VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Cải cách hành chính

Tăng tốc thực thi chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

15/06/2020 - 445 Lượt xem

 
(BĐT) - Các chỉ báo kinh tế cho thấy, sự tác động của nhiều chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp chưa rõ nét. Để cải thiện điều này, quan trọng nhất là rút ngắn độ trễ chính sách và đồng bộ trong quá trình thực thi.
 
 
Sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm trong tháng 5 đều giảm với tốc độ chưa từng thấy. Ảnh: Lê Tiên
Sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm trong tháng 5 đều giảm với tốc độ chưa từng thấy. Ảnh: Lê Tiên

 

Chính sách hỗ trợ chưa “ngấm” nhiều

Cùng với trạng thái “bình thường mới” của nền kinh tế, nhiều chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn do dịch Covid-19 đã được ban hành và thực thi. Bên cạnh đó, một số chính sách hỗ trợ khác sắp được ban hành. Trong khi đó, các chỉ báo kinh tế 5 tháng đầu năm chưa có nhiều dấu hiệu cải thiện rõ rệt.

Đến hết tháng 5, tăng trưởng tín dụng mới đạt 1,96% so với cuối năm 2019, thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng 5,74% của cùng kỳ năm 2019.

Từ góc độ sản xuất, theo kết quả khảo sát của công ty cung cấp thông tin thị trường IHS Markit, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam trong tháng 5 đã tăng so với tháng 4. Tuy nhiên, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong tháng 5 tiếp tục chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm đều giảm với tốc độ chưa từng thấy trong thời kỳ trước khi cuộc khủng hoảng hiện nay bắt đầu. Đồng thời, có những khó khăn trong việc duy trì số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới.

Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong tháng 5 là hơn 3.300 doanh nghiệp, tăng hơn 43% so với cùng kỳ năm trước.

TS. Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội (Hanoisme) cho biết, doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn về sản xuất kinh doanh và tiếp cận vốn hỗ trợ, nhiều doanh nghiệp đã nộp hồ sơ xin giãn nộp thuế nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng được chấp thuận.

Từ phía ngân hàng, bà Tạ Thị Tuệ Anh, Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam - Chi nhánh Hà Nội cho biết, có nhiều trường hợp doanh nghiệp giao dịch với quá nhiều ngân hàng, dẫn đến lý lịch tín dụng vô cùng phức tạp. “Khi một doanh nghiệp hỏi vay vốn ngân hàng, đến thẩm định dự án lại phát hiện ra doanh nghiệp cũng đang dùng tiền của ngân hàng khác, thành ra quá trình vay khá phức tạp”, bà Tuệ Anh nói.

Từ các chính sách tài khóa, cơ quan thuế cho biết, đã gia hạn được hơn 37 nghìn tỷ đồng tiền thuế và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp chịu tác động của Covid-19. Tuy nhiên, theo TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, con số này là không lớn so với mức tổn thất của doanh nghiệp và chỉ mang tính chất tạm chưa nộp vài tháng nên hiệu quả tác động không lớn.

Trong khi đó, các gói chính sách có tác động cụ thể như giảm thuế cho doanh nghiệp vẫn đang trong quá trình bàn tính, gói 16 nghìn tỷ đồng cho vay lãi suất 0% hỗ trợ trả lương cho người lao động vẫn chưa giải ngân được khoản nào. 

Cần chú trọng tính đồng bộ, kịp thời

Lý giải về tác động chậm của các chính sách hỗ trợ này, ông Ánh cho rằng, việc ban hành và thực thi chính sách vẫn có độ trễ quá lớn. Từ lúc bàn tính đến lúc ban hành, từ ban hành đến thực thi, sau đó tác động thực tế đều có độ trễ. Ngoài ra, quá trình này chậm hơn nữa do sự lúng túng trong thực thi, e ngại vướng trách nhiệm khi có sai sót. Trong khi đó, đây là các chính sách cần thực hiện cấp bách, bởi nếu chậm thì có muốn cứu doanh nghiệp cũng chưa chắc đã kịp.

Theo ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế và xã hội (MASSEI), các chính sách hỗ trợ đều tốt và hướng tới đúng đối tượng. Tuy nhiên, quá trình triển khai chưa kịp thời. Một phần nguyên nhân là các đơn vị triển khai chưa từng gặp tình huống khẩn cấp như vậy, chưa có quy trình cụ thể, việc triển khai lại đòi hỏi tránh sai sót nên phải thận trọng.

Do đó, ông Minh cho rằng, các cơ quan ban hành và thực thi chính sách cần hợp tác chặt chẽ để nhanh chóng có bộ quy trình chuẩn. “Trong tình huống cấp bách thì quy trình ban hành và thực thi chính sách phải đơn giản hóa, chứ không thể thực hiện theo quy trình của giai đoạn bình thường. Mặt khác, cần chú trọng tính đồng bộ giữa các cơ quan thực thi mới có thể bảo đảm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời”, ông Minh nói.

 

Theo BaoDauthau.vn