VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tổng hợp

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 01 năm 2020

31/01/2020 - 223 Lượt xem

TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 01 năm 2020
 

 

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào gieo cấy, chăm sóc lúa đông xuân, gieo trồng cây hoa màu trên cả nước và thu hoạch cây vụ đông ở miền Bắc. Chăn nuôi gia cầm phát triển tốt. Ngành thủy sản tiếp tục giữ được đà tăng trưởng về sản lượng nuôi trồng.

a) Nông nghiệp

Tính đến thời điểm 15/1/2020, cả nước gieo cấy được 1.955,4 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 99,5% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 114,8 nghìn ha, bằng 104,7% do thời tiết đầu vụ thuận lợi cho khâu làm đất và gieo trồng; các địa phương phía Nam đạt 1.840,6 nghìn ha, bằng 99,2%, riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.514,3 nghìn ha, xấp xỉ cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, dự báo thời tiết vụ đông xuân năm 2020 sẽ diễn biến bất thường, lượng mưa đạt thấp so với trung bình nhiều năm nên có khả năng xảy ra hạn hán, do đó các địa phương cần tăng cường thực hiện các giải pháp thủy lợi phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong thời gian tới.

Cùng với việc gieo cấy lúa đông xuân, đến trung tuần tháng Một, các địa phương trên cả nước gieo trồng được 152,8 nghìn ha ngô, bằng 93,7% cùng kỳ năm trước; 36,6 nghìn ha khoai lang, bằng 89,5%; 5,9 nghìn ha đậu tương, bằng 83,1%; 32,6 nghìn ha lạc, bằng 103,2%; 343,2 nghìn ha rau, đậu, bằng 99,3%.

Trong tháng, chăn nuôi trâu, bò nhìn chung ổn định, dịch tả lợn châu Phi tiếp tục được kiểm soát, chăn nuôi gia cầm phát triển tốt, bảo đảm nguồn cung đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý. Ước tính tháng Một, đàn bò cả nước tăng 2,4% so với cùng thời điểm năm trước; đàn trâu giảm 3,1%; đàn lợn giảm 25%; đàn gia cầm tăng 15%. Tính đến ngày 20/1/2020, cả nước không còn dịch lợn tai xanh và dịch cúm gia cầm; dịch lở mồm long móng còn ở 8 tỉnh[1] chưa qua 21 ngày.

 

Tiến độ gieo trồng cây nông nghiệp đến ngày 15 tháng 1 năm 2020
 
 
   b) Lâm nghiệp

Sản xuất lâm nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào chuẩn bị mặt bằng, ươm và chăm sóc cây giống phục vụ Tết trồng cây xuân Canh Tý. Trong tháng Một, diện tích rừng trồng tập trung của cả nước ước tính đạt 6,5 nghìn ha, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt gần 1,9 triệu cây, giảm 1%; sản lượng gỗ khai thác đạt 874 nghìn m3, tăng 0,9%; sản lượng củi khai thác đạt 1,5 triệu ste, giảm 0,7%.

Trong tháng Một không xảy ra cháy rừng do thời tiết có độ ẩm tương đối cao, diện tích rừng bị thiệt hại là 24,8 ha do bị chặt, phá, giảm 20,6% so với cùng kỳ năm 2019.

c) Thủy sản

Sản lượng thủy sản tháng Một ước tính đạt 502,3 nghìn tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá đạt 379,9 nghìn tấn, tăng 1,3%; tôm đạt 47,2 nghìn tấn, tăng 6,1%; thủy sản khác đạt 75,2 nghìn tấn, tăng 1,2%.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước tính đạt 259,9 nghìn tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 194,4 nghìn tấn, tăng 1,6%; tôm đạt 36,7 nghìn tấn, tăng 8,3%. Sản lượng cá tra tháng 1/2020 ước tính đạt 85 nghìn tấn, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng Một, người nuôi tôm tập trung thu hoạch để phục vụ nhu cầu tiêu thụ Tết. Sản lượng tôm đạt khá, ước tính sản lượng tôm sú đạt 12,8 nghìn tấn, tăng 5,8%; tôm thẻ chân trắng đạt 21,7 nghìn tấn, tăng 9,6%.

Sản lượng thủy sản khai thác tháng 1/2020 ước tính đạt 242,4 nghìn tấn, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá đạt 185,5 nghìn tấn, tăng 1%; tôm đạt 10,5 nghìn tấn, giảm 0,9%, thủy sản khác đạt 46,4 nghìn tấn, giảm 1,1%. Riêng sản lượng thủy sản khai thác biển tháng Một ước tính đạt 229,4 nghìn tấn, tăng 0,6%, trong đó cá đạt 176,9 nghìn tấn, tăng 1,1%; tôm đạt 9,5 nghìn tấn, giảm 1%.

2. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp tháng 1/2020 ước tính giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay vào cuối tháng Một nên số ngày làm việc ít hơn.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 1/2020 ước tính giảm 11,8% so với tháng trước và giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng giảm 12,9% (khai thác dầu thô giảm 10,7%; khai thác than giảm 18,4%); chế biến, chế tạo giảm 4,8%; sản xuất và phân phối điện giảm 3,5%; riêng cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,6%.

Trong các ngành công nghiệp cấp II, chỉ một số ngành có chỉ số sản xuất tháng Một tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Khai thác quặng kim loại tăng 34,3%; hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ và quặng tăng 30,2%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 15%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị tăng 11,3%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 10,1%. Đa số các ngành giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa... giảm 10,4%; sản xuất thiết bị điện giảm 11,1%; sản xuất trang phục giảm 13,3%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 15,1%; thoát nước và xử lý nước thải giảm 17%; khai thác than cứng và than non giảm 18,4%; sản xuất mô tô, xe máy giảm 21%; sản xuất xe có động cơ giảm 25,2%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tháng 1/2020 tăng so với cùng kỳ năm trước: Thép thanh, thép góc tăng 23,5%; điện thoại di động tăng 10,4% (điện thoại thông minh giảm 5,4%); phân u rê tăng 4,4%; sữa tươi tăng 3,7%; Alumin tăng 2,8%. Một số sản phẩm giảm mạnh: Dầu mỏ thô khai thác và giày dép da cùng giảm 10,7%; phân hỗn hợp NPK giảm 11,5%; quần áo mặc thường giảm 12,1%; thức ăn gia súc giảm 12,5%; tivi giảm 14%; sắt thép thô giảm 15,1%; sữa bột giảm 18,4%; than sạch giảm 18,5%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 18,8%; khí hóa lỏng LPG giảm 21,2%; xe máy giảm 22%; đường kính giảm 30,4%; ô tô giảm 38%.

 Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/1/2020 tăng 0,5% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 2,1% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 2,5%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 0,8%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 3,5%. Tại thời điểm trên, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng giảm 2,3% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 2,3%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 1,3%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải giảm 0,2%.

 

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1 năm 2020
 
Một số sản phẩm chủ yếu của ngành công nghiệp
 
Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp
 
 
   3. Tình hình đăng ký doanh nghiệp[2]

Số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong tháng Một đạt gần 8,3 nghìn doanh nghiệp, tuy giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng tổng vốn đăng ký tăng mạnh 76,8%, cao nhất trong 4 năm trở lại đây[3].

Trong tháng 1/2020, cả nước có 8.276 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 267,2 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 84,5 nghìn lao động, do Tết Nguyên đán năm nay vào tháng Một nên giảm 17,9% về số doanh nghiệp; giảm 21,7% về số lao động nhưng tăng 76,8% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2019. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 32,3 tỷ đồng, tăng 115,3% so với cùng kỳ năm trước. Nếu không tính 1 doanh nghiệp thành lập mới thuộc lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tại Hà Nội với vốn đăng ký là 144 nghìn tỷ đồng, chiếm 53,9% tổng số vốn đăng ký thành lập mới của doanh nghiệp cả nước trong tháng Một thì vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới là 14,9 tỷ đồng. Nếu tính cả 234,2 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 3.652 doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong tháng 1/2020 là 501,4 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 8.470 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2019, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng lên 16.746 doanh nghiệp.

Theo khu vực kinh tế, trong tháng Một năm nay có 147 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, bằng cùng kỳ năm 2019; 2.413 doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, giảm 10,6%; 5.716 doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, giảm 21%. Một số lĩnh vực hoạt động có số doanh nghiệp thành lập mới giảm nhiều là: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy, giảm 38,6% so với cùng kỳ năm 2019; khai khoáng giảm 32,6%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội giảm 23,9%; xây dựng giảm 15,1%; công nghiệp chế biến chế tạo giảm 7%. Có 5 lĩnh vực có số doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: sản xuất phân phối điện, nước, gas tăng 8,6%; thông tin và truyền thông tăng 8%; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác tăng 4,6%; giáo dục, đào tạo tăng 2% và dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 0,2%.

Cũng trong tháng Một năm nay, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 11.702 doanh nghiệp, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 5.555 doanh nghiệp, giảm 54,8%, trong đó có 615 doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo chương trình chuẩn hóa dữ liệu từ năm 2018, 2.133 doanh nghiệp thông báo giải thể và 2.807 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể với cơ quan thuế.

Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong tháng Một là 1.621 doanh nghiệp, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 1.451 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, giảm 12,5%. Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 594 doanh nghiệp, giảm 18,9% so với cùng kỳ năm 2019; công nghiệp chế biến, chế tạo có 191 doanh nghiệp, tăng 3,8%; xây dựng có 138 doanh nghiệp, giảm 22,5%; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc, thiết bị, đồ dùng và dịch vụ hỗ trợ khác có 106 doanh nghiệp, tăng 9,3%. Trong tháng Một, cả nước còn có 3.496 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, giảm 26,7% so với cùng kỳ năm trước.

Một số chỉ tiêu về doanh nghiệp
 
Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới
 
Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động
 
Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn
 
Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể
 
 
   4. Đầu tư

Hoạt động đầu tư trong tháng Một tập trung chủ yếu vào thi công các công trình chuyển tiếp từ năm trước, hoàn tất các thủ tục nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành của năm 2019, các Bộ, ngành và địa phương triển khai giao vốn đầu tư cho các dự án được phê duyệt kế hoạch vốn năm 2020. Đồng thời, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán rơi vào tháng Một năm nay nên nhìn chung tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt thấp so với kế hoạch năm (4,2%)[4]. Vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục giữ đà phát triển với số vốn thực hiện cao nhất trong nhiều năm trở lại đây[5].

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 1/2020 ước tính đạt 18.689 tỷ đồng, bằng 4,2% kế hoạch năm và tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 bằng 4,5% và tăng 3,8%), gồm có:

- Vốn Trung ương quản lý đạt 2.634 tỷ đồng, bằng 3,8% kế hoạch năm và tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Bộ Giao thông Vận tải đạt 517 tỷ đồng, bằng 4,9% và tăng 1,8%; Bộ Y tế 199 tỷ đồng, bằng 3,7% và giảm 9,8%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 141 tỷ đồng, bằng 3,4% và tăng 15,2%; Bộ Giáo dục và Đào tạo 106 tỷ đồng, bằng 3,5% và tăng 62,6%; Bộ Tài nguyên và Môi trường 37 tỷ đồng, bằng 2,9% và giảm 27,3%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 28 tỷ đồng, bằng 4,3% và giảm 17,5%; Bộ Công Thương 15 tỷ đồng, bằng 3,8% và tăng 24,4%; Bộ Xây dựng 14 tỷ đồng, bằng 4,2% và giảm 1,7%; Bộ Khoa học và Công nghệ 10 tỷ đồng, bằng 4,1% và giảm 26,9%; Bộ Thông tin và Truyền thông 6 tỷ đồng, bằng 4,6% và giảm 6,5%.

- Vốn địa phương quản lý đạt 16.055 tỷ đồng, bằng 4,3% kế hoạch năm và tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 10.658 tỷ đồng, bằng 4,1% và tăng 6,9%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 4.456 tỷ đồng, bằng 4,6% và tăng 9,4%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 941 tỷ đồng, bằng 5,9% và tăng 10,6%. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng Một của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau: Hà Nội đạt 2.419 tỷ đồng, bằng 5,3% kế hoạch năm và giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước; Thanh Hóa 655 tỷ đồng, bằng 6,4% và tăng 7,6%; Nghệ An 536 nghìn tỷ đồng, bằng 7,7% và tăng 9%; Hải Phòng 532 tỷ đồng, bằng 6,6% và tăng 2,1%; thành phố Hồ Chí Minh 525 tỷ đồng, bằng 1,1% và tăng 2,9%; Vĩnh Phúc 489 tỷ đồng, bằng 7,4% và giảm 1,5%; Quảng Nam 443 tỷ đồng, bằng 6,8% và tăng 0,8%; Bắc Ninh 436 tỷ đồng, bằng 7,4% và tăng 42,3%; Quảng Ninh 410 tỷ đồng, bằng 3,2% và giảm 4,8%.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến 20/1/2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 5,3 tỷ USD, tăng 179,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó có 258 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 4,5 tỷ USD, tăng 14,2% về số dự án và tăng 454,1% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước[6]; 77 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 334 triệu USD, giảm 1,9%; 884 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 534,8 triệu USD, giảm 29,8%. Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần có 135 lượt làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp 0,19 tỷ USD và 749 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 0,34 tỷ USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tháng Một ước tính đạt 1,6 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng Một, ngành sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa được cấp phép mới đầu tư nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 4 tỷ USD, chiếm 89,7% tổng vốn đăng ký cấp mới; ngành công nghiệp chế biến chế tạo đạt 353,3 triệu USD, chiếm 7,9%; ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy đạt 56,2 triệu USD, chiếm 1,3%; các ngành còn lại đạt 51,4 triệu USD, chiếm 1,1%. Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư nước ngoài vào ngành ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 657,4 triệu USD, chiếm 13,7% tổng vốn đăng ký; ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy đạt 58,3 triệu USD, chiếm 1,2%; riêng ngành sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa không có vốn đăng ký bổ sung trong tháng Một nên tổng vốn đăng ký đạt 4 tỷ USD, chiếm 83,4%; các ngành còn lại đạt 79,1 triệu USD, chiếm 1,7%. Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 199 triệu USD, chiếm 37,2% tổng giá trị góp vốn; hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ đạt 106,5 triệu USD, chiếm 19,9%; ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy đạt 59,8 triệu USD, chiếm 11,2%; các ngành còn lại đạt 169,5 triệu USD, chiếm 31,7%.

Trong số 26 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong tháng Một, Xin-ga-po là nhà đầu tư lớn nhất với 4.056,5 triệu USD, chiếm 90,9% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Đặc khu Hành chính Hồng Công (TQ) 147,2 triệu USD, chiếm 3,3%; Trung Quốc 83,8 triệu USD, chiếm 1,9%; Hàn Quốc 51,1 triệu USD, chiếm 1,1%; Đài Loan 40,5 triệu USD, chiếm 0,9%; Nhật Bản 33,1 triệu USD, chiếm 0,7%; Hà Lan 19,9 triệu USD, chiếm 0,4%; Xây-sen 14 triệu USD, chiếm 0,3%.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong tháng Một năm nay có 7 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn của phía Việt Nam là 3,8 triệu USD; có 1 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là 135,7 nghìn USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) trong tháng Một đạt 4 triệu USD, trong đó lĩnh vực bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 2.850 nghìn USD, chiếm 71,8% tổng vốn đầu tư; xây dựng đạt 150 nghìn USD, chiếm 3,8%; công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 146,6 nghìn USD, chiếm 3,7%; thông tin và truyền thông đạt 135,7 nghìn USD, chiếm 3,4%; dịch vụ khác đạt 688 nghìn USD, chiếm 17,3%. Trong tháng Một có 4 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó Hoa Kỳ là nước dẫn đầu với 3.538 nghìn USD, chiếm 89,1%; Nhật Bản 182,4 nghìn USD, chiếm 4,6%; Cam-pu-chia 150 nghìn USD, chiếm 3,8%; Hàn Quốc 100 nghìn USD, chiếm 2,5%.

 

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước
 
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam được cấp phép từ 01/01- 20/1/2020
 
 
   5. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Trong tháng 1/2020, nhiều khoản thu nội địa đạt mức thấp do mới bước vào đầu năm và chưa đến kỳ hạn kê khai nộp thuế; chi ngân sách đáp ứng các nhiệm vụ đầu tư phát triển, chi trả nợ, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hoạt động của bộ máy Nhà nước.

Tổng thu ngân sách Nhà nước 15 ngày đầu tháng 1/2020 ước tính đạt 39,1 nghìn tỷ đồng, bằng 2,6% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 23,8 nghìn tỷ đồng, bằng 1,9%; thu từ dầu thô 4,2 nghìn tỷ đồng, bằng 11,8%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 11,1 nghìn tỷ đồng, bằng 5,4%. Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 1.018 tỷ đồng, bằng 0,6% dự toán năm; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 2.286 tỷ đồng, bằng 1%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước 4.008 tỷ đồng, bằng 1,5%; thu thuế thu nhập cá nhân 2.239 tỷ đồng, bằng 1,7%; thu thuế bảo vệ môi trường 97 tỷ đồng, bằng 0,1%; thu tiền sử dụng đất 6.344 tỷ đồng, bằng 6,6%.

Tổng chi ngân sách Nhà nước 15 ngày đầu tháng Một ước tính đạt 48,6 nghìn tỷ đồng, bằng 2,8% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 34,5 nghìn tỷ đồng, bằng 3,3%; chi đầu tư phát triển 2,8 nghìn tỷ đồng, bằng 0,6%; chi trả nợ lãi 11,2 nghìn tỷ đồng, bằng 9,4%.

6. Thương mại, giá cả, vận tải và du lịch

a) Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ tháng 1/2020 diễn ra sôi động, các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị và cơ sở kinh doanh chủ động chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào, phong phú, đa dạng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2020 ước tính đạt 448,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,2% (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,9%).

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng Một ước tính đạt 346,2 nghìn tỷ đồng, tăng 6,3% so với tháng trước và tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Lương thực, thực phẩm tăng 9,9% và tăng 7,2%; may mặc tăng 8,6% và tăng 8,2%; phương tiện đi lại tăng 3,7% và tăng 6,7%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 3% và tăng 3,3%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 7,3% và tăng 6,1%. Một số địa phương có mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Nghệ An tăng 18,7%; Hải Phòng tăng 14,3%; Hà Nội tăng 14,7%; Khánh Hòa tăng 14%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 13,3%; Bình Định tăng 9,7%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 1/2020 ước tính đạt 50,6 nghìn tỷ đồng, giảm 2,6% so với tháng trước và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu của Đà Nẵng tăng 14,2%; Hải Phòng tăng 12%; Quảng Trị tăng 9,7%; Quảng Nam tăng 6,5%; Thái Bình tăng 6%; Hà Nội tăng 5%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 4,5%.

Doanh thu du lịch lữ hành trong tháng ước tính đạt 4,2 nghìn tỷ đồng, giảm 2% so với tháng trước và tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu của Đà Nẵng tăng 16,6%; Cần Thơ tăng 9,2%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 7,2%; Hải Phòng tăng 6,2%; Hà Nội tăng 5,6%.

Doanh thu dịch vụ khác tháng Một ước tính đạt 47,1 nghìn tỷ đồng, giảm 6,6% so với tháng trước và tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu của Thừa Thiên - Huế tăng 16,9%; Đà Nẵng tăng 16,7%; Quảng Ninh tăng 15,9%; Bình Định tăng 14,5%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 7,7%; Hà Nội tăng 6,6%.

 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
 
 
   b) Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2020 ước tính đạt 38,1 tỷ USD, giảm 12,9% so với cùng kỳ năm trước[7], trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 19 tỷ USD, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa tháng Một ước tính nhập siêu 100 triệu USD.

Xuất khẩu hàng hóa

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu thực hiện tháng 12/2019 đạt 22.561 triệu USD, cao hơn 761 triệu USD so với số ước tính, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện cao hơn 345 triệu USD; hàng dệt may cao hơn 271 triệu USD; gỗ và sản phẩm gỗ cao hơn 115 triệu USD. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu thực hiện năm 2019 đạt 264,2 tỷ USD, cao hơn 738 triệu USD so với ước tính, tăng 8,4% so với năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 83 tỷ USD, tăng 19%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 181,2 tỷ USD, tăng 4,2%.

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 1/2020 ước tính đạt 19,0 tỷ USD, giảm 15,8% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 6,31 tỷ USD, giảm 23,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 12,69 tỷ USD, giảm 11,6%. 

So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 1/2020 giảm 14,3%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 11,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 15,7%. Một số mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch giảm: Hàng dệt may đạt 2,6 tỷ USD, giảm 21%; điện thoại và linh kiện đạt 2,6 tỷ USD, giảm 22,4%; giày dép đạt 1,6 tỷ USD, giảm 9,7%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 1,5 tỷ USD, giảm 6,5%. Một số mặt hàng xuất khẩu có giá trị tăng như: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 2,6 tỷ USD, tăng 5,6%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1 tỷ USD, tăng 1,4%. Bên cạnh đó, một số mặt hàng nông sản cũng có kim ngạch giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước: Thủy sản đạt 550 triệu USD, giảm 25,2%; rau quả đạt 340 triệu USD, giảm 3,9%; cà phê đạt 245 triệu USD, giảm 30,3% (lượng giảm 30,6%); hạt điều đạt 215 triệu USD, giảm 19,6% (lượng giảm 5,6%); cao su đạt 174 triệu USD, giảm 13,1% (lượng giảm 23,8%); gạo đạt 170 triệu USD, giảm 11,6% (lượng giảm 18,7%); hạt tiêu đạt 40 triệu USD, giảm 29,5% (lượng giảm 17%).

Về thị trường hàng hóa xuất khẩu, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1/2020 với kim ngạch đạt 4,8 tỷ USD, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm trước; Trung Quốc đạt 3,7 tỷ USD, tăng 32,8%; thị trường EU đạt 2,6 tỷ USD, giảm 30,8%; ASEAN đạt 1,6 tỷ USD, giảm 34,8%; Nhật Bản đạt 1,6 tỷ USD, giảm 15,8%; Hàn Quốc đạt 1,3 tỷ USD, giảm 29,3%.

Nhập khẩu hàng hóa

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu thực hiện tháng 12/2019 đạt 22.302 triệu USD, thấp hơn 498 triệu USD so với số ước tính, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện thấp hơn 193 triệu USD; ô tô thấp hơn 103 triệu USD; ngô thấp hơn 58 triệu USD; thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu thấp hơn 54 triệu USD; điện thoại và linh kiện thấp hơn 51 triệu USD; vải thấp hơn 51 triệu USD. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu thực hiện năm 2019 đạt 253,1 tỷ USD, thấp hơn 437 triệu USD so với số ước tính, tăng 6,8% so với năm trước.

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 1/2020 ước tính đạt 19,1 tỷ USD, giảm 14,4% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 8,7 tỷ USD, giảm 17,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 10,4 tỷ USD, giảm 11,3%.

So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 1/2020 ước tính giảm 11,3%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 5,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 15,7%. Một số mặt hàng có giá trị kim ngạch nhập khẩu giảm trong tháng Một: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 3,7 tỷ USD, giảm 8,5%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 3,2 tỷ USD, giảm 6,8%; điện thoại và linh kiện đạt 1,1 tỷ USD, giảm 9,5%; vải đạt 950 triệu USD, giảm 18,1%; chất dẻo đạt 645 triệu USD, giảm 19,3%; sắt thép đạt 600 triệu USD, giảm 26%.

Về thị trường hàng hóa nhập khẩu trong tháng Một, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 6,2 tỷ USD, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc đạt 3,2 tỷ USD, giảm 22,8%; ASEAN đạt 2,4 tỷ USD, giảm 10,8%; Nhật Bản đạt 1,5 tỷ USD, tăng 2,7%; EU đạt 1,2 tỷ USD, giảm 6,5%; Hoa Kỳ đạt 1,2 tỷ USD, tăng 5,4%.

Cán cân thương mại hàng hóa tháng 12/2019 xuất siêu 259 triệu USD[8]. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2019 đạt 517,3 tỷ USD, xuất siêu 11,1 tỷ USD[9], tương đương 4,2% kim ngạch xuất khẩu, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 25,5 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư ngước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 36,6 tỷ USD. Tháng 1/2020 ước tính nhập siêu 100 triệu USD[10], trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 2,4 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 2,3 tỷ USD.

 

Hàng hóa xuất khẩu
 
Hàng hóa nhập khẩu
 
 

c) Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ

Giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và giá dịch vụ giao thông công cộng tăng trong dịp Tết Nguyên đán là nguyên nhân chủ yếu làm cho chỉ số giá tiêu dùng tháng 1/2020 tăng 1,23% so với tháng 12/2019 và tăng 6,43% so với tháng 1/2019, mức tăng cao nhất của chỉ số giá tháng Một trong 7 năm gần đây[11].

Trong mức tăng 1,23% của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2020 so với tháng 12/2019 có 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, trong đó: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất 2,29%, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh vào dịp Tết Nguyên đán (lương thực tăng 0,79%[12]; thực phẩm tăng khá cao 2,6%[13] làm CPI chung tăng 0,59%; ăn uống ngoài gia đình tăng 2,26% làm CPI chung tăng 0,2%). Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,47%, chủ yếu do nhu cầu sửa chữa nhà cuối năm tăng làm cho giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,64% và giá dịch vụ sửa chữa nhà tăng 0,71%; đồng thời giá gas trong nước điều chỉnh tăng vào thời điểm 1/1/2020 làm chỉ số giá gas tăng 14,08% (làm CPI chung tăng 0,17%). Nhóm giao thông tăng 0,69% do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 31/12/2019 và điều chỉnh giảm giá xăng, dầu vào thời điểm 16/1/2020 làm chỉ số giá xăng, dầu tăng 1,29% (tác động làm CPI chung tăng 0,05%); bên cạnh đó, nhu cầu đi lại và bảo dưỡng phương tiện cuối năm tăng nên giá dịch vụ giao thông công cộng và giá bảo dưỡng phương tiện tăng lần lượt 1,78% và 0,42%. Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,65%[14]; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,33%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,27%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,25%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,17%; giáo dục tăng 0,02%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,92%. Riêng nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,03%. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 1/2020 tăng 6,43%.

Lạm phát cơ bản tháng 1/2020 tăng 0,76% so với tháng 12/2019 và tăng 3,25% so với cùng kỳ năm trước.

Giá vàng trong nước tăng theo giá vàng thế giới do ảnh hưởng của việc đàm phán Mỹ - Triều Tiên về hạt nhân, Anh rời khối Liên minh Châu Âu vào tháng tới, căng thẳng giữa Mỹ và Iran... Bình quân giá vàng thế giới đến ngày 22/1/2020 tăng 5,1% so với tháng 12/2019. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 1/2020 tăng 4,37% so với tháng trước và tăng 18,64% so với cùng kỳ năm 2019.

Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 1/2020 tăng 0,02% so với tháng 12/2019 và giảm 0,35% so với cùng kỳ năm 2019.

 

 

Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng, chỉ số giá đô la Mỹ và lạm phát cơ bản tháng 1 năm 2020

 

 

d) Vận tải hành khách và hàng hóa

Hoạt động vận tải trong tháng 1/2020 tăng cao so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu đi lại của người dân và vận chuyển hàng hóa trong dịp Tết tăng mạnh.

Vận tải hành khách tháng 1/2020 ước tính đạt 482,7 triệu lượt hành khách vận chuyển, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2019 và luân chuyển 23,6 tỷ lượt hành khách.km, tăng 16,9%, trong đó vận tải trong nước đạt 481,1 triệu lượt khách, tăng 15,1% và 18,6 tỷ lượt khách.km, tăng 16,9%; vận tải ngoài nước đạt 1,6 triệu lượt khách, tăng 13,9% và gần 5 tỷ lượt khách.km, tăng 17%. Xét theo ngành vận tải, vận tải hành khách đường bộ tháng Một đạt 459,3 triệu lượt khách, tăng 15,5% và 15,2 tỷ lượt khách.km, tăng 11,5%; đường thủy nội địa đạt 17 triệu lượt khách, tăng 4,8% và 357,7 triệu lượt khách.km, tăng 7,7%; đường hàng không đạt 5,2 triệu lượt khách, tăng 27,9% và 7,6 tỷ lượt khách.km, tăng 30,5%; đường biển đạt 608 nghìn lượt khách, tăng 2,6% và 42,7 triệu lượt khách.km, tăng 7%; riêng ngành đường sắt mặc dù số lượt hành khách vận chuyển đạt 597,9 nghìn lượt khách, giảm 2,1% nhưng số lượt hành khách luân chuyển đạt 275,1 triệu lượt khách.km, tăng 10,7% do nhu cầu đi lại các tuyến đường dài của hành khách tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán.

Vận tải hàng hóa tháng 1/2020 ước tính đạt 156,6 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 30,1 tỷ tấn.km, tăng 8,5%, trong đó vận tải trong nước đạt 153,5 triệu tấn, tăng 10,8% và 16,8 tỷ tấn.km, tăng 11%; vận tải ngoài nước đạt 3,1 triệu tấn, tăng 6,1% và 13,3 tỷ tấn.km, tăng 5,4%. Xét theo ngành vận tải, vận tải hàng hóa đường bộ tháng Một đạt 122,1 triệu tấn, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước và 8,2 tỷ tấn.km, tăng 11,2%; đường thủy nội địa đạt 26,7 triệu tấn, tăng 6,1% và 5,7 tỷ tấn.km, tăng 6,7%; đường biển đạt 7,4 triệu tấn, tăng 7,2% và 15,1 tỷ tấn.km, tăng 7,1%; đường hàng không đạt 45,6 nghìn tấn, tăng 45,4% và 767,8 triệu tấn.km, tăng 35,6%; đường sắt đạt 390,8 nghìn tấn, giảm 7,2% và 271,7 triệu tấn.km, giảm 13,7%.

 
Vận tải hành khách và hàng hoá
 
 

e) Khách quốc tế đến Việt Nam

Khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng Một ước tính đạt gần 2 triệu lượt người, cao nhất từ trước đến nay do nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng và thăm thân nhân của khách quốc tế và Việt kiều tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên đán 2020.

Khách quốc tế đến nước ta trong tháng 1/2020 ước tính đạt 1.994,1 nghìn lượt người, tăng 16,6% so với tháng trước và tăng 32,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 1.621,6 nghìn lượt người, tăng 38,9%; khách đến bằng đường biển đạt 80,1 nghìn lượt người, tăng 231,5%; riêng khách đến bằng đường bộ giảm 5,8% với lượng khách đạt 292,4 nghìn lượt người.

Trong tháng, khách quốc tế đến nước ta từ châu Á đạt 1.543,9 nghìn lượt người, chiếm 77,4% tổng số khách quốc tế, tăng 39,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ hầu hết các thị trường chính đều tăng: Trung Quốc đạt 644,7 nghìn lượt người, tăng 72,6%; Hàn Quốc 468,4 nghìn lượt người, tăng 20,4%; Nhật Bản 89,1 nghìn lượt người, tăng 11,4%; Đài Loan 76,1 nghìn lượt người, tăng 19,3%; Ma-lai-xi-a 50,8 nghìn lượt người, tăng 5,5%; Thái Lan 63,2 nghìn lượt người, tăng 40,1%; riêng khách đến từ Hồng Công giảm 76,2%, chỉ đạt 1,5 nghìn lượt người.

Khách đến từ châu Âu tháng Một ước tính đạt 259,2 nghìn lượt người, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ Liên bang Nga đạt 88,2 nghìn lượt người, tăng 16,1%; Vương quốc Anh 32,1 nghìn lượt người, tăng 8,7%; Pháp 28,4 nghìn lượt người, tăng 5,3%; Đức 24 nghìn lượt người, tăng 9,6%; Thụy Điển 10,6 nghìn lượt người, giảm 5,5%; Đan Mạch đạt 5,2 nghìn lượt người, giảm 5,2% và Phần Lan đạt 4,4 nghìn lượt người, giảm 5,3%.

Khách đến từ châu Mỹ tháng Một ước tính đạt 125,4 nghìn lượt người, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2019, chủ yếu là khách đến từ Hoa Kỳ đạt 96,5 nghìn lượt người, tăng 19,7%. Khách đến từ châu Úc đạt 59,7 nghìn lượt người, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ Ôx-trây-li-a đạt 53,9 nghìn lượt người, tăng 7,1%. Khách đến từ châu Phi đạt 6 nghìn lượt người, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.

 

 

Khách quốc tế đến Việt Nam

 

 

7. Một số tình hình xã hội

a) Thiếu đói trong dân

Trong tháng Một, cả nước có hơn 2,9 nghìn hộ thiếu đói, tương ứng với 10,1 nghìn nhân khẩu thiếu đói, trong đó Sơn La hơn 1,3 nghìn hộ với hơn 5,2 nghìn nhân khẩu thiếu đói; Yên Bái 663 hộ với 2,3 nghìn nhân khẩu thiếu đói; Bắc Kạn 482 hộ với hơn 1 nghìn nhân khẩu thiếu đói; Lào Cai 385 hộ với hơn 1,4 nghìn nhân khẩu thiếu đói. Theo báo cáo sơ bộ, để khắc phục tình trạng thiếu đói, các cấp, các ngành và địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói khoảng 157,6 tấn gạo.

Với phương châm không để người dân nào bị đói và không có Tết, Chính phủ đã xuất cấp gần 6,5 nghìn tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các địa phương để hỗ trợ nhân dân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

b) Tình hình dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm

Trong tháng (từ 19/12/2019-18/1/2020), cả nước có gần 6 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết; 1,3 nghìn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; 23 trường hợp mắc bệnh viêm não vi rút và 442 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 16 trường hợp dương tính. Về ngộ độc thực phẩm, trong tháng Một xảy ra 7 vụ với 161 người bị ngộ độc, trong đó 1 người tử vong.

Hiện nay, dịch viêm phổi cấp do chủng vi rút corona khởi phát tại Trung Quốc[15] đã lây lan sang Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc và đã có 2 trường hợp người Vũ Hán, Trung Quốc vào Việt Nam phát hiện mắc vi rút corona đang điều trị tại thành phố Hồ Chí Minh. Trước tình hình đó, ngày 23/1/2020 Thủ tướng Chính phủ đã có công điện khẩn gửi các Bộ, ngành và địa phương về việc phòng, chống dịch viêm đường hô hấp do chủng mới của vi rút corona gây ra.

Tổng số người nhiễm HIV của cả nước hiện còn sống tính đến thời điểm 18/1/2020 là 210,2 nghìn người và số trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS là 97,07 nghìn người; số người tử vong do HIV/AIDS của cả nước tính đến thời điểm trên là 98,6 nghìn người.

c) Tai nạn giao thông

Trong tháng Một (từ 15/12/2019 đến 14/1/2020), trên địa bàn cả nước xảy ra 1,3 nghìn vụ tai nạn giao thông, bao gồm 702 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 598 vụ va chạm giao thông, làm 591 người chết; 359 người bị thương và 609 người bị thương nhẹ. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 14,9% (Số vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên giảm 15%; số vụ va chạm giao thông giảm 14,7%); số người chết giảm 18,9%; số người bị thương giảm 14,9% và số người bị thương nhẹ giảm 14,8%. Bình quân một ngày trong tháng, trên địa bàn cả nước xảy ra 42 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 23 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 19 vụ va chạm giao thông, làm 19 người chết, 12 người bị thương và 20 người bị thương nhẹ. Đáng lưu ý, trong tháng đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng như: Vụ tai nạn giữa xe tải và ô tô khách xảy ra ngày 28/12 tại Sơn La làm 12 người bị thương; vụ tai nạn giữa xe container và ô tô 9 chỗ xảy ra ngày 6/1 tại Lạng Sơn làm 6 người bị thương; vụ tai nạn xe bán tải xảy ra ngày 8/1 tại Quảng Bình làm 1 người chết và 3 người bị thương; vụ tai nạn xe ô tô xảy ra ngày 10/1 tại Lai Châu làm 3 người chết; vụ tai nạn tải xảy ra ngày 12/1 tại Gia Lai làm 1 người chết và 2 người bị thương; vụ tai nạn giữa 2 xe máy xảy ra ngày 16/1 tại Hà Tĩnh làm 2 người chết và 3 người bị thương.

d) Thiệt hại thiên tai, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ

Thiên tai xảy ra trong tháng chủ yếu là xâm nhập mặn tại tỉnh Trà Vinh làm 112,9 ha lúa bị hư hỏng; sạt lở đất tại các tỉnh Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng và Cà Mau làm 3 ngôi nhà bị sập đổ và 1 ngôi nhà hư hại, thiệt hại ước tính hơn 20 tỷ đồng.

Trong tháng 1/2020, các cơ quan chức năng đã phát hiện 720 vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 556 vụ với tổng số tiền phạt hơn 8,2 tỷ đồng. Trong tháng, trên địa bàn cả nước xảy ra 224 vụ cháy, nổ, làm 7 người chết và 12 người bị thương, giá trị thiệt hại ước tính 70 tỷ đồng./.

TỔNG CỤC THỐNG KÊ

 

 

 

 

 

Infographics tình hình kinh tế - xã hội tháng 01 năm 2020


[1] Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Yên Bái, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long và Đồng Tháp.

[2] Nguồn: Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

[3] Tổng vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới tháng 1/2017 tăng 52,3% so với cùng kỳ năm trước; tháng 1/2018 tăng 8,9%; tháng 1/2019 tăng 53,8%; tháng 1/2020 tăng 76,8%.

[4] Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN tháng Một so với kế hoạch năm giai đoạn 2016-2020 lần lượt là: 5,4%; 4,6%; 4,7%; 4,5%; 4,2%.

[5] Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện tháng Một các năm 2016-2020 lần lượt là: 800 triệu USD; 950 triệu USD; 1.420 triệu USD; 1.550 triệu USD; 1.600 triệu USD.

[6] Trong đó, dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc trung tâm nhiệt điện LNG Bạc Liêu do Xin-ga-po đầu tư  tổng vốn đăng ký 4 tỷ USD với mục tiêu sản xuất điện từ khí tự nhiên hóa lỏng LNG.

[7] Tháng Một năm nay chỉ có 18 ngày làm việc do trùng với dịp nghỉ Tết Nguyên đán, làm cho kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu ước tính đều giảm so với tháng trước và so với cùng kỳ năm 2019.

[8] Ước tính nhập siêu 1 tỷ USD.

[9] Ước tính tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2019 đạt 516,96 tỷ USD, xuất siêu 9,9 tỷ USD.

[10] Trong đó, xuất siêu sang EU đạt 1,4 tỷ USD, giảm 43,4% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 2,5 tỷ USD, giảm 36%; nhập siêu từ Hàn Quốc 1,9 tỷ USD, giảm 17,6%; nhập siêu từ ASEAN 888 ttiệu USD, tăng 150,3%.

[11] Tốc độ tăng CPI tháng Một so với tháng trước giai đoạn 2014-2020 lần lượt là: 0,69%; -0,2%; 0%; 0,46%; 0,51%; 0,1%; 1,23%. Tốc độ tăng CPI tháng Một so với cùng kỳ năm trước giai đoạn 2014-2020 lần lượt là: 5,45%; 0,94%; 0,8%; 5,22%; 2,65%; 2,56%; 6,43%.

[12] Trong đó: giá gạo nếp tăng 2,13%, gạo tẻ ngon tăng 0,85%; giá miến tăng 1,6%, giá bún khô, mỳ ăn liền, phở ăn liền tăng 0,13%-0,68%.

[13] Giá thịt lợn tăng cao 8,29%; giá thịt gia cầm tươi sống tăng 2,84%; giá thủy sản tươi sống tăng 1,71%; trứng gia cầm các loại tăng 2,28%; giá quả tươi tăng 2,9%.

[14] Chủ yếu do mặt hàng đồ uống không cồn tăng 0,62%; giá rượu bia tăng 0,77%; thuốc hút tăng 0,53%.

[15] Tính đến ngày 23/1/2020, Trung Quốc có 630 trường hợp bị nhiễm vi rút corona, 17 trường hợp tử vong.

 
Nguồn: Tổng cục Thống kê