VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

S%E1%BB%91%20li%E1%BB%87u%20th%E1%BB%91ng%20k%C3%AA

Tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2019

31/05/2019 - 295 Lượt xem

 

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tháng 5/2019 gặp khó khăn. Dịch tả lợn châu Phi diễn biến khá phức tạp, tiếp tục lây lan trên diện rộng. Sản lượng lúa đông xuân ước tính giảm 45 nghìn tấn so với vụ đông xuân năm trước. Ngành thủy sản tuy duy trì mức tăng khá cả về sản lượng khai thác và nuôi trồng nhưng xuất khẩu thủy sản có xu hướng giảm do sản lượng tôm nước lợ, cá tra xuất khẩu vào thị trường Mỹ và Trung Quốc giảm.

a) Nông nghiệp

Sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào chăm sóc lúa đông xuân ở các địa phương phía Bắc; thu hoạch lúa, hoa màu vụ đông xuân và gieo trồng lúa hè thu ở các địa phương phía Nam. Vụ lúa đông xuân năm nay cả nước gieo cấy được 3.123,4 nghìn ha, bằng 100,7% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 1.116,7 nghìn ha, bằng 99% (giảm 10,9 nghìn ha) do một số địa phương chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa sang sử dụng cho mục đích khác[1]; các địa phương phía Nam đạt 2.006,7 nghìn ha, bằng 101,6%.

Tại các địa phương phía Bắc, sản xuất lúa đông xuân năm nay gặp thời tiết diễn biến bất thường, mùa đông nắng ấm, mùa hè có mưa phùn và gió mùa, thời tiết trái vụ khiến lúa trổ bông cho thu hoạch sớm, làm giảm năng suất. Theo báo cáo sơ bộ, nếu từ nay đến cuối vụ không có mưa bão và sâu bệnh bất thường, năng suất lúa đông xuân của các địa phương phía Bắc ước tính đạt 63,8 tạ/ha, giảm 0,3 tạ/ha so với vụ đông xuân trước; sản lượng ước tính đạt 7,1 triệu tấn, giảm 103,4 nghìn tấn. Tuy nhiên, dự báo trong thời gian tới, tại khu vực phía Bắc sẽ xảy ra các đợt mưa lớn tập trung vào đúng thời điểm thu hoạch lúa đông xuân, ngành Nông nghiệp cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, phát hiện sớm sâu bệnh gây hại trên lúa, bố trí nhân lực, máy móc thu hoạch lúa để tránh thiệt hại do mưa bão kèm lốc xoáy gây ra.

Tại các địa phương phía Nam, đến trung tuần tháng Năm thu hoạch được 1.918,1 nghìn ha lúa đông xuân, chiếm 95,6% diện tích xuống giống và bằng 101,9% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long cơ bản đã thu hoạch xong, đạt 1.601,7 nghìn ha, chiếm 99,8% và bằng 102,3%. Ước tính năng suất lúa đông xuân của các địa phương phía Nam năm nay đạt 66,9 tạ/ha, giảm 0,8 tạ/ha so với vụ đông xuân năm trước; sản lượng đạt 13,4 triệu tấn, tăng 58,8 nghìn tấn. Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nắng nóng kéo dài trên diện rộng gây ảnh hưởng đến năng suất lúa, ước tính năng suất đạt 67,8 tạ/ha, giảm 1,1 tạ/ha so với vụ đông xuân trước; sản lượng đạt 10,8 triệu tấn, tăng 39,3 nghìn tấn.

Cùng với thu hoạch lúa đông xuân, các địa phương phía Nam đã gieo sạ được 1.165,9 nghìn ha lúa hè thu, bằng 104,5% cùng kỳ năm 2018 (vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.077,8 nghìn ha, bằng 104,6%), tiến độ gieo trồng lúa hè thu năm nay nhanh hơn cùng kỳ năm trước do vụ đông xuân được gieo trồng và thu hoạch sớm. Hiện tại lúa hè thu đang trong giai đoạn sinh trưởng và phát triển tương đối tốt, một số diện tích xuống giống sớm đã cho thu hoạch. Tuy nhiên, dự báo vụ hè thu năm nay gặp khó khăn do thời tiết nắng nóng kéo dài, đặc biệt nguy cơ hạn hán, thiếu nước tại các tỉnh Trung Bộ, Tây Nguyên trong các tháng mùa khô. Vì vậy, ngành Nông nghiệp cần kiểm soát và chủ động ngăn ngừa nguy cơ bùng phát sâu bệnh gây hại trên lúa, hạn chế gieo trồng ở những vùng thấp trũng, không chủ động nước tưới hoặc thường xuyên bị ngập úng.

Tính đến giữa tháng Năm, cả nước gieo trồng được 463,7 nghìn ha ngô, bằng 95,8% cùng kỳ năm trước; 70,4 nghìn ha khoai lang, bằng 98,1%; 134,2 nghìn ha lạc, bằng 98,5%; 21,4 nghìn ha đậu tương, bằng 96,4%; 628,9 nghìn ha rau đậu, bằng 101,2%.

Chăn nuôi trâu, bò trong tháng nhìn chung ổn định, chăn nuôi gia cầm tiếp tục đạt khá, riêng chăn nuôi lợn gặp khó khăn do dịch tả lợn Châu Phi đang lây lan trên diện rộng và đã xảy ra ở các địa phương có quy mô chăn nuôi lớn[2]. Đàn trâu cả nước trong tháng ước tính giảm 3,2% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò tăng 2,9%; đàn gia cầm tăng 7,1%; đàn lợn giảm 5,5%. Tính đến ngày 21/5/2019, cả nước không còn dịch lợn tai xanh; dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày còn ở tỉnh Vĩnh Long, Hậu Giang; dịch lở mồm long móng chưa qua 21 ngày còn ở Đắk Lắk.

b) Lâm nghiệp

Sản xuất lâm nghiệp tháng 5/2019 chủ yếu tập trung vào chăm sóc rừng trồng ở các địa phương phía Bắc, chuẩn bị cho mùa trồng rừng vụ thu ở phía Nam. Diện tích rừng trồng tập trung tháng Năm ước tính đạt 29 nghìn ha, giảm 9,4% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 5,7 triệu cây, giảm 0,9%; sản lượng gỗ khai thác đạt 1.428 nghìn m3, tăng 4,9%; sản lượng củi khai thác đạt 2 triệu ste, giảm 1,9%. Một số địa phương có sản lượng gỗ khai thác tăng khá: Quảng Nam ước tính đạt 200 nghìn m3, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước; Quảng Ngãi đạt 160,4 nghìn m3, tăng 7,2%; Thanh Hóa đạt 52,4 nghìn m3, tăng 7%. Tính chung 5 tháng đầu năm, diện tích rừng trồng tập trung ước tính đạt 85,9 nghìn ha, giảm 6,9% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 28,1 triệu cây, giảm 3,2%; sản lượng gỗ khai thác đạt 5.370 nghìn m3, tăng 4,5%; sản lượng củi khai thác đạt 7,3 triệu ste, giảm 1,7%.

Thời tiết trong tháng nắng nóng ở nhiều nơi, ảnh hưởng đến hoạt động bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng. Tháng 5/2019, cả nước có 254,6 ha rừng bị thiệt hại, gấp 3,5 lần cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 191,9 ha, gấp 10 lần; diện tích rừng bị chặt phá là 62,7 ha, tăng 17%. Một số tỉnh có diện tích rừng bị cháy lớn trong tháng: Sơn La cháy 81,3 ha; Kiên Giang 48 ha; Điện Biên 20,9 ha; Quảng Ngãi 13,5 ha; Phú Yên 13,3 ha. Tính chung 5 tháng đầu năm, diện tích rừng bị thiệt hại là 496,7 ha, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 290,4 ha, tăng 49%; diện tích rừng bị chặt phá là 206,3 ha, tăng 0,2%.

c) Thủy sản

Sản lượng thủy sản tháng Năm ước tính đạt 764,1 nghìn tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá đạt 579 nghìn tấn, tăng 6,2%; tôm đạt 82,5 nghìn tấn, tăng 7,6%; thủy sản khác đạt 102,6 nghìn tấn, tăng 7,1%.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng tháng 5/2019 ước tính đạt 409,6 nghìn tấn, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 301,4 nghìn tấn, tăng 6,8%; tôm đạt 71,2 nghìn tấn, tăng 9,5%. Nuôi cá tra không gặp thuận lợi do giá cá tra nguyên liệu có xu hướng giảm, sản lượng cá tra xuất khẩu vào các thị trường chính như Mỹ, Trung Quốc giảm, tuy nhiên xuất khẩu sang thị trường EU và ASEAN lại gia tăng. Sản lượng cá tra tháng Năm ước tính đạt 126,5 nghìn tấn, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Đồng Tháp đạt 33,9 nghìn tấn, tăng 4,9%; An Giang đạt 33,4 nghìn tấn, tăng 24,6%; Bến Tre đạt 17,5 nghìn tấn, tăng 20%; Cần Thơ đạt 17,5 nghìn tấn, tăng 7,4%. Nuôi tôm đang bắt đầu vào mùa thu hoạch chính. Sản lượng tôm sú tháng Năm ước tính đạt 27,9 nghìn tấn, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2018; sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 38,4 nghìn tấn, tăng 12,9%.

Sản lượng thủy sản khai thác tháng 5/2019 ước tính đạt 354,5 nghìn tấn, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 277,6 nghìn tấn, tăng 5,5%; tôm đạt 11,3 nghìn tấn, giảm 3,4%; thủy sản khác đạt 65,6 nghìn tấn, tăng 7,7%. Thời tiết trong tháng tương đối thuận lợi cho hoạt động khai thác biển. Sản lượng thủy sản khai thác biển tháng Năm đạt 339,5 nghìn tấn, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 5 tháng đầu năm, sản lượng thủy sản ước tính đạt 3.004,5 nghìn tấn, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 1.496,7 nghìn tấn, tăng 7%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 1.507,8 nghìn tấn, tăng 5,4% (sản lượng khai thác biển đạt 1.441,3 nghìn tấn, tăng 5,5%).

Sản xuất nông nghiệp đến ngày 15 tháng 5 năm 2019
 
   2. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm 2019 đạt mức tăng khá nhờ kết quả sản xuất tích cực trong tháng Năm của ngành chế biến, chế tạo; ngành sản xuất, phân phối điện và cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng chung của toàn ngành với chỉ số sản xuất tháng Năm tăng cao nhất 5 năm qua[3], đáng chú ý là ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính, sản phẩm quang học tháng Năm bắt đầu phục hồi sau 2 tháng liên tiếp tăng trưởng âm.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5/2019 ước tính tăng 4,6% so với tháng trước và tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng giảm 1,5%; ngành chế biến, chế tạo tăng 11,6%; sản xuất và phân phối điện tăng 11%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,4%.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2019, IIP ước tính tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 10,3% của cùng kỳ năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng 7,4% và 6,6% của cùng kỳ năm 2016 và năm 2017. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,9% (cùng kỳ năm trước tăng 12,1%), đóng góp 8,4 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,3%, đóng góp 0,9 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,9%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước (khai thác dầu thô giảm 7,9%, khai thác than tăng 12,9%), làm giảm 0,02 điểm phần trăm mức tăng chung.

Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 5 tháng đầu năm 2019 tăng cao so với cùng kỳ năm trước, đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp: Sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 84%; sản xuất kim loại tăng 40,5%; khai thác quặng kim loại tăng 14,9%; sản xuất xe có động cơ tăng 14,7%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 14,1%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 13,7%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 13,5%; khai thác than cứng và than non tăng 12,9%; dệt tăng 11,3%. Một số ngành có mức tăng thấp hoặc giảm: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 3,1% (cùng kỳ năm trước tăng 18,3%); sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 2,6%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 1,4%; sản xuất phương tiện vận tải khác (sản xuất mô tô, xe máy) giảm 2,3%; hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ và quặng giảm 3,5%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 4%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 5 tháng đầu năm nay tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Xăng, dầu tăng 74,7%; sắt, thép thô tăng 66,2%; ti vi tăng 34,2%; khí hóa lỏng (LPG) tăng 26,2%; ô tô tăng 17,1%; phân u rê tăng 14,9%; sơn hóa học tăng 14,5%; thức ăn cho thủy sản tăng 13%; than sạch tăng 12,7%. Một số sản phẩm tăng thấp hoặc giảm: Thuốc lá điếu tăng 2,6%; sữa bột tăng 2,5%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 0,2%; thức ăn cho gia súc giảm 1,6%; phân hỗn hợp NPK giảm 2,9%; dầu thô khai thác giảm 8%; đường kính giảm 13,6%; linh kiện điện thoại giảm 17,9%.

Trong 5 tháng đầu năm 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp của 59/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó Thanh Hóa tiếp tục dẫn đầu với mức tăng 44,8% do Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn mới đi vào sản xuất từ giữa năm 2018; Trà Vinh tăng 37,8% do Công ty Nhiệt điện Duyên hải tăng sản lượng điện sản xuất; Hà Tĩnh tăng 32,8% chủ yếu do đóng góp của Tập đoàn Formosa. Chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn như sau: Hải Phòng tăng 23,1%; Quảng Ninh tăng 13,3%; Vĩnh Phúc tăng 12,1%; Hải Dương tăng 9%; Thái Nguyên tăng 7,9%; Đồng Nai tăng 7,8%; Hà Nội tăng 7,2%; Bình Dương tăng 7,1%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 6,6%; Cần Thơ tăng 6,3%; Quảng Nam tăng 5,2%; Đà Nẵng tăng 4%. Các địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp giảm so với cùng kỳ năm trước: Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 0,1% do khai thác dầu thô tiếp tục giảm; Hà Giang giảm 1,6%; Bắc Ninh giảm 9,5% do sản xuất sản phẩm linh kiện điện thoại giảm mạnh; Gia Lai giảm 11,3% do sản xuất đường ngừng vụ sớm hơn mọi năm và sản xuất điện giảm.

Lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/5/2019 tăng 1,4% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 2,2% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 0,9%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 1,3%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 3,1%. Tại thời điểm trên, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng giảm 0,9% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 2,3%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 1,6%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,2%.

Lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/5/2019 so với cùng thời điểm năm trước của một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn như sau: Hải Phòng tăng 10,6%; Bình Dương tăng 7,5%; Quảng Nam tăng 5,6%; Thái Nguyên tăng 1,6%; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 1,3%; Hải Dương, Vĩnh Phúc và Cần Thơ cùng tăng 1,1%; Quảng Ninh tăng 0,9%; Đồng Nai tăng 0,7%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 0,3%; Hà Nội bằng cùng kỳ năm trước; Bắc Ninh giảm 11,2%[4] và Đà Nẵng giảm 13,4%[5].

Chỉ số sản xuất công nghiệp
 
Một số sản phẩm chủ yếu của ngành công nghiệp
 
Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp
 
   3. Tình hình đăng ký doanh nghiệp[6]

Làn sóng khởi nghiệp tiếp tục là kênh huy động nguồn vốn cho nền kinh tế. Trong 5 tháng đầu năm 2019 có gần 54 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, số lượng doanh nghiệp đăng ký cao nhất trong 5 năm qua[7]. Nếu tính chung cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký tăng thêm, trong 5 tháng đầu năm nay ước tính các doanh nghiệp bổ sung vốn đăng ký cho nền kinh tế gần 1,7 triệu tỷ đồng.   

Trong tháng 5/2019, cả nước có 10,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 127,3 nghìn tỷ đồng, giảm 28% về số doanh nghiệp và giảm 23,8% về số vốn đăng ký so với tháng trước[8]; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 11,9 tỷ đồng, tăng 5,9%; tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới là 88,1 nghìn người, giảm 33%. Trong tháng, cả nước còn có 2.461 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 9,3% so với tháng trước; 2.326 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 6,8%; có 2.089 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 9,7%; có 1.066 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 10,3%.

Tính chung 5 tháng đầu năm nay, cả nước có gần 54 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 669,7 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2% về số doanh nghiệp và tăng 29,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 12,4 tỷ đồng, tăng 25,6%[9]. Nếu tính cả 987,4 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 5 tháng năm 2019 là 1.657,1 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 19,6 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 48,1% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 5 tháng lên hơn 73,6 nghìn doanh nghiệp. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 5 tháng đầu năm nay là 537,2 nghìn người, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm trước.

Theo khu vực kinh tế, trong 5 tháng đầu năm có 752 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 1,4% tổng số doanh nghiệp thành lập mới; có 14.722 doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, chiếm 27,3%; có 38.524 doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, chiếm 71,3%. Trong đó, phần lớn các lĩnh vực hoạt động có số doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm trước: Có 7,1 nghìn doanh nghiệp xây dựng (chiếm 13,2% tổng số doanh nghiệp thành lập mới), tăng 0,2%; 6,8 nghìn doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 12,7%), tăng 6%; 4,5 nghìn doanh nghiệp khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác (chiếm 8,3%), tăng 12,1%; 3,17 nghìn doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (chiếm 5,9%), tăng 21%; 3,16 nghìn doanh nghiệp dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (chiếm 5,8%), tăng 3,4%... Một số lĩnh vực có số doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm trước: Ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 17,6 nghìn doanh nghiệp (chiếm 32,6% tổng số doanh nghiệp thành lập mới), giảm 0,8%; Dịch vụ lưu trú và ăn uống có 2,5 nghìn doanh nghiệp (chiếm 4,7%), giảm 6%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có 579 doanh nghiệp (chiếm 1,1%), giảm 13,2%; khai khoáng có 258 doanh nghiệp (chiếm 0,5%), giảm 4,8%...

Trong 5 tháng đầu năm nay, hầu hết các vùng kinh tế có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm trước: Vùng Đồng bằng sông Hồng có 16,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 5,9% (vốn đăng ký đạt 167,7 nghìn tỷ đồng, tăng 13%); Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 7,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 5,9% (vốn đăng ký 69 nghìn tỷ đồng, tăng 1%); Tây Nguyên 1,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 7,3% (vốn đăng ký 15,9 nghìn tỷ đồng, tăng 90,5%); Đông Nam Bộ 22,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 1,7% (vốn đăng ký 353,1 nghìn tỷ đồng, tăng 50,1%); Đồng bằng sông Cửu Long 3,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 0,2% (vốn đăng ký 39,6 nghìn tỷ đồng, tăng 6,4%). Riêng vùng Trung du và miền núi phía Bắc có số doanh nghiệp thành lập mới đạt 2 nghìn doanh nghiệp, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước (vốn đăng ký 24,4 nghìn tỷ đồng, tăng 26,1%).

Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong 5 tháng đầu năm nay là 19,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước. Theo lĩnh vực hoạt động, có 7,2 nghìn doanh nghiệp ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (chiếm 37,6%), tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước; có 2,9 nghìn doanh nghiệp xây dựng (chiếm 15,1%), tăng 18%; 2,2 nghìn doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 11,6%), tăng 11,2%; có 1,2 nghìn doanh nghiệp khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác (chiếm 6,3%), tăng 28%; có gần 1,2 nghìn doanh nghiệp vận tải, kho bãi (chiếm 6,1%), tăng 22,6%; có 1 nghìn doanh nghiệp dịch vụ lưu trú và ăn uống (chiếm 5,4%), tăng 26%... Trong 5 tháng đầu năm nay còn có 19.354 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, trong đó có 9.522 doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo chương trình chuẩn hóa dữ liệu từ năm 2018, chiếm 49,2% tổng số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; doanh nghiệp thông báo giải thể là 5.234 doanh nghiệp, chiếm 27% và 4.598 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, chiếm 23,8%.

Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 5 tháng đầu năm 2019 là 6.371 doanh nghiệp, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 5.755 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng (chiếm 90,3% tổng số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể), tăng 13,7%. Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 2,5 nghìn doanh nghiệp (chiếm 40%), tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước; công nghiệp chế biến, chế tạo có 682 doanh nghiệp (chiếm 10,7%), giảm 12,5%; xây dựng có 624 doanh nghiệp (chiếm 9,8%), tăng 4,2%.

Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới
 
Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động
 
Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn
 
Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể
 
   4. Đầu tư

Tình hình thực hiện vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước tháng Năm và 5 tháng đầu năm 2019 chưa cải thiện nhiều, đạt mức tăng thấp nhất trong các năm giai đoạn 2016-2019[10]. Trong khi đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục khởi sắc với mức kỷ lục về cả số dự án và vốn đăng ký cấp mới, tính đến thời điểm 20/5/2019, số dự án cấp mới là 1.363 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 6,5 tỷ USD, cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây[11].

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng Năm ước tính đạt 25,6 nghìn tỷ đồng, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn Trung ương 3,2 nghìn tỷ đồng, giảm 28,5%; vốn địa phương 22,4 nghìn tỷ đồng, tăng 7,8%. Tính chung 5 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 99,5 nghìn tỷ đồng, bằng 28,9% kế hoạch năm và tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2018 bằng 27,4% và tăng 9,3%), gồm có:

- Vốn Trung ương quản lý đạt 12,3 nghìn tỷ đồng, bằng 26,5% kế hoạch năm và giảm 29,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn đầu tư thực hiện của Bộ Giao thông Vận tải đạt 2.608 tỷ đồng, bằng 35,4% và giảm 57,8%; Bộ Y tế 1.013 tỷ đồng, bằng 19,2% và tăng 21%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 721 tỷ đồng, bằng 21,8% và giảm 57,4%; Bộ Giáo dục và Đào tạo 270 tỷ đồng, bằng 20,9% và giảm 9,9%; Bộ Tài nguyên và Môi trường 238 tỷ đồng, bằng 18,1% và giảm 34,5%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 185 tỷ đồng, bằng 24,8% và giảm 8,7%; Bộ Khoa học và Công nghệ 93 tỷ đồng, bằng 30,4% và tăng 47,8%; Bộ Xây dựng 54 tỷ đồng, bằng 21,7% và giảm 23,4%; Bộ Công Thương 46 tỷ đồng, bằng 18,8% và giảm 25,2%; Bộ Thông tin và Truyền thông 36 tỷ đồng, bằng 22,5% và tăng 5,5%.

- Vốn địa phương quản lý đạt 87,2 nghìn tỷ đồng, bằng 29,2% kế hoạch năm và tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 59 nghìn tỷ đồng, bằng 28,1% và tăng 8,7%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 23,7 nghìn tỷ đồng, bằng 31,3% và tăng 14,4%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 4,5 nghìn tỷ đồng, bằng 35,6% và tăng 11,4%. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 5 tháng đầu năm 2019 của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau: Hà Nội đạt 12.885 tỷ đồng, bằng 26,1% kế hoạch năm và tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước; thành phố Hồ Chí Minh 6.840 tỷ đồng, bằng 18,6% và tăng 9,7%; Quảng Ninh 3.361 tỷ đồng, bằng 29,1% và tăng 30,8%; Thanh Hóa 2.901 tỷ đồng, bằng 37,2% và tăng 19,5%; Bà Rịa - Vũng Tàu 2.565 tỷ đồng, bằng 38,9% và tăng 19,1%; Hải Phòng 2.485 tỷ đồng, bằng 27,4% và tăng 7,6%; Quảng Nam 2.419 tỷ đồng, bằng 32,6% và tăng 16%; Vĩnh Phúc 2.159 tỷ đồng, bằng 34,6% và tăng 2,8%.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/5/2019 thu hút 1.363 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 6.457,9 triệu USD, tăng 26,7% về số dự án và tăng 38,7% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, có 505 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 2.628,8 triệu USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 5 tháng đầu năm đạt 9.086,7 triệu USD, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2018. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 5 tháng ước tính đạt 7,3 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2018. Trong 5 tháng còn có 3.160 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 7,65 tỷ USD, gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có 614 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 5,33 tỷ USD và 2.546 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 2,32 tỷ USD.

Trong 5 tháng năm nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt 4.744,4 triệu USD, chiếm 73,5% tổng vốn đăng ký cấp mới; ngành hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 742,3 triệu USD, chiếm 11,5%; các ngành còn lại đạt 971,2 triệu USD, chiếm 15%. Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 5 tháng đạt 7.011,2 triệu USD, chiếm 77,2% tổng vốn đăng ký; ngành hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 752,1 triệu USD, chiếm 8,3%; các ngành còn lại đạt 1.323,4 triệu USD, chiếm 14,5%. Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 5.004,2 triệu USD, chiếm 65,4% tổng giá trị góp vốn; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 627,9 triệu USD, chiếm 8,2%; các ngành còn lại đạt 2.018,3 triệu USD, chiếm 26,4%.

Cả nước có 46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới trong 5 tháng đầu năm, trong đó Tây Ninh có số vốn đăng ký lớn nhất với 595,7 triệu USD, chiếm 9,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Bình Dương 589,9 triệu USD, chiếm 9,1%; Bắc Ninh 559,3 triệu USD, chiếm 8,7%; thành phố Hồ Chí Minh 472,2 triệu USD, chiếm 7,3%; Đồng Nai 400,3 triệu USD, chiếm 6,2%; Tiền Giang 346,9 triệu USD, chiếm 5,4%; Bắc Giang 315,4 triệu USD, chiếm 4,9%; Hải Dương 297 triệu USD, chiếm 4,6%; Hải Phòng 289,7 triệu USD, chiếm 4,5%; Đà Nẵng 259 triệu USD, chiếm 4%; Phú Yên 216,8 triệu USD, chiếm 3,4%; Bà Rịa - Vũng Tàu 207 triệu USD, chiếm 3,2%.

Trong số 59 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 5 tháng, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 1.561,4 triệu USD, chiếm 24,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hàn Quốc 1.047 triệu USD, chiếm 16,2%; Xin-ga-po 842,7 triệu USD, chiếm 13%; Đặc khu Hành chính Hồng Công (TQ) 775,7 triệu USD, chiếm 12%; Nhật Bản 732,1 triệu USD, chiếm 11,3%; Thái Lan 328,7 triệu USD, chiếm 5,1%; Đài Loan 281,1 triệu USD, chiếm 4,4%; Quần đảo Vigin thuộc Anh 224,7 triệu USD, chiếm 3,5%.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 5 tháng năm nay có 55 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn của phía Việt Nam là 98,3 triệu USD; 14 dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là 84,8 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) 5 tháng năm 2019 đạt 183,1 triệu USD, trong đó lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ đạt 81,9 triệu USD, chiếm 44,7% tổng vốn đầu tư; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm đạt 37,1 triệu USD, chiếm 20,3%; thông tin và truyền thông đạt 31 triệu USD, chiếm 16,9%; bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 18,2 triệu USD, chiếm 9,9%. Trong 5 tháng có 25 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó Tây Ban Nha là nước dẫn đầu với 59,8 triệu USD, chiếm 32,7% tổng vốn đầu tư; Hoa Kỳ 44,3 triệu USD, chiếm 24,2%; Cam-pu-chia 38 triệu USD, chiếm 20,8%; Ma-lai-xi-a 14,2 triệu USD, chiếm 7,8%.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 5 và 5 tháng năm 2019
 
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài được cấp phép từ 01/01- 20/5/2019
 
  5. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Thu ngân sách Nhà nước 15 ngày đầu tháng 5/2019 giảm nhẹ (1,4 nghìn tỷ đồng) so với 15 ngày đầu tháng 4/2019 do một số khoản thu phát sinh trong quý I/2019 đã tập trung thu vào đầu tháng 4 nhưng vẫn ở mức cao so với 15 ngày đầu tháng 3/2019 (tăng trên 10 nghìn tỷ đồng). Chi ngân sách tiếp tục tập trung đảm bảo chi trả nợ, quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội và hoạt động của bộ máy nhà nước.

Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/5/2019 ước tính đạt 553,5 nghìn tỷ đồng, bằng 39,2% dự toán năm, trong đó thu nội địa 447,6 nghìn tỷ đồng, bằng 38,1%; thu từ dầu thô 21,8 nghìn tỷ đồng, bằng 48,9%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 83,3 nghìn tỷ đồng, bằng 44%. Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 60,9 nghìn tỷ đồng, bằng 34,3% dự toán năm; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 77,2 nghìn tỷ đồng, bằng 36,1%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước 94,2 nghìn tỷ đồng, bằng 39%; thu thuế thu nhập cá nhân 48,2 nghìn tỷ đồng, bằng 42,6%; thu thuế bảo vệ môi trường 18,1 nghìn tỷ đồng, bằng 26,3%; thu tiền sử dụng đất 39,2 nghìn tỷ đồng, bằng 43,5%.

Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/5/2019 ước tính đạt 486,9 nghìn tỷ đồng, bằng 29,8% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 358,2 nghìn tỷ đồng, bằng 35,8%; chi đầu tư phát triển 82,5 nghìn tỷ đồng, bằng 19,2%; chi trả nợ lãi 43,9 nghìn tỷ đồng, bằng 35,2%.

6. Thương mại, giá cả, vận tải và du lịch

a) Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Hoạt động thương mại dịch vụ 5 tháng đầu năm nay tăng khá, lượng cung hàng hóa trên thị trường dồi dào, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng. Cùng với những kỳ nghỉ Lễ, hoạt động vui chơi, giải trí, ăn uống ngoài gia đình làm cho tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khá so với cùng kỳ năm trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2019 ước tính đạt 403,8 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 306,9 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% và tăng 12,7%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 48,7 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3% và tăng 9,6%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 3,5 nghìn tỷ đồng, giảm 0,4% và tăng 10,3%; doanh thu dịch vụ khác đạt 44,7 nghìn tỷ đồng, tăng 3,6% và tăng 5,2%.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 1.983,7 nghìn tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,6% (cùng kỳ năm 2018 tăng 8,5%).

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 5 tháng đầu năm ước tính đạt 1.518 nghìn tỷ đồng, chiếm 76,5% tổng mức và tăng khá với mức tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Lương thực, thực phẩm tăng 13,3%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 12,8%; may mặc tăng 11,4%; phương tiện đi lại tăng 11,2%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 10,6%. Một số địa phương có mức tăng khá: Bình Dương tăng 19,7%; Quảng Ninh tăng 18,8%; Quảng Nam tăng 17,7%; Thanh Hóa tăng 15,9%; Hải Phòng tăng 15,2%; Thái Nguyên tăng 14,8%; Hà Nội tăng 14%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 13,7%; Bắc Ninh tăng 11,6%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 5 tháng đầu năm ước tính đạt 236 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,9% tổng mức và tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu của Bình Định tăng 18,3%; Quảng Ninh tăng 16%; Khánh Hòa tăng 15,7%; Hải Phòng tăng 15,1%; Cần Thơ tăng 13,6%; Đà Nẵng tăng 10,7%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 9,8%; Hà Nội tăng 9,7%.

Doanh thu du lịch lữ hành 5 tháng ước tính đạt 18,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% tổng mức và tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Quảng Ninh tăng 25,4%; Bình Định tăng 22,9%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 18,2%; Khánh Hòa tăng 17,4%; Lâm Đồng tăng 10,9%; Cần Thơ tăng 10,8%; Hà Nội tăng 8,1%;

Doanh thu dịch vụ khác 5 tháng ước tính đạt 211,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,7% tổng mức và tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó doanh thu của Bình Định tăng 16%; Quảng Ninh tăng 15,7%; Đà Nẵng tăng 13,9%; Khánh Hòa tăng 13,7%; Thừa Thiên - Huế tăng 8,8%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 8,7%; Hải Phòng tăng 7,2%; Hà Nội tăng 4,5%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
 
   b) Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2019 ước tính đạt 202,02 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 100,74 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng 19% và 17,5% của 5 tháng đầu năm 2017 và 2018, đáng chú ý là xuất khẩu một số mặt hàng nông sản như gạo, cà phê, hạt điều, hạt tiêu trong 5 tháng đầu năm tiếp tục giảm về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa tháng Năm ước tính nhập siêu tới 1,3 tỷ USD, tính chung 5 tháng nhập siêu 548 triệu USD.

Xuất khẩu hàng hóa

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu thực hiện tháng 4/2019 đạt 20.440 triệu USD, cao hơn 540 triệu USD so với số ước tính, trong đó sắt thép cao hơn 104 triệu USD, xăng dầu cao hơn 85 triệu USD; điện tử, máy tính và linh kiện cao hơn 75 triệu USD; giày dép cao hơn 56 triệu USD; dệt may cao hơn 43 triệu USD; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng cao hơn 36 triệu USD; xơ sợi dệt và gạo cùng cao hơn 32 triệu USD; hạt điều và rau quả cao hơn 27 triệu USD; hóa chất cao hơn 20 triệu USD.

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 5/2019 ước tính đạt 21,50 tỷ USD, tăng 5,2% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 6,71 tỷ USD, tăng 3,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 14,79 tỷ USD, tăng 5,8%. Một số mặt hàng xuất khẩu trong tháng Năm có kim ngạch tăng so với tháng trước: Dầu thô tăng 62,5%; giày dép tăng 20,2%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 12,6%; dệt may tăng 11%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Năm tăng 7,5%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 10,7%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 6,1%. Một số mặt hàng xuất khẩu có giá trị tăng: Hóa chất tăng 57,3%; điện thoại và linh kiện tăng 19,5%; rau quả tăng 15,8%; giày dép tăng 13,8%; hàng dệt may tăng 10,8%.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 100,74 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 30,33 tỷ USD, tăng 11,6%, chiếm 30,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 70,41 tỷ USD, tăng 4,7%, chiếm 69,9% (tỷ trọng giảm 1,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước).

Trong 5 tháng có 19 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 84,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 19,9 tỷ USD, chiếm 19,7% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 12,3 tỷ USD, tăng 11,1%; hàng dệt may đạt 12,1 tỷ USD, tăng 10,3%; giày dép đạt 7,1 tỷ USD, tăng 14,3%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 6,8 tỷ USD, tăng 5,7%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4 tỷ USD, tăng 18,3%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 3,6 tỷ USD, tăng 4,7%; thủy sản đạt 3,2 tỷ USD, giảm 1%. Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng nông sản 5 tháng năm nay giảm so với cùng kỳ năm trước: Cà phê đạt 1,3 tỷ USD, giảm 23% (lượng giảm 13,1%); hạt điều đạt 1,2 tỷ USD, giảm 14,1% (lượng tăng 8,8%); gạo đạt 1,2 tỷ USD, giảm 20% (lượng giảm 5,3%); hạt tiêu đạt 374 triệu USD, giảm 2,1% (lượng tăng 32,3%). Riêng rau quả đạt 1,8 tỷ USD, tăng 8,8%; cao su đạt 673 triệu USD, tăng 4% (lượng tăng 11,9%).

Về thị trường hàng hóa xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2019, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 22,6 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước, trong đó điện thoại và linh kiện tăng 109,2%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 58,4%; hàng dệt may tăng 9,8%. Tiếp đến là thị trường EU đạt 17,3 tỷ USD, tăng 1,9%, trong đó máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 21,1%; giày dép tăng 7,1%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 3,2%. Trung Quốc đạt 13,4 tỷ USD, giảm 2,6%, trong đó thủy sản giảm 11,8%; điện thoại và linh kiện giảm 56,6%; gạo giảm 78,7%. Thị trường ASEAN đạt 10,6 tỷ USD, tăng 5,2%, trong đó hàng dệt may tăng 31,6%; sắt thép tăng 19,4%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 12,8%. Hàn Quốc đạt 7,9 tỷ USD, tăng 8,9%, trong đó hàng dệt may tăng 16,3%; điện thoại và linh kiện tăng 9,3%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 7,7%. Nhật Bản đạt 7,7 tỷ USD, tăng 4,4%, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện tăng 32,7%; giày dép tăng 16,8%; hàng hệt may tăng 6,5%.

Nhập khẩu hàng hóa

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu thực hiện tháng 4/2019 đạt 20.994 triệu USD, cao hơn 394 triệu USD so với số ước tính, trong đó dầu thô cao hơn 216 triệu USD; điện thoại và linh kiện cao hơn 174 triệu USD; xăng dầu cao hơn 132 triệu USD; kim loại thường thấp hơn 37 triệu USD; khí đốt hóa lỏng thấp hơn 42 triệu USD; thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu thấp hơn 55 triệu USD.

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Năm ước tính đạt 22,8 tỷ USD, tăng 8,6% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 10,2 tỷ USD, tăng 8,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 12,6 tỷ USD, tăng 8,8%. Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng tăng so với tháng trước: Vải tăng 11,8%; sắt thép tăng 9,4%; điện thoại và linh kiện tăng 7,5%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 6,6%. So với cùng kỳ năm 2018, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Năm tăng 8,3%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 11,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 6,2%. Một số mặt hàng có kim ngạch tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Rau quả tăng 64,9%; điện thoại và linh kiện tăng 36,2%; ô tô tăng 25,8%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 13,5%.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2019, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 101,28 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 43,61 tỷ USD, tăng 15,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 57,67 tỷ USD, tăng 6,9%.

Trong 5 tháng có 21 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 80,3% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó một số mặt hàng tăng so với cùng kỳ năm trước: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 19,8 tỷ USD (chiếm 19,5% tổng kim ngạch nhập khẩu), tăng 17,3%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 14,8 tỷ USD, tăng 14,9%; vải đạt 5,4 tỷ USD, tăng 5,8%; sắt thép đạt 4,1 tỷ USD, tăng 0,7%; chất dẻo đạt 3,7 tỷ USD, tăng 2,4%. Bên cạnh đó, một số mặt hàng có giá trị giảm so với cùng kỳ năm 2018: Điện thoại và linh kiện đạt 4,9 tỷ USD, giảm 3,9%; kim loại thường đạt 2,7 tỷ USD, giảm 6,6%.

Về thị trường hàng hóa nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 29,6 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện tăng 82,8%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 27,8%; vải tăng 12,7%. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 19,2 tỷ USD, tăng 1,1%, trong đó điện thoại và linh kiện tăng 11,8%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 11%. Thị trường ASEAN đạt 13,9 tỷ USD, tăng 9,3%, trong đó ô tô nguyên chiếc tăng 601,4%; sắt thép tăng 339,6%. Nhật Bản đạt 7,4 tỷ USD, tăng 0,5%, trong đó ô tô nguyên chiếc tăng 380,1%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 7,8%; vải tăng 6,8%. Hoa Kỳ đạt 5,8 tỷ USD, tăng 23,6%, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện tăng 44,3%; thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu tăng 31,1%, bông tăng 17,3%. Thị trường EU đạt 5,7 tỷ USD, tăng 8,2%, trong đó ô tô nguyên chiếc tăng 396,3%; thức ăn gia súc tăng 91%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 5,2%.

Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng Tư nhập siêu 555 triệu USD[12]; 4 tháng xuất siêu 752 triệu USD; tháng Năm ước tính nhập siêu 1,3 tỷ USD. Tính chung 5 tháng năm 2019 nhập siêu 548 triệu USD[13] (cùng kỳ năm trước xuất siêu 2,6 tỷ USD), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 13,28 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 12,73 tỷ USD.

Hàng hóa xuất khẩu
 
Hàng hóa nhập khẩu
 
   c) Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ

Giá xăng dầu tăng theo giá thế giới cùng với giá điện tăng do sản lượng điện tiêu thụ tăng cao đã ảnh hưởng tới tăng chỉ số giá tiêu dùng trong tháng Năm, tuy nhiên diễn biến của dịch tả lợn châu Phi khiến giá thịt lợn tiếp tục giảm và việc kiên định chính sách tiền tệ linh hoạt giữ vững mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ góp phần kiểm soát lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2019 tăng 0,49% so với tháng trước, CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2019 tăng 2,74% so với cùng kỳ năm 2018, đây là mức tăng bình quân 5 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm trở lại đây[14].

Trong mức tăng 0,49% của CPI tháng 5/2019 so với tháng trước có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng. Nhóm giao thông có mức tăng cao nhất 2,64% do ảnh hưởng từ 2 đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 2/5/2019 và thời điểm 17/5/2019 (tác động làm CPI chung tăng 0,25%). Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,28% chủ yếu do giá điện sinh hoạt tăng 6,86%; giá gas tăng 0,6%; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,66% và giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,54%. Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,18%; may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,12%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,11%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,1%. Nhóm hàng ăn, dịch vụ ăn uống[15] và nhóm giáo dục[16] cùng tăng 0,05% (dịch vụ giáo dục tăng 0,01%); hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,13%. Hai nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại có chỉ số giá giảm: thuốc và dịch vụ y tế giảm 0,06% (dịch vụ y tế giảm 0,1%); bưu chính viễn thông giảm 0,05%.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 5 tháng đầu năm 2019 tăng 2,74% so với bình quân cùng kỳ năm 2018. CPI tháng 5/2019 tăng 1,5% so với tháng 12/2018 và tăng 2,88% so với cùng kỳ năm trước.

Lạm phát cơ bản tháng 5/2019 tăng 0,13% so với tháng trước và tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 5 tháng đầu năm nay tăng 1,85% so với bình quân cùng kỳ năm 2018.

Chỉ số giá vàng tháng 5/2019 giảm 0,5% so với tháng trước; tăng 2,27% so với tháng 12/2018 và giảm 1,02% so với cùng kỳ năm 2018. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 5/2019 tăng 0,45% so với tháng trước; giảm 0,01% so với tháng 12/2018 và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2018.

 

Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng, chỉ số giá đô la Mỹ và lạm phát cơ bản tháng 5 năm 2019
 
  d) Vận tải hành khách và hàng hóa

Vận tải hành khách tháng Năm ước tính đạt 417,4 triệu lượt khách, giảm  0,4% so với tháng trước và 19,1 tỷ lượt khách.km, tăng 0,3%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2019, vận tải hành khách đạt 2.073,4 triệu lượt khách, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước và 93,9 tỷ lượt khách.km, tăng 9,3%, trong đó vận tải trong nước đạt 2.065,8 triệu lượt khách, tăng 10,6% và 73,1 tỷ lượt khách.km, tăng 9,1%; vận tải ngoài nước đạt 7,6 triệu lượt khách, tăng 10,5% và 20,8 tỷ lượt khách.km, tăng 9,9%. Xét theo ngành vận tải, đường bộ đạt 1.960 triệu lượt khách, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước và 65,6 tỷ lượt khách.km, tăng 10,1%; đường thủy nội địa đạt 84,9 triệu lượt khách, tăng 7,8% và 1.656,1 triệu lượt khách.km, tăng 6,7%; đường biển đạt 3,2 triệu lượt khách, tăng 5,5% và 189,4 triệu lượt khách.km, tăng 5,5%; đường hàng không đạt gần 22 triệu lượt khách, tăng 8,3% và 25,1 tỷ lượt khách.km, tăng 8,6%; riêng vận tải đường sắt đạt 3,3 triệu lượt khách, giảm 8,1% và 1.350,3 triệu lượt khách.km, giảm 9,8%.

Vận tải hàng hóa tháng Năm ước tính đạt 137,2 triệu tấn, tăng 1,2% so với tháng trước và 26,2 tỷ tấn.km, tăng 1,1%. Tính chung 5 tháng, vận tải hàng hóa đạt 684,8 triệu tấn, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước và 130,2 tỷ tấn.km, tăng 6,8%, trong đó vận tải trong nước đạt 671,1 triệu tấn, tăng 9% và 73,4 tỷ tấn.km, tăng 10%; vận tải ngoài nước đạt 13,7 triệu tấn, tăng 2,3% và 56,8 tỷ tấn.km, tăng 2,9%. Xét theo ngành vận tải, đường bộ đạt 526,6 triệu tấn, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước và 35,2 tỷ tấn.km, tăng 9,4%; đường thủy nội địa đạt 122,7 triệu tấn, tăng 6,7% và 25,7 tỷ tấn.km, tăng 5,2%; đường biển đạt 33,2 triệu tấn, tăng 5,8% và 67,4 tỷ tấn.km, tăng 6,5%; đường sắt đạt 2,2 triệu tấn, giảm 10,2% và 1,5 tỷ tấn.km, giảm 9,6%; đường hàng không đạt 163,5 nghìn tấn, tăng 13,4% và 412,7 triệu tấn.km, tăng 12,2%.

Vận tải hành khách
 
Vận tải hàng hoá
 
   e) Khách quốc tế đến Việt Nam

Việt Nam tiếp tục là điểm đến thu hút khách du lịch quốc tế, lượng khách liên tục đạt mức 1,3-1,4 triệu lượt khách mỗi tháng kể từ đầu năm. Tính chung 5 tháng, khách quốc tế đến nước ta đã đạt gần 7,3 triệu lượt người, cao hơn mức 6,7 triệu lượt người của cùng kỳ năm trước.

Khách quốc tế đến nước ta trong tháng Năm ước tính đạt 1.326,7 nghìn lượt người, giảm 9,7% so với tháng trước và tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ châu Á tăng 16,2%; từ châu Âu tăng 7,3%; từ châu Mỹ tăng 3,9%; từ châu Úc tăng 7,7%; từ châu Phi tăng 13,1%. Tính chung 5 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 7.295,5 nghìn lượt người, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 5.721,9 nghìn lượt người, tăng 6,3%; bằng đường bộ đạt 1.443,6 nghìn lượt người, tăng 23,7%; bằng đường biển đạt 130 nghìn lượt người, giảm 17,5%.

Trong 5 tháng, khách đến từ châu Á đạt 5.603,4 nghìn lượt người, chiếm 76,8% tổng số khách du lịch đến nước ta, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách đến từ Trung Quốc đạt 2.135,6 nghìn lượt người, giảm 0,8%; Hàn Quốc 1.764,2 nghìn lượt người, tăng 22,4%; Nhật Bản 388,9 nghìn lượt người, tăng 13%; Đài Loan 357,2 nghìn lượt người, tăng 26%; Ma-lai-xi-a 252,5 nghìn lượt người, tăng 14,5%; Thái Lan 215,7 nghìn lượt người, tăng 47,5%; Xin-ga-po 116,6 nghìn lượt người, tăng 3,4%.

Khách đến từ châu Âu ước tính đạt 1.034,7 nghìn lượt người, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khách đến từ Liên bang Nga 319,7 nghìn lượt người, tăng 6,3%; Vương quốc Anh 146,3 nghìn lượt người, tăng 5,7%; Pháp 141,9 nghìn lượt người, tăng 1,5%; Đức 108,4 nghìn lượt người, tăng 6,1%; I-ta-li-a 33,5 nghìn lượt người, tăng 11,4%; Thụy Điển 33,1 nghìn lượt người, tăng 8,3%; Hà Lan 32,5 nghìn lượt người, tăng 4,6%.

Khách đến từ châu Mỹ đạt 441,6 nghìn lượt người, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ Hoa Kỳ đạt 329,2 nghìn lượt người, tăng 6%. Khách đến từ châu Úc đạt 196,2 nghìn lượt người, tăng 1,5%, trong đó khách đến từ Ôx-trây-li-a đạt 175,6 nghìn lượt người, tăng 0,6%. Khách đến từ châu Phi đạt 19,7 nghìn lượt người, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2018.

Khách quốc tế đến Việt Nam
 

7. Một số tình hình xã hội

a) Thiếu đói trong nông dân

Thiếu đói trong nông dân tháng Năm giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, cả nước có 19,3 nghìn hộ thiếu đói, giảm 38,6%, tương ứng với 82,9 nghìn nhân khẩu thiếu đói, giảm 37%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2019, cả nước có 63,2 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 30,5% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với 255 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 29,4%. Để khắc phục tình trạng thiếu đói, từ đầu năm, các cấp, các ngành, các tổ chức từ Trung ương đến địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 3,6 nghìn tấn gạo.

b) Tình hình dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm

Trong tháng Năm, cả nước có 2,9 nghìn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (1 trường hợp tử vong); 6,8 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết;
57 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do vi rút (4 trường hợp tử vong); 4 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do mô cầu; 5,7 nghìn trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 1,2 nghìn trường hợp mắc sởi dương tính; 220 người bị ngộ độc thực phẩm (2 người tử vong). Tính chung 5 tháng đầu năm, cả nước có gần 14,4 nghìn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (2 trường hợp tử vong); 58,2 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (3 trường hợp tử vong); 187 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do vi rút (8 trường hợp tử vong); 11 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do mô cầu; 21,8 nghìn trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó 3,4 nghìn trường hợp mắc sởi dương tính (1 trường hợp tử vong); 806 người bị ngộ độc thực phẩm (5 người tử vong).

Tổng số người nhiễm HIV của cả nước hiện còn sống tính đến thời điểm 18/5/2019 là 209,28 nghìn người và số trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS là 96,29 nghìn người; số người tử vong do HIV/AIDS của cả nước tính đến thời điểm trên là 98,29 nghìn người.

c) Tai nạn giao thông

Trong tháng (từ 16/4 đến 15/5), trên địa bàn cả nước đã xảy ra 1.326 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 713 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 613 vụ va chạm giao thông, làm 558 người chết, 409 người bị thương và 666 người bị thương nhẹ. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông tháng Năm giảm 9,8% (Số vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên giảm 8,4% và số vụ va chạm giao thông giảm 11,4%); số người chết giảm 18,9%; số người bị thương giảm 0,7% và số người bị thương nhẹ giảm 6,7%. Đáng lưu ý là trong tháng đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, vụ tai nạn ngày 21/4 tại Bình Dương làm 2 người chết và 1 người bị thương; vụ tai nạn ngày 29/4 tại Lạng Sơn giữa xe khách và xe đầu kéo làm 1 người chết và 5 người bị thương; vụ tai nạn ngày 1/5 tại hầm Kim Liên, Hà Nội giữa xe ô tô và xe máy làm 2 người chết; vụ tai nạn ngày 5/5 trên quốc lộ 21 đoạn qua Hà Nội của xe tải quân dụng làm 30 người bị thương; vụ tai nạn xe khách xảy ra ngày 11/5 tại Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế làm 18 người bị thương, trong đó có nhiều người là khách du lịch nước ngoài; vụ tai nạn ngày 15/5 tại Quảng Bình giữa xe máy và xe tải làm 2 người chết.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn cả nước xảy ra 6.779 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 3.632 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 3.147 vụ va chạm giao thông, làm 3.128 người chết, 2.024 người bị thương và 3.230 người bị thương nhẹ. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông trong 5 tháng đầu năm nay giảm 9,5% (Số vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên giảm 6,4%; số vụ va chạm giao thông giảm 12,8%); số người chết giảm 10%; số người bị thương tăng 1,8% và số người bị thương nhẹ giảm 14,4%. Bình quân 1 ngày trong 5 tháng đầu năm, trên địa bàn cả nước xảy ra 45 vụ tai nạn giao thông, gồm 24 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 21 vụ va chạm giao thông, làm 21 người chết, 13 người bị thương và 21 người bị thương nhẹ.

d) Thiệt hại do thiên tai

Thiên tai xảy ra trong tháng 5/2019 chủ yếu là mưa đá, giông lốc và sạt lở đất tại một số địa phương vùng Trung du miền núi phía Bắc, Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, làm 5 người chết, 9 người bị thương; 106 ngôi nhà bị sập đổ và 5,6 nghìn ngôi nhà bị tốc mái và hư hỏng; 7,7 nghìn ha lúa và hoa màu bị hư hỏng. Theo báo cáo sơ bộ từ các địa phương, tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra trong tháng ước tính hơn 177 tỷ đồng. Tính chung 5 tháng đầu năm, thiên tai làm 15 người chết và mất tích, 28 người bị thương; 533 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi; 18 nghìn ngôi nhà bị tốc mái và hư hỏng; 15,3 nghìn ha lúa và hoa màu bị hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai xảy ra trong 5 tháng ước tính 372 tỷ đồng.

e) Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ

Trong tháng Năm, cơ quan chức năng đã phát hiện 1.185 vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 1.024 vụ với tổng số tiền phạt gần 8,5 tỷ đồng. Tính chung 5 tháng đầu năm đã phát hiện 4.204 vụ vi phạm môi trường trên địa bàn cả nước, trong đó xử lý 3.686 vụ với tổng số tiền phạt 39,7 tỷ đồng.

Trong tháng 5/2019, trên địa bàn cả nước xảy ra 304 vụ cháy, nổ, làm 11 người chết và 9 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính 219 tỷ đồng. Tính chung 5 tháng đầu năm nay, cả nước xảy ra 1.581 vụ cháy, nổ, làm 55 người chết và 83 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính hơn 484 tỷ đồng./.

 

NGUỒN: TỔNG CỤC THỐNG KÊ

https://www.gso.gov.vn/ItemPreview.aspx?ItemID=19196


[1] Trong đó: 3 nghìn ha đất thu hồi, giải tỏa để làm khu công nghiệp, làm đường, xây dựng cơ sở hạ tầng khu du lịch, khu đô thị mới; chuyển đổi 2,9 nghìn ha sang trồng cây lâu năm, hơn 0,8 nghìn ha chuyển sang trồng cây hàng năm khác và 0,9 nghìn ha sang nuôi trồng thủy sản; còn lại không gieo trồng do thiếu lao động hoặc thiếu nước tưới.

[2] Tính đến ngày 23/5/2019, dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra tại 40/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy là 1,7 triệu con, chiếm 6,1% tổng đàn.

[3] Chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Năm các năm 2015-2019 lần lượt như sau: 110,2%; 111,5%; 109,1%; 109,1%; 111,6%.

[4] Do một công ty sản xuất linh kiện điện tử sử dụng dây chuyền công nghệ tự động hóa nên giảm số lượng lao động và một công ty sản xuất thiết bị điện làm ăn thua lỗ chuẩn bị giải thể.

[5] Do một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử; đồ chơi trẻ em và sản xuất thép giảm số lượng lao động.

[6] Nguồn: Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

[7] Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 5 tháng các năm 2015-2019 lần lượt là: 36.055 DN; 44.740 DN; 50.534 DN; 52.322 DN; 53.998 DN.

[8] So với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp giảm 3%; số vốn đăng ký tăng 21,4%.

[9] 5 tháng năm 2018, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước; số vốn đăng ký tăng 6,4%; vốn đăng ký bình quân 1 doanh nghiệp tăng 2,8%.

[10] Tốc độ tăng vốn đầu tư từ nguồn NSNN tháng Năm so với cùng kỳ năm trước: năm 2016 là 13,1%; năm 2017 là 8,8%; năm 2018 là 8%; năm 2019 là 1,4%. Tốc độ tăng vốn đầu tư từ nguồn NSNN 5 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước: năm 2016 là 12,1%; năm 2017 là 5,5%; năm 2018 là 9,3%; năm 2019 là 3,1%.

[11] Số dự án cấp mới 5 tháng các năm 2017-2019 lần lượt là: 939 dự án; 1.076 dự án; 1.363 dự án. Vốn đăng ký cấp mới 5 tháng các năm 2017-2019 lần lượt là: 5,6 tỷ USD; 4,7 tỷ USD; 6,5 tỷ USD.

[12] Tháng Tư ước tính nhập siêu 700 triệu USD.

[13] Trong đó, xuất siêu sang EU đạt 11,6 tỷ USD, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 16,2 tỷ USD, tăng 45,9%; nhập siêu từ Hàn Quốc 11,3 tỷ USD, giảm 3,6%; nhập siêu từ ASEAN 3,3 tỷ USD, tăng 25,7%.

[14] Tốc độ tăng CPI bình quân 5 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước các năm 2017-2019 lần lượt là: 4,47%; 3,01%; 2,74%.

[15] Trong đó: Nhóm lương thực giảm 0,37% do giá gạo giảm 0,5%; nhóm thực phẩm tăng 0,11%, mặc dù giá thịt lợn giảm 0,6% nhưng giá nhóm thực phẩm vẫn tăng chủ yếu do giá thịt bò tăng 0,14%; giá thịt gia cầm tươi sống tăng 0,3%; giá thủy sản tươi sống tăng 0,49%; giá rau tươi tăng 0,95%.

[16] Do nhóm giá sách giáo khoa tăng 0,65%.