VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tổng hợp

Chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2019

30/09/2019 - 238 Lượt xem

1. Chín tháng đầu năm 2019 (Báo cáo số 150/BC-TCTK ngày 28/9/2019 của Tổng cục Thống kê)

- Tổng sản phẩm trong nước (GDP): quý III/2019 ước tính tăng 7,31% so với cùng kỳ năm 2018, cao hơn mức tăng 6,82% của quý I và 6,73% của quý II năm 2019. Tính chung 9 tháng năm 2019, GDP ước tính tăng 6,98% so với cùng kỳ năm 2018, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 9 năm trở lại đây.

- Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản: 9 tháng đạt mức tăng trưởng thấp do hạn hán, biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới năng suất và sản lượng cây trồng, ngành chăn nuôi thiệt hại nặng nề bởi dịch tả lợn châu Phi, nông sản gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ và giá xuất khẩu. Trong đó, ngành nông nghiệp tăng 0,74%, chỉ cao hơn mức tăng 0,02% của cùng kỳ năm 2016 trong giai đoạn 2012-2019, đóng góp 0,09 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Điểm sáng của khu vực này là ngành thủy sản đạt kết quả khá với mức tăng 6,12%, đóng góp 0,21 điểm phần trăm; ngành lâm nghiệp tăng 3,98% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,03 điểm phần trăm.

- Sản xuất công nghiệp: 9 tháng duy trì mức tăng trưởng khá 9,56%, đóng góp 3,16 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng của khu vực này, là động lực chính của tăng trưởng toàn nền kinh tế với mức tăng cao 11,37%, đóng góp 2,42 điểm phần trăm. Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 2,68%, đóng góp 0,17 điểm phần trăm.

- Khu vực dịch vụ: 9 tháng năm 2019 tăng 6,85%, cao hơn mức tăng 6,75% của cùng kỳ năm 2018. Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm 9 tháng.

- Hoạt động của doanh nghiệp: Số lượng doanh nghiệp thành lập mới 9 tháng năm 2019 tiếp tục đạt kỷ lục mới với gần 102,3 nghìn doanh nghiệp, vốn đăng ký bình quân 1 doanh nghiệp tăng mạnh, đạt 12,6 tỷ đồng, mức cao nhất trong những năm trở lại đây, dự báo sức khỏe tốt hơn của của các doanh nghiệp mới ra nhập thị trường. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy doanh nghiệp tiếp tục lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý IV/2019 với 87,9% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn.

Nếu tính cả 1.730,4 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 9 tháng năm 2019 là 3.021,2 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 27,6 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2018, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 9 tháng lên hơn 129,8 nghìn doanh nghiệp. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng năm 2019 là 929,8 nghìn người, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong 9 tháng năm 2019, theo khu vực kinh tế, có gần 1,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 1,5% tổng số doanh nghiệp thành lập mới; có 27,5 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, chiếm 26,9%; có 73,3 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, chiếm 71,6%. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 21,2 nghìn doanh nghiệp, giảm 7,9% so với cùng kỳ năm 2018. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 12,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó có 10,9 nghìn doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng (chiếm 90,2% tổng số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể), tăng 2,9%.

- Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng: tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3.634,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2018, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,2% (cùng kỳ năm 2018 tăng 9,1%), thể hiện cầu tiêu dùng trong dân tăng. Thị trường tiêu thụ được mở rộng, nguồn cung hàng hóa dồi dào, chất lượng được bảo đảm, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người dân.

- Vận tải và viễn thông: Hoạt động vận tải và viễn thông trong quý III và 9 tháng năm 2019 tiếp tục giữ mức tăng khá so với cùng kỳ năm 2018. Trong hoạt động vận tải, đường bộ ngày càng được đầu tư cơ sở hạ tầng, kết nối thuận tiện giữa các tỉnh thành, các hãng hàng không cũng không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng dịch vụ, giá cả linh hoạt. Trong hoạt động viễn thông, các công ty viễn thông đang thúc đẩy cạnh tranh thông qua việc đa dạng hóa các gói dịch vụ, nâng cấp băng thông cho thiết bị di động và đường truyền gia đình.

- Khách quốc tế đến Việt Nam: Việt Nam tiếp tục là điểm đến thu hút khách du lịch quốc tế, tháng 9/2019 là tháng thứ tư kể từ đầu năm 2018 và là tháng thứ hai liên tiếp có lượng khách quốc tế đến nước ta đạt trên 1,5 triệu lượt người. Tính chung 9 tháng năm 2019, khách quốc tế đến nước ta đạt 12,9 triệu lượt người, trong đó khách đến từ Trung Quốc chiếm 30,9% và khách đến từ đường bộ có tốc độ tăng cao nhất, đạt 23,5% so với cùng kỳ năm 2018.

- Hoạt động đầu tư: Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 9 tháng năm 2019 đạt mức tăng khá 10,3% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó khu vực kinh tế ngoài Nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng vốn đầu tư (45,3%) đạt tốc độ tăng vốn cao nhất (16,9%). Tính chung 9 tháng năm 2019, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành ước tính đạt 1.378,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2018 và bằng 34,3% GDP. Trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn từ ngân sách Nhà nước thực hiện 9 tháng ước tính đạt 224 nghìn tỷ đồng, bằng 59,7% kế hoạch năm và tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2018 (cùng kỳ năm 2018 bằng 60,7% và tăng 11,4%).

Đầu tư trực tiếp nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm ngày 20/9/2019 thu hút 2.759 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 10.973,4 triệu USD, tăng 26,4% về số dự án và giảm 22,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, có 1.037 lượt dự án đã cấp phép từ các năm 2018 đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 4.789,8 triệu USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2018. Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 9 tháng năm 2019 đạt 15.763,2 triệu USD, giảm 19,9% so với cùng kỳ năm 2018. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 9 tháng ước tính đạt 14,2 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2018.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 9 tháng năm nay có 117 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn của phía Việt Nam là 307,7 triệu USD; 27 dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là 124 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) 9 tháng năm 2019 đạt 431,7 triệu USD.

- Thu, chi ngân sách Nhà nước: Trong 9 tháng năm 2019, tiến độ thu ngân sách Nhà nước duy trì ổn định, có 8/12 khoản thu và nhóm các khoản thu nội địa so với dự toán đạt tiến độ khá, cao hơn mức bình quân chung; chi ngân sách Nhà nước tiếp tục đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ đầu tư phát triển, chi trả nợ, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hoạt động của bộ máy Nhà nước. Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm ngày 15/9/2019 ước tính đạt 1.028,7 nghìn tỷ đồng, bằng 72,9% dự toán năm. Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm ngày 15/9/2019 ước tính đạt 962,2 nghìn tỷ đồng, bằng 58,9% dự toán năm.

- Xuất, nhập khẩu: Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2019 ước tính đạt 382,72 tỷ USD, với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 194,3 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó khu vực kinh tế trong nước có tốc độ tăng 16,4%, cao hơn tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (5%). Kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng trong nhóm hàng nông, lâm, thủy sản tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm 2018. Cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng ước tính xuất siêu 5,9 tỷ USD. có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 89,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 59,2%) và 32 mặt hàng nhập khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm 88,8% tổng kim ngạch nhập khẩu.

- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI): CPI bình quân 9 tháng năm 2019 tăng 2,5% so với bình quân cùng kỳ năm 2018; CPI tháng 9/2019 tăng 2,2% so với tháng 12/2018 và tăng 1,98% so với cùng kỳ năm 2018.

- Lao động, việc làm: Tình hình lao động, việc làm cả nước trong 9 tháng năm 2019 có nhiều chuyển biến tích cực, số người có việc làm tăng, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm giảm dần. Chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, chất lượng lao động ngày một nâng cao, thu nhập của người lao động có xu hướng tăng dần. Tính chung 9 tháng năm 2019, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 55,5 triệu người, tăng 310,9 nghìn người so với cùng kỳ năm 2018. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động 9 tháng năm 2019 ước tính đạt 76,3%, giảm 0,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2018./.

2. Sáu tháng đầu năm 2019 (Báo cáo số 99/BC-TCTK ngày 27/6/2019 của Tổng cục Thống kê)

- Tổng sản phẩm trong nước (GDP):Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2019 tăng 6,76%, tuy thấp hơn mức tăng của 6 tháng đầu năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng của 6 tháng các năm 2011-2017, khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được Chính phủ ban hành để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019; sự nỗ lực của các ngành, các địa phương trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng.

-Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản: 6 tháng đầu năm 2019 nhìn chung ổn định. Chăn nuôi gia cầm phát triển tốt. Ngành thủy sản đạt mức tăng trưởng cao nhất 9 năm qua, sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác đều tăng khá. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp còn gặp khó khăn do thời tiết diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng, dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng với tổng số lợn tiêu hủy chiếm tới 10% tổng đàn. Sản xuất lâm nghiệp nhìn chung phát triển ổn định, tập trung chủ yếu vào công tác chăm sóc, bảo vệ rừng và khai thác gỗ từ diện tích rừng đến kỳ khai thác.

- Sản xuất công nghiệp:Ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2019 duy trì tăng trưởng khá với tốc độ tăng giá trị tăng thêm 9,13%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp và toàn nền kinh tế; sản xuất và phân phối điện bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân; khai khoáng bước đầu có mức tăng nhẹ 1,78% sau nhiều năm liên tiếp giảm nhờ khai thác than tăng cao, bù đắp cho sự sụt giảm của khai thác dầu thô.

- Hoạt động của doanh nghiệp:Trong 6 tháng đầu năm 2019 có gần 67 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, số lượng doanh nghiệp đăng ký cao nhất trong 5 năm qua. Nếu tính chung cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký tăng thêm, trong 6 tháng đầu năm nay ước tính các doanh nghiệp bổ sung vốn đăng ký cho nền kinh tế gần 2,2 triệu tỷ đồng. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II/2019 cho thấy đa số các doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn quý I năm 2018, doanh nghiệp lạc quan với tình hình sản xuất kinh doanh trong quý III/2019 sẽ ổn định và tốt hơn.

Nếu tính cả 1.310,3 nghìn tỷđồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2019 là 2.170,5 nghìn tỷđồng. Bên cạnh đó, còn có 21,6 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 31,4% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 6 tháng năm nay lên gần 88,6 nghìn doanh nghiệp. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đầu năm nay là 649 nghìn người, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm trước.

- Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng:Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm nay đạt tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm trước (11,5%), thể hiện cầu tiêu dùng trong dân tăng. Lượng cung hàng hóa trên thị trường dồi dào, đáp ứng đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng. Thị trường tiêu thụ được mở rộng, đa dạng hóa các hình thức khuyến mại góp phần làm sôi động thị trường trong những tháng đầu năm 2019.

- Vận tải và viễn thông:Hoạt động vận tải trong 6 tháng đầu năm 2019 nhìn chung ổn định, 4 trong 5 ngành đường có mức tăng trưởng khá, đặc biệt với việc ra đời hãng hàng không mới, ngành hàng không đáp ứng khá tốt nhu cầu đi lại ngày càng tăng cao của người dân, tạo sự cạnh tranh có lợi cho khách hàng; riêng vận tải đường sắt tiếp tục xu hướng giảm cả về vận tải hành khách và hàng hóa do hạn chế về năng lực chạy tàu, tốc độ kỹ thuật không cao, kết nối với các phương thức vận tải khác còn nhiều bất cập.

- Khách quốc tếđến Việt Nam:Việt Nam tiếp tục là điểm đến thu hút khách du lịch quốc tế, lượng khách liên tục đạt mức trên 1 triệu lượt người mỗi tháng kể từ đầu năm 2019. Tính chung 6 tháng, khách quốc tế đến nước ta đạt gần 8,5 triệu lượt người. Tuy nhiên, lượng khách đang có xu hướng giảm dần, tháng Sáu có lượng khách quốc tế thấp nhất kể từ đầu năm, đồng thời tốc độ tăng lượng khách trong 6 tháng đầu năm nay đạt 7,5%, thấp hơn nhiều so với mức tăng giai đoạn 2016-2018- - Hoạt động ngân hàng: Tính đến thời điểm 18/6/2019, tổng phương tiện thanh toán tăng 6,05% so với cuối năm 2018 (cùng kỳ năm 2018 tăng 8,03%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 6,09% (cùng kỳ năm 2018 tăng 7,76%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 6,22% (cùng kỳ năm 2018 tăng 6,1%).

- Hoạt động đầu tư:Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 6 tháng đầu năm 2019 đạt mức tăng khá 10,3% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, khu vực kinh tế ngoài Nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng vốn đầu tư (43,6%) đạt tốc độ tăng vốn cao nhất (16,4%), đây là kết quả của những chính sách ưu đãi, hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục khởi sắc với mức kỷ lục về số dự án đăng ký cấp mới trong 6 tháng đầu năm và số vốn thực hiện cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Đáng lưu ý là vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước chưa cải thiện nhiều, có mức tăng thấp nhất trong các năm giai đoạn 2016-2019.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2019, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành ước tính đạt 822,9 nghìn tỷđồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước và bằng 33,1% GDP. Trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn từ ngân sách Nhà nước thực hiện 6 tháng ước tính đạt 128,9 nghìn tỷ đồng, bằng 36,8% kế hoạch năm và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2018 bằng 35,3% và tăng 9,5%).

Đầu tư trực tiếp nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/6/2019 thu hút 1.723 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 7.411,8 triệu USD, tăng 26,1% về số dự án và giảm 37,2% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018. Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 6 tháng năm 2019 có 71 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn của phía Việt Nam là 103,9 triệu USD; 19 dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là 96,1 triệu USD.

- Thu, chi ngân sách Nhà nước:Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/6/2019 ước tính đạt 660,6 nghìn tỷ đồng, bằng 46,8% dự toán năm, trong đó thu nội địa 524,8 nghìn tỷ đồng, bằng 44,7%; thu từ dầu thô 26,1 nghìn tỷ đồng, bằng 58,4. Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/6/2019 ước tính đạt 612,5 nghìn tỷ đồng, bằng 37,5% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 441,1 nghìn tỷ đồng, bằng 44,1%; chi đầu tư phát triển 112,1 nghìn tỷ đồng, bằng 26,1%; chi trả nợ lãi 55,9 nghìn tỷ đồng, bằng 44,7%.

- Xuất, nhập khẩu:Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2019 ước tính đạt 245,48 tỷ USD, mức cao nhất của 6 tháng từ trước đến nay với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 122,72 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước có tốc độ tăng 10,8%, cao hơn tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (5,9%). Kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng trong nhóm hàng nông, lâm, thủy sản tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm trước, riêng xuất khẩu rau quả có tín hiệu tốt khi lần đầu tiên 6 tháng đầu năm đạt mức trên 2 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng ước tính nhập siêu ở mức thấp với 34 triệu USD.

- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI):CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2019 tăng 2,64% so với bình quân cùng kỳ năm 2018; CPI tháng 6/2019 tăng 1,41% so với tháng 12/2018 và tăng 2,16% so với cùng kỳ năm trước.

- Lao động, việc làm:Tính chung 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 55,4 triệu người, tăng 334 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động 6 tháng đầu năm 2019 ước tính đạt 76,5%, giảm 0,1 điểm phần trăm.

3. Tình hình kinh tế - xã hội quý I/2019 (Báo cáo số 54/BC-TCTK ngày 28/3/2019 của Tổng cục Thống kê)

- Tổng sản phẩm trong nước (GDP): GDP quý I/2019 ước tính tăng 6,79% so với cùng kỳ năm trước, tuy thấp hơn mức tăng trưởng của quý I/2018 nhưng cao hơn tăng trưởng quý I các năm 2011-2017, Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,68%, đóng góp 4,9% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,63%, đóng góp 51,2%; khu vực dịch vụ tăng 6,5%, đóng góp 43,9%.

- Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản:ngành nông nghiệp tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng 3,97% của quý I/2018, đóng góp 0,17 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 4,2%, do chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 5,1%, đạt mức tăng trưởng cao nhất của quý I trong 9 năm trở lại đây, đóng góp 0,14 điểm phần trăm.

- Sản xuất công nghiệp:Tính chung quý I/2019, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 12,7% của cùng kỳ năm 2018 nhưng vẫn cao hơn mức tăng 7,4% và 4,8% của cùng kỳ năm 2016 và năm 2017.

- Hoạt động của doanh nghiệp:Tính chung quý I năm 2019, cả nước có 28.451 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 375,5 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% về số doanh nghiệp và tăng 34,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 13,2 tỷ đồng, tăng 26,9%. Nếu tính cả 722,5 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong quý I năm 2019 là 1.098 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 15.050 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 78,1% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong quý I/2019 lên hơn 43,5 nghìn doanh nghiệp. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong quý I/2019 là 317,6 nghìn người, tăng 40,9% so với cùng kỳ năm trước.

- Hoạt động dịch vụ:Tính chung quý I/2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 1.184,9 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9% (cùng kỳ năm 2018 tăng 8,9%). Doanh thu du lịch lữ hành quý I/2019 ước tính đạt 11,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 1% tổng mức và tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ khác quý I ước tính đạt 123,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,4% tổng mức và tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2018.

- Vận tải hành khách và hàng hóa:Tính chung 3 tháng, vận tải hàng hóa đạt 412,2 triệu tấn, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước và 78,1 tỷ tấn.km, tăng 6,5%, trong đó vận tải trong nước đạt 404 triệu tấn, tăng 8,7% và 44,2 tỷ tấn.km, tăng 9,7%; vận tải ngoài nước đạt 8,2 triệu tấn, tăng 1,5% và 33,9 tỷ tấn.km, tăng 2,5%.

- Khách quốc tế đến Việt Nam:Tính chung quý I/2019, khách quốc tế đến Việt Nam ước tính đạt 4.500,1 nghìn lượt người, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2018.

- Hoạt động ngân hàng:Tính đến thời điểm 20/3/2019, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,54% so với cuối năm 2018 (cùng kỳ năm 2018 tăng 3,23%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 1,72% (cùng kỳ năm 2018 tăng 2,2%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 1,9% (cùng kỳ năm 2018 tăng 2,23%).

- Hoạt động đầu tư:Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý I/2019 theo giá hiện hành đạt 359,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2018 và bằng 32,2% GDP, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 106,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 29,7% tổng vốn và tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2018; khu vực ngoài Nhà nước đạt 158 nghìn tỷ đồng, chiếm 44% và tăng 13,6%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 94,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 26,3% và tăng 7,5%.

Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/3/2019 thu hút 785 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 3.821,4 triệu USD, tăng 27% về số dự án và tăng 80,1% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong quý I/2019, cả nước có 24 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đầu tư của phía Việt Nam là 80,4 triệu USD, bên cạnh đó có 8 dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là 39,6 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) trong quý I năm 2019 đạt 120 triệu USD.

- Thu, chi ngân sách Nhà nước:Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/3/2019 ước tính đạt 278,6 nghìn tỷ đồng, bằng 19,7% dự toán năm, trong đó thu nội địa 221,7 nghìn tỷ đồng, bằng 18,9%; thu từ dầu thô 9,9 nghìn tỷ đồng, bằng 22,3%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 47 nghìn tỷ đồng, bằng 24,9%. Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/3/2019 ước tính đạt 254,5 nghìn tỷ đồng, bằng 15,6% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 192,7 nghìn tỷ đồng, bằng 19,3%; chi đầu tư phát triển 33,5 nghìn tỷ đồng, bằng 7,8%; chi trả nợ lãi 27,7 nghìn tỷ đồng, bằng 22,2%.

- Xuất, nhập khẩu:Tính chung quý I/2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 58,51 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 17,05 tỷ USD, tăng 9,7%, chiếm 29,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 41,46 tỷ USD, tăng 2,7%, chiếm 70,9%. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 57,98 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 24,09 tỷ USD, tăng 13,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 33,89 tỷ USD, tăng 6%.

- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI):CPI bình quân quý I/2019 tăng 2,63% so với bình quân cùng kỳ năm 2018, đây là mức tăng bình quân quý I thấp nhất trong 3 năm trở lại đây; CPI tháng 3/2019 tăng 0,69% so với tháng 12/2018 và tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2018.

- Lao động, việc làm:Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý I/2019 ước tính là 55,4 triệu người, giảm 207 nghìn người so với quý trước do trong quý có thời gian nghỉ Tết kéo dài và tăng 331,9 nghìn người so với cùng kỳ năm 2018.

 

Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư