VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

C%C3%A1ch%20m%E1%BA%A1ng%20c%C3%B4ng%20nghi%E1%BB%87p%204.0

Trung Quốc với chính sách phát triển trí tuệ nhân tạo trong bối cảnh CMCN 4.0

26/06/2019 - 600 Lượt xem

 

                                            Phạm Thiên Hoàng

                                           Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

  1. Bối cảnh

Phát triển Trí tuệ nhân tạo (TTNT) đang trở thành trào lưu và đích đến quan trọng của nhiều quốc gia phát triển trong dòng chuyển động mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, được nhìn nhận có đóng góp ngày càng quan trọng cho tăng năng suất lao động và đáp ứng các nhu cầu ngày càng đa dạng với chất lượng sản phẩm không ngừng được nâng cao của nhân loại.  Trong lĩnh vực kinh tế, Nghiên cứu của PWC (2017) cho thấy TTNT trở thành cơ hội thương mại lớn nhất ngày nay trong nền kinh tế toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng với phần đóng góp của TTNT lên tới 15.700 tỷ USD vào năm 2030. Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới và có tốc độ phát triển kinh tế cao ấn tượng trong hai thập kỷ qua với sự chú trọng đặc biệt để thúc đẩy phát triển TTNT, chạy đua với tham vọng vượt Mỹ trong lĩnh vực nhiều tiềm năng to lớn này. 

Theo nghiên cứu của Meng Jing và Sarah Dai (2018), phát triển TTNT được coi là một trong những động lực quan trọng giúp Trung Quốc duy trì tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới nhiều biến động, trong danh mục ưu tiên phát triển của quốc gia từ năm 2017.  Theo đó, Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tham vọng vượt qua Mỹ, trở thành nước đứng đầu về AI vào năm 2030. Theo một lộ trình chi tiết được công bố vào tháng 7 năm ngoái, chính phủ kỳ vọng khu vực được xác định là AI trọng yếu có giá trị 150 tỷ NDT (khoảng 4.000 tỉ đồng) vào năm 2020, trong khi đó các ngành công nghiệp có liên quan sẽ đạt 1 nghìn tỷ NDT (3,6 triệu tỉ đồng). Đến năm 2025, hai giá trị này dự kiến sẽ vượt mốc 400 tỷ NDT (1,4 triệu tỉ đồng) và 5 nghìn tỷ NDT (1,8 triệu tỉ đồng), nhờ sự ứng dụng rộng rãi của AI trong sản xuất thông minh, chăm sóc sức khỏe thông minh, thành phố thông minh, nông nghiệp thông minh và cơ sở hạ tầng quốc phòng. Tham vọng của Trung Quốc trong phát triển TTNT là đến năm 2030, Trung Quốc sẽ dẫn đầu thế giới trong đổi mới và xây dựng một nền kinh tế thông minh cũng như một "xã hội thông minh". Khu vực được xác định là TTNT trọng yếu sẽ có trị giá 1 nghìn tỷ NDT (3,6 triệu tỉ đồng), được hỗ trợ bởi các ngành công nghiệp liên quan trị giá hơn 10 nghìn tỷ NDT (36 triệu tỉ đồng).

Hiện tại thì công nghiệp TTNT Trung Quốc vẫn ở vị trí “đuổi theo” so với Mỹ (tổng vốn đầu tư TTNT dành cho các công ty Trung Quốc giai đoạn 2012 – 2016 là 2,6 tỷ USD so với 17,2 tỷ USD của các công ty Mỹ; Xét về nguồn nhân lực nhân lực tài năng TTNT thì Trung Quốc còn thua kém Mỹ cả về số lượng (39 nghìn người so với 78 nghìn người) lẫn kinh nghiệm. Tuy nhiên triển vọng phát triển TTNT tương lai thì Trung Quốc đặc biệt có nhiều lợi thế. Lợi thế nổi trội của Trung Quốc là nguồn tài nguyên dữ liệu của quốc gia đông dân nhất thế giới (dự báo Trung Quốc chiếm 20% lượng 44 Zetabytes dữ liệu toàn cầu vào năm 2020). Thêm nữa, cả Chính phủ và cộng động hàn lâm – công nghiệpTrung Quốc đều  cho thấy một quyết tâm cao trong xây dựng và thực thi chiến lược TTNT quốc gia để duy trì tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Xét ở góc độ kinh tế, Báo cáo của PWC (2017) cho thấy dự báo Trung Quốc có thể thu lợi tới 7 ngàn tỷ USD thông qua mức tăng GDP tới 26% vào năm 2030. Đồng thời ở khía cạnh xã hội thì TTNT cũng  giúp tạo ra tới 93 triệu việc làm ròng trong vòng 2 thập kỷ từ 2017-2037, tương đương mức tăng khoảng 12%. 

Ý thức về tầm quan trọng to lớn của TTNT của Trung Quốc được hiện thực hóa qua nhiều văn bản pháp lý, trong đó nổi trội là bộ đôi văn bản gồm Chiến lược hiện đại hóa nền công nghiệp “Made in China 2025” (gọi tắt là MIC2025) ban hành năm 2015 và Chiến lược phát triển quốc gia về TTNT ban hành năm 2017, kèm theo đó là các khoản đầu tư rất lớn để phát triển năng lưc TTNT. 

Bài viết này nhằm cung cấp thêm các phân tích và thông tin về diễn biến phát triển TTNT của Trung Quốc. Sau phần bối cảnh nêu bật tầm quan trọng của phát triển TTNT đối với Trung Quốc, bài viết tập trung phân tích về khung pháp lý phát triển TTNT của Trung Quốc với những điểm nhấn chính. Tiếp theo là phần phân tích thực trạng phát triển TTNT của Trung Quốc. Phần cuối là hàm ý chính sách phát triển TTNT, nêu bật một số đóng góp nổi bật của TTNT đối với phát triển kinh tế - xã hội của Trung Quốc và một số khuyến nghị chính sách.

  1. Khung pháp lý phát triển TTNT

Hành lang pháp lý phát triển TTNT được manh nha từ lâu nhưng thể hiện rõ nét từ 2013 khi Trung Quốc ban hành hàng loạt các văn bản chính sách liên quan đến TTNT. Điển hình có thể kể đến như Hướng dẫn của Hội đồng Nhà nước về phát triển IoT lành mạnh và quy củ, ban hành năm 2013.

Tiếp đó năm 2015 được đánh dấu với sự ra đời của nhiều quy định nền tảng cho phát triển TTNT như Thông báo của Hội đồng Nhà nước về ban hành MIC2025, Hướng dẫn của Hội đồng Nhà nước về thúc đẩy phát triển Internet Plus, Thông báo của Hội đồng Nhà nước về ban hành Kế hoạch tổng thể thúc đẩy phát triển Dữ liệu lớn (Big Data).

Kế hoạch MIC2025 được Trung Quốc khởi xướng năm 2015 vẽ ra đường hướng phát triển cho ngành công nghiệp chế tạo tại Trung Quốc trong tương lai. Mục tiêu uối cùng là biến Trung Quốc thành siêu cường quốc chế tạo trên thế giới, thoát khỏi tình trạng ỷ lại vào công nghệ cao của nước ngoài, vươn lên dẫn đầu thế giới về khoa học kỹ thuật. MIC2025 bao phủ toàn bộ những lĩnh vực chủ chốt cho phát triển công nghiệp tương lai như robot, tự động hóa, công nghệ sinh học, hàng không vũ trụ, phương tiện sử dụng năng lượng thay thế (xe điện), vận chuyển cao cấp, thiết bị đường sắt tiên tiến, mạng di động thế hệ thứ 5 (5G), trí tuệ nhân tạo (AI) và mạng Internet. Tất cả những ngành công nghiệp kể trên đều sẽ nhận được hỗ trợ từ chính phủ bằng những khoảng vay lãi xuất thấp, miễn phí thuê đất đai và thậm chí là miễn thuế nhằm đánh bại các đối thủ cạnh tranh trên thế giới trong những lĩnh vực này.

Có thể nói MIC2025 thể hiện tham vọng rất lớn của Trung Quốc muốn thống trị mắt xích quan trọng nhất trong chuỗi giá trị Toàn cầu, và trở thành quốc gia đứng đầu thế giới. MIC2025 thực sự đã gây quan ngại với nhiều nước công nghiệp phát triển do Trung Quốc thể hiện tham vọng không hề muốn bắt tay với những nền kinh tế công nghệ cao hiện nay như Mỹ, Đức, Hàn, Nhật, mà là thay thế toàn bộ các quốc gia trên. Với công nghệ tiên tiến và lợi thế về giá, không một Quốc gia nào có thể cạnh tranh lại Trung Quốc, tương tự như cách Trung Quốc đang thống trị những mặt hàng cơ bản hiện nay và đó là điều các quốc gia phát triển, đặc biệt là Mỹ hết sức lo ngại. Chủ đích muốn làm bá chủ thế giới thông qua việc thực hiện MIC2025 thách thức vị trí siêu cường của Mỹ được coi là một lý do ngầm định quan trọng châm ngòi cho chiến tranh thương mại Mỹ- Trung.

Cục diện khó lường của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã khiến Trung Quốc phảicó những điều chỉnh thực hiện MIC2025 một cách thận trọng và kín kẽ hơn để giảm sự chú ý và lo ngại của Mỹ và Phương Tây về sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc về cả kinh tế, quân sự và tiềm lực khoa học kỹ thuật công nghệ cao.  Sức ép từ bên ngoài - nhất là cảnh báo trừng phạt từ Mỹ đối với những sản phẩm công nghiệp và công nghệ chủ chốt - đang thúc đẩy Trung Quốc tăng cường quản trị và rót vốn vào thúc đẩy nâng cấp công nghệ, "tự cung tự cấp" cho các ngành công nghiệp chiến lược của đất nước, trong đó có lĩnh vực TTNT.

Chính phủTrung Quốccũng đã đưa TTNT vào sáng kiến Internet Plus được công bố năm 2015 như một chiến lược quốc gia nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được chèo lái bởi các công nghệ tiên tiến liên quan đến Internet. Theo đó, phát triển TTNT được hỗ trợ như là một phần của nỗ lực thúc đẩy ngành công nghiệp robot của Trung Quốc. Kế hoạch phát triển ngành công nghiệp Robotics của đất nước này (2016-2020), được lập ra hồi tháng 4/2016, đặt mục tiêu Trung Quốc trở thành bá chủ thế giới với khả năng sản xuất 100.000 robot công nghiệp hàng năm vào năm 2020[1].

Phát triển TTNT cũng là một trọng tâm trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia 5 năm lần thứ 13 ban hành năm 2016. Theo đó, TTNT được xác định là một trong những nhiệm vụ chính của Trung Quốc, xếp thứ 6/69 nhiệm vụ trọng yếu trong Kế hoạch 5 năm nhằm mục tiêu Phát triển các Chiến lược Quốc gia và ngành Công nghiệp mới nổi, định hướng chính sách của chính phủ từ năm 2016 đến năm 2020.

Gần đây là Thông báo của Hội đồng Nhà nước về ban hành Kế hoạch phát triển TTNT thế hệ mới năm ban hành năm 2017. Theo Kế hoạch này thì 2017 được chính thức coi là năm phát triển TTNT đầu tiên của Trung Quốc. Theo Kế hoạch 2017 thì Trung Quốc đã vạch ra lộ trình ba bước để trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về AI vào năm 2030. Lộ trình phát triển TTNT gồm 3 giai đoạn: (i)  Giai đoạn 1: Dự kiến đến năm 2020, Trung Quốc sẽ đạt tiến bộ trong việc phát triển một hệ thống lý thuyết và công nghệ AI; (ii) Giai đoạn 2: Đến năm 2025, AI sẽ trở thành động lực chính cho nền công nghiệp Trung Quốc; và (iii) Giai đoạn 3: Đến năm 2030, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về AI, vượt qua Mỹ.

  1. Thực trạng phát triển TTNT

Theo Báo cáo Phát triển TTNT của Trung Quốc (CISTP, 2018) thì Trung Quốc hiện đứng đầu thế giới về số lượng các bài viết về TTNT cũng như số lượng các bài viết về TTNT được trích dẫn nhiều. Theo đó, tỷ lệ số lượng các bài viểt về TTNT của Trung Quốc đã tăng mạnh mẽ từ 4,26% năm 1997 lên 27,68% năm 2017, vượt xa các nước khác. Các trường đại học hàng đầu của Trung Quốc đã đóng góp ấn tượng trong việc xuất bản nhiều bài viết nghiên cứu về TTNT. Năm 2013 Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành nước đứng đầu về số lượng các công trình nghiên cứu về TTNT được trích dẫn nhiều nhất.

Trung Quốc cũng là quốc gia có số bằng sáng chế về TTNT đứng đầu thế giới, vượt cả Mỹ và Nhật Bản. Cả ba quốc gia này cộng lại chiếm tới 74% số lượng các bằng sáng chế về TTNT. Các bằng sáng chế về TTNT tập trung nhiều ở các lĩnh vực như nhận diện giọng nói, nhận diện hình ảnh, robotics, và máy học. Trong số 30 tổ chức sở hữu hàng đầu về bằng sáng chế TTNT thì số lượng bằng sáng chế của các viện nghiên cứu và trường đại học nhỉnh hơn đôi chút so với khu vực doanh nghiệp (52% so với 48%). Các bằng sáng chế về TTNT của Trung Quốctập trung về các hệ thống xử lý dữ liệu và truyền thông tin số, trong đó các bằng sáng chế về phân tích và xử lý hình ảnh chiếm 16%. Thêm nữa kỹ thuật điện cũng đang trở thành một lĩnh vực quan trọng trong nghiên cứu và các sáng chế về TTNT của Trung Quốc.

Về nguồn nhân lực cho phát triển TTNT thì Trung Quốc hiện đứng thứ hai, tuy nhiên tỷ lệ các tài năng hàng đầu còn thấp. Báo cáo về TTNT của Trung Quốc năm 2018 cho biết, vào cuối 2017 số lượng các chuyên gia về TTNT của Trung Quốc đã lên con số 18.232 người, chiếm 8,9% nhân lực TTNT toàn cầu, chỉ đứng sau Mỹ (13,9%), trong đó các trường đại học và viện nghiên cứu  là cái nôi cung cấp câc chuyên gia TTNT. Tuy nhiên xét về các chuyên gia hàng đầu về TTNT thì Trung Quốc hiện chỉ có 977 người, tương đương 1/5 con số các chuyên gia hàng đầu của Mỹ, xếp thứ 6 trên thế giới về nguồn nhân lực cấp cao về TTNT. Thêm nữa các chuyên gia TTNT quốc tế thường tập trung vào các lĩnh vực bao gồm học máy, khai thác dữ liệuvà nhận dạng mẫu, trong khi các chuyên gia TTNT của Trung Quốc phân bố rải rác trong các lĩnh vực khác nhau. Hiện tại Trung Quốc cũng có chính sách đãi ngộ rất cao với các kĩ sư AI trên toàn thế giới và khuyến khích các trường đại học trong nước tập trung vào công nghệ này. Bởi vậy, thay vì tới Mỹ, châu Âu, nhiều kỹ sư AI đã chọn đến Trung Quốc - nơi mà họ nhận được khoản trợ cấp cao gấp sáu lần số tiền có thể nhận được ở các nước phát triển. Kể cả ông lớn Google cũng đã phải tuyên bố sẽ chọn Trung Quốc là nơi đặt trung tâm nghiên cứu AI đầu tiên của mình tại châu Á.

Về khu vực doanh nghiệp và ứng dụng TTNT, Trung Quốc hiện là trung tâm toàn cầu hàng đầu phát triển TTNT. Các công ty khởi nghiệp và các công ty công nghệ lớn như Baidu, Alibaba, Tencent và DiDi Chuxing đang phát triển các sản phẩm, giải pháp và dịch vụ tiên tiến sử dụng TTNT. Các hãng công nghệ trong đó có Tencent, Baidu hiện đang cạnh tranh với Thung lũng Silicon trong việc phát triển ứng dụng mới của AI, Trung Quốc hiện đứng thứ hai thế giới về số lượng công ty về TTNT và Bắc Kinh là nơi có mật độ tập trung cao nhất các công ty TTNT trên thế giới. Các công ty TTNT của Trung Quốc bắt đầu nở rộ từ 2012 và hiện đã tăng lên tới 1011 công ty vào tháng 6 năm 2018, đứng thứ hai thế giới tuy còn ở mức khoảng một nửa so với Mỹ. Các công ty TTNT của Trung Quốc tập trung nhiều ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Đông. Các công ty TTNT chủ yếu tập trung vào 3 lĩnh vực gồm xử lí giọng nói, hỗ trợ thị giác, và ngôn ngữ tự nhiên và chỉ rất ít tập trung vào các phần cứng cơ bản. 

Về đầu tư mạo hiểm: Trung Quốc đứng đầu thế giới về đầu tư mạo hiểm cho phảt triển TTNT . Trong vòng 5 năm từ 2013=2018 , Trung Quốc đã thu hút khoảng 60% lượng vốn đầu tư mạo hiểm về TTNT của thế giới tuy vẫn sau Mỹ về tổng số các khoản đầu tư mạo hiểm về TTNT.  Năm 2017, giới đầu tư mạo hiểm Trung Quốc rót vốn kỷ lục vào mảng trí tuệ nhân tạo, nhiều đến mức số tiền được bơm vào lĩnh vực này chiếm đến 48% tổng vốn đầu tư mạo hiểm AI toàn cầu. Giới khởi nghiệp Trung Quốc huy động được 4,9 tỉ USD trong năm 2017 chỉ bằng 19 khoản đầu tư. Trong khi đó, các hãng Mỹ huy động được 4,4 tỉ USD với 155 khoản đầu tư.[2]

Về quy mô thị trường TTNT. Năm 2017, thị trường TTNT của Trung Quốc đạt 23,7 tỷ NDT,tăng 67% so với cùng kỳ 2016, với ba phân khúc hàng đầu làthị giác máy tính (34,9%), giọng nói (24,8%) và xử lý ngôn ngữ tự nhiên (21%), và phần cứng vàthuật toán kết hợp chiếm ít hơn 20%thị trường.

Về ứng dụng sản phẩm TTNT thì TTNT được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, trong đó đặc biệt phát triển mạnh mẽ là các ứng dụng về giọng nói và hỗ trợ thị giác. TTNT được ứng dụng nhiều trong y tế, tài chính và an ninh. Thị trường loa thông minh toàn cầu đã tăng trưởng mạnh mẽ với Google và Amazon cộng lại chiếm 60% thị phần. Đứng thứ ba là Alibaba và Xiaomi đứng ở vị trí thứ tư. Năm 2017, thị trường robot toàn cầu đạt 23,2 tỷ USD, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm 27%. Các thị trường liên quan đến TTNT khác như drone, nhà thông minh, lưới điện thông minh, an ninh thông minh, y tế thông minh và tài chính thông minh cũng đang phát triển mạnh mẽ.

Một ví dụ điển hình về những tiến bộ vượt bậc của Trung Quốc trong phát triển TTNT là công nghệ nhận diện của Trung Quốc đã được đưa đến tầm cao mới khi hệ thống camera an ninh tại Trung Quốc sau khi được tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo AI trong hệ thống mang tên Mắt Chuồn Chuồn (Dragonfly Eye). Mắt chuồn chuồn có thể quét dữ liệu hình ảnh của những người sống tại Trung Quốc với tốc độ quét vô cùng ấn tượng: 2 tỷ người/giây. Nhờ vậy, nó đã giúp cảnh sát Thượng Hải bắt giữ thành công 567 tội phạm nguy hiểm chỉ trong vòng 3 tháng[3].

  1. Hàm ý chính sách đối với kinh tế - xã hội của Trung Quốc

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc và giới hoạch định chính sách thể hiện kỳ vọng lớn cũng như thái độ lạc quan với triển vọng phát triển của TTNT, với nhiều kỳ vọng đóng góp cải thiện tăng trưởng kinh tế và tác động tích cực đến khía cạnh xã hội, đặc biệt là tạo việc làm và cải thiện thu nhập người dân, tuy nhiên cũng kèm theo những tác động thay thế cần lưu tâm.

Xét ở góc độ kinh tế, TTNT có thể giúp GDP toàn cầu tăng thêm 14% (tương đương 15,7 ngàn tỷ USD) vào năm 2030 và Trung Quốc chính là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất với GDP tăng tới 26%, tức gần gấp đôi so với mức tăng chung toàn cầu, tương đương 7 ngàn tỷ USD tăng thêm vào 2030 (PWC, 2017). TTNT đã đem lại lợi ích kinh tế to lớn thông qua ba kênh tác động lớn bao gồm: (i) tăng năng suất do các doanh nghiệp tự động hóa quy trình sản xuất (cả việc sử dụng robot và các xe tự hành); (ii) tăng năng suất do các doanh nghiệp tăng cường năng lực của lực lượng lao động hiện tại với các công nghệ TTNT; và (iii) tăng cầu tiêu dùng do sự sẵn có các sản phẩm và dịch vụ được cá thể hóa và/hoặc sản phẩm và dịch vụ cóchất lượng vượt trội nhờ tích hợp các công nghệ TTNT. Sự phát triển mạnh mẽ của TTNT đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị và thích nghi nếu không sẽ chịu tác động phải thu hẹp sản xuất, bị cắt giảm đáng kể thị phần. Theo  dự báo của PWC (2017) thì trong giai đoạn đầu ứng dụng TTNT thì tác động làm tăng năng suất chủ yếu đến từ việc cải thiện các quy trình sản xuất hiện có hơn là tạo ra quá nhiều cái mới.

Lợi ích kinh tế mà TTNT mang lại thông qua tăng cầu tiêu dùng được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt ở ba nhóm ngành gồm dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dịch vụ ô tô và dịch vụ tài chính.

Sự hiện diện của TTNT cùng các công nghệ liên quan có đóng góp rất lớn đến tăng trưởng GDP của Trung Quốc . Báo cáo của PWC (2018) dự báo TTNT đóng góp tới 1,7% trong tốc độ tăng trưởng tổng giá trị gia tăng GVA bình quân 4,3%/năm của nền kinh tế Trung Quốc . (Bảng 1)

Bảng 1. Đóng góp của TTNT vào tăng trưởng GVA giai đoạn 2017-2037

Các ngành/lĩnh vực

Tăng trưởng GVA bình quân (2017-37)

Đóng góp của TTNT vào tăng trưởng GVA

Nông nghiệp

2,3%

0,7%

Công nghiệp

4,0%

1,6%

Xây dựng

4,8%

1,9%

Dich vụ

4,7%

1,9%

Toàn nền kinh tế

4,3%

1,7%

Nguồn: PWC (2018)

 Nghiên cứu của PWC (2018) dự báo TTNT và các công nghệ liên quan có thể thay thế 26% số việc làm hiện tại trong vòng 2 thập kỷ tới. Tuy nhiên số việc làm mới được tạo ra lại nhiều gấp bội. Tính chung số lượng việc làm ròng có thể tăng 12%, tương đương với khoảng 93 triệu việc làm ròng tăng thêm sau khi đã trừ đi số việc làm bị thay thế. Tuy nhiên, tác động của TTNT tới các ngành có mức độ khác biệt lớn. Số lượng việc làm ròng ở Trung Quốc được dự báo diễn ra trong các lĩnh vực dịch vụ, với mức tăng ròng tới 29%, trong đó tăng trưởng việc làm ròng đặc biệt mạnh mẽ trong nhóm ngành chăm sóc sức khỏe. Lĩnh vực xây dựng đứng thứ hai về mức độ tăng trưởng việc làm ròng với khoảng 14 triệu việc làm ròng được tạo ra. Lượng việc làm bị thay thế nhiều nhất là trong khu vực nông nghiệp với tổn thất ròng về lượng việc làm mất đi tới 10%, tương đương 22 triệu việc làm bị thay thế. Các ngành công nghiệp có lượng việc làm mới được tạo ra ngang với lượng việc làm bị thay thế.  (Bảng 2)

Bảng 2: Tác động của TTNT và các công nghệ liên quanđến việc làm 2017-37

 

Số việc làm bị thay thế

Số việc làm mới tạo ra

Số việc làm ròng

%

triệu việc làm

%

triệu việc làm

%

triệu việc làm

Dịch vụ

-21%

-72

50%

169

29%

97

Xây dựng

-25%

-14

48%

29

23%

14

Công nghiệp

-36%

-59

39%

63

3%

4

Nông nghiệp

-27%

-57

16%

35

-10%

-22

Tổng chung

-26%

-204

38%

297

12%

93

Nguồn: PWC (2018)

Hàm ý chính sách đối với phát triển kinh tế-xã hội của Trung Quốc trong bối cảnh thúc đẩy phát triển TTNT như khuyến nghị của PWC (2018) đối với các cơ quan quản lý nhà nước tập trung vào (i) tối đa hóa lợi ích của TTNT; đồng thời (ii) giảm thiểu các tác động bất lợi gắn với sự hiện diện của TTNT.

Trên phương diện tối đa hóa lợi ích của TTNT, ba khuyến nghị được đề xuất bao gồm:

Thứ nhất là thực hiện Kế hoạch phát triển TTNT thế hệ mới 2017một cách đầy đủ và toàn diện, gắn kết chặt chẽ với Chiến lươc MIC2025, qua đó giúp Trung Quốc trở thành một “xã hội thông minh” có hệ sinh thái công nghệ cần thiết để tối đa hóa các lơi ích của TTNT.

Thứ hai là tận dụng lợi thế đô thị hóa nhanh chóng của Trung Quốc để đặt TTNT và các công nghệ liên quan làm cốt lõi trong quy hoạch thành phố thông minh, đặc biệt là trong xây dựng cơ cở hạ tầng kết nối các ngành như xây dựng, năng lượng, cấp thoát nước và giao thông vận tải, qua đó cải thiện thu nhập, tăng năng suất và cải thiện chất lượng cuộc sống thông qua giảm ô nhiễm và tắc nghẽn giao thông. Trung Quốc có kế hoạch tham vọng xây dựng 100 thành phố thông minh trong giai đoạn 2016-2020.

Thứ ba là thúc đẩy mạng lưới đổi mới sáng tạo mở toàn cầu với nền tảng là khai thác cơ sở dữ liệu lớn (big data) và kết nối chặt chẽ với các mạng lưới khoa học kỹ thuật, mạng lưới R&D và các trung tâm đổi mới sáng tạo trên thế giới, tạo điều kiện đảm bảo khai thác thông suốt dòng chảy dữ liệu và thông tin xuyên biên giới. Trung Quốc cũng nên duy trì chính sách nhập cư mở để mời gọi các nhà khoa học hàng đầu về TTNT đến làm việc.

Ở phương diện giảm thiểu các tác động bất lợi gắn với TTNT, đặc biệt gắn với tác động thay thế lao động, ba khuyến nghị được đưa ra bao gồm:

Một là đảm bảo chia sẻ và phân phối công bằng các lợi ích của TTNT. Theo đó mục tiêu sẽ thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng về thu nhập giữa các nhóm dân cư (đặc biệt các nhóm yếu thế) và các khu vực như nông thôn, thành thị, thu hẹp bất bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ xã hội thuận tiện do TTNT mang lại giữa các vùng, các khu vực, các nhóm dân cư thông qua các hệ thống an sinh xã hội và các giải pháp chính sách hỗ theo nhóm dân cư, đặc biệt các nhóm yếu thế, theo vùng , và theo ngành nghề bị ảnh hưởng bởi ứng dụng TTNT;

Hai là, nuôi dưỡng và đào tạo lực lượng lao động có khả năng thích nghi cao thông qua đầu tư mạnh mẽ nâng cấp các kỹ năng thiết yếu cho người lao động trong bối cảnh thế giới tự động hóa ngày càng cao. Theo đó Bộ Giáo dục Trung Quốc gần đây đã ban hành Kế hoạch hành động đổi mới sáng tạo về TTNT thực hiện trong các trường cao đẳng và đại học, qua đó khuyến khích đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng phục vụ TTNT, qua đó nâng cấp các trường đại học của Trung Quốc thành các trường hàng đầu toàn cầu về năng lực khoa học và công nghệ vào năm 2030. Tuy nhiên, để thực sự đưa Trung Quốc đến tuyến đầu của đổi mới sáng tạo toàn cầu thì điều quan trọng là hệ thống giáo dục Trung Quốc làm không bỏ qua giá trị của nghệ thuật và thiết kế, bên cạnh khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán họctrong bối cảnh các đổi mới sáng tạo định hướng khách hàng ngày càng chú trọng nhiều đến trải nghiệm của người sử dụng. Thêm nữa hệ thống giáo dục Trung Quốc cũng cần chú trọng đến phân khúc nhu cầu không thể thay thế về các kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp , đặc biệt khi người dân Trung Quốc ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng dịch vụ trong các nhóm ngành tăng trưởng mạnh như giải trí và chăm sóc sức khỏe.

Ba là, tạo điều kiện thuận lợi cho di chuyển lao động giữa các vùng. Theo phân bố và đặc tính các ngành thì một số vùng sẽ chịu nhiều ảnh hưởng do sự hiện diện của TTNT hơn các vùng khác, đặc biệt là các vùng nông thôn hoặc khu vực nông nghiệp sẽ chịu nhiều ảnh hưởng. Theo dự báo thì đến năm 2050 sẽ có khoảng 250 triệu người di cư từ nông thôn ra các thành phố của Trung Quốc . Để đảm bảo thu hút đúng người và đủ người có kĩ năng phù hợp, đồng thời gia tăng việc làm gắn với sự phát triển TTNT thì cần rà soát cải cách hệ thống quản lý nhân khẩu thông qua “hộ khẩu” hiện thời. Đồng thời mở rộng chính sách nhập cư để chào đón người tài và nhân sự về TTNT đến Trung Quốc làm việc trong bối cảnh TTNT phát triển nhanh và quá trình già hóa dân số cũng diễn ra nhanh ở Trung Quốc.

 

 

 



[2] Nguồn: https://thanhnien.vn/cong-nghe/3-diem-giup-trung-quoc-vuot-my-ve-cong-nghe-tri-tue-nhan-tao-1033553.html

[3] Nguồn: http://soha.vn/cong-nghe-ai-khung-cua-trung-quoc-vach-mat-toi-pham-giua-2-ty-nguoi-trong-1-giay-2017121309115911.htm