VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Điểm nóng

“Cuộc chơi mới” của doanh nghiệp - Kỳ I: Chậm sẽ mất cơ hội

18/12/2018 - 355 Lượt xem

Tâm điểm của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chính là các nhà máy thông minh. Vì vậy, nếu các doanh nghiệp vẫn giữ mô hình sản xuất cũ, sẽ tụt hậu và bị đào thải khỏi thị trường hoặc tự cô lập mình thành những “ốc đảo” riêng biệt. 

Tạo sự chuyển đổi mạnh về chất

Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 dựa trên nền tảng số hóa của cuộc CMCN 3.0 nhưng mang bản chất khác, sẽ làm thay đổi căn bản nền sản xuất, gia tăng sức mạnh của các quốc gia, doanh nghiệp (DN) dựa chủ yếu vào công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Là chuyên gia có gần 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, ông Phan Thanh Sơn - Giám đốc Công nghệ Công ty Hệ thống thông tin FPT cho biết, trước đây khi nói về cách mạng công nghiệp, chúng ta chỉ ám chỉ đến các ngành công nghiệp thuần túy, nhưng với công nghiệp 4.0 hay công nghiệp thông minh rộng hơn rất nhiều bao gồm cả các ngành công nghiệp không khói, công nghiệp dịch vụ, thậm chí nông nghiệp như một ngành công nghiệp.

Công nghiệp thông minh thể hiện một quá trình chuyển đổi số của DN, để trở thành những DN số hoặc DN được tạo nên một tầm mới nhờ chuyển đổi số. Ví dụ như Grap - một DN cung cấp dịch vụ vận tải và tiến tới cung cấp dịch vụ logistics, dù không hoàn toàn sở hữu bất kỳ một tài sản vật lý nào như ô tô, xe máy… nhưng họ vẫn nắm trong tay một hệ thống vận tải hùng hậu.

Ông Phan Thanh Sơn khẳng định, trong cuộc CMCN 4.0, công nghệ sẽ tạo ra phương thức sản xuất khác và phương thức sản xuất sẽ ảnh hưởng tới lực lượng sản xuất. Chẳng hạn, khi chúng ta nói về sản xuất bằng các hệ thống tự động hóa, robot, trí tuệ nhân tạo (Al), in 3D… sẽ phát sinh ra lực lượng sản xuất mới, không còn chỉ là con người mà còn bao gồm máy móc thông minh.

“Quá trình chuyển đổi số sẽ thay đổi luôn mô hình kinh doanh, cách vận hành DN và thậm chí thay đổi luôn cách tư duy, kỹ năng, lực lượng lao động” - ông Phan Thanh Sơn nhấn mạnh và cho rằng, nếu DN không chuyển đổi số nghĩa là vẫn giữ nguyên mô hình cũ chắc chắc sẽ tụt hậu và đến một lúc nào đó sẽ trở thành “ốc đảo” và bị đào thải trong cuộc chơi mới. Nhất là trong bối cảnh Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu như tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Cộng đồng kinh tế ASEAN… Theo đó, nền kinh tế sẽ mở cửa cho tất cả quốc gia cũng như các DN. Tuy nhiên, các DN đến từ các quốc gia có định hướng chuyển đổi số rất mạnh mẽ, vì vậy họ có cơ hội tốt hơn các DN trong nước.

Nguy cơ bỏ lỡ “chuyến tàu” 4.0

Theo ông Phan Thanh Sơn, kết quả cuối cùng của chuyển đổi số chính là tạo ra sản phẩm tốt, giá thành rẻ, năng suất cao, đi kịp với thời đại. Nếu ở cuộc CMCN lần thứ 2 là sản xuất hàng loạt và mọi người phải lựa chọn trên những gì nhà sản xuất cung cấp, nhưng ở cuộc CMCN lần thứ 4, sẽ cá nhân hóa ở mức độ cực đại. Tức là trong một dây chuyền sản xuất, từng đơn thể sản phẩm được cá nhân hóa cho từng khách hàng.

 “Chẳng hạn, trong một dây chuyền sản xuất có hàng nghìn bình uống trà đang đi ra, nhưng mỗi bình ấy sẽ được thiết kế màu sắc, kiểu dáng cho từng khách hàng khác nhau, không còn giống nhau hàng loạt” - ông Phan Thanh Sơn ví dụ và khẳng định, sự khác biệt trong cuộc CMCN lần thứ 4 so với các lần trước đó là sự thay đổi rất nhanh, không có đủ thời gian cho DN nhìn ngó xung quanh, chờ đợi cho đến khi nó định hình, hoặc đã trở thành một cái gì đó có thể copy dễ dàng mới tiến hành chuyển đổi số.

Đây không phải cuộc chơi cho những người đi chậm, mặc dù việc làm ngay có thể có những thất bại đầu tiên nhưng chính từ những thất bại đó, DN sẽ có những thành công trong tương lai. Còn nếu DN chờ đợi người khác làm trước, có thể sẽ biến mất luôn. “Tư duy này chưa thể hiện rõ trong một số lớn DN, nó mới chỉ xuất hiện ở một số nhỏ DN sẵn sàng đặt tay ngay vào hành động” - ông Phan Thanh Sơn bày tỏ.

Đồng tình với quan điểm này, ông Võ Hồng Kỳ - Giám đốc Siemens PLM tại Việt Nam chia sẻ, trong quá trình đưa các giải pháp giúp sản xuất thông minh tới các DN chúng tôi nhận thấy, các DN họ rất ngại thay đổi do không muốn dây chuyền sản xuất phải ngừng trong một thời gian ngắn để nâng cấp hệ thống, điều này sẽ gây thiệt hại đến họ. Đó là lý do tại sao các giải pháp công nghệ mới chậm đến với khách hàng. Chỉ khi các DN gặp thách thức về cạnh tranh với việc lợi nhuận của sản phẩm ngày càng giảm, thị phần càng ngày càng ít đi, chi phí sản xuất ngày càng cao do dây chuyên công nghệ cũ kỹ… họ bị áp lực phải thay đổi, chứ không phải tự nhiên họ muốn thay đổi.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Đỗ Đức Hậu - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Advantech Việt Nam Technology nhận định, trước tốc độ phát triển như vũ bão của cuộc CMCN 4.0, trong vòng 2 - 3 năm tới, nếu các DN không có sự đầu tư, chính sách đổi mới công nghệ, có thể sẽ bị đào thải. Do đó, các DN Việt Nam phải nhanh chóng đổi mới công nghệ nâng cao năng lực cạnh tranh, còn nếu như chậm chân, chắc chắn DN sẽ bị thua cuộc ngay trên sân nhà khi chúng ta mở cửa thị trường theo cam kết của các hiệp định thương mại tự do…/.

Nguồn: baocongthuong