VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Hội nhập kinh tế quốc tế

CPTPP - Kỳ vọng và thách thức mới với ngành tài chính

22/12/2018 - 230 Lượt xem

Chiều ngày 12-11-2018, Quốc hội nước ta đã biểu quyết với tỷ lệ 100% đồng ý thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.

CPTPP được coi là Hiệp định thương mại tự do lớn thứ ba thế giới hiện nay; CTPP với tổng dân số 500 triệu người, tổng GDP vượt trên 10.000 tỉ USD, chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu và khoảng 14% tổng thương mại thế giới (so với TPP gồm 800 triệu dân, 40% GDP và hơn 30% thương mại toàn cầu). Kế thừa tinh thần TPP, CPTPP là Hiệp định có những tiêu chuẩn cao, tham vọng, toàn diện và cân bằng với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ tạo ra và duy trì việc làm; tăng cường đổi mới, năng suất, và sức cạnh tranh; nâng cao mức sống; giảm đói nghèo ở các nước ký kết; đồng thời thúc đẩy quản lý hiệu quả, minh bạch, bảo vệ người lao động, bảo vệ môi trường. Mục tiêu cuối cùng là mở cửa thương mại và hội nhập cho toàn khu vực. Việc ký kết, thực thi và khai thác CPTPP, cùng với các FTA khác, được kỳ vọng sẽ kéo theo những chuyển dịch mới cả về kinh tế và địa chính trị khu vực và thế giới…!

 CPTPP là kết quả sự nỗ lực vượt qua chính mình của 11 thành viên TPP, khẳng định xu hướng tiếp tục của tự do hóa thương mại đầu tư quốc tế và gửi đi thông điệp mạnh mẽ về sự cấp thiết và quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, tạo thuận lợi cho phát triển thương mại và tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Hiệp định CPTPP có mức độ cam kết cao và sẽ có hiệu lực từ 31/12/2018. CPTPP khi có hiệu lực sẽ thúc đẩy xu hướng hợp tác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương; đem lại lợi ích cho tất cả các nước tham gia và tác động toàn diện về chính trị, an ninh quốc gia, chiến lược đối ngoại, kinh tế, xã hội của nước ta.

Các cam kết thuộc lĩnh vực dịch vụ tài chính của CPTPP hướng tới đẩy mạnh sự phát triển của thị trường dịch vụ tài chính ở các nước thành viên, trong đó có Việt Nam gồm:  (i) Mở rộng cam kết về mở cửa thị trường đi kèm với cơ chế minh bạch hóa tạo cơ hội tiếp cận thị trường tốt hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài;  (ii) Áp dụng cơ chế bảo hộ đầu tư nhằm đảm bảo đầy đủ lợi ích của các nhà đầu tư; (iii) Đảm bảo không gian chính sách để thực hiện các biện pháp quản lý thận trọng nhằm xây dựng một nền tài chính vĩ mô ổn định.. So với cam kết WTO, Việt Nam cam kết mở cửa bổ sung đối với một số loại hình dịch vụ mới như: (i) mở cửa dịch vụ nhượng tái bảo hiểm qua biên giới; (ii) dành đối xử quốc gia cho các nhà cung cấp dịch vụ chứng khoán nước ngoài đối với một số dịch vụ như xử lý dữ liệu tài chính qua biên giới; dịch vụ tư vấn và các dịch vụ phụ trợ qua biên giới liên quan tới giao dịch tài khoản tự doanh hoặc tài khoản của khách hàng;  (iii) mở cửa dịch vụ quản lý danh mục đầu tư qua biên giới.

Như vậy, tự do hóa tài chính trong khuôn khổ CPTPP rất cao dù các nước thành viên được quyền chủ động thực hiện các biện pháp củng cố tính ổn định tài chính và tính thống nhất của hệ thống tài chính của mình, bao gồm những quy định ngoại lệ mà các quốc gia thành viên xem xét một cách thận trọng và những quy định ngoại lệ về các biện pháp không phân biệt đối xử trong quá trình thiết lập và thực thi các chính sách tiền tệ hay các chính sách khác. Việt Nam cũng như các nước được áp dụng các ngoại lệ cần thiết, gồm các biện pháp thận trọng bảo vệ an ninh quốc gia, quyền lợi và thông tin cá nhân; chính sách về tỷ giá, tiền tệ nhằm đảm bảo môi trường đầu tư ổn định, an toàn. Thực thi CPTPP, trong đó có các cam kết về dịch vụ tÀi chính nêu trên sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về cạnh tranh tại Việt Nam, từ đó thu hút, thúc đẩy các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, bao gồm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kinh doanh tại Việt Nam khi môi trường kinh doanh được đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và không phân biệt đối xử. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng được đảm bảo khi tham gia cạnh tranh với các doanh nghiệp khác trên thị trường các thành viên khác; giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hình thành và thấm nhuần văn hóa cạnh tranh, nâng cao nhận thức về cạnh tranh lành mạnh và có ý thức tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; tạo điều kiện nâng cao trình độ và năng lực của cơ quan thực thi pháp luật cạnh tranh của Việt Nam thông qua các cơ chế về hợp tác, trao đổi thông tin, tham vấn về những vấn đề liên quan đến cạnh tranh giữa các nước thành viên trong quá trình thực thi cam kết.

Thực thi CPTPP cũng đặt ra thách thức đối mặt với nhiều vụ việc cạnh tranh có tính chất phức tạp, hành vi phản cạnh tranh đa dạng và tinh vi trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng trong thời gian tới. Đồng thời, thách thức cũng đến từ những hạn chế của Việt Nam, như: Thị trường vốn có quy mô còn quá nhỏ, thanh khoản yếu, thiếu hấp dẫn, chưa đủ khả năng thu hút mạnh các dòng vốn đầu tư nước ngoài, nhất là các dòng vốn lớn; Quy mô vốn của thị trường tiền tệ còn chưa tương xứng, nhất là quy mô vốn của hệ thống NHTM còn nhỏ; Quy mô thị trường bảo hiểm còn ở mức khá nhỏ, tỉ lệ doanh thu phí trên GDP mới chỉ đạt mức xấp xỉ 2% so với mức trung bình 3,2% trong khu vực ASEAN và 6,5% trên toàn thế giới; Tồn tại tình trạng mất cân đối giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ dễ dẫn đến nguy cơ mất thanh khoản của ngân hàng.; Nợ xâu và xử lý nợ xấu còn nhiều bất cậ; Lòng tin vào quản trị và chất lượng dịch vụ hệ thống NHTM còn thấp; Mất cân đối về cấu trúc giữa thị trường cổ phiếu và trái phiếu; Mất cân đối giữa hoạt động tín dụng và các dịch vụ ngân hàng phi tín dụng; Mất cân đối giữa thị trường vốn ngắn hạn và dài hạn; Bất hợp lý về cơ cấu giữa tài chính nhà nước, tài chính doanh nghiệp và tài chính dân cư; Trình độ thị trường còn ở mức thấp, ý thức tuân thủ luật pháp còn hạn chế, chế tài xử lý vi phạm chưa có tính răn đe cao. Các tác động sâu của CPTPP đến nền kinh tế sẽ tùy thuộc vào sự chuẩn bị và khả năng khai thác tính hai mặt trong quá trình triển khai Hiệp định này của Việt Nam…

Với tinh thần đó, Quốc hội đã giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan hoàn thành thủ tục phê chuẩn Hiệp định CPTPP và thông báo thời điểm có hiệu lực đối với Việt Nam. Các tổ chức, cơ quan có liên quan rà soát các dự án luật, văn bản pháp luật khác để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới kịp thời, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và đúng lộ trình thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP. Thủ tướng chịu trách nhiệm phê duyệt và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan ở trung ương và địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP. Chính phủ cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực để bảo đảm tận dụng và phát huy các cơ hội, lợi ích mà Hiệp định CPTPP đem lại và xây dựng các biện pháp phòng ngừa và xử lý những tác động bất lợi có thể phát sinh trong quá trình thực hiện Hiệp định CPTPP…/.

Nguồn: TS. Nguyễn Minh Phong (https://kinhtetrunguong.vn/web/guest/kinh-te-xa-hoi/-/view_content/content/1805167/cptpp-ky-vong-va-thach-thuc-moi-voi-nganh-tai-chinh)