áp lực cung ứng điện đang thiếu hụt hiện nay.

Đối với doanh nghiệp có quy mô lớn, việc lắp đặt điện mặt trời đang bị vướng cơ chế thì đối với các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ nhờ lắp đặt điện mặt trời nên đã giảm được đáng kể tiền điện.

Bà Nguyễn Vũ Thanh Loan, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Bảo Trân (huyện Hóc Môn, TPHCM) cho biết, công ty đã lắp điện mặt trời với công suất 10kW; chi phí lắp đặt khoảng 22 triệu đồng/kW.

Hiện tại tiền điện công ty đã giảm so với trước khi sử dụng điện mặt trời, công ty dự kiến lắp thêm khoảng 20-30kW trong thời gian tới. Với khoản đầu tư 500 triệu, hàng tháng, công ty giảm khoảng 3,6 triệu tiền điện. Ước tính khoảng hơn 5-6 năm sẽ thu hồi được vốn.

Không chỉ doanh nghiệp đang lắp điện mặt trời để giảm giá điện mà các hộ gia đình đang nắm bắt xu thế để lắp điện mặt trời. Bà Nguyễn Thị Thu Hương, ngụ tại 8/10 Bùi Hữu Nghĩa, phường Bình Thủy, thành phố Cần Thơ cho biết, gia đình bà đã lắp điện mặt trời từ năm ngoái với công suất 3kW. Giá lắp đặt trọn gói là 66 triệu đồng, bảo hành 10 năm cho tấm pin, 5 năm cho bộ chuyển đổi điện năng (Inverter).

Trước khi lắp đặt điện mặt trời, mỗi tháng gia đình bà Hương sử dụng khoảng 1,2 triệu đồng tiền điện, sau khi sử dụng điện mặt trời tiền điện hàng tháng gia đình bà giảm còn 150.000 đồng nên cũng giảm bớt nỗi lo lắng chi phí điện tăng do nhu cầu tăng trong mùa nóng.

Theo tính toán của bà Hương, với khoản đầu tư 66 triệu đồng, hàng tháng nhà bà giảm khoảng 1 triệu đồng tiền điện, ước tính khoảng hơn 5 năm gia đình bà sẽ thu hồi được vốn bỏ ra. Tuy nhiên, thực tế sử dụng được 25 năm tới 30 năm. Bà cho biết khi dư vốn sẽ lắp thêm để sử dụng và bán lại cho ngành điện.

Số liệu thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho thấy trong 4 tháng đầu năm 2020 đã có thêm 5.254 dự án điện mặt trời mái nhà bán điện cho EVN với tổng công suất lắp đặt là 178,66 MWp, sản lượng điện phát lên lưới là 137,1 triệu kWh.

Lũy kế đến nay, trên phạm vi cả nước đã phát triển 27.631 dự án điện mặt trời mái nhà với tổng công suất lắp đặt là 562,8 MWp. Cũng trong 4 tháng đầu năm, các công trình điện mặt trời mái nhà đã phát lên lưới điện quốc gia hơn 137,1 triệu kWh. Số lượng các dự án điện mặt trời mái nhà tăng từng ngày đã cho thấy lợi ích thiết thực do điện mặt trời mái nhà mang lại.

 

Theo thesaigontimes.vn